Bị phản đối, doanh thu bán hàng đa cấp vẫn đạt 7.800 tỉ đồng; Quyết định không áp giá sàn vé máy bay; Cuộc đua giảm giá ô tô; 21 ngân hàng đồng thuận ổn định lãi suất
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 22-08-2017
- Cập nhật : 22/08/2017
Xuất khẩu hạt điều sang Mỹ tăng gần 40%
Trong 7 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu 188.034 tấn hạt điều, trị giá 1,85 tỷ USD, giảm 1% về lượng nhưng tăng trên 25% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2016.
Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2017 tăng 27% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 9.842 USD/tấn.
Hạt điều của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hoa Kỳ, với tổng kim ngạch đạt 679,67 triệu USD, chiếm 36,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều của cả nước, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm 2016.
Tiếp sau đó là thị trường Hà Lan chiếm 15,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều của cả nước, đạt 288,02 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ. Thị trường Trung Quốc chiếm 11,7%, đạt 215,92 triệu USD, tăng 11,5%.
Trong 7 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hạt điều sang phần lớn các thị trường đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có một số thị trường tăng mạnh như: Bỉ (tăng 95%, đạt gần 12 triệu USD); Nga (tăng gần 66%, đạt 30 triệu USD); Hà Lan (tăng 44%, đạt 288 triệu USD); Ấn Độ (tăng 40%, đạt 22 triệu USD).
Tuy nhiên, xuất khẩu hạt điều sang Pakistan và Hy Lạp lại sụt giảm mạnh, với mức giảm tương ứng 54% và 53% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.(Haiquan)
--------------------------------------
Chuyên gia Mỹ lo ngại chính sách kinh tế của Tổng thống Donald Trump
Các nhà kinh tế học Mỹ đang lo ngại về triển vọng chương trình nghị sự chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump và những thiệt hại mà chính sách nhập cư, thương mại của ông có thể gây ra với nền kinh tế.
AFP trích khảo sát được công bố ngày 21.8 cho thấy cộng đồng doanh nghiệp Mỹ ngày càng xa lánh Tổng thống Trump. Tuần trước, nhiều CEO rời bỏ hai hội đồng tư vấn kinh tế của Tổng thống vì phản ứng của ông trước cuộc biểu tình bạo lực ở bang Virginia. Dù khảo sát được hoàn tất hơn một tuần trước sự kiện này, kết quả vẫn phản ánh giới doanh nghiệp Mỹ ngày càng lo ngại sau khi từng vui mừng trước khả năng nhận được cải cách thuế, tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng từ ông Trump.
Nhà phân tích chính sách Frank Nothaft của Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia Mỹ (NABE) cho hay: “Tôi nghĩ rằng có một số quan ngại. Mọi việc diễn ra gần đây, đặc biệt là trong tuần qua, có thể làm giảm khả năng chính quyền được thông qua chương trình nghị sự về lập pháp”. Theo ý kiến riêng của ông Nothaft, chính quyền Mỹ có nhiều đề xuất lập pháp rất quan trọng có thể kích thích tăng trưởng, thúc đẩy chi tiêu song các đề xuất này đang đứng trước nguy cơ.
Dù khảo sát cho thấy hầu hết chuyên gia kinh tế cho rằng chính sách tài khóa hiện “khá đúng”, họ cũng “khá bi quan về triển vọng cải cách thuế một cách có ý nghĩa” trong ngắn hạn.
Khảo sát được tiến hành từ ngày 18.7 đến 2.8 trên 184 chuyên gia. Chỉ 10% nhà kinh tế cho rằng luật thuế mới sẽ được thông qua trong năm nay và 15% cho rằng luật mới sẽ được thông qua vào năm sau. Hơn một nửa số chuyên gia được hỏi cho hay cải cách thuế có thể giúp tăng trưởng GDP thực của Mỹ có thêm 1 điểm phần trăm trong 10 năm tới.
Các nhà kinh tế cũng lo lắng về “những hậu quả không có lợi” từ chính sách thương mại, nhập cư của ông Trump. Ông Nothaft cho hay bất cứ điều gì phủ bóng lên quyết định đầu tư trong môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, dù là về mặt xuất khẩu hay nhập khẩu, cũng sẽ khiến các hãng hoãn chi tiêu và gây tác động lên nền kinh tế. Việc hạn chế nhập cư sẽ làm tổn thương các doanh nghiệp đã gặp khó trong việc tìm người lao động, nhất là ở lĩnh vực công nghệ cao và xây dựng.(Thanhnien)
-----------------------
Ham lãi cao, 1.586 người sập bẫy sàn vàng ảo và “ủy thác đầu tư”
Ngày 21/08/2017, TAND thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án sàn vàng đối với các đối tượng Hsu Ming Jung, Đoàn Thị Luyến, Đinh Thị Hồng Vinh, Trịnh Hoàng Bình, Tăng Hải Nam, Nguyễn Mạnh Linh, Phạm Trung Kiên về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 139 BLHS. Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài trong 10 ngày.
Theo Cáo trạng của Viện KSND Tối cao, năm 2011 Hsu Minh Jung (tên thường gọi là Saga), quốc tịch Đài Loan thành lập Công ty TNHH và Tư vấn Khải Thái. Tuy nhiên, Saga không đứng tên bất cứ vị trí nào ở công ty mà thuê các Giám đốc người Việt điều hành công ty.
Công ty có 3 chi nhánh, tại các địa chỉ: tầng 18, 19 tòa nhà Chamvit, 117 Trần Duy Hưng, Hà Nội do Đoàn Thị Luyến quản lý. Tầng 18 tòa nhà Lotte Hà Nội do Tăng Hải Nam quản lý. Tầng 11 tòa nhà Plaschem, 562 Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội do Đinh Thị Hồng Vinh quản lý.
Trong thời gian hoạt động, công ty Khải Thái không hoạt động kinh doanh về những ngành nghề đã đăng ký mà tiến hành các hoạt động: Kinh doanh vàng tài khoản, ngoại tệ; huy động tiền gửi của người dân dưới hình thức ủy thác đầu tư.
Từ tháng 10/2011 đến tháng 12/2012, Công ty Khải Thái tiến hành hoạt động cung cấp dịch vụ để khách hàng tự chơi vàng tài khoản (vàng ảo). Tuy nhiên, do hoạt động này không mang lại hiệu quả nên từ giữa tháng 12/2012, Saga đã đưa ra loại hình kinh doanh mới là huy động tiền gửi của khách hàng dưới hình thức ủy thác đầu tư. Saga đưa ra các thông tin gian dối về hoạt động của công ty là kinh doanh vàng tài khoản, ngoại hối, bất động sản, khách sạn, ô tô và chỉ đạo các cán bộ chủ chốt của công ty, trong đó có Phan Kiện Trung, Đoàn Thị Luyến, Đinh Thị Hồng Vinh, Nguyễn Mạnh Linh, Trịnh Hoàng Bình, Tăng Hải Nam dùng nhiều hình thức quảng cáo, trực tiếp tư vấn và đào tạo các nhân viên tư vấn để khách hàng tin tưởng vào công ty Khải Thái.
Với các phương thức thủ đoạn trên, từ năm 2013 đến tháng 9 năm 2014, công ty Khải Thái đã huy động hàng trăm tỷ đồng tiền gửi của khách hàng.
Quá trình điều tra, các bị can người Việt chỉ thừa nhận biết công ty Khải Thái kinh doanh trái pháp luật, không đúng với ngành nghề đã được cấp phép mà không biết mục đích lừa đảo của Saga vì không được Saga bàn bạc, thống nhất về việc tổ chức hoạt động ủy thác đầu tư thu hút tiền gửi nhằm mục đích chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng.
Về hoạt động kinh doanh sàn vàng tài khoản (sàn vàng ảo) của công ty Khải Thái, khi có khách hàng tham gia, nộp tiền mở tài khoản chơi vàng tài khoản thì các đối tượng mở tài khoản cho khách thông qua phần mềm MT4 để cập nhật thông tin cho khách hàng, khách hàng được cấp tài khoản giao dịch và thực hiện lệnh mua hoặc bán vàng tài khoản. Thực chất là khách hàng giao dịch, mua bán với chính công ty.
Quá trình điều tra, cơ quan CSĐT không thu giữ được phần mềm MT4 nên kết quả điều tra về hoạt động này chỉ dựa trên báo cáo chung của công ty. Từ tháng 11/2011 đến tháng 1/2014, tổng thu từ sàn vàng ảo là hơn 10,466 tỷ đồng, tổng chi là 11,027 tỷ đồng.
Về hoạt động huy động tiền gửi dưới hình thức ủy thác đầu tư, Saga chỉ đạo các đồng phạm huy động tiền gửi với lãi suất cao từ 3%-3,5%/tháng, kỳ hạn ủy thác từ 3-12 tháng. Để tạo lòng tin cho khách hàng, Saga đã cho khách hàng “ăn bánh vẽ” rằng Khải Thái kinh doanh vàng tài khoản tại Hồng Kông, Quảng Châu, kinh doanh ngoại tệ, khách sạn, mở các hội thảo rầm rộ và tổ chức cho một số khách hàng đi du lịch kết hợp hội thảo tại Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc.
Bằng thủ đoạn trên, Công ty Khải Thái đã thu của 1.586 khách hàng với tổng số tiền hơn 501 tỷ đồng, trong đó có 10,466 tỷ đồng tiền của khách hàng chơi vàng tài khoản. Cơ quan CSĐT xác định, công ty Khải Thái đã trả cho khách hàng 177,938 tỷ đồng, như vậy còn lại số tiền hơn 323 tỷ đồng.
Trên thực tế, sau khi khởi tố vụ án, Cơ quan CSĐT đã thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người bị hại đến cơ quan trình báo. Đến nay, chỉ có 717 người bị hại đến trình báo. Tiến hành ghi lời khai, xác minh số tiền ủy thác là hơn 280 tỷ đồng. Những người bị hại này đã nhận được tổng số tiền lãi 17,75 tỷ đồng. Đối trừ với các khoản tiền công ty Khải Thái đã thu và chi trả cho khách hàng, Cơ quan CSĐT xác định công ty Khải Thái đã chiếm đoạt của 717 người bị hại là hơn 264 tỷ đồng.(Infonet)
----------------------
Xuất khẩu xăng dầu tăng 77% trong nửa đầu tháng 8/2017
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 8/2017 (đạt hơn 17,25 tỷ USD giảm 6,2% so với kỳ 2 tháng 8/2017. Trong đó đáng chú ý là mặt hàng xăng dầu XK tăng 77% và sắt thép giảm 52%.
Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến hết ngày 15/8/2017 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt gần 250,32 tỷ USD, tăng 20,8% (tương ứng tăng hơn 43,17 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016. Cán cân thương mại hàng hóa trong kỳ 1 tháng 8/2017 thâm hụt 3 triệu USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15 tháng 8/2017 thâm hụt gần 2,45 tỷ USD, bằng 2% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Cũng trong 15 ngày đầu tháng 8/2017 khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 11,17 tỷ USD, giảm 4,9% tương ứng giảm 527 triệu USD so với nửa cuối tháng 7/2017.
Tính đến hết ngày 15/8/2017 khối này đạt kim ngạch xuất nhập khẩu gần 163,1 tỷ USD, chiếm 65,2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước, tăng 22,7%, tương ứng tăng gần 30,18 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.
Cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp có vốn FDI trong nửa đầu tháng 8/2017 thặng dư 996 triệu USD, đưa mức thặng dư của khối này từ đầu năm đến hết 15/8/2017 gần 11,24 tỷ USD.
Về xuất khẩu, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 8/2017 đạt gần 8,63 tỷ USD, giảm 8,4% (tương ứng giảm 789 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 7/2017. Tính đến hết ngày 15/8/2017 kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt gần 123,94 tỷ USD, tăng 18,8% (tương ứng tăng hơn 19,65 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.
So với nửa cuối tháng 7/2017, xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 8/2017 tăng/giảm nhiều ở một số nhóm hàng sau: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 6,6%, tương ứng tăng 105 triệu USD; xăng dầu các loại tăng 77,3%, tương ứng tăng 18 triệu USD; cao su tăng 9,7%, tương ứng tăng 11%.
Ở chiều ngược lại, giầy dép các loại giảm 14,4%, tương ứng giảm 102 triệu USD; sắt thép các loại giảm 52,3%, tương ứng giảm 97 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 8,8%, tương ứng giảm 96 triệu USD; hàng dệt may giảm 7,3%, tương ứng giảm 93 triệu USD; hàng thủy sản giảm 13,8%, tương ứng giảm 60 triệu USD…
Kim ngạch xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất của Việt Nam (Lũy kế đến 15/8/2017 so với cùng kỳ năm 2016)
Trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ này đạt gần 6,09 tỷ USD, giảm 5,9% (tương ứng giảm 381 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 7/2017. Như vậy, tính đến hết ngày 15/8/2017 kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt gần 87,17 tỷ USD, chiếm đến 70,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước, tăng 19,9%, tương ứng tăng 14,45 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.
Về nhập khẩu, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 8/2017 đạt gần 8,63 tỷ USD, giảm 4% ( tương ứng giảm 356 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 7/2017. Tính đến hết ngày 15/8/2017 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt hơn 126,38 tỷ USD, tăng 22,9% (tương ứng tăng gần 23,52 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.
So với nửa cuối tháng 7/2017, nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 8/2017 tăng/giảm nhiều ở một số nhóm hàng sau: Kim loại thường khác tăng 24,7%, tương ứng tăng 50 triệu USD; sắt thép các loại tăng 13,2%, tương ứng tăng 46 triệu USD; đậu tương tăng 87,5%, tương ứng tăng 27 triệu USD; … Ở chiều ngược lại, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 7,8%, tương ứng giảm 116 triệu USD; vải các loại giảm 16,8%, tương ứng giảm 85 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện giảm 9,6%, tương ứng giảm 65 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điển tử và linh kiện giảm 4,3%, tướng ứng giảm 62 triệu USD; …
Kim ngạch nhập khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất của Việt Nam (Lũy kế đến 15/8/2017 so với cùng kỳ năm 2016)
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 8/2017 đạt gần 5,09 tỷ USD, giảm 3,6% (tương ứng giảm 191 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 7/2017. Như vậy, tính đến hết ngày 15/8/2017 kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn FDI đạt hơn 75,93 tỷ USD, tăng 26,1%, tương ứng tăng gần 15,73 tỷ USD, chiếm 60,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.(DĐĐT)