Số doanh nghiệp rời thị trường bằng 9/10 số thành lập mới từ đầu năm; Thủ tướng chỉ đạo đưa vào sản xuất thương mại công nghệ điện rác của Công ty HMC; Khánh Hoà: Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Cam Lâm; Tập đoàn VNPT có quỹ lương trên 8.600 tỷ đồng
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 23-04-2016
- Cập nhật : 23/04/2016
Xuất khẩu da giày sang EU chững lại
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu da giày sang thị trường EU (từng là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành da giày VN) đang có dấu hiệu chững lại...
Dù đạt kim ngạch xuất khẩu trong quý 1-2016 khoảng 900 triệu USD, nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu da giày sang thị trường EU (từng là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành da giày VN) đang có dấu hiệu chững lại, chỉ tăng 8,6% so với cùng kỳ 2015, thấp hơn cả thị trường Mỹ (đạt 11,6%, tương ứng 918 triệu USD).
Theo ông Diệp Thành Kiệt - phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách VN (Lefaso), nguyên nhân của hiện tượng này do đơn đặt hàng từ EU bị phân tán sang các nước khác như Ấn Độ, Myanmar, Lào, Campuchia, Bangladesh vì các quốc gia này cũng được hưởng ưu đãi thuế quan (GSP) như EU đang áp dụng cho VN.
Ngoài ra, nguồn cầu tại EU sụt giảm vì kinh tế chưa thoát khỏi khó khăn. Cũng theo ông Kiệt, sức cạnh tranh của ngành da giày VN không như kỳ vọng còn do sự chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước vẫn chưa được cải thiện, chi phí sản xuất tại VN ngày một tăng cao…
Vingroup bán hơn 3,1 tỷ USD bất động sản trong một năm
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2016 của Tập đoàn Vingroup, ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch HĐQT cho biết năm 2015, riêng lĩnh vực bất động sản, đơn vị này đạt doanh số bán hàng hơn 70.000 tỷ đồng, tương đương 3,1 tỷ USD.
Tuy nhiên, do các dự án chưa bàn giao trong năm nên năm 2015, doanh nghiệp chỉ ghi nhận mức doanh thu thuần 34.048 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2014, lợi nhuận sau thuế 1.500 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản chiếm hơn 62% khi đạt chuyển nhượng bất động sản đạt hơn 21.000 tỷ đồng.
Báo cáo cũng cho biết, mức tăng doanh thu ấn tượng nhất đến từ ngành bán lẻ, tăng 987%, đạt mức 4.306 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2015, tổng tài sản Tập đoàn Vingroup đạt xấp xỉ 145.500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 37.600 tỷ đồng.
Năm 2016, Vingroup đặt mục tiêu doanh thu thuần 45.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 3.000 tỷ đồng. Dự kiến, trong năm nay, Tập đoàn sẽ triển khai các dự án Vinhomes Gardenia, Vinhomes Riverside 2, tổ hợp Metropolis Hà Hội, Vinhomes Central Park, Vinhomes Hải Phòng, Vinhomes Dragon Bay... Bên cạnh đó, Vingroup có kế hoạch khai trương thêm khoảng 20 trung tâm thương mại, 19 dự án shophouse tại Hà Nội, TP HCM và 16 tỉnh thành trên cả nước.
Lợi nhuận Microsoft giảm 25%
3 tháng đầu năm, Microsoft chỉ lãi 3,76 tỷ USD, giảm đáng kể so với gần 5 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu đại gia phần mềm cũng giảm từ 21,73 tỷ USD năm ngoái xuống 20,53 tỷ USD.
Con số này thấp hơn dự báo của giới phân tích. Hãng giải thích mảng PC liên tục suy yếu đã khiến nhu cầu phần mềm của mình cũng lao dốc theo. Sau thông tin trên, cổ phiếu của hãng đã giảm hơn 4% trong phiên giao dịch thỏa thuận hôm qua.Nhu cầu hệ điều hành Windows giảm tại cả phiên bản cho người tiêu dùng cá nhân và cho doanh nghiệp. Morningstar ước tính số PC chạy Windows hiện chỉ còn chiếm 90% thị trường, giảm so với 95% cách đây một thập kỷ.
Nguyên nhân là sự ra đời của các thiết bị và phần mềm di động từ các đối thủ như Apple hay Google. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến Microsoft, dù tác động đã chậm lại.
Doanh thu tại mảng điện toán đám mây của hãng tăng 3,3% lên 6,1 tỷ USD. Tuy nhiên, lợi nhuận hoạt động lại giảm 14%.
"Chúng tôi muốn sức tăng trưởng phải từ 7% đến 9%", Dan Morgan – Giám đốc danh mục đầu tư tại Synovus Trust nhận xét, "Điều này sẽ chứng tỏ Microsoft thực sự đã trở thành một công ty đám mây, chứ không dựa vào máy tính cá nhân (PC) nữa".
Mảng game của hãng cũng tăng doanh thu 4% lên 64 triệu USD, nhờ Xbox Live và Minecraft. Tuy nhiên, họ lại mất 2 triệu người dùng so với kỷ lục 48 triệu quý trước.
Kinh tế Hàn Quốc vươn mình xếp thứ 11 trên thế giới
Sự chuyển mình đáng kinh ngạc Hàn Quốc đã trở thành một điều kỳ diệu mang tên "Kỳ tích sông Hàn".
"Han" là đặc trưng văn hoá chỉ có ở Hàn Quốc. "Han" không có từ dịch nghĩa tương đương. "Han" chính là sự căm giận được tích tụ theo năm tháng và không bao giờ chấm dứt đối với người Hàn.
Tưởng như sự căm giận, hận thù sẽ bào mòn và huỷ hoại con người nhưng Hàn Quốc đã triệt để tận dụng căn tính dân tộc để biến mình trở thành siêu cường về kinh tế.
Nền kinh tế đứng thứ 11 trên thế giới và sự xâm lược văn hoá
Những năm 1960, Hàn Quốc là một quốc gia không có gì. Điểm duy nhất khiến người ta nhớ đến là đội quân lính đánh thuê Park Chung Hee lạnh lùng và tàn bạo.
Hàn Quốc những năm đó không có những thương hiệu toàn cầu đình đám mà chỉ có Samsung bị giễu nhại là Samsuck – mọi linh kiện sản xuất ra đều là rác.
Không Samsung, LG, Hyundai, không những oppa hấp dẫn, không gì cả. Hàn Quốc dường như là con số 0.
Nhưng rồi điều kỳ diệu đã xảy ra. Hàn Quốc bắt đầu chinh phục thế giới bằng tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân liên tục trong 40 năm đạt 7,6%.
Tổng sản phẩm quốc nội trên đầu người (tính theo sức mua tương đương) của nước này đã nhảy vọt từ 100 USD năm 1963 lên 10.000 USD vào năm 1995; 25.000 USD vào năm 2007 và đạt mức 32.400 USD vào năm 2014.
Đến năm 2015, Hàn Quốc là nước có nền kinh tế đứng thứ 11 trên thế giới và là nước châu Á đứng thứ 3 sau Nhật Bản và Singapore với thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 28 trên thế giới.
Nhưng thành công về kinh tế chỉ là một khía cạnh của Hàn Quốc. Họ, từ đất nước bị xâm lược, đang đi xâm lấn nước khác, không tiếng súng, tiếng bom, họ xâm lược bằng văn hoá.
Làn sóng Hallyu (làn sóng Hàn Quốc) đã trở nên quá phổ biến. Nó gây ảnh hưởng lên toàn châu Á và đang vươn mạnh ra thế giới.
Trước khi thủ tướng Thái Lan kêu gọi người dân xem "Hậu duệ mặt trời", trước khi lượng người xem Gangnam Style khiến cho bộ đếm của Youtube bị lỗi thì Nàng Dae Jang Geum đã khiến người dân Iran phải đổi giờ ăn…
Vẻ đẹp Hàn Quốc đã trở thành chuẩn mực. Từ tóc nâu môi trầm thời phim "Mối tình đầu" cho đến những vẻ đẹp tự nhiên trong suốt mong manh như Song Hye Kyo đã trở thành mode khiến toàn nữ giới điên đảo.
Cơn sóng Hallyu đi qua để lại những vẻ đẹp tương tự nhau vì giờ đây kín những biển hiệu quảng cáo thẩm mỹ là "nâng mũi công nghệ hàn quốc" "phun thêu lông mày Hàn Quốc" hay "cắt mí vẻ đẹp Hàn Quốc"
Rồi thì người ta nói nhiều với nhau về cơn sốt giới trẻ, khi họ phát cuồng với những Idol đến từ đất nước này.
Tiếng Hàn đã được nhiều bạn trẻ tìm học, Hàn Quốc trở thành một địa điểm được lựa chọn để du lịch,…
Tất cả những điều này đã khiến cho nhiều người lo ngại về một cuộc xâm lăng trên phương diện văn hoá.
Ở khía cạnh này, Hàn Quốc đã vượt mặt nhiều quốc gia lớn khác bởi tham vọng của Trung Quốc khi thành lập một loạt học viện Khổng Tử là thất bại song làn sóng Hallyu thì không.
"Han" – nỗi hận quyết định số phận
"Han" là một từ không thể chuyển ngữ được trong tiếng Hàn. Nó là một căn tính đặc trưng của người dân nước này, chỉ sự căm giận, uất hận.
Nhưng khác với nỗi căm hận thông thường, sự hận thù này không bao giờ chấm dứt.
Nỗi hận này đã tích tụ, dồn nén suốt 5000 năm với 400 lần bị xâm chiếm. Người Hàn có "han" với người Nhật, sự thù hận này đã có hơn 600 năm.
Nỗi căm giận việc bị Nhật Bản đô hộ khiến hàng nghìn phụ nữ phải trở thành nô lệ tình dục, trẻ em đến trường không được học tiếng Hàn, hàng triệu người bị bóc lột sức lao động đã khiến việc trả thù, vượt qua Nhật Bản là khát vọng của Hàn Quốc.
Trẻ em từ lúc đi học đã có tâm lý "Han". Tại sao đồ dùng Nhật Bản lại luôn tốt hơn đồ Hàn Quốc, tại sao một nhóm nhạc yêu thích của giới trẻ luôn biểu diễn ở Nhật mà không phải ở Hàn…
Chính "Han" là động lực quan trọng để người Hàn Quốc lao động cật lực và có phần cực đoan để đánh bại đối thủ truyền kiếp của mình.
Họ lao động một cách hăng say đến cực đoan.
Năm 1995, khi một số điện thoại trong dòng sản phẩm mới của Samsung bị lỗi, Lee Kun Hee – Chủ tịch của công ty đã đưa ra một quyết định kịch tính: yêu cầu nhân viên đập nát và đốt hết kho hàng.
Vài trăm ngàn chiếc điện thoại bị phá huỷ, đám cháy có giá 50 triệu đô để nhắc nhở toàn thể công ty "chất lượng là nhân cách và giá trị của tôi".
Thay đổi, sáng tạo và liều lĩnh, từ Samsuck (cách gọi chế giễu Samsung ngày trước), năm 2002, Samsung đã đánh bại Sony của Nhật. Năm 2005, giá trị vốn hoá thị trường của Samsung là 75 tỉ USD, gấp 2 lần Sony.
Chính "Han" cũng là động lực để Hàn Quốc có những sự thay đổi đầu tiên cho đến khi trở thành cơn sóng với tham vọng văn hoá.
"Thật ra phần lớn động cơ của Hàn Quốc đến từ nỗ lực chiến thắng những con quỷ của chính họ, cả trong quá khứ và hiện tại" – Euny Hong, tác giả của cuốn "Giải mã Hàn Quốc sành điệu cho biết.
Nhiều vướng mắc trong chống hàng giả, gian lận thương mại
Công tác chống hàng giả, gian lận thương mại thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó có nhiều vướng mắc từ chính các văn bản hướng dẫn luật.
Từ góc độ của cơ quan thực thi pháp luật, tham gia kiểm tra, xử lý vụ việc liên quan đến gian lận thương mại, ông Nguyễn Thành Danh - phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Bình Dương - cho rằng công tác chống hàng giả, gian lận thương mại thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó có nhiều vướng mắc từ chính các văn bản hướng dẫn luật.
Ông Danh chia sẻ:
- Sản phẩm giả mạo ngày càng được sản xuất tinh vi, không khác sản phẩm thật. Chính những chuyên gia kỹ thuật của các nhà sản xuất chính hãng cũng khó khăn trong việc phân biệt.
Hàng nhái thiên biến vạn hóa, mẫu này bị bắt, bị xử lý thì ngày mai lại xuất hiện mẫu khác được chỉnh sửa một chút và tiếp tục gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Phải kết hợp rất nhiều yếu tố kỹ thuật, thậm chí phải nhận biết qua những con tem chống giả công nghệ cao mới có thể phân biệt được.
Việc phân định thật - giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giữa các đơn vị đòi hỏi có trọng tài là nhà sản xuất hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền, được Nhà nước chỉ định. Việc xử lý theo các văn bản luật hiện hành.
Tuy nhiên, các văn bản pháp quy lại chồng chéo, trùng lắp hoặc đi sau thực tế khiến việc xử lý sau khi kiểm tra gặp khó.
Chẳng hạn, cùng một hành vi vi phạm về sản xuất, mua bán hàng giả, hàng nhái có thể được giải thích và xử lý khác nhau bởi những văn bản nghị định khác nhau. Do đó, cơ quan thực thi bối rối không biết xử lý theo văn bản nào vì xử nặng hay nhẹ đều đúng!
Chưa hết, trong quá trình xử lý chính đòi hỏi phải xác minh, giám định để kết luận hành vi vi phạm. Nhiều vụ việc cần thiết phải trưng cầu giám định từ Viện Khoa học sở hữu trí tuệ hoặc xin ý kiến chuyên môn của Cục Sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, thời gian trả lời đôi lúc chậm trễ, thậm chí không nhận được trả lời từ cơ quan chuyên môn. Chẳng hạn, có một trường hợp được hai cơ quan khẳng định là “vi phạm”, nhưng thanh tra của một bộ chuyên ngành lại có ý kiến cho rằng “không vi phạm”, gây bối rối cho các cơ quan thực thi.
Trong khi đó, không phải doanh nghiệp nào có hàng hóa bị vi phạm cũng nhiệt tình tham gia hỗ trợ cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, xử lý. Thậm chí có trường hợp biết chắc là hàng giả, đã giữ hàng rồi cũng phải trả lại vì chủ sở hữu nhãn hiệu không có đại diện tại VN.
Khi được yêu cầu cung cấp thông tin về sản phẩm và cách phân biệt hàng thật - giả, nhiều doanh nghiệp ngại tham gia vì sợ người tiêu dùng biết sản phẩm bị giả sẽ chuyển sang chọn sản phẩm của đối thủ...
Cuối cùng, khó khăn xuất phát từ chính kiến thức, trình độ chuyên môn về hàng giả, về sở hữu trí tuệ của những người thực thi nhiệm vụ. Đa số lực lượng đều mỏng, kiêm nhiệm nên không thể đáp ứng yêu cầu trong công tác này.
Từ những khó khăn này, tôi đề xuất những giải pháp:
- Cần thiết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan về hàng giả, về sở hữu trí tuệ. Làm sao để không còn chồng chéo, trùng lắp và thật sự là công cụ hữu hiệu cho các cơ quan chức năng.
- Quan tâm đào tạo kiến thức chuyên môn và trang bị công cụ kỹ thuật chống hàng giả cho những người làm công tác chống hàng giả.
- Sự quan tâm của các doanh nghiệp với ý thức xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu, ứng dụng khoa học công nghệ chống giả trên bao bì, giải pháp dán tem chống giả công nghệ cao... Sự đoàn kết của các thành viên trong các tổ chức chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Tăng cường tuyên truyền về công tác chống hàng giả, nhất là kỹ năng phân biệt hàng thật, hàng giả cho người tiêu dùng...