Đạt 250 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu; Phó Tổng Vietcombank đảm nhận vị trí Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ; Nhà đầu tư bán khống mất gần 10 tỷ USD vì cổ phiếu Alibaba; Dư nợ nhóm 6 công ty "bầu" Kiên tại ACB còn 558 tỷ đồng
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 21-08-2017
- Cập nhật : 21/08/2017
Ba yếu tố có thể đánh tan phép màu kinh tế châu Á
Trung Quốc hung hăng về mặt lãnh thổ, Triều Tiên căng thẳng hạt nhân và Nhà Trắng hỗn loạn dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump là những yếu tố có thể khiến châu Á trật đường ray tăng trưởng ổn định.
Dân Triều Tiên tham gia biểu tình tại Quảng trường Kim Il Sung ở Bình Nhưỡng hôm 9.8 để thể hiện sự ủng hộ hoàn toàn vào tuyên bố của chính quyền Triều Tiên ẢNH: REUTERS
Theo CNBC, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ Richard Haass vừa nêu nhận định trên trong bài xã luận Project Syndicate mới. Theo đó, phần lớn sức tăng trưởng kinh tế khủng của châu Á là nhờ khu vực ít có xung đột quân sự dọc biên giới. Song các yếu tố đóng góp cho hòa bình và ổn định ở châu Á đang chịu áp lực gia tăng. Điều này làm lung lay tình hình chiến lược vốn tạo điều kiện cho phép màu kinh tế khu vực.
Không như châu Âu hay Mỹ Latin, châu Á không chứng kiến cuộc chiến tranh lớn nào kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào giữa thập niên 1970, ông Haas cho biết. Các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đôi khi gây căng thẳng nhưng không bao giờ leo thang thành một cuộc chiến, “một phần là vì không nước nào muốn khiến tăng trưởng kinh tế gặp nguy bằng cách khởi xướng xung đột”, ông Haas nói thêm.
Tình hình nhân khẩu học cũng giúp giải thích sự ổn định của kinh tế châu Á. Ông Haas cho hay: “Hầu hết các nước châu Á đều có xã hội tương đối đồng nhất với đặc tính quốc gia mạnh mẽ, khả năng xung đột nội chiến bùng phát và lan rộng đến biên giới các nước khá thấp”.
Thêm vào đó, hàng thập niên Mỹ hiện diện quân sự tại khu vực làm giảm nhu cầu phát triển chương trình quân sự lớn riêng rẽ của các quốc gia châu Á. Điều này giúp khu vực nghiêng về hướng không khuyến khích sử dụng vũ lực.
Dù vậy, một loạt sự biến gần đây đang đe dọa thổi bùng xung đột và gián đoạn đường thịnh vượng của kinh tế châu Á. Theo ông Haas, kế hoạch biến Trung Quốc thành siêu cường toàn cầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bằng việc thể hiện chủ quyền lãnh thổ đặc biệt đáng lo ngại.
“Khi Trung Quốc áp dụng chính sách đối ngoại ngày càng đáng chú ý hơn, động thái vốn được thể hiện trong tranh chấp với Ấn Độ và yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông, các nước khác ngày càng có động cơ để tăng chi tiêu quân sự. Nếu chuyện này xảy ra, tình hình có thêm khả năng leo thang thành xung đột”, ông Haas nói.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP) và bất đồng với các đồng minh Mỹ về vấn đề chi tiêu quốc phòng cũng không có ích. “Việc chính sách đối ngoại của Mỹ ngày càng khó lường có thể làm suy yếu khả năng phòng vệ và khiến các đồng minh phải tự mình bảo vệ an ninh nước nhà”, ông Haas nói.
Cuối cùng, cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về vấn đề tên lửa, hạt nhân cũng trầm trọng hóa dự báo chính trị của khu vực. Đồng minh Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc có thể tăng chi tiêu quân sự, xem xét lại lập trường phi hạt nhân của họ.(Thanhnien)
------------------------
TP.HCM sẽ thu 200 tỉ từ quảng cáo bên hông 2.000 xe buýt
TP.HCM dự kiến trong tháng 9-2017 sẽ triển khai đấu giá quảng cáo ở hai bên hông của 2.082 chiếc xe buýt và thu về khoảng 200 tỉ đồng.
Toàn bộ số tiền trên sẽ nộp cho ngân sách thành phố và chiếm khoảng 20% tiền ngân sách trợ giá cho toàn bộ xe buýt hiện nay.
Cách đây hơn một năm, TP.HCM đã thực hiện thí điểm đấu giá 171 xe buýt và thu về cho ngân sách hơn 14,2 tỉ đồng, cao hơn 42 % so với dự tính.
Phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, cho biết, riêng đối với xe buýt không hưởng ngân sách trợ giá, các đơn vị vận tải có quyền cho thuê quảng cáo trên thân xe buýt và không phải nộp ngân sách.
Theo Sở này, việc cho xe buýt quảng cáo không những giúp kéo giảm tiền ngân sách trợ giá mà nhiều xe buýt được sơn sửa đẹp hơn, sử dụng công nghệ quảng cáo mới, tạo mỹ quan đô thị.(Tuoitre)
-------------------------------------
Hai 'ông vua' thủy sản gặp khó
Sự khó khăn từ thị trường cùng quyết định không phù hợp đẩy Minh Phú và Hùng Vương - hai "ông vua" ngành thủy sản gặp khó
Công ty cổ phần Hùng Vương (mã CK: HVG) - "ông vua" cá tra vừa công bố nghị quyết thoái vốn và giải thể Công ty Địa ốc An Lạc - doanh nghiệp vốn điều lệ 300 tỷ đồng, trong đó HVG nắm giữ 76% cổ phần. Trước mắt, Hùng Vương sẽ tiến hành thanh lý 4 khu đất với tổng diện tích trên 20.000 m2 thuộc sở hữu của doanh nghiệp bất động sản này.
Quyết định được ban lãnh đạo công ty lý giải nhằm thu hồi dòng vốn, chuyển hướng kinh doanh, trong đó tập trung nguồn lực phát triển ngành kinh doanh cốt lõi. Điều này cũng không phải không có căn cứ khi kết quả kinh doanh của Hùng Vương liên tục sa sút trong thời gian gần đây.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017 theo niên độ tài chính riêng, Hùng Vương báo lỗ sau thuế gần 97 tỷ đồng, viễn cảnh không mấy sáng sủa nếu so với lợi nhuận gần 110 tỷ đồng cùng kỳ năm tài chính 2016. Điều này cũng khiến kế hoạch 20.000 tỷ đồng doanh thu và 400 tỷ lợi nhuận của ban lãnh đạo công ty đề ra từ đầu năm trở nên xa vời.
Với Minh Phú, cục diện có phần tươi sáng hơn khi doanh nghiệp mới báo lãi tăng đột biến trong quý II. "Vua Tôm" ghi nhận doanh thu hơn 3.600 tỷ và hơn 130 tỷ đồng lợi nhuận. Dẫu vậy, kết quả của Minh Phú vẫn chưa thể so sánh được với giai đoạn đỉnh cao 2013 - 2014, thời điểm mà người đứng đầu công ty nói "Minh Phú muốn lãi bao nhiêu cũng được".
Nếu như Hùng Vương ngày càng sa sút với hệ lụy đến từ tham vọng dẫn đầu thị trường thì Minh Phú lại trở thành bài học của quá trình hội nhập, khi mà biến động của thị trường quốc tế là điều không thể coi nhẹ.
Nợ phải trả của Hùng Vương tính tới cuối quý III năm tài chính đạt hơn 12.700 tỷ đồng, gấp 4 lần chủ sở hữu.
Danh xưng "Vua cá tra" đi cùng với Hùng Vương từ thời điểm công ty niêm yết - năm 2009. Theo bản cáo bạch, Hùng Vương là một trong những doanh nghiệp lớn ngành thủy sản và là doanh nghiệp đứng đầu với riêng dòng sản phẩm cá tra. Thời điểm đó, kim ngạch xuất khẩu sang 27 nước tại khu vực châu Âu của Hùng Vương đã chiếm 45% toàn thị trường.
Với lợi thế quy mô, hoạt động của Hùng Vương liên tục tăng trưởng mạnh qua các năm. Từ mức doanh thu hơn 3.100 tỷ đồng vào năm 2009, chỉ sau 2 năm doanh thu của công ty đã tăng hơn gấp đôi lên 7.800 tỷ. Nhu cầu các sản phẩm cá tra không chỉ dừng ở châu Âu, mà cả những khách hàng lớn từ Mỹ và các quốc gia khác cũng tìm đến Hùng Vương.
Tuy nhiên, thị trường quá thuận lợi không hẳn chỉ mang nghĩa tích cực. Khi nhu cầu từ thị trường tạo ra sức ép đối với yêu cầu phát triển của Hùng Vương, ban lãnh đạo công ty sẽ phải lựa chọn giữa 2 cách thức: Một là đầu tư dần dần từ lợi nhuận tích lũy, nhưng nhược điểm là thời gian sẽ kéo dài, hoặc sử dụng đòn bẩy tài chính để nhanh chóng mở rộng quy mô.
Lựa chọn chiến lược mua bán - sáp nhập (M&A) với những doanh nghiệp có sẵn nền tảng phù hợp với mô hình chuỗi mà Hùng Vương hướng tới, là cách thức mà ban lãnh đạo chọn lựa để không bỏ lỡ cơ hội. Tuy nhiên, việc sử dụng đòn bẩy thực hiện hàng loạt thương vụ M&A nhắm đến mục tiêu trở thành công ty dẫn đầu về lĩnh vực này cũng kéo "vua cá tra" vào vòng xoáy nợ nần.
Liên tiếp nhờ đến các khoản vay ngắn hạn của nhiều ngân hàng với mức lãi suất 5-7% một năm, tính riêng giai đoạn từ 2012 đến nay khoản nợ của Hùng Vương tăng thêm khoảng 9.500 tỷ đồng. Tỷ lệ gia tăng nợ cũng cao gấp nhiều lần so với mức tăng doanh thu, lợi nhuận và tổng tài sản.
Hệ quả là khi thị trường gặp rủi ro, đòn bẩy tài chính vốn từ lựa chọn mang lại hiệu quả trong giai đoạn tăng trưởng cao sẽ phản tác dụng. Khi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh không tương xứng với tốc độ tăng của khoản mục lãi vay, lợi nhuận của Hùng Vương dần bị ăn mòn.
Liên tục từ năm 2013 đến nay, lợi nhuận gộp của công ty chỉ tăng từ 985 tỷ lên 1.350 tỷ đồng, nhưng chi phí lãi vay tăng gần gấp đôi từ 247 tỷ lên 470 tỷ đồng. Tính ra chi phí lãi vay của Hùng Vương chiếm 35% lợi nhuận gộp, chưa kể các khoản chi phí khác.
Năm tài chính 2015 (Hùng Vương thay đổi niên độ kế toán nên chỉ tính 9 tháng đầu năm), tác động đã trở nên rõ ràng khi lợi nhuận của Hùng Vương chỉ bằng một phần ba cùng kỳ, dù doanh thu chỉ giảm 17%. Năm 2016, kết quả còn bết bát hơn khi phần lợi nhuận dành cho cổ đông của công ty ghi âm hơn 49 tỷ đồng
Động thái cơ cấu hoạt động bằng việc bán đi các khoản đầu tư vào bất động sản mới đây sẽ là bước đi cần thiết trong nỗ lực tái cơ cấu tình hình tài chính. Điểm sáng với hoạt động kinh doanh trong quý III với biên lợi nhuận gộp được cải thiện tại 2 trong số 3 lĩnh vực chính là xuất khẩu và thủy sản. Tuy nhiên, với khoản lỗ trong 9 tháng đầu năm gần 100 tỷ đồng, Hùng Vương sẽ còn nhiều việc phải làm để trở lại thời kỳ "đỉnh cao" trước đó.
Khác với Hùng Vương, sự lao dốc của "Vua tôm" Minh Phú lại đến từ rủi ro của thị trường quốc tế.
Sau khi đạt kết quả kinh doanh kỷ lục vào năm 2014 với 15.000 tỷ đồng doanh thu và hơn 900 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, Minh Phú đặt kế hoạch cho năm tiếp theo hơn 19.000 tỷ đồng doanh thu và 1.400 tỷ đồng lợi nhuận.
Tuy nhiên, "Vua tôm" đã tạo cú sốc cho thị trường chứng khoán thời điểm đó với kết quả kinh doanh sụt mạnh. Kết thúc năm 2015, Minh Phú chỉ đạt 12.200 tỷ doanh thu với lỗ sau thuế gần 7 tỷ đồng.
Theo ban lãnh đạo công ty, hoạt động xuất khẩu của Minh Phú thời điểm đó gặp vô vàn khó khăn. Các nước Ấn Độ, Indonesia phá giá đồng tiền, khiến giá sản phẩm tôm từ các nước này trong năm 2015 chỉ bằng 50% so với các năm trước. Ngoài ra, chi phí nuôi tôm trong nước cao khiến giá tôm Việt Nam cao hơn các nước khác 20%. Với tình hình giá tôm ngày càng giảm, một số khách hàng đã ký hợp đồng trì hoãn nhận hàng hoặc hủy hợp đồng.
Nếu bất chấp thị trường chạy theo cuộc đua về giá, giải phóng lượng hàng tồn kho, có thể năm 2015 Minh Phú sẽ cứu vãn được tình hình kinh doanh, nhưng ảnh hưởng những năm sau đó sẽ vô cùng nặng nề. Giá tôm của Minh Phú vốn không thể cạnh tranh với các nước khác do chi phí cao và tỷ giá. Nếu đẩy thị trường quốc tế vào cuộc chiến, những năm sau đó chắc chắn Minh Phú sẽ không thể trụ được, chưa kể chuỗi giá trị con tôm của công ty sẽ đứng trước nguy cơ đổ vỡ.
Từ vị thế của doanh nghiệp "muốn lợi nhuận bao nhiêu là quyền của Minh Phú", theo lời Chủ tịch Lê Văn Quang tại phiên họp thường niên 2014, "Vua tôm" rơi vào vòng xoáy khủng hoảng.
Năm 2016, Minh Phú đặt mục tiêu hơn 16.300 tỷ đồng doanh thu và gần 550 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, đến hết năm, hoạt động của công ty vẫn chưa thể thoát khỏi khó khăn khi doanh thu chỉ gần 12.000 tỷ đồng với lợi nhuận vỏn vẹn 82 tỷ.
Niềm hy vọng của Minh Phú trở lại với kết quả tăng đột biến vào quý II năm nay. Công ty báo lãi gần 160 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017, gấp 8 lần cùng kỳ, với doanh thu gần 6.400 tỷ đồng. Dù vậy, kết quả này vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu tham vọng được ban lãnh đạo Minh Phú đề ra từ đầu năm - 15.780 tỷ đồng doanh thu và 840 tỷ đồng lợi nhuận.(Vnexpress)
-------------------------
Bầu Đức 'bỏ túi' hàng trăm tỉ đồng từ trồng chanh dây
Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, mảng trái cây mang về cho công ty của bầu Đức lợi nhuận hàng trăm tỉ đồng.
Từ ngày 22.8, hai cổ phiếu HAG - Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai và HNG - Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức sẽ được đưa ra khỏi diện cảnh báo trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) do đã khắc phục được tình trạng thua lỗ.
Quyết định đưa HAG và HNG ra khỏi diện cảnh báo được HoSE ban hành ngày 18.8 vì đã thoát lỗ. Theo Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2017, cả HAG và HNG đều báo lãi lớn. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2017 của HAG là 1.018 tỉ đồng, trong khi với HNG đạt hơn 1.000 tỉ đồng.
Sự hồi phục của 2 công ty này chủ yếu đến từ mảng trái cây. Cụ thể, biên lãi gộp mảng trái cây (chủ yếu là chanh dây) quý 2 của HNG đạt 60%. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, mảng trái cây mang về cho HNG doanh thu 809 tỉ đồng và lợi nhuận 425 tỉ đồng. Ngoài ra, công ty này còn ghi nhận lợi nhuận từ bán mảng mía đường cho phía Thành Thành Công.
Với kết quả có lãi trở lại trong kỳ báo cáo soát xét gần nhất, cả HAG và HNG đã được HoSE đưa ra khỏi diện cảnh báo. Kết thúc phiên giao dịch ngày 18.8 vừa qua, HAG dừng tại mốc tham chiếu 8.400 đồng/cổ phiếu, trong khi HNG chỉ giảm nhẹ 20 đồng xuống 9.290 đồng/cổ phiếu.
Từ ngày 12.5.2017, hai cổ phiếu HAG và HNG đã bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế năm 2016 bị âm.(Thanhnien)