Khủng hoảng Triều Tiên đe dọa dòng chảy dầu thô ở châu Á; Lập đề án thí điểm cơ chế tích tụ đất đai tại Thái Bình và Hà Nam; Đình chỉ hoạt động, xử phạt nhiều khách sạn vi phạm về phòng cháy; Euro tăng mạnh - kẻ khóc, người cười
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 04-09-2017
- Cập nhật : 04/09/2017
Châu Âu bảo vệ công nghệ chủ chốt trước làn sóng Trung Quốc
Liên Minh châu Âu (EU) đang soạn thảo các điều luật ngăn nước ngoài thâu tóm các công ty sở hữu những công nghệ quan trọng trước làn sóng thu mua từ Trung Quốc.
Nhà sản xuất robot Kuka, Đức, lọt vào tầm ngầm của Trung Quốc năm ngoái gây nhiều lo ngại - Ảnh: DPA
"Chúng tôi đã nghe được các lo ngại về những nhà đầu tư nước ngoài thuộc sở hữu nhà nước đang thâu tóm các công ty châu Âu nắm giữ những công nghệ chủ chốt. Đó không phải là một vấn đề đơn giản" - hãng tin Bloomberg ngày 2-9 dẫn lời bà Margrethe Vestager - Uỷ viên phụ trách cạnh tranh của EU.
Bà cho biết EU dự kiến sẽ đưa ra các đề xuất cứng rắn ngay trong mùa thu này.
Trước đó, vào tháng 7-2017, Đức đã triển khai các biện pháp nhằm ngăn các công nghệ tiên tiến lọt vào tay các nhà đầu tư nước ngoài sau khi tập đoàn Midea của Trung Quốc mua lại nhà sản xuất robot Kuka hồi năm ngoái.
Thoả thuận gây nhiều lo ngại khi hoàn tất trót lọt mà không có sự phản ứng nào của chính quyền Đức hoặc EU.
Ngay sau hành động của Berlin, thủ tướng Anh Theresa May cũng cam kết sẽ có biện pháp tương tự.
Một báo cáo chung của Đức, Pháp, Ý sau đó cũng kêu gọi Brussels hành động trước các vụ thâu tóm "mang động cơ chính trị" của nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.
Các lo ngại lớn dần theo cơn sốt đầu tư từ các công ty Trung Quốc tại châu Âu tăng theo cấp số nhân chỉ trong vài năm qua.
Đầu tư trực tiếp của Bắc Kinh tại châu Âu hầu như chẳng có gì vào năm 2009 nhưng nhanh chóng nhảy vọt lên 13 tỉ euro năm 2014. Con số tiếp tục tăng gấp đôi vào năm 2015 và đạt đỉnh điểm 35 tỉ euro năm ngoái.
Đáng lo hơn khi xu hướng đầu tư của Trung Quốc chuyển từ đầu tư thu lời nhanh sang thâu tóm các công ty công nghệ cao, có tính sáng tạo của châu Âu. Nhiều công ty phát triển các công nghệ có thể áp dụng trực tiếp cho quân đội, theo báo Straits Times.
Phần lớn các vụ thâu tóm, khoảng 70%, là do các công ty thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, theo Viện nghiên cứu Mercator có trụ sở tại Đức.
Báo Straits Times liệt kê một ví dụ khiến người ta phải nghi vấn khi công ty ChemChina, trụ sở ở Bắc Kinh, dù vướng khoản nợ lớn gấp 9,5 lần doanh thu hàng năm nhưng có thể xoay sở 44 tỉ USD để thâu tóm công ty công nghệ sinh học Syngenta của châu Âu!
Theo hãng tin Bloomberg, chính quyền các nước châu Âu có quyền can thiệp nếu thoả thuận liên quan đến lợi ích quốc gia như quốc phòng, năng lượng, ổn định tài chính và an ninh.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều lỗ hổng trong quy định ngăn chặn. Chẳng hạn tại Đức, chính quyền hầu như không hay biết điều gì đang diễn ra bởi không có quy định nào bắt buộc các vụ thâu tóm của nước ngoài phải thông báo với nhà chức trách.
Ngoài ra, nhiều nước, đặc biệt là các thành viên nghèo hơn của EU, cũng ngần ngại ngăn cấm mạnh tay bởi sợ chọc giận các nhà đầu tư Trung Quốc.(Tuoitre)
------------------------
Ưu tiên dùng tro, xỉ, thạch cao trong các công trình có dùng vốn nhà nước
Trước thực trạng nguồn cát tự nhiên khan hiếm và giá tăng dựng đứng thời gian qua, UBND TP.HCM đã giao các sở ngành, UBND quận huyện chỉ đạo các chủ đầu tư công trình trên địa bàn TP sử dụng vốn nhà nước phải ưu tiên sử dụng tro, xỉ, thạch cao hoặc các sản phẩm vật liệu xây dựng có tro, xỉ, thạch cao.
Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn TP sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng…
Cụ thể, UBND TP giao Sở Công thương kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý các đơn vị, tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng...
Sở Khoa học - Công nghệ được giao tổ chức đặt hàng các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ, hoàn thiện công nghệ xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng trên địa bàn TP. Đồng thời phổ biến, thông tin rộng rãi các chính sách ưu đãi đối với các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất thử nghiệm đối với việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao được hưởng ưu đãi.(Thanhnien)
-----------------------
Mỹ sử dụng robot may quần áo, công suất ngang với 17 nhân công làm việc trong 1 giờ
Dây chuyền sản xuất quần áo bằng robot mới tại Mỹ hoàn toàn tự động, từ khâu cắt may cho đến hoàn thiện đều do máy móc đảm nhiệm sẽ thay thế gần như hoàn toàn con người.
Các bộ quần áo đơn giản luôn đòi hỏi những công việc lặp đi lặp lại vốn cần nhiều nhân công. Chúng được chuyên môn hóa theo từng khâu mà mỗi người tham gia chỉ đảm nhiệm một công việc nhỏ. Trước đây, robot tỏ ra rất khó khăn khăn để di chuyển các tấm vải mềm mại trong khi với con người thì đây lại là việc đơn giản.
Vào năm 2015, sau thời gian nghiên cứu, SoftWear Automation đã giới thiệu robot “may vá” mang tên Lowry sử dụng cảm biến để phát hiện và điều chỉnh sự thay đổi của các tấm vải. Mặc dù ban đầu cỗ máy chỉ tạo ra những sản phẩm đơn giản như khăn tắm, nhưng nay công nghệ đã được được nâng tầm để có thể hoàn thiện một bộ áo phông hoặc quần jean. Công ty tuyên bố, Lowry vận hành hiệu quả và nhanh hơn nhiều so với dây chuyền con người.
Mục tiêu lớn của SoftWear Automation là thương mại hóa dây chuyền may mặc đủ khả năng thay thế một dây chuyền truyền thống với 10 nhân công và sản xuất khoảng 1.142 chiếc áo phông trong 8 giờ. Để đạt hiệu suất như vậy, trước đây nhà máy sẽ phải huy động tới 669 người làm. Trong khi hệ thống mới chỉ cần 1 người điều khiển duy nhất và cho tốc độ tạo ra số áo sơ mi trong 1 giờ tương đương 17 công nhân.
SoftWear Automation trở thành nhà tiên phong trong lĩnh vực tự động hóa ngành dệt may thu hút sự quan tâm của nhiều nhà sản xuất quần áo, hàng gia dụng trên thế giới như Tianyuan Garments, công ty Trung Quốc chuyên gia công cho Adias và Armani. Hãng này đã đầu tư 20 triệu USD cho một nhà máy rộng hơn 9.000m2 tại Little Rock, Arkansas, Mỹ dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2018. Nhà máy sẽ được trang bị 21 dây chuyền sản xuất robot do SoftWear Automation cung cấp với công suất tạo ra 1,2 triệu áo thun mỗi năm.
Thông thường, sản xuất ở Mỹ sẽ có chi phí đắt hơn so với Trung Quốc, nhất là giá nhân công. Tuy nhiên, CEO Tang Xinhong của Tianyuan Garments nói rằng, trong một dây chuyền tự động hoàn toàn thì chi phí lao động của con người chỉ khoảng 0,33 USD trên mỗi chiếc áo tạo ra. Tại Bangladesh con số này là khoảng 0,22 USD, còn ở Mỹ là 7,47 USD (dây chuyền truyền thống). Như vậy, Tianyuan sẽ giảm chi phí về nhân công ngay tại Mỹ ngang với các thị trường lao động giá rẻ nhất thế giới.
SoftWear Automation đang tìm kiếm nguồn tài chính nhằm thúc đẩy hoạt động của mình. Pete Santora, Giám đốc Thương mại Công ty cho biết đã nhận khoản đầu tư từ Cơ quan Quản lý các dự án nghiên cứu cao cấp Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DARPA). Theo luật, Quân đội nước này phải mua hàng hóa do chính Hoa Kỳ chế tạo nên tất nhiên họ rất hoan nghênh dự án của SoftWear vì mang tới hàng hóa giá rẻ.
Dẫu vậy, dây chuyền tự động làm dấy lên lo ngại đẩy nhiều công nhân ngành may mặc ra đường, đặc biệt tại thị trường châu Á. Hiện tại, SoftWear chỉ mới bán dây chuyền sản xuất áo thun tự động tại Mỹ và cần thời gian chuẩn bị để mở rộng quy mô ra toàn thế giới.(trithuctre)
---------------------
Nhu cầu thị trường đẩy giá nhiều loại nông sản có xu hướng tăng
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi các doanh nghiệp thắng thầu xuất khẩu gạo sang Philippines đã tăng cường thu mua lúa khiến nhu cầu trên thị trường nội địa tăng đẩy giá lên.
Bên cạnh đó, giá nhiều loại nông sản khác như điều, cao su, tiêu... tiếp tục có xu hướng tăng.
Trong tháng Tám vừa qua, giá lúa, gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long biến động tăng đối với lúa thường và giảm nhẹ đối với lúa chất lượng cao. Thời tiết bất lợi, mưa lũ nhấn chìm gần 70ha canh tác lúa Thu Đông tại An Giang gây thiệt hại nặng khiến giá lúa tại đây tăng khoảng từ 100-200 đồng/kg so với cuối tháng Bảy.
Đặc biệt, sau khi các doanh nghiệp trong nước trúng thầu bán 175.000 tấn gạo cho Philippines, giá lúa thường IR50404 đã tăng khá. Nguyên nhân được lý giải là do Philippines yêu cầu 120.000 tấn gạo phải được giao trong tháng Tám nên các doanh nghiệp đã thắng thầu trước đó tranh thủ đưa hàng sang Philippines khiến nhu cầu trên thị trường nội địa tăng đẩy giá lên.
Tại Bình Phước, giá bán buôn hạt điều nhân loại W240 và W320 tăng 5.000 đồng/kg lên các mức tương ứng là 270.000 đồng/kg và 260.000 đồng/kg so với mức giá đầu tháng 8 là 265.000 đồng/kg và 255.000 đồng/kg.
Bà con nông dân thu hoạch điều tại ấp Pa Bích, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
Nguyên nhân là do nguồn cung khan hiếm, chủ yếu từ các đại lý găm hàng trong khi nhu cầu để phục vụ sản xuất bánh Trung thu đang gia tăng.
Do nhu cầu thị trường tăng lên, các doanh nghiệp tăng giá thu mua để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu đã ký nên đẩy giá tiêu nội địa tăng. So với cuối tháng Bảy, giá tiêu tại Gia Lai tăng 6.000 đồng/kg lên 86.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đắk Nông và Đồng Nai tăng 5.000 đồng/kg lên 87.000-89.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, giá mủ cao su nguyên liệu tại Bình Phước tăng nhẹ, từ 285 đồng/độ lên 295 đồng/độ. Thị trường chè nguyên liệu trong nước có xu hướng ổn định. Tại Thái Nguyên, giá chè cành chất lượng cao giữ mức185.000 đồng/kg, chè xanh búp khô 135.000 đồng/kg.
Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), giá chè nguyên liệu (búp tươi) sản xuất chè xanh vẫn giữ mưc 9.000 đồng/kg, giá chè nguyên liệu sản xuất chè đen tăng 1.000 đồng/kg lên 6.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, trong tháng vừa qua, thị trường cà phê trong nước biến động giảm theo xu hướng của thị trường thế giới. Giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giảm từ 1.000 – 1.100 đồng/kg xuống còn 44.000-44.700 đồng/kg. Tuy nhiên, các đại lý và các nhà xuất khẩu Việt Nam hiện vẫn giữ càphê lại chờ giá cao hơn nữa mới xuất bán.(Vietnam+)