Doanh nghiệp sữa được tự xác định giá bán lẻ; Ngân hàng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn; Huy động vàng trong dân: Trở ngại từ thuế suất xuất khẩu; 20 năm sau khủng hoảng tài chính châu Á: Những bài học đã bị lãng quên?
Tin kinh tế đọc nhanh 22-08-2017
- Cập nhật : 22/08/2017
Sở thuế Campuchia dọa đóng cửa tờ The Cambodia Daily
Tờ The Cambodia Daily, nhật báo tiếng Anh đầu tiên của Campuchia, cho hay đang đối mặt với nguy cơ đóng cửa và tịch thu tài sản nếu không nộp đủ số tiền thuế tồn đọng gần 1 thập niên qua.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Kong Vibol cho biết đã gửi thông báo truy thu thuế cho nhật báo tiếng Anh do phóng viên kỳ cựu của Mỹ Bernard Krisher thành lập vào năm 1993.
Theo hồ sơ, The Cambodia Daily đã không nộp thuế cho chính phủ từ năm 2007 đến 2016 với số tiền lên đến 25,7 tỉ riel (khoảng 6,3 triệu USD).
“Nếu The Cambodia Daily không nộp đủ thuế vào ngày 4.9.2017, Tổng cục Thuế sẽ ban hành văn bản chính thức xác nhận tờ báo bị nợ thuế và sẽ bắt đầu triển khai việc đóng cửa”, ông Kong Vibol cảnh báo.
Bà Deborah Krisher-Steele, chủ sở hữu hiện tại của công ty vận hành tờ báo và là con gái ông Bernard Krisher, cho hay đã nhận được thông báo nhưng khẳng định không hề biết gì về tình trạng nợ nần khi được cha mình chuyển giao.
The Cambodia Daily được in tại Phnom Penh và phát hành 6 ngày/tuần, từ thứ hai đến thứ bảy.(Thanhnien)
-------------------------------
Mua sắm “không nhãn mác” tiết kiệm được 40%
Brandless, ý tưởng gây chú ý thời gian qua của hai doanh nhân người Mỹ Tina Sharkey và Ido Leffler, là cửa hàng bán sản phẩm chất lượng tốt nhưng giảm được các chi phí nhãn hiệu đắt đỏ vô lý.
Dù nhãn mác, hàng hiệu, mang lại cảm giác quen thuộc, rất ít người tiêu dùng nhận ra họ phải trả thêm một số tiền để sử dụng mặt hàng của các công ty lớn.
Chính vì vậy, Brandless - nghĩa là không thương hiệu - muốn mang đến những sản phẩm cùng chất lượng với giá thành hợp lý hơn.
Tốt hơn không cần phải đắt hơn
Brandless là cửa hàng và trang mạng bán lẻ các mặt hàng không có nhãn mác, chủ yếu bán nhu yếu phẩm như thức ăn đóng gói, bộ dao bếp và sản phẩm làm đẹp.
Các mặt hàng được đóng gói sử dụng bao bì đơn giản chỉ chứa một nhãn màu trắng có thông tin sản phẩm. Mỗi món giá chỉ 3 USD.
Theo cô Sharkey, mọi người tiêu dùng xứng đáng có được thứ tốt hơn nhưng tốn ít tiền hơn và hàng được cô bán ra với giá rẻ do tiết kiệm được số tiền lớn từ bao bì và quảng cáo.
Bằng việc mua các sản phẩm không phải hàng hiệu, người tiêu dùng có thể tiết kiệm 40% chi phí cho những sản phẩm cùng chất lượng.
Để tiết kiệm chi phí, các sản phẩm được đặt hàng tại các nhà máy độc lập, rồi chuyển thẳng đến các trung tâm phân phối.
Tiêu chí chất lượng cũng rất nghiêm ngặt khi tất cả các sản phẩm là phải hữu cơ tự nhiên, không sử dụng công nghệ biến đổi gen, không chứa hàm lượng đường cao, thân thiện với môi trường và có thể ăn chay.
Trong khi các nhãn hiệu lớn hay “dụ” khách bằng cụm từ “ít béo”, “ít đường”, “giàu canxi” hay “thân thiện với môi trường”, Brandless cho phép người dùng tự chọn cho mình giá trị nào đối với họ là quan trọng nhất bằng việc viết tất cả các thông tin về sản phẩm lên bao bì để người dùng có thể tự quyết định.
“Chúng tôi không chống lại các thương hiệu lớn, chúng tôi chỉ đang cho mọi người thấy một nhãn hàng thật sự nên là như thế nào”, cô Sharkey khẳng định trên CNN.
Cô mong muốn sẽ quảng bá được cách sống “không nhãn mác”, hy vọng người dùng sẽ tạo cho mình thói quen không quan tâm đến nhãn mác khi sắm sửa đồ đạc.
Ý tưởng của cô Sharkey và ông Leffler được không ít người hưởng ứng. Công ty đã gọi vốn được 50 triệu USD từ các nhà đầu tư trước ngày trang web của công ty được đưa vào hoạt động vào tháng 7-2017.
Chỉ trong tuần đầu tiên, Brandless đã có đơn đặt hàng tại 48 bang của Mỹ.
“Hãng” Brandless
Trang tin Quartz khẳng định Brandless là “Procter and Gamble của thế hệ trẻ”, và “không thương hiệu” lại chính là một thương hiệu khác.
Brandless không phải công ty đầu tiên bán sản phẩm không có thương hiệu. Ý tưởng ban đầu là của chuỗi cửa hàng bán lẻ MUJI, Nhật Bản, bán sản phẩm theo tiêu chí “không có nhãn mác, sản phẩm có chất lượng”.
Hàng hóa “không nhãn mác” đã giúp MUJI đã trở thành một trong những chuỗi cửa hàng bán lẻ được nhiều người chuộng sử dụng. MUJI hiện đã có chi nhánh ở Việt Nam.
“Tôi đợi bốn ngày để đơn đặt hàng của tôi được giao. Cả thùng lẫn băng keo đều được in logo của ‘Brandless’. Bên trong có một thư chào mừng khách hàng đến với Brandless", một khách hàng khác chia sẻ về trải nghiệm của mình với Brandless trên Business Insider.
Mặc dù cửa hàng bán lẻ không nhãn mác đã kêu gọi được nhiều sự ủng hộ, vẫn còn nhiều khách hàng không đồng tình cho rằng phí vận chuyển quá cao, đến 9 USD, và không phải sản phẩm nào cũng rẻ. Chất lượng các sản phẩm không nổi bật và cũng chỉ tương xứng với giá.
Một người khác nhận định: “3 USD là giá khá cao cho một phần bánh quy. Tôi có thể mua hộp bánh hiệu Oreo 400gr rất ngon ở Target với giá 3USD.”(Tuoitre)
-----------------------
"Gà đẻ trứng vàng" FE Credit ảnh hưởng lớn như thế nào đối với VPBank?
Nợ xấu của FE Credit ở mức cao nhất trong số các công ty tài chính tiêu dùng do tỷ lệ cho vay tiền mặt cao dành cho khách hàng mới. Tại thời điểm cuối năm 2016, FE Credit công bố tỷ lệ nợ xấu là khoảng 6% và nợ xấu được xóa là 9,19%.
Với 1.332.689.035 cổ phiếu chính thức giao dịch trên HSX từ 17/08 với mã chứng khoán VPB, VPBank có tổng vốn hóa gần 2,3 tỷ USD (51,94 nghìn tỷ đồng) nếu tính theo mức giá tham chiếu 39.000 đồng/cổ phiếu.
VPB là ngân hàng có mô hình kinh doanh khác biệt bởi ngoài hoạt động ngân hàng truyền thống còn có công ty tài chính tiêu dùng FE Credit. FE Credit đã đóng góp 64,8% lợi nhuận trước thuế năm 2016 cho VPBank, là công ty với 100% sở hữu của ngân hàng mẹ, sở hữu 36 nghìn tỷ đồng tổng dư nợ tính đến ngày 31/6/2017 và tốc độ tăng trưởng trung bình của cho vay trong 3 năm qua là 115%/năm. FE Credit tăng trưởng nhanh chóng nhờ tập trung vào cho vay tiền mặt, ước tính chiếm 80% tổng dư nợ.
FE Credit là doanh nghiệp gia nhận thị trường tài chính tiêu dùng sau so với các đối thủ, do đó công ty đã tăng trưởng bằng cách tập trung vào mảng kinh doanh mới, cung cấp các khoản vay tiền mặt khách hàng đại chúng, tìm kiếm khách hàng thông qua marketing số dựa trên mô hình dữ liệu lớn, tăng trưởng dư nợ nhanh chóng để trở thành công ty lớn nhất trên thị trường tài chính tiêu dùng.
Do đó, đến cuối năm 2016, FE Credit đã vượt cả Home Credit và HDSaison với dư nợ tăng lên 32 nghìn tỷ đồng, gấp 3,2 lần Home Credit và 4 lần HDSaison. Chênh lệch ở đây phần lớn là do tỷ trọng cho vay tiền mặt trong tổng danh mục cho vay.
Đến cuối năm 2016, có 12 công ty tài chính tiêu dùng trên thị trường Việt Nam nhưng chỉ số ít là tích cực hoạt động. Do đó, 97% thị phần thuộc kiểm soát của top 4 công ty trong ngành. Bao gồm FE Credit (55% thị phần), Home Credit (17%), HDSaison (13) và Prudential Finance (12%).
Tuy nhiên, một số ngân hàng lớn với các công ty tài chính tiêu dùng như MBBank, Techcombank, Maritime Bank và SHB có thể sẽ thâm nhập thị trường tích cực hơn trong vài năm tới. Và những ngân hàng có đủ năng lực và nguồn nhân lực sẽ nhanh chóng mở rộng mảng kinh doanh này. Do đó, FE Credet sẽ đối mặt với cạnh tranh lớn hơn từ các công ty tài chính tiêu dùng có ngân hàng hỗ trợ trong tương lai.
Trong khi đó, nợ xấu của FE Credit ở mức cao nhất trong số các công ty tài chính tiêu dùng do tỷ lệ cho vay tiền mặt cao dành cho khách hàng mới. Tại thời điểm cuối năm 2016, FE Credit công bố tỷ lệ nợ xấu là khoảng 6% và nợ xấu được xóa là 9,19%.
Tăng trưởng của FE Credit trong 6 tháng đầu năm 2017 chậm lại do mức độ chấp nhận rủi ro giảm đi. Cả tài sản và lợi nhuận của FE Credit tăng trưởng chậm lại đáng kể trong quý 2. Công ty đã công bố lợi nhuận trước thuế tăng 31,21% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2017 và đạt 1.356 tỷ đồng.
FE Credit duy trì tỷ lệ cho vay trung dài hạn ở mức cao nhất nếu so với Home Credit & HDSaison. Và khách hàng vay tại FE Credit là cá nhân và chỉ vay bằng VND. Tăng trưởng của FE Credit đã chậm lại sau 2 năm tăng trưởng ngoại mục, cho vay trong 6 tháng đầu năm tăng chậm lại nhiều, chỉ tăng 13,29% so với đầu năm từ 32.104 tỷ đồng.
FE Credit có 5.230 tỷ đồng tiền gửi khách hàng tại thời điểm cuối tháng 6/2017 (tăng 151,3% so với đầu năm, và chỉ bằng 14,4% tổng vốn huy động). Trên thực tế, tiền gửi khách hàng chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu huy động của các công ty tài chính theo quy định của NHNN. Theo quy định, công ty tài chính không được phép nhận tiền gửi của cá nhân, mà chỉ được phép nhận tiền gửi của tổ chức (cả tổ chức tài chính và phi tài chính) hoặc phát hành chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu cho tổ chức hoặc vay tiền từ các ngân hàng và TCTD phi ngân hàng.
Chi phí hoạt động chính của một công ty tài chính là lương nhân viên và cơ sở hạ tầng CNTT. Mạng lưới kinh doanh của công ty tài chính không đòi hỏi nhiều chi phí cố định nêu so với các ngân hàng. Trong khi đó lượng nhân viên không phải nhân viên kinh doanh (chẳng hạn như khối trung gian hỗ trợ) thấp nhờ hoạt động theo mô hình dữ liệu lớn và quản trị tập trung.
Tuy nhiên chi phí dự phòng tăng gấp đôi lên 2.947 tỷ đồng (tăng 104,05% so với cùng kỳ) – Chi phí dự phòng của FE Credit tăng trong 6 tháng đầu năm 2017 lên 2.947 tỷ đồng. Do chủ yếu các khoản cho vay của công ty tài chính tiêu dùng là vay tín chấp nên chi phí dự phòng được tính dựa trên giá trị sổ sách của nợ xấu mà không xem xét định giá tài sản đảm bảo. Theo đó dựa trên dư nợ nhóm 2, chúng tôi cho rằng chi phí dự phòng 6 tháng cuối năm cũng sẽ ở mức cao như 6 tháng đầu năm.
Tỷ lệ nợ xấu sau khi xóa nợ tại FE Credit là 3,38% so với mức 6% tại thời điểm cuối năm 2016. Tuy nhiên công ty đã xóa 2.984 tỷ đồng nợ xấu (tăng 114% so với cùng kỳ) sau khi trích lập toàn bộ, tương đương 8,2% tổng dư nợ. Theo đó tỷ lệ nợ xấu trước trích lập dự phòng là khoảng 11,5% (tại thời điểm cuối năm 2016 là 15,18%). Nếu tính toàn bộ nợ nhóm 2 vào tỷ lệ trên, tỷ lệ nợ xấu lên đến 23,27% tại thời điểm cuối tháng 6/2017 (cuối năm 2016 là 26,72%). (Infonet)
--------------------------
Cơ hội thu nhập 2 tỉ đồng từ giống dừa lạ
Sau một thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, ông Nguyễn Thành Đại (Q.12, TP.HCM) đã trồng thành công giống dừa mới cho trái lạ gồm 2 màu vàng, cam rất bóng và đẹp.
Ông Đại cho biết ông có ý tưởng trồng giống dừa này trong chậu, dịp Tết Nguyên đán vừa qua mỗi chậu có trái sẵn được bán với giá 20 triệu đồng. Nếu trồng 100 cây trong chậu, khoảng 2 năm sau cây lớn và cho trái sẽ có cơ hội thu nhập khoảng 2 tỉ đồng, trong khi vốn đầu tư ban đầu thấp.
Hiện ông Đại rất muốn hợp tác với nhà vườn để nhân rộng mô hình này và sẵn sàng tư vấn miễn phí cách trồng. Bà con có nhu cầu tham quan, chiêm ngưỡng loại dừa lạ này có thể liên hệ với ông Đại theo địa chỉ: 107/41 đường TCH35, P.Tân Chánh Hiệp, Q.12, TP.HCM. ĐT: 02866720204 - 0976693907.(Thanhnien)