Ngân hàng Quốc dân: Lợi nhuận trước thuế đạt...1 tỷ đồng trong quý II
Phó Thống đốc nói gì về nợ xấu tăng đột biến ở một số ngân hàng?
Ngân hàng Quân đội: Kinh doanh không khởi sắc, lợi nhuận quý II giảm so với cùng kỳ
SHB: Chi phí hoạt động tăng mạnh, lợi nhuận sau thuế quý II giảm 16% so cùng kỳ
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 31-07-2016
- Cập nhật : 31/07/2016
Sacombank: Lợi nhuận 6 tháng đầu năm lao dốc, nợ xấu tăng
6 tháng đầu năm, Sacombank chỉ đạt 363 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm mạnh 76% so với cùng kỳ năm trước do ngân hàng nhận sáp nhập SouthernBank.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2016.
Theo đó, tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của Sacombank đạt trên 312 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 199 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1%. Tiền gửi của khách hàng đạt gần 280 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2%.
Trong riêng quý II, thu nhập lãi thuần Sacombank đạt 1.513 tỷ đồng, giảm hơn 18% so với cùng kỳ năm trước.
Các hoạt động kinh doanh đạt kết quả khả quan hơn cùng kỳ. Cụ thể, lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 339 tỷ đồng, tăng 24% và lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt 199 tỷ đồng, tăng 168%. Ngoài ra, lãi từ các hoạt động khác cũng tăng 64% khi đạt 37 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động trong kỳ tăng 8,4% lên 1,.259 tỷ. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng tới 86%. Chính vì vậy, lợi nhuận trước thuế ngân hàng chỉ đạt 164 tỷ đồng, giảm tới 77% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng, Sacombank đạt 363 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm mạnh 76%.
Lợi nhuận giảm do Sacombank nhận sáp nhập SouthernBank từ tháng 10 năm ngoái và ngân hàng phải tăng mạnh phần trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu của Phương Nam chuyển sang.
Tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 6 đạt 2,83%, tăng so với mức 1,85% tại thời điểm đầu năm. Hiện Sacombank vẫn chưa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016.(CafeF)
Dính nghi án trốn thuế, Facebook bị buộc nộp phạt 5 tỷ USD
IRS tuyên bố cố vấn thuế của Facebook, Ernst & Young LLP đã định giá thấp tài sản công ty khi chuyển giao sang chi nhánh ở Ireland.
Dòng tiền trong tương lai và kết quả kinh doanh của Facebook có thể phải chịu một khoản tổn thất nặng nề nếu hãng công nghệ này thua kiện trước Sở Thuế vụ Hoa Kỳ (IRS) về các cáo buộc liên quan đển việc chuyển giao các hoạt động động toàn cầu sang chi nhánh Ireland vào năm 2010.
IRS đã gửi thông báo tới Facebook về mức hình phạt có thể lên tới từ 3 đến 5 tỷ USD do hành vi trốn thuế khi chuyển giao tài sản đến Ireland vào năm 2010.
Trước đó 2 ngày, IRS đã nhờ thẩm phán tòa án liên bang yêu cầu gã khổng lồ mạng xã hội nộp hồ sơ nội bộ chi tiết liên quan đến giá trị của các tài sản được chuyển đến Ireland, bao gồm tất cả các hoạt động bên ngoài Hoa Kỳ và Canada.
IRS cũng tuyên bố cố vấn thuế của Facebook, Ernst & Young LLP đã định giá thấp tài sản công ty khi chuyển giao sang chi nhánh ở Ireland.
“Tôi không nghĩ Facebook nhất thiết phải che giấu bất cứ điều gì, nhưng đó là một cuộc chiến của giá cả”. Stephen Hamilton, một luật sư thuế tại Philadelphia cho biết. "Đó là những gì các công ty hay làm khi họ chuyển giao tài sản của mình; họ cố gắng để đánh giá chúng càng thấp càng tốt”.
Chiều ngược lại, Facebook cho biết hãng có kế hoạch để kháng cáo lại những cáo buộc tại Tòa án Thuế Liên bang và cũng nhấn mạnh bảng cân đối của công ty sẽ bị ảnh hưởng nếu bị buộc là có tội.
“Có thể có một số tác động bất lợi về tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh và dòng tiền mặt. Ngoài ra, việc xác định những điều khoản trên phạm vi thế giới về thuế thu nhập và các khoản nợ thuế khác đòi hỏi sự suy xét đáng kể từ các nhà quản lý khu vực, và có rất nhiều giao dịch mà việc xác định thuế cuối cùng là không chắc chắn”, Facebook cho biết.(CafeF)
Chứng khoán Mỹ tăng điểm, trái phiếu, vàng hấp dẫn trở lại sau kết quả thất vọng về nền kinh tế Mỹ
Kết phiên ngày 29/6, chỉ số S&P 500 tăng 0,2% lên 2.173,46 điểm, kết thúc tháng 7 ở dưới mức đỉnh cao nhất từ trước đến nay 2 điểm cơ bản sau khi tăng 3,6%.
Sau khi Bộ thương mại Mỹ công bố số liệu về tốc độ tăng trưởng GDPthấp hơn dự đoán, chỉ số S&P 500 tăng, bước sang tháng thứ 5 tăng liên tiếp, dầu thoát khỏi vách lao dốc.
Kết phiên ngày 29/6, chỉ số S&P 500 tăng 0,2% lên 2.173,46 điểm, kết thúc tháng 7 ở dưới mức đỉnh cao nhất từ trước đến nay 2 điểm cơ bản sau khi tăng 3,6%. Như vậy, chỉ số này đã tăng 5 tháng liên tiếp - chuỗi tăng lâu nhất kể từ năm 2014. Kể từ sau khi chạm mốc thấp ngày 27/6 sau sự kiện Brexit, chỉ số này đã tăng 8,7%.
Tại châu Âu, chỉ số Stoxx Europe 600 Index tăng 0,7%, kết thúc tháng tăng 3,6%. Tuy nhiên, sự phục hồi này vẫn chưa đủ để bù đắp những gì đã mất sau vụ trưng cầu dân ý ngày 23/6.
Chứng khoán Nhật Bản giảm khoảng 1,4% sau quyết định dè dặt của NHTW, sau đó kết phiên tăng 1,2%.
Chỉ số MSCI thị trường mới nổi biến động nhẹ trong ngày thứ 6, kết thúc tháng 7 tăng 4,9% - tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 3.
Thông tin thất vọng về sức khoẻ của nền kinh tế đã khiến cho nhà đầu tư từ bỏ đặt cược vào một đợt tăng lãi suất vào cuối năm, tạo sức hút cho trái phiếu.
Lợi suất trái phiếu 10 năm giảm 5 điểm cơ bản xuống còn 1,45%, hướng đến mức thấp kỷ lục 1,32% đạt hồi đầu tháng 7 sau khi giới chức Fed ra dấu sẽ không vội vàng tăng lãi suất. Lợi suất trái phiếu Nhật bản 10 năm giảm 8 điểm cơ bản xuống -0,19%.
Giá vàng tương lai có 2 tuần tăng liên tiếp do đồng USD yếu đi, đẩy cầu vàng tăng. Giá vàng tháng 12 tăng 1,2% lên 1.357,5 USD/ounce. So với đầu tháng, giá vàng đã tăng 2,8%.
Trước khi có thông tin đồng USD giảm giá, dầu đã mấp mé bước vào thị trường giá giảm, tuy nhiên đồng USD giảm đã đẩy giá dầu trở lại trên mốc 41 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 1,1% lên 41,6 USD/thùng. Dầu Brent giảm 0,6% xuống 42,46 USD/thùng.(CafeF)
6 tháng, VN chi hơn nửa tỉ USD nhập khẩu ngô
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, sáu tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã chi tới hơn 650 triệu USD, tương đương hơn 14.650 tỉ đồng để nhập 3,3 triệu tấn ngô.
Giá bình quân mỗi kg ngô được nhập về trong 6 tháng qua chỉ khoảng 4.400 đồng.
Còn cả năm 2015, đã có 7,7 triệu tấn ngô ngoại được nhập về Việt Nam. Tổng trị giá lượng ngô nhập khẩu của năm ngoái là hơn 1,6 tỉ USD, tương đương khoảng 37.140 tỉ đồng. Giá ngô bình quân nhập về năm 2015 cũng rất thấp, chỉ khoảng 4.800 đồng/kg.
Về thị trường nhập khẩu, Brazil là nước cung cấp chủ yếu ngô cho Việt Nam. Như năm 2015, có đến 64% lượng ngô nhập về Việt Nam từ Brazil và 6 tháng đầu năm nay, tỉ lệ này là hơn 60%.
Sau Brazil, Argentina là thị trường thứ hai cung cấp ngô cho Việt Nam, chiếm trên 30% lượng ngô nhập về.
Giải thích lý do VN chi quá nhiều ngoại tệ để nhập khẩu ngô dù là nước nông nghiệp, Hiệp hội thức ăn chăn nuôi VN cho rằng giá ngô nhập thường thấp hơn so với ngô trồng trong nước.
Từ tháng 9-2015 đến nay, giá ngô nhập khẩu ổn định 210 USD/tấn, khoảng 4.700 đồng/kg. Trong khi, ngô bán ở trong nước khoảng 7.000 đồng/kg mà mua về, doanh nghiệp còn phải phơi sấy lại nữa.
Ngoài ra, cũng theo Hiệp hội thức ăn chăn nuôi VN, ngô trong nước chỉ đáp ứng 50% nhu cầu sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước. Do đó, chúng ta phải đi nhập là điều đương nhiên.
Dự báo, đến khi VN chính thức tham gia TTP, không chỉ ngô mà sản lượng các sản phẩm nông nghiệp được nhập vào VN sẽ nhiều hơn khithuế nhập khẩu áp mức 0%.(LĐ)