tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 06-08-2018

  • Cập nhật : 06/08/2018

Cơ hội của tôm, cá tra, cá ngừ từ cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung

Tôm, cá tra, cá ngừ...của Trung Quốc sang Mỹ sẽ bị đánh thuế khá cao. Đây là cơ hội cho các mặt hàng đồng dạng của Việt Nam tại thị trường Mỹ. 

cuoc chien thuong mai my - trung tao ra nhieu co hoi cho nong san viet  - cong han

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tạo ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt  - CÔNG HÂN

Cơ hội khi hàng Trung Quốc sẽ đắt đỏ vì thuế

Con tôm, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là sản phẩm có nhiều cơ hội từ gói 200 tỉ USD mà Mỹ dự kiến áp thuế các mặt hàng Trung Quốc gồm đồ nội thất, nông thủy sản. Theo đó, có 5 mã hàng tôm của Trung Quốc sẽ bị tăng thuế từ 0-5% lên 10%. “Đây đều là các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam trên thị trường Mỹ nên chúng ta có lợi thế tăng xuất khẩu những mặt hàng này sang Mỹ. Tôm Việt Nam đã có một vị thế nhất định với người tiêu dùng Mỹ nên khi nguồn cung từ Trung Quốc sụt giảm, nhà nhập khẩu Mỹ sẽ chọn Việt Nam là nguồn cung thay thế”, báo cáo của VASEP lạc quan.

Mỹ hiện là nhà nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Việt Nam tương đương 15,6% tổng sản lượng xuất khẩu. Đối với Mỹ, Việt Nam là nhà cung cấp tôm lớn thứ 5 với khoảng 8,5% lượng tôm nhập khẩu. Tính tới tháng 5.2018, Việt Nam xuất khẩu tôm sang Mỹ gần 18.000 tấn trị giá gần 203 triệu USD. Đứng ngay sau Việt Nam là Trung Quốc với hơn 16.000 tấn, trị giá 115 triệu USD.

Cá tra cũng có cơ hội tăng thị phần ở Mỹ khi nước này áp thuế 10% đối với sản phẩm cá thịt trắng của Trung Quốc. Trong dòng sản phẩm này, Trung Quốc đang xuất khẩu một lượng lớn cá rô phi sang Mỹ. Năm 2017, Mỹ nhập gần 134.000 tấn sản phẩm cá rô phi đạt giá trị 426 triệu USD trong đó riêng Trung Quốc chiếm 75% thị phần và gần 45% toàn thị trường cá thịt trắng của Mỹ. Cá rô phi Trung Quốcbị áp thuế, giá thành cao hơn, đây là cơ hội để cá tra Việt Nam có đến tay người tiêu dùng Mỹ nhiều hơn. 

Trung Quốc cũng là nguồn cung cấp cá ngừ lớn thứ 5 cho thị trường Mỹ. Năm 2017, Mỹ nhập 23.500 tấn cá ngừ với giá trị 127 triệu USD từ Trung Quốc. Nhiều dòng sản phẩm cá ngừ của Trung Quốc cũng bị đưa vào danh sách bị đánh thuế. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho các nước khác trong đó có Việt Nam đẩy mạnh nguồn cung vào thị trường Mỹ.

Lo doanh nghiệp Trung Quốc “mượn” đường

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 4 của Việt Nam, chiếm 15% tổng giá trị xuất khẩu. Sáu tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 246 triệu USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến 94% xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Trung Quốc dạng nguyên liệu (đông lạnh, tươi sống). Trung Quốc mang tôm đi chế biến xuất khẩu sang các nước trong đó có Mỹ. Với mức thuế cao mà Mỹ sẽ áp dụng có khả năng các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ giảm mua tôm Việt Nam, ảnh hưởng đến đầu ra.

Tuy nhiên, đó không phải là mối lo chính vì nhiều doanh nghiệp cho rằng một lượng lớn tôm Việt Nam xuất qua Trung Quốc dưới dạng hàng tạm nhập tái xuất của Ấn Độ. Đáng lo nhất chính là, cả Mỹ và Trung Quốc đều nghi ngờ nhau nên họ sẽ đặt ra những hàng rào kỹ thuật gắt gao hơn với hàng Việt Nam khi xuất khẩu sang cả hai thị trường này. Cũng có khả năng doanh nghiệp tôm Trung Quốc sẽ “mượn” Việt Nam để lấy xuất xứ và xuất đi Mỹ. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam khẳng định vị trí của mình, nâng cao chất lượng và minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm để có thể giành được thị phần từ Trung Quốc trên thị trường Mỹ.

“Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ làm tăng thêm áp lực chi phí sản xuất khi tỷ giá biến động. Mặt khác, “cuộc chiến” diễn biến khó lường và mức độ ảnh hưởng của nó còn là câu hỏi mở. Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp đặc biệt là ngành tôm nên coi đây là cơ hội để khẳng định vị thế riêng của mình, bao gồm cả nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tính chủ động trong giao thương và tận dụng mạnh mẽ hơn các FTA (hiệp định thương mại tự do) đã ký kết. Doanh nghiệp cần chủ động cập nhật danh mục hàng hóa bị áp thuế của cả Mỹ và Trung Quốc cũng như động thái tăng tỷ giá đồng USD và nhân dân tệ để có đối sách kịp thời”, VASEP khuyến cáo.(Thanhnien)
-----------------------

80% dân thành thị ăn tương ớt

80% hộ gia đình ở thành thị đang sử dụng tương ớt và với khu vực nông thôn là 64%.

Người tiêu dùng ở thành thị và nông thôn đều thích ăn nhiều món kèm với tương ớt /// Ng.Nga

Người tiêu dùng ở thành thị và nông thôn đều thích ăn nhiều món kèm với tương ớt - NG.NGA

Số liệu trên vừa được tổ chức chuyên nghiên cứu khảo sát thị trường hàng hóa tiêu dùng nhanh Kantar Worldpanel đưa ra hôm 2.8. Kantar Worldpanel đã thực hiện khảo sát này tại 4 thành phố lớn và khu vực nông thôn. Kết quả cho thấy, ngành hàng nổi bậc nhất đang được người tiêu dùng quan tâm lại là… tương ớt. Đa số cho biết, đó là một trong loại gia vị quen thuộc ở góc bếp mỗi gia đình.

Khảo sát cho thấy, so với cùng kỳ năm trước, số hộ mua sản phẩm tương ớt khu vực thành thị tăng thêm 90.000 hộ gia đình trong khi khu vực nông thôn tăng đến 594.000 hộ. Khối lượng sử dụng sản phẩm này tại khu vực thành thị đang tăng 13% so cùng kỳ và khu vực nông thôn tăng 11%. Tính trung bình, mỗi gia đình ở thành thị sử dụng 2,3 chai tương ớt và mỗi gia đình vùng nông thôn là 2 chai.

Người tiêu dùng cho biết, họ sử dụng tương ớt kèm với các món ăn như: khoai tây chiên, bún, mì, bánh mì... trong nhiều dịp. Do vậy, ngành hàng vẫn còn cơ hội để tăng trưởng bằng việc mở rộng thêm độ phủ và gia tăng sản lượng tiêu thụ.

Giá cả mua sản phẩm này tại 2 thị trường thành thị và nông thôn cũng khác nhau, theo đó, người thành thị chi 11.600 đồng để mua một chai tương ớt nhỏ thì người tiêu dùng ở vùng nông thôn chi 10.200 đồng mua một chai.(Thanhnien)
------------------------

Nga đáp trả biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ

Kể từ ngày 5/8, Nga áp dụng mức thuế mới đối với hàng loạt hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đây là biện pháp đáp trả mức thuế đánh vào thép và nhôm mà Mỹ áp dụng với Nga.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, thuế nhập khẩu đối với một số phương tiện vận tải, máy xây dựng đường bộ, thiết bị dầu khí, công cụ chế biến thép và khoan đá, sợi quang, tăng từ 25% lên 40%.

Với thiệt hại từ loạt thuế của Mỹ ước tính khoảng 537,6 triệu USD, nay mức thuế bổ sung mà Nga áp dụng lên hàng hóa Mỹ sẽ giúp Moskva bù lại 87,6 triệu USD trong năm nay. Số 450 triệu còn lại sẽ được bù trong 3 năm tiếp theo.

Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Maxim Oreshkin cho biết việc làm của Nga phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Sau khi Mỹ nâng mức thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm của nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) và các nước khác, các nước này đều tuyên bố chuẩn bị biện pháp đáp trả làm gia tăng lo ngại về các cuộc chiến thương mại trên thế giới.

Là thành viên của WTO, hồi cuối tháng 6, Nga đã gửi yêu cầu tiến hành tham vấn chính thức về việc làm của Mỹ. Nếu tham vấn không tìm ra được giải pháp cho tranh cãi, Nga sẽ đệ đơn lên WTO yêu cầu lập nhóm trọng tài để giải quyết tranh cãi.

Trong lúc này, giới doanh nghiệp Nga cho rằng biện pháp đáp trả của Nga sẽ làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, và điều đó sẽ có lợi cho hàng hóa sản xuất tại Nga, tuy nhiên Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ (AmCham) Alexis Rodzianko cho rằng còn sớm để đánh giá cụ thể hơn hiệu quả của biện pháp này.

Hiện nhập khẩu từ Mỹ vào Nga đạt 3,16 tỷ USD mỗi năm (TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục