Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak sẽ bị buộc tội rửa tiền; "Quy chế phong toả" sẽ giúp các công ty châu Âu tránh lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran; Dự trữ ngoại hối Trung Quốc tăng 5,82 tỷ USD trong tháng 7
Tin kinh tế đọc nhanh 07-08-2018
- Cập nhật : 07/08/2018
Với những nỗ lực trong công tác thu hồi, xử lý nợ của các cục Hải quan tỉnh, thành phố đã giúp cho toàn ngành Hải quan trong 7 tháng đầu năm 2018 đã thu hồi và xử lý 934 tỷ đồng.
Được biết, số nợ chuyên thu của 7 tháng đầu năm 2018 là 5.177,85 tỷ đồng. Trong đó, nhóm nợ khó thu là 3.834,36 tỷ đồng; nhóm nợ chờ xóa, xét miễn, giảm, gia hạn là 116,49 tỷ đồng; nhóm nợ có khả năng thu là 1.227,01 tỷ đồng.
Như vậy, so với năm 2017 số nợ 7 tháng đầu năm đã giảm 135,9 tỷ đồng (tương đương giảm 2,56%) so với năm 2017.
Tính riêng về số thu hồi nợ, trong 7 tháng đầu năm 2018 các Cục Hải quan tỉnh, thành phố đã rất tích cực trong công tác thu hồi/xử lý nợ. Tổng số nợ đã thu hồi và xử lý trong 7 tháng đầu năm 2018 là 934 tỷ đồng (trong đó, số thu hồi nợ phát sinh trước 1/1/2018 là 393 tỷ đồng, số thu hồi nợ phát sinh trong 7 tháng đầu năm 2018 là 541 tỷ đồng).
Để tăng cường công tác thu hồi nợ, trong năm 2018, Tổng cục Hải quan yêu cầu hải quan địa phương tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế của các chi cục trực thuộc tại địa bàn do Cục phụ trách, phân loại các nhóm nợ có khả năng thu; nợ khó thu; nợ chờ xử lý; mỗi nhóm nợ có đánh giá chi tiết từng khoản nợ theo từng tờ khai, từng DN nợ theo đúng hướng dẫn tại Quyết định số 1505/QĐ-TCHQ ngày 18/5/2018 kèm theo hồ sơ chi tiết.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu tất cả các khoản nợ đối với 3 nhóm nợ nêu trên phải có hồ sơ chi tiết đầy đủ, phù hợp với số liệu nợ theo dõi trên hệ thống và số nợ thuế báo cáo về Tổng cục Hải quan. Trường hợp hồ sơ quản lý nợ thất lạc, không đầy đủ, không phù hợp so với số liệu nợ đang quản lý, các đơn vị chủ động tổ chức truy tìm, hoàn thiện, bổ sung hồ sơ và chịu trách nhiệm trước Tổng cục. (Baohaiquan)
-----------------------
Ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Croatia
Sáng ngày 27/7/2018 tại Croatia, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng với ông Zdravko Marić, Bộ trưởng Bộ Tài chínhCroatia thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa Croatia đã ký Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Croatia về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập.
Croatia là một trong hai nước cộng hòa có nền kinh tế phát triển nhất của Nam Tư trước đây. Kinh tế Coratia phát triển dựa vào một số ngành chủ yếu như du lịch, đóng tàu, chế tạo máy, khai thác và lọc dầu, vật liệu xây dựng…Du lịch là một nguồn thu ngoại tệ đáng kể với số thu 8-9 tỷ USD mỗi năm.
Thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Croatia đạt nhiều tiến triển. Năm 2016, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai Bên đạt gần 80 triệu USD. Từ năm 2013 đến nay, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước liên tục tăng hơn 20% mỗi năm cho thấy tiềm năng phát triển hợp tác về kinh tế và đầu tư giữa hai nước
Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, với tình hình quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Croatia nêu trên, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Croatia được ký kết là minh chứng cụ thể cho sự hợp tác tốt đẹp, tình hữu nghị giữa Việt Nam và Croatia, đánh dấu bước tiến mới trong mối quan hệ hợp tác giữa hai bên.
Hiệp định được ký kết sẽ góp phần tạo môi trường pháp lý rõ ràng, ổn định và phù hợp với chuẩn mực quốc tế, khuyến khích các hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp hai nước.
Ông Zdravko Marić, Bộ trưởng Bộ Tài chính Croatia bày tỏ vui mừng khi được đại diện Chính phủ nước Cộng hòa Croatia ký kết Hiệp định này. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Croatia cho biết, ông tin tưởng Hiệp định thuế là sự khởi đầu để từ đó hai bên thiết lập mối quan hệ gắn kết mạnh mẽ, qua đó mang lại lợi ích và sự thịnh vượng cho cả hai bên trong thời gian tới.(Bộ Tài Chính)
----------------------------------
Còn khoảng hơn 24.000 tỷ đồng tồn kho bất động sản
Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, tính đến ngày 20/6/2018, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 24.072 tỷ đồng, giảm 104.476 tỷ đồng so với lúc đỉnh điểm quý I/2013.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, thị trường bất động sản tiếp tục phát triển ổn định, tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp bất động sản đăng ký thành lập mới khoảng 3.300, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, trong nửa đầu năm 2018, lĩnh vực bất động sản đã thu hút 4,9 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tổng vốn đầu tư vào các dự án bất động sản đang triển khai khoảng 3,5 - 4 triệu tỷ đồng.
Tính đến ngày 20/6/2018, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 24.072 tỷ đồng, giảm 104.476 tỷ đồng so với lúc đỉnh điểm là quý I/2013. Dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 6 - 8% tổng dư nợ và hiện trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu bất động sản ở mức khoảng 4,58%.
Đánh giá về diễn biến thị trường bất động sản trong thời gian qua, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng, thị trường đã xuất hiện tình trạng sốt cục bộ đất nền ở một số khu vực vùng ven TP. Hồ Chí Minh, huyện Long Thành (Đồng Nai), Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa).
Nguyên nhân là do một số đối tượng lợi dụng chủ trương thành lập đặc khu và một số dự án đầu tư lớn về giao thông như: Sân bay Long Thành, các tuyến metro của TP. Hồ Chí Minh, đường cao tốc... để tung tin “thổi giá”.
Thêm vào đó, các cơ quan quản lý nhà nước chưa làm tốt công tác tuyên truyền, công khai thông tin về quy hoạch, chủ trương, tiến độ các dự án đầu tư lớn, kiểm soát chuyển nhượng đất nền chưa chặt chẽ.
Hiện nay, thị trường có dấu hiệu chững lại ở một số phân khúc trung và cao cấp, giá chỉ tăng nhẹ ở phân khúc chung cư giá thấp và nhà ở riêng lẻ.(TCTC)
----------------------