HSBC hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam xuống 6,3%
Phạm Nguyên nhận được 9,3 triệu đôla từ quỹ đầu tư Nhật Bản
Vì sao ai ai cũng nói về yên Nhật?
Đầu tư 200 triệu USD cho dự án tiết kiệm năng lượng công nghiệp
Giá dầu thế giới tăng, OPEC sớm đóng băng sản lượng
Tin kinh tế đọc nhanh tối 07-04-2016
- Cập nhật : 07/04/2016
Thương vụ M&A lớn nhất lịch sử ngành dược đổ bể
Bloomberg trích dẫn nguồn tin uy tín cho biết, Pfizer Inc. đã quyết định chấm dứt phi vụ mua lại Allergan Plc, khiến vụ sáp nhập lớn nhất trong lịch sử ngành y tế đổ bể.
Người đưa tin giấu mặt cho biết Pfizer sẽ phải bồi thường cho Allergan 400 triệu USD để bù đắp các chi phí phát sinh từ vụ việc này. Allergan là một công ty hoạt động tại New Jersey nhưng có trụ sở chính tại Dublin (Ireland). Mục đích chính của vụ M&A này là để Pfizer có thể chuyển trụ sở sang Dublin - nơi có mức thuế thấp hơn.
Hôm thứ 2 vừa qua Mỹ vừa thông qua luật mới giới hạn khả năng tham gia vào các giao dịch đảo trụ sở của các công ty. Kể từ khi luật thuế mới được thay đổi vào năm 2014, cách thông dụng mà các công ty Mỹ thường dùng để có địa chỉ tại nước ngoài là mua lại một công ty nhỏ hơn tại nước ngoài và sử dụng địa chỉ của công ty đó. Tuy nhiên Luật mới quy định công ty ở nước ngoài phải có quy mô hoạt động bằng ít nhất một phần tư quy mô hoạt động của công ty tại Mỹ.
Những người hiểu biết về vấn đề trên cho rằng Pfizer đang đương đầu với các luật lệ mới ban hành của Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Kể từ khi vụ việc được công bố vào tháng mười một năm ngoái, giao dịch Pfizer-Allergan đã thu hút nhiều lời bình từ các quan chức công của Mỹ và từ các cử chi của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Ông Obama phát biểu với báo giới vào thứ ba rằng các vụ đảo trụ sở khiến “những người Mỹ lao động vất vả cảm thấy không công bằng”. Đã có 53 công ty Mỹ chuyển trụ sở của họ sang nước ngoài từ năm 1982 và kể từ năm 2012, con số đó là 22 công ty.
Fed khó có thể tăng lãi suất trước tháng Sáu
Biên bản cuộc họp chính sách của FOMC diễn ra ngày 15-16/3 vừa được công bố cho thấy, dường như Fed khó có thể tăng lãi suất trước tháng Sáu do lo ngại với dư địa hạn hẹp hiện nay khó có thể chống đỡ được tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu.
Biên bản cho thấy, các nhà hoạch định chính sách của Fed cũng đã cân nhắc về khả năng tăng lãi suất trong tháng Tư. Nhưng không ít thành viên tỏ ra lo ngại những tác động tiêu cực đối với sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ có thể sẽ kéo dài, vì vậy nên thận trọng về việc tăng lãi.
"Nhiều thành viên nhìn nhận, diễn biến kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu hiện nay có thể tiếp tục gây ra những rủi ro (cho kinh tế Mỹ - PV)", Biên bản nêu rõ.
Các nhà hoạch định chính sách đã phát đi tín hiệu vào cuối phiên họp tháng Ba rằng họ dự kiến sẽ tăng lãi suất hai lần vào năm 2016, nhưng thời điểm của các lần tăng lãi suất này vẫn chưa được tính đến.
Cũng theo Biên bản, nhiều thành viên Fed tỏ ra quan ngại dư địa chính sách của Fed hiện là khá hạn chế để có thể đối phó với những cú sốc từ nước ngoài do hiện lãi suất đã gần bằng không.
"Nhiều thành viên chỉ ra rằng, trong bối cảnh rủi ro toàn cầu tăng cao và sự bất cân xứng của chính sách tiền tệ hiện nay, càng nên thận trọng”, Biên bản cho biết.
Trong khi đó thị trường đang nghi ngờ việc Fed có thể thực hiện tất cả các lần tăng lãi suất trong năm nay như dự kiến, và Biên bản cuộc họp chính sách này càng củng cố thêm niềm tin của các nhà đầu tư. Theo đó, hiện các nhà đầu tư đang đặt cược cao vào khả năng Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 12/2016 và không có cơ hội tăng lãi suất tại cuộc họp diễn ra vào ngày 26-27/4 tới.
Sở dĩ như vậy khi theo Biên bản, không ít các nhà hoạch định chính sách cho rằng kinh tế Mỹ sẽ phải đối mặt với rủi ro cao nếu tăng lãi suất trong tháng Tư. Trong khi chỉ một số nhỏ thành viên cho rằng việc tăng lãi suất có thể được xem xét tại cuộc họp vào cuối tháng Tư.
Còn nhớ phát biểu trước Câu lạc bộ kinh tế New York ngày 29/3 vừa qua, Chủ tịch Fed Janet Yellen đã nói rằng, việc tăng lãi suất sẽ được “tiến hành một cách thận trọng”. Quan điểm này đã được Thống đốc Fed Lael Brainard đưa ra hồi cuối năm ngoái và gần đây đã nhận được sự đồng tình của Chủ tịch Fed St Louis James Bullard, người trước đó vốn đã than phiền Fed có thể tăng lãi suất quá chậm.
Bullard cho biết hôm thứ Tư rằng, các dữ liệu gần đây mang đến một bức tranh hỗn hợp về nền kinh tế và điều đó có thể gây khó khăn cho Fed trong việc đưa ra quyết định tăng lãi suất trong tháng này.
Được biết, Fed đã quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên sau gần 1 thập kỷ lên 0,25 – 0,5% tại cuộc họp chính sách cuối năm 2015 và vẫn giữ ổn định mức lãi suất này trong hai kỳ họp gần đây hồi tháng Giêng và tháng Ba.
Công ty kính nổi Chu Lai được tiếp tục nhập khẩu săm lốp ô tô cũ
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với kiến nghị của các Bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, UBND tỉnh Ninh Bình về việc cho phép Công ty cổ phần Kính nổi Chu Lai - INDEVCO tiếp tục được nhập khẩu săm lốp ô tô, cao su đã qua sử dụng, bổ sung nguồn thu mua trong nước còn thiếu để sản xuất nhiên liệu tại Nhà máy xử lý phế thải cao su và plastic tại xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình phục vụ hoạt động sản xuất kính xây dựng; thời gian thực hiện đến hết năm 2021.
Trước mắt, cho phép Công ty INDEVCO nhập khẩu khối lượng không quá 260.000 tấn trong thời hạn 02 năm kể từ ngày được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Công ty INDEVCO nhập khẩu đúng chủng loại, khối lượng, sử dụng đúng mục đích; tuân thủ các yêu cầu của pháp luật về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu và trong hoạt động sản xuất; mở rộng việc thu mua phế liệu, phế thải trong nước tiến tới thay thế nhập khẩu.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sau thời hạn 2 năm được phép nhập khẩu săm lốp ô tô, cao su đã qua sử dụng nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đánh giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình nhập khẩu, tái chế săm lốp ô tô, cao su đã qua sử dụng và điều kiện bảo vệ môi trường của Nhà máy để có căn cứ xem xét, cho phép tiếp tục nhập khẩu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra điều kiện hoạt động bảo vệ môi trường và cấp Giấy xác nhận điều kiện bảo vệ môi trường trong quá trình xử lý phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất theo quy định.
Hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Ninh Bình kiểm tra, giám sát và đánh giá hoạt động nhập khẩu, công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất, báo cáo theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn Công ty INDEVCO về thuế nhập khẩu, thủ tục nhập khẩu, thông quan tại các cửa khẩu; UBND tỉnh Ninh Bình có trách nhiệm giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu và hoạt động sản xuất của Công ty INDEVCO theo đúng quy định.
Nhà đầu tư "không còn chỗ trú ẩn" trong "cơn bão" lợi nhuận giảm
Đó là nhận định vừa được đưa ra bởi các chuyên gia nghiên cứu tại Viện Tài chính quốc tế - cơ quan có trụ sở ở Washington đại diện cho 500 định chế tài chính đến từ 70 quốc gia khác nhau.
Khắp nơi trên thế giới các doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng lợi nhuận sụt giảm. Đây không chỉ là tin xấu đối với kinh tế toàn cầu mà còn đối với cả các thị trường chứng khoán.
Đây là nhận định vừa được đưa ra bởi các chuyên gia nghiên cứu tại Viện Tài chính quốc tế - cơ quan có trụ sở ở Washington đại diện cho 500 định chế tài chính đến từ 70 quốc gia khác nhau.
Trong bản báo cáo tháng 4, giám đốc điều hành của IIF là Hung Tran và đội ngũ của ông cho rằng nguyên nhân khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp trên toàn cầu sụt giảm là do sản lượng tăng trưởng yếu, lực cầu cũng yếu ớt và các doanh nghiệp không có khả năng định giá. Các công ty Mỹ cũng bị “đốn ngã” bởi chi phí lao động đang tăng lên sau khi tăng cường tuyển dụng.
Nền kinh tế ảm đạm trong thời gian dài khiến các doanh nghiệp không còn chỗ để bấu víu. “Trong quá khứ, nếu thị trường nội địa không hoạt động tốt, bạn có thể bù đắp bằng các khoản đầu tư ở nước ngoài. Tuy nhiên hiện nay lợi nhuận ở cả trong và ngoài nước đều sụt giảm mạnh”.
Lợi nhuận của các doanh nghiệp trên toàn cầu đang sụt giảm, dù ở các thị trường đã phát triển hay thị trường mới nổi
Lợi nhuận suy yếu lại khiến nguy cơ suy thoái kinh tế tăng lên. IIF nhận định có tới 30 – 35% khả năng kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong 2 năm tới, tăng so với mức dự báo 20 – 25% trước đây.
Vì những lý do này, Tran hoài nghi về khả năng chứng khoán toàn cầu có thể duy trì đà hồi phục như thời gian vừa qua. “Với quá nhiều áp lực đè nặng lên lợi nhuận trong tương lai gần, áp lực giảm điểm đè nặng lên thị trường là rất lớn”, báo cáo của IIF có đoạn.
Diễn biến của các thị trường chứng khoán mới nổi và phát triển từ năm 1999 đến nay
Alibaba chính thức vượt mặt Walmart trở thành nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, giấc mơ bá chủ trong tầm tay
Theo hồ sơ nộp lên Uỷ Ban chứng khoán và hối đoán Mỹ (SEC) vào ngày thứ 3 vừa qua, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba tuyên bố rằng họ chính thức trở thành “nhà bán lẻ lớn nhất thế giới” trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3 xét trên phương diện Gross Merchandise Volume (GMV - tổng giá trị hàng hoá giao dịch) thông qua các nền tảng thương mại điện tử tại Trung Quốc của họ.
Công ty hiện vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý cũng như toàn bộ năm tài chính vừa qua nhưng tuyên bố này khiến nhiều người đồn đoán rất có thể doanh thu của họ sẽ vượt con số 482,1 tỉ USD mà Walmart đạt được trong năm tài chính kết thúc vào 31/3.
Hai tuần trước khi đưa ra thông báo này (ngày 21/3), Phó chủ tịch Alibaba Group là Joe Tsai cũng nhắc tới trong một bài viết cá nhân rằng: “Dù 10 ngày nữa mới hết năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2016 nhưng các nền tảng thương mại điện tử ở Trung Quốc của Alibaba đã đạt tổng giá trị khối lượng hàng hoá giao dịch lên tới 3 nghìn tỉ yuan, tương đương với khoảng 476 tỉ USD. Nếu coi những nền tảng này là một tỉnh, Alibaba sẽ là nền kinh tế lớn thứ 6 tại Trung Quốc”.
Còn nhớ riêng trong ngày Cô đơn (ngày hội mua sắm trực tuyến tại Trung Quốc) năm ngoái, Alibaba cũng thiết lập kỷ lục chưa từng có khi đạt doanh thu lên tới hơn 12 tỉ USD trong 1 ngày.
Suy luận từ đây nhiều chuyên gia dự đoán doanh thu của Alibaba có thể đạt gần 490 tỉ USD*, tức là hơn 8 tỉ USD so với mức doanh thu mà Walmart công bố.
Trong một tuyên bố khác từ Alibaba, tập đoàn này cho biết khối lượng giao dịch trực tuyến của họ chiếm khoảng 10% tổng lượng giao dịch bán lẻ tại Trung Quốc và trực tiếp tạo ra 15 triệu việc làm.
“Suốt 13 năm qua chúng tôi đã chứng minh sức mạnh của sự khác biệt giữa mô hình kinh doanh trực tuyến so với hình thức bán lẻ tại cửa hàng, siêu thị thông thường”.
Hiện tham vọng mà Alibaba đặt ra là đạt mức GMV 6 nghìn tỉ yuan vào năm 2020.