Deutsche Bank: USD sẽ tiếp tục tăng giá
Năm 2015, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,9 tỷ USD
Hơn 70% doanh nghiệp bán lẻ thờ ơ với các FTA thế hệ mới
Mối lo dòng vốn quốc tế thoái lui khỏi các thị trường mới nổi
Phát hành trái phiếu quốc tế, thời điểm chưa chín muồi
Tin kinh tế đọc nhanh tối 06-02-2016
- Cập nhật : 06/02/2016
Bộ Công Thương: Siết quản lý nhập khẩu ô tô là để bảo vệ người tiêu dùng
Bộ Công Thương cho biết, siết quản lý nhập khẩu ô tô là biện pháp quản lý nhập khẩu đối với mặt hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu, bên cạnh đó còn nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an toàn giao thông đường bộ.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình gửi ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII như sau:
“Ngày 12/5/2011, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống chưa qua sử dụng. Tại Điều 1 của Thông tư này quy định: Thương nhân phải nộp bổ sung Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật và Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp.
Theo lý giải của Bộ tại Thông tư này thì quy định bổ sung như trên là nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an toàn giao thông đường bộ.
Tuy vậy, về phía cử tri, đặc biệt là các doanh nghiệp cho rằng, quy định trên đã gây khó khăn cho đa số các doanh nghiệp kinh doanh xe ô tô nhập khẩu (loại 9 chỗ ngồi trở xuống), nhất là việc để được chỉ định hoặc ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh là cả một sự thách đố đối với nhiều doanh nghiệp. Theo đó, chỉ một số doanh nghiệp được độc quyền thao túng thị trường mặt hàng này, tạo nên sự thiếu lành mạnh trong cạnh tranh. Doanh nghiệp cho rằng, có dấu hiệu biểu hiện lợi ích nhóm trong vấn đề này.
Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm của Bộ trưởng trước phản ánh trên và cách điều chỉnh của Bộ trưởng sắp tới như thế nào?”.
Vấn đề Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương chất vấn, Bộ Công Thương trả lời như sau:
Trong quản lý nhập khẩu, ô tô chở người dưới 9 chỗ ngồi trở xuống được xếp vào nhóm hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu.
Năm 2011, trong bối cảnh nhập siêu tăng cao, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về việc các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất (Thông tư số 20/2011/TT-BCT).
Việc thực hiện Thông tư số 20/2011/TT-BCT nêu trên là biện pháp quản lý nhập khẩu đối với mặt hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu, góp phần kiềm chế nhập siêu, không tạo độc quyền và lợi ích nhóm.
Đồng thời, quy định này cũng nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an toàn giao thông đường bộ vì doanh nghiệp được ủy quyền đảm bảo cung cấp các sản phẩm đúng theo tiêu chuẩn của hãng sản xuất ra sản phẩm đó; cung cấp chế độ bảo hành đúng theo quy định của hãng sản xuất; thực hiện việc thay thế linh kiện, phụ kiện theo chương trình của hãng sản xuất trong trường hợp có những đợt triệu hồi với quy mô lớn.
Quy định này giúp tránh tình trạng hàng hóa nhập khẩu từ nhiều nguồn gốc khác nhau và không được hãng sản xuất bảo đảm về chất lượng sản phẩm, không được cung cấp chế độ bảo hành cũng như không cung cấp linh kiện, phụ tùng thay thế cho người tiêu dùng.
Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Thông tư số 20/2011/TT- BCT đã đi vào nề nếp, các vướng mắc liên quan đã được Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời giải quyết hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong những trường hợp vượt thẩm quyền và cơ bản không có phản ứng từ phía doanh nghiệp cũng như dư luận quốc tế liên quan đến việc triển khai thực hiện Thông tư.
Gia nhập TPP, canh cánh nỗi lo cạnh tranh
Số lần nộp thuế gấp 7 lần so với các nước khác; doanh nghiệp vẫn loay hoay suốt ngày lo gỡ khó trong khi nước người thì bàn về các giải pháp chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, về chính sách thông minh… Sức ép là cơ hội để chúng ta phải biết người, biết ta.
Năm 2015 “hội nhập” là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất. Rất nhiềuhiệp định thương mại quan trọng kết thúc đàm phán hay được ký kết, có hiệu lực. Các doanh nghiệp hơn bao giờ hết có đầy đủ cơ hội để tiếp cận các thị trường mới hấp dẫn hơn, triển vọng là các hàng rào thuế quan cơ bản được bãi bỏ.
Chấp nhận tham gia các “cuộc chơi” mới thể hiện cam kết quan trọng của Chính phủ phải điều chỉnh thể chế và chính sách phù hợp tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, là động lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình cải cách trong nước. Tuy nhiên, hội nhập không chỉ có sự háo hức mà còn rất nhiều nỗi lo.
Nỗi lo thứ nhất là thực lực của khu vực doanh nghiệp trong nước quá bé nhỏ. Hội nhập, mở cửa sẽ tạo ra sự cạnh tranh sòng phẳng và bình đẳng giữa các doanh nghiệp tại các nước và ngay chính “sân nhà”, không hạn chế bởi không gian địa lý nữa. Thế nhưng các doanh nghiệp tư nhân trong nước của Việt Nam so với thế giới đang quá bé nhỏ, thực sự đang yếu kém.
Dữ liệu từ cơ quan thuế cho thấy, những con số đáng ngại. Gần 85% số doanh nghiệp chính thức hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có doanh thu hằng năm dưới 20 tỷ đồng (tức chưa đầy 1 triệu USD), trong đó gần 42% có doanh thu hằng năm dưới 1 tỷ đồng, những con số quá bé nhỏ so với các nước. Quá bé nên không khai thác được các lợi thế về quy mô và đầu tư được bài bản khi ra sân chơi lớn.
Năm 2014 vừa rồi, theo số liệu từ Tổng cục Thuế gần 60% doanh nghiệp tư nhân khai báo kinh doanh không có lãi, không có lợi nhuận để đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tín hiệu đáng lo nữa là dường như quy mô bình quân của doanh nghiệp tư nhân trong nước không được cải thiện nếu không nói là đang nhỏ đi theo thời gian. Theo những điều tra và phân tích của VCCI thì động lực để doanh nghiệp tư nhân lớn lên không được duy trì. Đây thực sự là điều đáng ngại.
Điều tra doanh nghiệp hằng năm của VCCI cho thấy, doanh nghiệp tư nhân quy mô bé tiếp cận vốn, đất đai đang rất khó khăn, đắt đỏ. Các ưu đãi của nhà nước về đất đai, vốn dường như đang về tay các doanh nghiệp nhà nước lớn hay các doanh nghiệp nước ngoài. 1/3 doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ đang phải vay vốn tín dụng “đen” với lãi suất bình quân 45-50%/năm.
Các nước đang bàn về các giải pháp tăng hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, về chính sách thông minh… thì Việt Nam vẫn loay hoay với “tháo gỡ khó khăn” hay “giảm phiền hà” cho doanh nghiệp.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI
Điều tra về thuế và hải quan năm 2015 vừa qua của VCCI, điều trớ trêu doanh nghiệp tư nhân quy mô càng lớn thì chi phí tuân thủ tục hành chính càng cao: Phải đón tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra càng nhiều, nguy cơ bị xử phạt hành chính càng cao. Đó là chưa tính đến mức độ rủi ro, sự kém an toàn của tài sản của chủ doanh nghiệp tăng lên khi quy mô lớn lên…
Đã đành doanh nghiệp tư nhân vì mới hình thành, vì hiệu quả nên duy trì quy mô nhỏ. Nhưng đáng lo là sự liên kết giữa các doanh nghiệp còn quá yếu, quá lỏng lẻo và những thiết chế thúc đẩy sự liên kết này hầu như không hoạt động. Vẫn còn phổ biến tình trạng tranh mua, tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh lẫn nhau, dèm pha nói xấu dù hoạt động trong cùng ngành hàng.
Các hiệp hội doanh nghiệp thì mới được tạo điều kiện phát triển gần đây và hầu hết trong số đó đang gặp vấn đề về quản trị. Trong khi đó, tại các nước khác, các hiệp hội doanh nghiệp được tổ chức hoạt động rất chuyên nghiệp, đây là một yếu tố quan trọng tạo nên sức cạnh tranh của các doanh nghiệp các nước. Họ có thể cùng hợp tác chia sẻ nguồn lực trong khai mở thị trường mới, bảo vệ thị trường trong nước, xây dựng tiêu chuẩn ngành hàng, đào tạo nhân lực hay là tạo sức nặng vận động chính sách thuận lợi cho họ.
Thứ nữa là nỗi lo về chất lượng bộ máy, nhân lực, đặc biệt là trong khu vực công. Hơn bao giờ hết chất lượng chính sách, quy định của nhà nước và sự chuyên nghiệp trong thực thi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp.
Chính sách tốt hay tồi không chỉ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh mà còn quyết định đến khả năng sống sót của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam làm sao có thể cạnh tranh được khi thủ tục thuế các nước khác mất hơn 100 giờ một năm nhưng Việt Nam mất đến hơn 700 giờ theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới.
Hàng hoá từ Việt Nam làm sao đua tranh được về giá cả và thời gian giao hàng khi thông quan các nước tính bằng giờ đồng hồ mà ở Việt Nam mất đến 3-4 ngày, chưa kể rủi ro nằm kho hằng tháng vì những thủ tục đôi khi do mình tự tạo ra. Các nước đang bàn về các giải pháp tăng hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, về chính sách thông minh… thì Việt Nam vẫn loay hoay với “tháo gỡ khó khăn” hay “giảm phiền hà” cho doanh nghiệp.
Tất nhiên, bàn đến nỗi lo không phải là tự đóng cửa, tự chơi một mình một sân như trước đây. Sức ép là cơ hội để chúng ta không nên tự mãn mà phải biết người, biết ta, phải đi nhanh hơn, phải làm việc chăm chỉ hơn. Nếu như các nước nỗ lực một thì Việt Nam phải nỗ lực hai, ba, không còn con đường nào khác.
Lào sẽ tăng cường xuất khẩu điện sang Việt Nam trong vài tháng tới
Tờ Vientiane Times số ra ngày 3/2 đưa tin Lào sẽ tăng cường xuất khẩu điện sang Việt Nam trong vài tháng tới.
Báo trên dẫn lời ông Daovong Phonekeo, Cục trưởng Cục Kế hoạch và Chính sách Năng lượng, Bộ Năng lượng và Khai mỏ Lào cho biết trong năm nay, Lào sẽ bắt đầu xuất khẩu điện của nhà máy thủy điện Xekaman 1 sang Việt Nam.
Ông Daovong nói: “Theo kế hoạch, tổ máy đầu tiên của nhà máy thủy điện Xekaman 1 (gồm ba tổ máy), sẽ bắt đầu phát điện vào tháng tới, tổ máy thứ hai dự kiến sẽ phát điện sau đó 3 tháng và tổ máy cuối cùng dự kiến sẽ vận hành sau tổ máy số 1 khoảng 6 tháng.”
Dự kiến tới năm 2017, khu vực Nam Lào sẽ có thêm 4 nhà máy điện nữa đi vào hoạt động gồm các nhà máy Xekaman 4, Xekaman Sanxay, Xekong 3 và Xekong 3 Ha (phần lớn lượng điện do các nhà máy này sản xuất dự kiến sẽ được xuất khẩu sang Việt Nam).
Báo trên cũng cho biết hiện Myanmar đang hy vọng sẽ sớm được nhập khẩu khoảng 300 MW điện của Lào. Báo này dẫn lời Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Khai mỏ Lào, ông Viraphonh Viravong, cho biết Chính phủ Myanmar đã đưa ra đề xuất trên với Lào 2 tháng trước.
Hiện Lào đang nghiên cứu chi tiết dự án bao gồm hệ thống đường dây truyền tải điện và địa điểm điện sẽ được sử dụng.
Trước đó, trong báo cáo tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lần thứ X, Bộ trưởng Năng lượng và Khai mỏ Lào ông Khammany Inthirath cho biết Lào sẽ bắt đầu xuất khẩu điện sang Myanmar trong năm nay.
Theo ông Khammany, tính tới 2015, Lào đã chi khoảng 10 tỷ USD để xây 38 nhà máy thủy điện với tổng công suất lắp đặt là 6.265 MW, sản xuất ra lượng điện trên 33 tỷ kWh/năm, trong đó gần 80% được dành để xuất khẩu, chủ yếu là sang Thái Lan, tiếp đó là Việt Nam và Campuchia./.
Báo động ngành chăn nuôi
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc kết thúc đàm phán TPP với các tiêu chuẩn mới và cao về thương mại và đầu tư tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá là một bước quan trọng để tiến tới mục tiêu cao nhất về thương mại tự do và hội nhập trên toàn khu vực.
Theo đó, hàng nông sản của các nước có điều kiện thâm nhập vào Việt Nam sẽ làm cho nông sản trong nước bị cạnh tranh, ép giá, mất thị phần, làm giảm thu nhập của nông dân và doanh nghiệp. Ngoại trừ mặt hàng hồ tiêu, hạt điều, các mặt hàng khác như thịt gà, thịt lợn và ngành chăn nuôi nói chung sẽ phải đối mặt với khó khăn rất lớn.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, các cam kết gia nhập TPP sẽ là áp lực cực lớn đối với những doanh nghiệp ngành chăn nuôi cũng như với các hiệp hội, cơ quan quản lý của Việt Nam. Cụ thể, ngành chăn nuôi sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà cung cấp nước ngoài khi thuế nhập khẩu và các biện pháp phi thuế quan được cắt giảm và dỡ bỏ. Trong đó, những người sẽ dễ bị thiệt hại nhất là những nhà sản xuất các sản phẩm sữa, thịt bò, các sản phẩm từ gia cầm, thịt lợn và thịt gà.
Theo dự báo, đối với nhập khẩu, tổng nhập khẩu ngành chăn nuôi sẽ tăng mạnh sau khi TPP có hiệu lực. Trong đó, nhập khẩu các sản phẩm sữa từ các nước có thế mạnh là New Zealand và Mỹ sẽ tăng cao. Tuy nhiên, các sản phẩm thịt trâu, bò, và đại gia súc lại có xu hướng giảm nhập khẩu. Dự báo, nguồn thu thuế của Việt Nam đối với các sản phẩm thịt từ gia súc và các mặt hàng sữa và nguyên liệu sẽ có mức sụt giảm mạnh. Tính chung toàn ngành chăn nuôi, mức sụt giảm thu thuế ước tính lên tới 51,6 triệu USD, tương đương 0,038% GDP.
Ngoài ra, việc gia nhập TPP với cam kết dỡ bỏ toàn bộ hàng rào thuế quan sẽ khiến nguồn thu của ngành chăn nuôi thiệt hại từ 31,05-31,46 triệu USD tùy thuộc các kịch bản khác nhau. Ngoại trừ phân ngành thịt gà có mức thặng dư, tất cả các ngành khác đều có mức suy giảm đáng lo ngại. Trong đó, ngành sữa bột là ngành với mức suy giảm nhiều nhất, cỡ 20,3 triệu USD.
Để hỗ trợ ngành chăn nuôi cầm cự với cạnh tranh của TPP, theo đánh giá của các chuyên gia của VEPR, các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng các vùng chăn nuôi, quy tụ vùng nguyên liệu quy mô lớn, nhà máy thức ăn chăn nuôi, cụm trang trại, cơ sở giết mổ, các nhà máy chế biến và đóng gói. Cùng đó, cần xây dựng mạng lưới phân phối và bán lẻ để giảm chi phí vận chuyển.
Với TPP, trái cây Việt Nam sẵn sàng chinh phục thị trường khó tính
Rau quả được coi mà một trong những mặt hàng Việt Nam có lợi thế lớn nhất khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Năm qua, cũng đánh dấu những bước đi vượt bậc của trái cây Việt Nam khi đã mở cửa được nhiều thị trường khó tính, đặc biệt là các nền kinh tế lớn tham gia TPP như Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Với TPP cũng như nhiều Hiệp định thương mại tự do được thực thi, trái cây Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội "vàng" ra sao, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xung quanh vấn đề này.
- Để xuất khẩu được rau quả, một trong những yếu tố quan trọng nhất là phải kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Xin ông cho biết, công tác này đang được ngành triển khai như thế nào?
Ông Nguyễn Xuân Hồng: Những thị trường chiến lược nhất của rau quả Việt Nam là EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Chẳng hạn, Việt Nam và Trung Quốc vẫn có sự giao lưu bình thường, tuy nhiên vẫn còn những sản phẩm Việt Nam chưa xuất khẩu được sang thị trường này và vẫn có những vấn đề cần đàm phán như kiểm dịch thực vật.
Bên cạnh đó, Cục phải hướng dẫn doanh nghiệp biết được những thị trường đó yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm như thế nào. Bởi nếu doanh nghiệp không biết, sẽ bị các nước trả hàng về.
Chính bởi vậy, ngành sẽ tổ chức tuyên truyền, đối thoại với doanh nghiệp, phối hợp tốt với các tham tán thương mại ở các nước để tháo gỡ khó khăn. Nếu các nước nhập khẩu sử dụng hàng rào kỹ thuật như kiểm dịch không phù hợp với thông lệ quốc tế thì cần phải có ý kiến để bảo vệ doanh nghiệp.
Đồng thời, áp dụng các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ người tiêu dùng trong nước như hàng rào an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, không để các đối tượng dịch hại ở Việt Nam không có nhưng bị xâm nhập vào. Đó là trách nhiệm của ngành bảo vệ thực vật.
Năm nay, trách nhiệm của ngành là siết chặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, khuyến khích ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
- Vậy ngành đã có kế hoạch cụ thể như thế nào trong việc siết chặt sử dụng thuốc bảo vệ thực vật?
Ông Nguyễn Xuân Hồng: Giảm được thuốc bảo vệ thực vật không chỉ giảm chi phí mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh khi giảm được nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Do đó, thực hiện đề án phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) là rất quan trọng. Tức là dùng biện pháp sinh học để không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoặc là dùng thuốc ở mức độ rất ít. Phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam cắt giảm được 50% chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Rau quả Việt Nam xuất khẩu sang các nước còn 2 hàng rào kỹ thuật: một là an toàn thực phẩm, hai là kiểm dịch thực vật. Nếu vượt qua được hai hàng rào này thì có khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu.
Mỗi nước đều có một danh mục về đối tượng kiểm dịch thực vật. Do đó, các nước đều kiểm dịch thực vật rất chặt. Đối với an toàn thực phẩm còn có mức tồn dư cho phép nhưng kiểm dịch thực vật thì dù chỉ có một con thuộc đối tượng kiểm dịch cũng không được.
- Rau quả được coi là là mặt hàng có lợi thế trong TPP. Với các nước trong TPP, ông đánh giá thế nào về mức độ khó trong kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm?
Ông Nguyễn Xuân Hồng: Trong các thị trường chính, chiến lược của mặt hàng rau quả Việt Nam đều có Mỹ, Nhật Bản, Australia… Trái cây của Việt Nam đã được xuất khẩu sang đó rất nhiều như: thanh long, xoài, vải, nhãn.
Thị trường đã mở, vấn đề là làm sao Việt Nam phát triển sản xuất tốt, tổ chức sản xuất là rất quan trọng. Đồng thời làm thế nào để sản xuất được nhiều để gia tăng xuất khẩu nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật.
Năm nay, các thị trường xuất khẩu về trái cây vẫn rất rộng mở đối với Việt Nam. Trên thế giới, trái cây Việt Nam có chất lượng rất tốt và độc đáo, có nhiều sản phẩm dường như chỉ ở Việt Nam mới có và ngon như: nhãn, xoài, thanh long… Vấn đề còn lại là tổ chức sản xuất để đáp ứng được cả số lượng và an toàn thực phẩm.
- Với sự kiểm tra khắt khe của các thị trường như vậy, ông có khuyến cáo gì đối với doanh nghiệp khi tham gia xuất khẩu mặt hàng này?
Ông Nguyễn Xuân Hồng: Năm 2015, Việt Nam xuất khẩu thí điểm rất thành công nhiều mặt hàng và đặc biệt là sang các thị trường khó tính. Doanh nghiệp cứ theo nếp đó mà làm nhưng phải có sự giám sát rất chặt chẽ.
Riêng về kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ thực vật đã hỗ trợ được các đơn vị trong việc chiếu xạ, xử lý hơi nước nóng… và cơ bản là yên tâm. Quan trọng nhất cần lưu ý là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thực hành nông nghiệp tốt để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đã có những mô hình làm tốt, nay chúng ta chỉ nhân rộng và tổ chức sản xuất. Những mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân tiếp tục phải được nhân rộng.
Doanh nghiệp không chỉ cần hợp tác giữa doanh nghiệp với nông dân mà các doanh nghiệp cũng phải hợp tác với nhau. Nếu các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau bằng cách cố gắng hạ giá, bán các sản phẩm không đảm bảo yêu cầu sẽ làm mất uy tín của sản phẩm nước ta.
Nếu mang đối tượng kiểm dịch sang các nước, không được kiểm tra chặt chẽ thì khi các nước ngừng nhập khẩu sẽ ngừng cả nước chứ không chỉ ngừng một doanh nghiệp. Chỉ cần một doanh nghiệp làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến toàn thể doanh nghiệp làm tốt.
Bởi vậy, Cục sẽ kiểm tra, kiểm soát chặt việc này. Việc kiểm tra chặt trong xuất khẩu không phải là gây khó khăn cho doanh nghiệp, mà đó chính là tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh chân chính phát triển./.