Quy hoạch dệt may đã lỗi thời
Ngân hàng rầm rộ lập công ty con
Vướng giải quyết thủ tục NK xe ô tô đã qua sử dụng
Còn tồn đọng gần 4.000 container tại cảng Hải Phòng
Công ty Nhật Bản đầu tư sản xuất, kinh doanh lúa gạo tại Yên Bái
Tin kinh tế đọc nhanh 23-04-2016
- Cập nhật : 23/04/2016
Dự án tỷ đô First Solar có nhà đầu tư mới
Theo tìm hiểu, những thủ tục pháp lý liên quan đến Dự án First Solar như, quyền sở hữu đất đai, quyền sở hữu tài sản trên đất đã được hoàn thành.
Thông tin với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng Đầu tư, Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, đã có nhà đầu tư mới cho Dự án Nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của Công ty TNHH Sản xuất First Solar Việt Nam (Dự án First Sola). Tuy chưa thể tiết lộ danh tính của nhà đầu tư mới, song ông Hà cho biết, đây là dự án của nhà đầu tư ngoại và số vốn đầu tư đăng ký khá lớn.
Cần nhắc lại rằng,Dự ánFirst Sola có vốnđầu tưđăng ký 1,2 tỷ USD tại Khu công nghiệp Đông Nam là nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời theo công nghệ hiện đại màng mỏng đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam. Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 1/2011 và được khởi công vào tháng 3/2011. Tuy nhiên, sau khi khởi công được 8 tháng, chủ đầu tư đã công bố tạm dừng thực hiện Dự án, do sự mất cân bằng cung - cầu về sản phẩm pin năng lượng mặt trời trên thị trường toàn cầu.
Đến thời điểm tạm dừng Dự án, First Solar đã đầu tư xây dựng nhà xưởng rộng 113.000 m2, trong đó có 107.000 m2 dành cho sản xuất. Tổng số vốn mà chủ đầu tư này đã góp theo báo cáo của Hepza là 50 triệu USD và Công ty chưa đăng ký lao động do dự án chưa hoạt động…
Theo quy định hiện hành, với các dự án như First Solar, sẽ có hai cách để nhà đầu tư dừng thực hiện dự án. Thứ nhất là chuyển nhượng vốn cho đối tác khác và trong trường hợp này, đối tác phải giữ nguyên ngành nghề, mức đầu tư… mà First Solar đã đăng ký. Thứ hai là chuyển nhượng tài sản (nghĩa là bán nhà xưởng), đòi hỏi nhà đầu tư phải có các thủ tục pháp lý cơ bản về quyền sở hữu đất đai, quyền sở hữu tài sản trên đất.
Theo tìm hiểu, những thủ tục pháp lý liên quan đến Dự án First Solar như, quyền sở hữu đất đai, quyền sở hữu tài sản trên đất đã được hoàn thành. “Dự án của nhà đầu tư mới có ngành nghề đăng ký hoạt động tương đồng và được thực hiện tại địa điểm của Dự án First Solar”, ông Hà nói và cho biết, vốn đầu tư đăng ký của dự án mới này ít nhất cũng là 500 triệu USD, thậm chí có thể tương đương tổng vốn đầu tư mà First Solar đã đưa ra.
Cũng theo ông Hà, thời gian qua, nhà đầu tư mới đã nhiều lần làm việc với Hepza, tìm hiểu chi tiết các vấn đề liên quan đến pháp lý, nhà xưởng, đàm phán kỹ lưỡng các chi tiết về dự án đầu tư… Theo kế hoạch, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án mới có thể tiến hành ngay trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa chốt được cụ thể về thời gian.
Lý do mà nhà đầu tư mới đưa ra là hạ tầng kết nối từ Quốc lộ 22 đến Khu công nghiệp Đông Nam là Tỉnh lộ 8 chưa hoàn chỉnh, khiến họ sẽ rất khó khăn trong việc triển khai dự án. Cụ thể, Tỉnh lộ 8 hiện hữu chỉ có quy mô 2 làn xe và TP.HCM đã quyết định đầu tư mở rộng quy mô lên 6 làn xe, nhưng dự án này vẫn chưa được triển khai thi công, do vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý về nguyên tắc để TP.HCM tổ chức kêu gọi đầu tư vào Dự án nâng cấp, mở rộng toàn tuyến Quốc lộ 22 qua địa bàn TP.HCM và Tây Ninh (nối với Campuchia) theo hình thức BOT. Cùng với việc Tỉnh lộ 8 đang được đầu tư mở rộng, dự án này sẽ khiến việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa từ Khu công nghiệp Đông Nam về các cảng biển và khu trung tâm của TP.HCM tới đây sẽ rất thuận lợi.
“Nhà đầu tư rất quan tâm và liên tục hỏi về tiến độ thi công của Tỉnh lộ 8 để có kế hoạch cụ thể triển khai dự án”, ông Hà nói và cho biết, nếu dự án này được cấp phép trong năm nay, sẽ có tác động rất tích cực đến kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Thành phố.
Theo báo cáo của Hepza, trong 3 tháng đầu năm nay, tổng số vốn đầu tư thu hút vào các khu chế xuất - khu công nghiệp của TP.HCM là 197,86 triệu USD, giảm 53,43% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ là 115,67 triệu USD, giảm 69,49% so với cùng kỳ năm 2015. Trong năm nay, Hepza đưa ra kế hoạch thu hút vốn đầu tư đạt 700 triệu USD.
EU công bố kế hoạch số hóa ngành công nghiệp
Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã tiết lộ kế hoạch để giúp ngành công nghiệp châu Âu, các DNNVV, các nhà nghiên cứu và cơ quan công quyền tận dụng được tốt nhất lợi ích của các công nghệ mới mang lại. Đây cũng là một phần trong chiến lược tạo ra một thị trường kỹ thuật số duy nhất ở khu vực mà EC đã công bố vào năm ngoái.
Theo đó, EC đã đưa ra một loạt các giải pháp để hỗ trợ kết nối các sáng kiến quốc gia cho việc số hóa các ngành và dịch vụ liên quan, đồng thời thúc đẩy đầu tư thông qua các mạng lưới và quan hệ đối tác chiến lược. Ủy ban cũng đề xuất các biện pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển các tiêu chuẩn chung trong các lĩnh vực ưu tiên, chẳng hạn như các mạng thông tin liên lạc 5G, an ninh mạng và hiện đại hóa các dịch vụ công.
Đặc biệt, EC cho biết sẽ thành lập một nền tảng điện toán đám mây châu Âu, qua đó cung cấp cho 1,7 triệu nhà nghiên cứu, 70 triệu chuyên gia khoa học và công nghệ một môi trường ảo để lưu trữ, quản lý, phân tích và tái sử dụng một số lượng lớn các số liệu nghiên cứu.
Theo tính toán của EC, để thực hiện được chiến lược số hóa thì các kế hoạch này cần phải huy động được trên 50 tỷ Euro (56,8 tỷ USD) đầu tư công và đầu tư tư nhân.
“Trong bối cảnh các công ty đang nỗ lực mở rộng quy mô trên một thị trường chung thì các dịch vụ điện tử công cộng cũng cần phải đáp ứng được đáp ứng nhu cầu hiện nay là kỹ thuật số, cởi mở và thiết kế xuyên biên giới. Do đó việc EU thúc đẩy các kế hoạch này là rất phù hợp vào thời điểm hiện nay” - Andrus Ansip, Phó Chủ tịch EC phụ trách phát triển thị trường kỹ thuật số chung EU cho biết.
Hoạt động cho vay của ADB tăng cao kỷ lục
Báo cáo Thường niên 2015 của ADB vừa được công bố cho thấy, tổng giá trị các hoạt động trong năm 2015 đã tăng tới 27,17 tỷ USD - mức cao nhất trong lịch sử của ADB.
Trong đó bao gồm 16,29 tỷ USD phê duyệt cho các khoản vay và viện trợ không hoàn lại; 141 triệu USD cho hỗ trợ kỹ thuật; và 10,74 tỷ USD đồng tài trợ, lĩnh vực có mức tăng kỷ lục là 16%. Các hoạt động giải ngân - yếu tố then chốt trong việc cải thiện hiệu quả viện trợ cũng ghi nhận kỷ lục mới là 12,22 tỷ USD trong năm 2015, tăng 22% so với năm trước.
Ngoài ra, các hoạt động cho khu vực tư nhân, một trọng tâm mới trong chiến lược dài hạn của ADB nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực, đã tăng vọt từ mức 1,92 tỷ USD năm 2014 lên tới 2,63 tỷ USD.
Chủ tịch ADB Takehiko Nakao cho biết: "Thành tích kỷ lục của chúng ta trong năm 2015 phản ánh nhu cầu đang gia tăng của khu vực Châu Á và Thái Bình Dương đối với viện trợ phát triển của ADB. Tình trạng nghèo khổ vẫn còn dai dẳng bất chấp mức tăng trưởng ấn tượng của khu vực và nhu cầu về cơ sở hạ tầng cùng các nhu cầu phát triển khác là vô cùng lớn”.
ADB ước tính mỗi năm, khu vực này cần khoảng 800 tỷ USD vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, tương đương 6% tổng sản phẩm quốc nội, so với mức đầu tư hiện thời vào khoảng 2% tới 3% tại nhiều nước ở Châu Á và Thái Bình Dương. Thiếu hụt vốn là nguyên nhân chính dẫn tới các hạn chế đối với tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo trong khu vực.
Báo cáo Thường niên 2015 tập trung vào sự đáp ứng của ADB để giúp khu vực giải quyết những thách thức này và thực thi chương trình nghị sự phát triển mới đầy tham vọng được cộng đồng quốc tế thông qua năm 2015.
ADB cam kết đóng vai trò trung tâm trong tài trợ cho các Mục tiêu phát triển bền vững, được ký kết tháng 9/2015 và hỗ trợ thỏa thuận mới về khí hậu đạt được trong Hội nghị các bên về biến đổi khí hậu lần thứ 21 tại Paris vào tháng 12/2015.
Để thực thi cam kết này, ADB đã tuyên bố đang gia tăng năng lực đáng kể để cung cấp nguồn tài trợ lớn hơn thông qua việc hợp nhất bảng cân đối nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Phát triển Châu Á của ADB và nguồn vốn vay thông thường theo thị trường.
Từ tháng 1/2017, cải cách mang tính đột phá này sẽ giúp tăng nền tảng vốn của ADB lên gần gấp ba, cho phép Ngân hàng tăng tới 50% mức hỗ trợ cho các quốc gia thành viên đang phát triển và tới 70% mức hỗ trợ cho các thành viên đang phát triển nghèo nhất.
Bức tranh thương mại Nhật Bản u ám do đồng yen tăng giá
Tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 3 đã giảm gần 7%, trong khi nhập khẩu giảm khoảng 15% so với cách đây một năm.
Chỉ riêng thị trường Trung Quốc, xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi tăng lần đầu tiên trong vòng 7 tháng trước đó một tháng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho hay, việc tăng trên không phản ánh đúng thực chất do trùng vào Tết Nguyên đán của Trung Quốc.
Theo chuyên gia Marcel Thieliant thuộc Trung tâm Nghiên cứu Capital Economics, xuất khẩu sụt giảm sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, dẫn tới hạn chế khả năng mở rộng sản xuất cũng như tăng lương cho nhân viên.
Từ đầu năm đến nay, đồng yen được coi là an toàn đã tăng giá chóng mặt do những bất ổn của thị trường cổ phiếu đã thúc đẩy nhà đầu tư hướng tới các tài sản mà họ coi là khoản đầu tư tin tưởng.
Hồi đầu năm, tỷ giá hối đoái ở mức 1 USD đổi khoảng 120 Yên và ngày 20/4, tỷ giá này là 109,2 yen/1 USD. Tuy nhiên, đồng nội tệ mạnh lên làm giảm khả năng cạnh tranh ở nước ngoài của các nhà xuất khẩu Nhật Bản cũng như giảm lợi nhuận của họ.
Số liệu vừa được công bố là bức tranh mới nhất về nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới vốn suy thoái trong quý 4/2015 và có thể tiếp tục đà này trong 3 tháng đầu năm nay.
Thảm họa động đất cuối tuần qua ở Nhật Bản đã buộc một số công ty lớn nhất nước này như Sony và Toyota phải tạm thời dừng hoạt động tại các khu vực bị ảnh hưởng. Việc đóng cửa này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế mong manh của Nhật Bản và Tokyo cũng đang lúng túng trong việc thúc đẩy tăng trưởng
ECB tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản thấp kỷ lục
Theo người phát ngôn ECB, trong cuộc họp ngày 21/4, Hội đồng điều hành ECB đã nhất trí không thay đổi lãi suất cho vay ở mức 0,25% và lãi suất tái cấp vốn ở mức 0%, cũng như lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức âm 0,4%.
Hồi tháng trước, ECB đã đưa các biện pháp nới lỏng tích cực, khiến đồng euro tăng giá sau khi Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết có lẽ không cần phải cắt giảm lãi suất hơn nữa. ECB đã áp dụng một loạt các biện pháp để vực dậy tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực đồng euro, như cắt giảm tỉ lệ lãi suất, tăng lượng mua trái phiếu lên 80 tỉ euro/tháng và cấp vốn vay giá rẻ cho các ngân hàng. ECB cho rằng nhiệm vụ chính hiện nay là thực hiện những biện pháp bổ sung đã đưa ra hôm 10/3.
Kể từ tháng 12/2015 đến nay, ECB đã "bơm" 1,5 nghìn tỉ euro (tương đương 1,7 nghìn tỉ USD) để kích thích kinh tế. Các nhà đầu tư quốc tế lo ngại rằng ECB đang cạn kiệt các công cụ chính sách tiền tệ.
Hiện nhiều ngân hàng châu Âu đang vật lộn với khó khăn và e ngại rằng lãi suất âm đang bào mòn khả năng thu lợi nhuận. Hầu hết các chuyên gia lo ngại về tăng trưởng kinh tế suy yếu và lạm phát của khu vực đồng euro, cũng như những rủi ro chính trị liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý "Brexit" vào ngày 23/6 tại Anh.