64 tỷ USD vốn từ World Bank cho nước đang phát triển năm 2018; Nguy cơ Brexit “không thỏa thuận” gây sức ép lớn lên đồng bảng Anh; Ông Trump tuyên bố “cao tay hơn” Trung Quốc về thương mại
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 06-08-2018
- Cập nhật : 06/08/2018
Trung Quốc đang dần “hết đạn” khi đấu với Mỹ trong chiến tranh thương mại?
Trong khi Mỹ mới tăng thuế với khoảng 50% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Trung Quốc đã tăng thuế với đến 80% hàng nhập khẩu Mỹ, nhiều người tự hỏi Trung Quốc sẽ làm gì tiếp.
Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng đánh thuế với khoảng 60 tỷ USD hàng Mỹ trong dấu hiệu Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, đã hết lựa chọn khi mà áp lực buộc ông hành động vẫn tăng cao hơn trong bối cảnh chính trị rất nhạy cảm, theo bình luận của Nikkei.
Việc đưa khí đốt hóa lỏng LNG vào nhóm mặt hàng hàng đầu phải chịu thuế 25% cho thấy mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày một xấu đi từ khi Tổng thống Trump đến thăm Trung Quốc vào tháng 11/2017, khi đó Trung Quốc đã phong tỏa cả Tử Cấm Thành để mời Tổng thống Trump ăn tiệc tối.
Trong chuyến thăm và làm việc này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký các thỏa thuận có tổng trị giá 250 tỷ USD. Hơn 20% các thỏa thuận đó liên quan đến khí hóa lỏng. Bắc Kinh giờ đây đang gửi đi thông điệp rằng họ sẵn sàng phá bỏ đi những thành quả từ chuyến thăm của Tổng thống Trump khi đó.
Cho đến ngày thứ Bẩy, Tổng thống Trump không hề phát đi tín hiệu sẽ nhượng bộ.
Ông viết trên Twitter của mình: “Các biện pháp thuế quan đang phát huy tác dụng tốt hơn kỳ vọng của tất cả chúng ta. Giờ đây, Trung Quốc đang nói chuyện với chúng ta. Trung Quốc, lần đầu tiên đã phải nhún nhường trước chúng ta, đang phải cố gắng dành rất nhiều tiền cho các hoạt động truyền thông bởi các biện pháp thuế quan đang thực sự tổn hại đến nền kinh tế của họ”.
Xuất khẩu khí đốt hóa lỏng LNG từ Mỹ sang Trung Quốc trong năm 2017 tăng gấp 6 lần. Trung Quốc mua khí đốt hóa lỏng của Mỹ nhiều thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mexico và Hàn Quốc. Việc xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc giảm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở khai thác khí đốt hóa lỏng trên khắp thế giới.
Theo chính sách thuế mới, khí đốt hóa lỏng LNG bị đưa vào danh mục chịu thuế cùng với trang sức và sản phẩm đồ uống có cồn. Những mặt hàng trên sẽ phải chịu thuế cao hơn so với thuốc đánh răng hay sổ giấy phải chịu thuế 20%; sản phẩm gà và ngô đông lạnh chịu thuế 10% và báo chí ở mức 5%.
Với chính sách thuế mới, Trung Quốc sẽ trả đũa được chỉ một phần chính sách thuế từ Mỹ. Chính quyền Tổng thống Trump đã đánh thuế với tổng số 250 tỷ USD hàng Trung Quốc – tương đương khoảng nửa giá trị hàng mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trung Quốc giờ đang đặt mục tiêu đánh thuế tổng số khoảng 110 tỷ USD hàng Mỹ tương đương khoảng 80% hàng nhập khẩu từ nước này. Washington vẫn còn nhiều cơ hội để đẩy cao áp lực trong khi Trung Quốc bắt đầu hết mục tiêu để nhắm đến.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dấu hiệu cho thấy cả hai bên vẫn muốn đối thoại. Khi mà Washington càu nhàu về việc đồng nhân dân tệ yếu đi, rằng Trung Quốc đang sử dụng đồng nhân dân tệ như một vũ khí để chiến thắng trong cuộc chiến thương mại, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã nhanh chóng thông báo biện pháp để làm giảm những lo lắng này. (Bizlive)
-------------------------
Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Iran bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ
Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Iran, vốn đã giảm 15,4% trong nửa đầu năm nay, dự kiến sẽ tiếp tục giảm khi các lệnh trừng phạt Iran do Mỹ hối thúc có hiệu lực.
Trước đó, Mỹ ngày 8/5 đã thông báo rằng nước này sẽ hạn chế buôn bán Iran, lấy lý do là thất vọng với Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) đạt được với Iran năm 2015, và ra thời gian ân hạn là 90 hay 180 ngày tùy thuộc vào loại hàng hóa.
Các sản phẩm như ô tô, vàng, thép và than nằm trong danh sách các sản phẩm sẽ bị trừng phạt từ ngày 6/8. Các nước không thực hiện các quy định của Washington sẽ hứng chịu các lệnh trừng phạt thứ cấp có thể ảnh hưởng tới buôn bán của các nước đó với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo giới phân tích, các công ty của Hàn Quốc đã giảm dần các giao dịch với Iran kể từ khi Mỹ tiến hành thúc ép Iran.
Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA) cho biết từ tháng Một cho tới tháng Sáu năm nay, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Iran đã giảm ở mức hai con số xuống còn 1,72 tỷ USD. Riêng trong tháng 7/2018, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Iran giảm tới 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đã xuất khẩu một lượng hàng hóa trị giá 6,25 tỷ USD sang Iran năm 2012, khi không có các lệnh trừng phạt. Con số này đã giảm xuống còn 4,48 tỷ USD trong năm 2013 khi Mỹ có hành động chống lại chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Tehran. (TTXVN)
-----------------------
Bất động sản và lãi suất - hai dấu hiệu cảnh báo suy thoái
Các nhà kinh tế học đang lo ngại về một cuộc suy thoái trong tương lai trước tình hình bất động sản và lãi suất hiện nay
Theo Lindsey Piegza, chuyên gia kinh tế cao cấp của tập đoàn Stifel, cho CNN biết: “Một trong những mối lo lớn nhất là thị trường nhà đất. Đã có những dấu hiệu cảnh báo và có thể mức tăng trưởng 4% trong quý 2 không dài lâu”.
Doanh số mua bán nhà đã giảm trong 4 tháng qua khi giá thành đi lên – nhưng tiền thu về thì dậm châm tại chỗ. Nhiều người không thể mua nhà và những ai có thể lại phải vay nợ quá nhiều.
Piegza nói tình trạng trên tương tự những gì xảy ra ngay trước đợt đại suy thoái 10 năm về trước.
“Chúng ta chưa đối mặt với nó nhưng những gì đang diễn ra từng khiến thị trường nhà đất sụp đổ. Tôi không biết liệu chúng ta có rút ra được bài học gì qua đợt đại suy thoái hay không. Hiện cho vay quá lỏng lẻo, giống với những gì trong quá khứ”, theo Piegza.
Piegza nhận định lãi suất cho vay quá thấp khiến mọi người quên đi rủi ro của việc vay nợ quá mức. Dù suy thoái có thể không xảy đến một sớm một chiều, đã có những dấu hiệu cho thấy viễn cảnh đó không còn xa.
Ví dụ như lãi suất đang bắt đầu trở thành một điềm xấu.
Cục dự trữ liên bang (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay. Lãi suất cao đã đẩy lãi suất ngắn hạn của trái phiếu chính phủ Mỹ đi lên nhưng lãi suất trái phiếu dài hạn lại không đổi vì các nhà đầu tư đang cẩn trọng với nền kinh tế trong thời gian dài. Qua đó lãi suất ngắn hạn sẽ cao hơn lãi suất dài hạn, dẫn đến hình thành đường cong lãi suất ngược và yếu tố này luôn xuất hiện trước tiên trong các đợt suy thoái.
Chủ tịch Fed, Jerome Powell, lại không lo lắng về đường cong lãi suất ngược. Piegza cực lực phản đối và cho biết: “Nó là một thước đo dự đoán suy thoái”. (NDH)
---------------------------