Vàng được dự báo có thể 'cứu' nhà đầu tư trong năm 2016
Càng lớn càng khó - nghịch lý của các hãng dầu
Doanh nghiệp Nhật muốn đầu tư vào Việt Nam hơn Trung Quốc
Trung Quốc mua hãng sữa lớn nhất Australia
Chỉ số giá tiêu dùng tăng trở lại trong tháng Tết
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 24-02-2016
- Cập nhật : 24/02/2016
Doanh nghiệp Việt đang tạo ra yếu thế trên thị trường bán lẻ
Doanh nghiệp Việt cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường bán lẻ đã tạo ra yếu thế nhưng lại là cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm
Với việc giảm thuế của hàng nghìn mặt hàng về mức 0%-5% - khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN - đã tạo ra thách thức không nhỏ không chỉ đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, mà ngay chính các doanh nghiệp kinh doanh phân phối, các nhà trung chuyển hàng hóa từ khâu sản xuất tới tay người tiêu dùng.
Trong khi đó, thời gian qua trên thị trường bán lẻ đã có nhiều cuộc “bắt tay”, liên doanh, liên kết với “khối ngoại” cũng đã ít nhiều thu hẹp thị phần phân phối sản phẩm hàng hóa tiêu dùng trong nước. Do vậy, việc bắt tay liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối được nhận định sẽ giúp người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên và tự nguyện sử dụng hàng Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh, hội nhập ngày càng gay gắt.
Thị trường bán lẻ cần thiết có việc bắt tay liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối. (Ảnh minh họa: KT)
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch, lợi thế cạnh tranh là quan trọng, nhưng quan trọng hơn chính là chất lượng sản phẩm hàng hóa và phong cách phục vụ của doanh nghiệp Việt còn yếu hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Nhược điểm lớn nhất của thị trường nội địa hiện nay là thiếu chính sách và quan điểm phát triển một cách minh bạch, rõ ràng để khuyến khích các doanh nghiệp Việt phát triển hệ thống phân phối nội địa.
“Chính sách phát triển thị trường nội địa cân đối với đầu tư nước ngoài. Khuyến khích phát triển thị trường nội địa là mảng phân phối nội địa. Hiện nay, các mạng phân phối đang thay các chợ truyền thống, mặc dù mới chiếm 25% thị phần thương mại nội địa, nhưng xu hướng này nó sẽ phát triển rất nhanh và nó sẽ tác động mạnh tới sản xuất, bởi vì các hệ thống phân phối, mạng phân phối sẽ là nơi đặt hàng cho sản xuất”, TS. Trần Du Lịch nhận định.
Chỉ rõ những khó khăn của thương mại nội địa, ông Phạm Đình Đoàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng cho rằng, phát triển thị trường nội địa gặp khó không chỉ xuất phát từ các nhà kinh doanh bán lẻ Việt còn nhiều yếu kém, việc phân phối các sản phẩm nội địa - sản xuất trong nước gặp khó còn do chính các nhà sản xuất trong nước chưa ý thức được tầm quan trọng của hệ thống phân phối, chưa quan tâm tới vấn đề marketing, xây dựng thương hiệu để tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Vì vậy, ông Phạm Đình Đoàn cho rằng, cùng với những hỗ trợ từ phía nhà nước thì bản thân các doanh nghiệp cũng cần coi trọng xây dựng hình ảnh thương hiệu song hành với nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.
“Trong việc hoạch định, xây dựng các doanh nghiệp phân phối bán lẻ cần có sự thảo luận cởi mở giữa Nhà nước và các doanh nghiệp lớn. Trong khi miếng bánh thị trường không quá lớn nhưng vẫn xảy ra tình trạng như “quân ta đánh quân mình”, rất nhiều các doanh nghiệp trong nước tự “đánh nhau”, cạnh tranh không lành mạnh khiến tất cả các doanh nghiệp đều yếu, điều này đã tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nước ngoài tiến hành thâu tóm”, ông Đoàn cho biết.
Tập đoàn năng lượng Nhật Bản sẽ mua 10% cổ phần Petrolimex
Theo tin trên tờ Nikkei, tập đoàn năng lượng Nhật Bản JX Nippon Oil & Energy sẽ mua khoảng 10% cổ phần Tập đoàn xăng dầu Việt NamPetrolimex.
Bên cạnh đó, JX Nippon Oil & Energy cũng đang cân nhắc việc tham gia vào một dự án lọc dầu tại đặc khu kinh tế Vân Phong, Khánh Hòa trong năm 2016. Nhà máy dự kiến có công suất khoảng 200.000 thùng dầu/ngày, sản xuất xăng và dầu diesel cung cấp cho thị trường Việt Nam. Theo Nikkei, hiện tại nhà máy Dung Quất có sản lượng 150.000 thùng/ngày chỉ đáp ứng được 30 - 40% nhu cầu trong nước.
Để thực hiện việc này, JX Holdings sẽ phải chi khoảng 20 tỷ yen (177 triệu USD) để mua cổ phần tại Petrolimex. Hai bên đã trải qua quá trình đàm phán hợp tác kinh doanh đặc biệt kể từ tháng 12/2014.
Nikkei cho rằng nhu cầu ô tô tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng dù hiện tại xe máy vẫn là phương tiện lưu thông chủ yếu. Trong khi đó, Petrolimex là đơn vị cung cấp hơn một nửa các sản phẩm xăng dầu tại Việt Nam. Theo đàm phán nói trên, JX sẽ hỗ trợ Petrolimex trong các vấn đề kinh doanh chuyên môn, bao gồm quản lý trạm xăng và hệ thống thanh toán.
Đề xuất “giải pháp đột phá” về tài chính cho Petro Vietnam
"Từ trước đến nay, Petro Vietnam có vai trò rất lớn ở tầm vĩ mô là nộpngân sách Nhà nước. Đến lúc này khó khăn, chúng ta xin Chính phủ “tiếp sức” bằng cách đầu tư lại tiền”.
Nhấn mạnh quan điểm này trong phát biểu được đăng tải trên báo Năng Lượng Mới, cơ quan ngôn luận của Hội Dầu khí Việt Nam, số ra ngày 19/2 vừa qua, Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) Ngô Hữu Hải đồng thời cũng cập nhật nhiều thông tin đáng chú ý về “sức khỏe” ngành dầu khí trong nước hiện nay.
Cần “giải pháp đột phá”
“Hiện nay giá thành một thùng dầu ở đầu giếng là 25,5 USD/thùng, nhưng sau khi cộng tất cả các loại thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp chẳng hạn thì giá thành sẽ tăng lên là 45 USD/thùng”, ông Hải nói. “Nếu chúng ta bán giá 54 USD/thùng thì vẫn còn gần 20 USD/thùng. Nhưng khi áp tất cả các loại thuế thì chúng ta sẽ lại lỗ 0,7 USD/thùng”.
Song theo ông, “chúng ta vẫn phải đẩy mạnh công tác thăm dò, vì ngay bây giờ, giá dịch vụ bắt đầu giảm, độ trễ đã bắt đầu đến điểm, giá giàn khoan từ 140.000 USD/ngày, bây giờ chắc chắn đã giảm xuống khoảng 70.000 USD/ngày, thậm chí còn giảm hơn nữa”.
Tuy nhiên, “một vấn đề cực kỳ quan trọng là phải có giải pháp đột phá về tài chính. Đó là xin Chính phủ một cơ chế xử lý nguồn vốn hoạt động cho tìm kiếm, thăm dò, bằng cách trích tối đa 30% lợi nhuận sau thuế của Petro Vietnam và PVEP”.
“Phải xin cơ chế này ngay ở thời điểm này thì mới có được sự ủng hộ của Đảng và Chính phủ”, ông Hải nêu.
Tổng giám đốc PVEP cũng cho biết, năm 2015, tổng số tiền nộp thuế của PVEP là 8,3 nghìn tỷ, và nếu là một công ty bình thường như các công ty khác ở Việt Nam thì doanh nghiệp này chỉ phải nộp 3,3 nghìn tỷ, nghĩa là sẽ dư ra 5 nghìn tỷ.
“Nhưng vì theo hợp đồng dầu khí, khi dầu lên đến đầu giếng thì sẽ ngay lập tức bị áp thuế trung bình 45% trong hợp đồng dầu khí, bất luận có lãi hay không. Điều này là tốt khi áp thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng với PVEP thì Chính phủ nên có một cơ chế khác, có thể chỉ áp dụng trong vòng hai năm 2016-2017 là chúng ta sẽ vượt qua khó khăn”, ông Hải trình bày.
“Còn nếu không, chúng tôi sẽ phải đóng mỏ thì điều gì sẽ xảy ra? Nếu chúng ta đóng mỏ thì các đơn vị dầu khí nước ngoài họ hoan hô, còn Việt Nam chúng ta thì lại không có nguồn thuế. Nhưng nếu đóng mỏ, lấy đâu ra khí chạy các nhà máy điện, sản xuất phân urê; một loạt các nhà máy chế biến khác cũng đóng cửa… Không phải cứ chạy đi mua dầu, mua khí từ nước ngoài về mà đã là xong”.
Ông nói: “Chính vì vậy, chúng tôi khẩn thiết mong lãnh đạo tập đoàn (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Petro Vietnam) có phương án tài chính đột phá trình Chính phủ để giải được bài toán hiện nay, nếu không thì chúng ta sẽ rất khó khăn”.
Nguy cơ đóng mỏ
Người đứng đầu PVEP cũng cho biết, trong thăm dò, việc khoan chỉ có giá trị thành công về mặt thăm dò khoảng 40%, nhưng khoan thành công về mặt thăm dò rồi chuyển sang thương mại thì chỉ có 28-30%.
“Chúng ta có gói chi phí cho việc không thành công là khoảng 50%, thậm chí là 55%, đó là chi phí sau khi hoàn thành các nghĩa vụ thuế, chúng tôi phải tính lập một quỹ để lấp phần đó. Nếu không, khi gói đó lớn lên thì rất nguy hiểm”, ông nói.
Cũng theo ông Hải, hiện nay, có một vài dự án mà khoản chi phí tàu dịch vụ FSO (dịch vụ cung cấp kho nổi, chứa, xử lý và xuất dầu thô - FSO/FPSO) quá căng, đến mức 75%. Như Lam Sơn JOC, mỗi ngày liên doanh này lỗ đến 65.000 USD, trong đó cấu thành lên giá thành hiện nay là 75% từ tàu FPSO. Còn như mỏ Sông Đốc, ban đầu chi phí là 120.000 USD/ngày, và “sau một quá trình đàm phán thì bây giờ không có xu nào hết”.
Nếu không có biện pháp xử lý đối với vấn đề chi phí nói trên thì theo ông Hải, “PVEP xin phép đóng mỏ Lam Sơn đầu tiên, ít nhất là 3-6 tháng vì một đồng bỏ vào bây giờ là mất trắng và không có đồng nào đi ra”.
Vị Tổng giám đốc PVEP cũng bày tỏ: “Hơn lúc nào hết, tôi mong muốn và kêu gọi các đơn vị dịch vụ cùng PVEP đồng cam cộng khổ để vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt và nhất thời, trong khoảng 1-2 năm tới...”.
Ông nói: “Trong cuộc họp với Ban Tổng giám đốc, tôi đã đề nghị các đồng chí lãnh đạo nên nêu gương, thậm chí là có thể tự nguyện cho công ty nợ lương. Khoản nợ lương này cũng không nhiều, chỉ khoảng một giếng khoan thăm dò, nhưng quan trọng hơn là ý thức của lãnh đạo, của người lao động và sự nung nấu hằng ngày, hằng đêm để cố gắng làm được gì cho PVEP, hôm nay chúng ta đã làm gì cho PVEP, cho Petro Vietnam, ngày mai chúng ta phải làm gì để vươn lên và vượt qua khó khăn”.
Luật cho Startup Việt Nam có thể được xây dựng dựa trên luật chứng khoán?
Cộng đồng Startup của Việt Nam vẫn còn mới so với nhiều quốc gia và chính phủ đang xây dựng một khung quy định chính thức cho mảng kinh doanh này.
Theo tờ Dealstreetasia, chính sách này có thể dựa trên bộ luật chứng khoán hiện có nhằm tránh tình trạng chồng chéo hay nhầm lẫn khi ban hành. Rất có thể khung quy định mới sẽ bao gồm những ưu đãi về thuế cùng một khuôn khổ pháp lý phù hợp nhằm thu hút các nhà đầu tư quốc tế lớn.
Hiện Việt Nam mới chỉ có số lượng không nhiều những startup nhỏ cùng vài công ty quốc tế lớn như CyberAgent Ventures, IDG Ventures, 500 Startups, Golden Gate Ventures. Một khung pháp lý thích hợp sẽ thúc đẩy hơn nữa dòng tiền đầu tư vào các startup nội địa.
Để đáp ứng việc xây dựng những ưu đãi nhằm thu hút vốn đầu tư cho các startup trong nước, chính phủ Việt Nam đã tiến hành một loạt các cải cách.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chịu trách nhiệm xây dựng những quy định mới nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ cũng như các startup nhỏ.
Sau 8 năm đầu tư vào Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Dũng, người quản lý thị trường Việt Nam và Thái Lan của CyberAgent Ventures nhận định đã có sự cải tiến trong môi trường startup ở Việt Nam khi ngày càng có nhiều các nhà khởi nghiệp, nhà đầu tư cũng như sự hỗ trợ từ phía chính phủ.
Mặc dù thị trường startup Việt Nam đang ngày càng sôi động nhưng việc thiếu một khung pháp lý thích hợp đã khiến nhiều tập đoàn đầu tư mạo hiểm trùn chân khi muốn tiếp cận thị trường này.
Hơn nữa, quy mô thị trường không thực sự lớn và việc thoái vốn khỏi thị trường còn gặp nhiều trở ngại cũng là những nguyên nhân cản trở nhiều hãng đầu tư mạo hiểm tiếp cận Việt Nam.
Trong một cuộc hội thảo gần đây về đầu tư mạo hiểm, nhiều chuyên gia cho rằng hầu hết các quỹ đầu tư đăng ký kinh doanh tại những thiên đường thuế như Singapore hay quần đảo Cayman nhằm tận dụng sự ưu đãi về thuế.
Vì vậy, nhiều chuyên gia khuyến nghị chính phủ nên đơn giản hóa các thủ tục về thuế đối với những nhà đầu tư mua ít hơn 50% cổ phần, hoặc phân loại thuế giữa những khoản đầu tư vào công ty niêm yết và startup nhằm tạo điều kiện cho các tập đoàn đầu tư mạo hiểm.
Theo ông Lê Huỳnh Kim Ngân, người sáng lập của SeedforAction, nhà nước không nhất thiết phải tham gia vào quá trình gọi vốn bởi vốn tư nhân trên thị trường còn rất lớn và vẫn chưa được huy động hết. Những gì chính phủ cần làm hiện nay là xây dựng và ban hành những chính sách hỗ trợ thị trường.
Hầu hết những khoản đầu tư vào các startup tại Việt Nam trong vài năm qua đến từ người thân, bạn bè hoặc chỉ gọi vốn một lần (serie A), trong khi nhiều hãng đầu tư mạo hiểm quốc tế lại chỉ mới tham khảo và xem xét cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Doanh nghiệp khoáng sản có thêm một năm buồn
Thống kê trong hơn 20 doanh nghiệp khoáng sản đang niêm yết trên HOSE và HNX, có đến một nửa bị sụt giảm cả doanh thu và lợi nhuận. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang ở trong tình trạng lỗ lũy kế.
2 năm trước, nhận định ngành khoáng sản sẽ có một tương lai sáng sủa, vị đại gia nọ đã quyết định mua lại một công ty khoáng sản niêm yết trên sàn. Sau thương vụ mua vỏ đổi ruột ấy, giá cổ phiếu cũng đã làm mưa làm gió được một số phiên. Nhưng đến nay, tình hình kinh doanh của công ty khoáng sản này vẫn chưa có gì khởi sắc, còn giá cổ phiếu ngày một đi xuống.
Ông chủ của doanh nghiệp nói rằng, mình đã tính sai đường và giờ chỉ hoạt động cầm chừng chờ nền kinh tế Trung Quốc phục hồi, vì đó là đối tác lớn nhất của các doanh nghiệp khoáng sản Việt Nam.
Một nửa số doanh nghiệp khoáng sản sụt giảm cả doanh thu lẫn lợi nhuận
Từ khi Chỉ thị 02/CT-TTg được ban hành năm 2012 cấm xuất khẩu khoáng sản thô trừ dầu mỏ và than đá, ngành này bắt đầu rơi vào giai đoạn khó khăn.
Không những thế, trong năm 2014, mức thuế khai thác tài nguyên được điều chỉnh tăng và tình trạng sụt giảm của giá nguyên vật liệu trên thị trường thế giới càng đẩy các doanh nghiệp khai thác khoáng sản lâm vào tình trạng khó khăn hơn.
Bởi thế, một số doanh nghiệp dù đã chuyển hướng từ khai thác, xuất khẩu thô sang sản xuất với sản phẩm titan, thì việc thuế xuất khẩu tăng và giá nguyên liệu thô giảm mạnh cũng khiến họ không tránh khỏi một kết quả kinh doanh bết bát.
Thống kê trong 20 doanh nghiệp khoáng sản đang niêm yết trên HOSE và HNX, có khoảng 13 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh năm 2015 thì chỉ có một vài gương mặt khả quan như Khoáng sản Á Cường (mã: ACM) với doanh thu 276,5 tỷ - tăng 221% và lợi nhuận sau thế 46 tỷ - tăng 291%, khoáng sản A Lưới (mã: ALV) với lợi nhuận sau thuế gần 3 tỷ - tăng 4 lần so với năm 2014 và khoáng sản Hòa Bình (mã:KHB) với lợi nhuận 1,6 tỷ - tăng 169%.
Còn lại, có một nửa bị sụt giảm cả doanh thu và lợi nhuận. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang ở trong tình trạng lỗ lũy kế.
Công ty khoáng sản Bình Định (mã: BMC) vốn là một doanh nghiệp làm ăn hiệu quả và từng là một ngôi sao của làng khoáng sản với thị giá cổ phiếu từng có lúc lên tới 600.000 đồng. Tuy nhiên, năm 2015, doanh thu của công ty giảm 20% và lợi nhuận giảm 43%. Mức sụt giảm này vẫn còn thấp hơn công ty Cmistone Việt Nam (mã: CMI) với lợi nhuận 2015 giảm 77% so với năm 2014.
Một số doanh nghiệp khác cũng rơi vào cảnh sa sút như khoáng sản Hà Giang (mã: HGM) giảm 32% lợi nhuận, Khoáng sản Hưng Long (mã:KHL) giảm 15%, Khoáng sản Đầu tư và phát triển KSH (mã: KSH) giảm 40%, khoáng sản Fecon (mã: FCM) giảm 12%...
Và không thể không kể đến khoáng sản Na Rì Hamico (mã: KSS) với sự kiện Chủ tịch HĐQT và Kế toán trưởng bị khởi tố. Doanh thu của công ty giảm 95% và lợi nhuận giảm từ gần 4 tỷ xuống còn 149 triệu đồng.
Cổ phiếu khoáng sản chỉ còn giá “rau dưa trà đá”
Các cổ phiếu khoáng sản niêm yết trên 2 sàn có sự phân hóa rất lớn. Nhiều cổ phiếu ở trong tình trạng không có thanh khoản như BKC của khoáng sản Bắc Cạn, MIM của khoáng sản và cơ khí, SQC của khoáng sản Quy Nhơn.
Dẫu có kết quả kinh doanh sa sút nhưng những cổ phiếu như BMC, CMI, KHL, KSH, KSS vẫn còn có thanh khoản khá tốt. KSA của khoáng sản Bình Thuận nổi bật với khối lượng giao dịch vài triệu đơn vị/phiên.
Song dù thế nào, những cổ phiếu này đều có chung xu hướng là giảm giá liên tục, ít nhất trong vòng 1 năm trở lại đây.
Lác đác một số cổ phiếu tăng giá rất tốt suốt 1 năm qua như KSB của khoáng sản và xây dựng Bình Dương, LBM của khoáng sản Lâm Đồng,
Trong một hoàn cảnh khác, có doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh khá tốt nhưng thanh khoản thấp và giá cổ phiếu “rau dưa” như ALV của khoáng sản A Lưới hay ACM của khoáng sản Á Cường. ACM mới lên sàn trong năm 2015 với vốn điều lệ 510 tỷ đồng – được kỳ vọng là một tân binh lớn có diến biến giá khả quan trong ngành khoáng sản.
Tuy nhiên có lẽ doanh nghiệp đã chọn thời điểm niêm yết không phù hợp khi không chỉ ngành khoáng sản “hết thời” mà cả thị trường chứng khoán chứng khoán thế giới và Việt Nam đều đang chao đảo. Giá cổ phiếu này đã sàn liên tục trong 10 phiên từ ngày 14/08 - 27/08, rớt xuống mức giá 3.400 đồng và hiện đang có giá 4.500 đồng.
Các Doanh nghiệp khoáng sản lại có thêm một năm buồn. Không những thế, từ ngày 1/7/2016, Nghị quyết 1084/2015/UBTVQH13 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên bắt đầu có hiệu lực thi hành. Theo đó, thuế suất đối với nhóm khoáng sản kim loại sẽ tăng thêm 2 - 3% và ở mức 10 - 20%.
Song vị đại gia nói trên cho biết, mặc dù kinh tế vĩ mô có vẻ không khởi sắc nhưng về “vi mô”, các đối tác bên Trung Quốc đã quay lại với các hợp đồng mới. Ông cho rằng các doanh nghiệp khai khoáng sẽ bớt bi quan hơn hiện tại.