ILA nhận vốn đầu tư hàng chục triệu USD từ quỹ Thụy Điển?; Apple dự kiến chi 1 tỷ USD cho truyền hình và phim ảnh; Coca-Cola, Pespi cam kết giảm đường trong nước ngọt ở Singapore; Kiến nghị Chính phủ bỏ gần 2.000 điều kiện kinh doanh
Tin kinh tế đọc nhanh tối 21-08-2017
- Cập nhật : 21/08/2017
Tại sao Trung Quốc không thể thả tự do nhân dân tệ?
Kiểm soát vốn có thể mang lại sự ổn định, nhưng lại không có khả năng sửa chữa bất cứ điều gì trong dài hạn.
Theo tác giả Christopher Balding chia sẻ trên Bloomberg, sau khi nhân dân tệ bất ngờ mất giá vào năm 2015 và dự trữ ngoại tệ đạt mức thấp nhất kể từ năm 2011, cộng thêm các đợt tăng lãi suất gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khiến nhân dân tệ bị đe dọa, Trung Quốc đã không ngần ngại dùng mọi biện pháp, bất chấp những cơn bão kinh tế để đẩy giá đồng tiền của mình cũng như dự trữ ngoại tệ tăng trở lại trong tương lai gần.
Trung Quốc cũng đã bước vào cuộc cải cách mạnh mẽ, tìm đủ cách kiềm chế các loại dòng vốn chảy ra, đe dọa trừng phạt đối với các nhà đầu tư bất động sản và ngăn chặn các công ty trong nước mua lại doanh nghiệp nước ngoài. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) được cho là đã can thiệp vào thị trường tiền tệ để giữ cho nhân dân tệ có giá trong phạm vi đã được định trước. Cơ quan này cũng đưa ra biện pháp định giá "nghịch chu kỳ" mới nhằm giảm sự biến động của nhân dân tệ so với USD.
Kết quả là tính riêng trong năm nay, giá trị nhân dân tệ tăng 4% và dự trữ ngoại tệ của Đại lục cũng đã tăng 70 tỉ USD. Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực để làm cho nhân dân tệ trở thành một đồng tiền lớn toàn cầu vẫn không có nền tảng. Các phương tiện truyền thông nhà nước thậm chí còn kêu gọi chính phủ tháo gỡ sự kiểm soát vốn và tỷ giá hối đoái. Song, điều này giống như một người bệnh ngưng dùng thuốc khi bắt đầu cảm thấy khỏe hơn, nhưng những điều kiện cơ bản bên trong thì thực sự vẫn không có gì thay đổi.
Công dân Trung Quốc vẫn muốn chuyển tiền ra nước ngoài. Họ đang mua bất động sản ở khắp mọi nơi, từ Bangkok cho đến London. Với tình trạng thiếu các cơ hội đầu tư hứa hẹn trong nước và chưa có một số bất động sản giá trị nhất trên thế giới, thì điều này không có gì đáng ngạc nhiên.
Các tập đoàn kinh doanh cũng không ngừng rút tiền ra. Cho dù bằng cách hồi hương lợi nhuận, tiếp tục thu lợi nhuận, hoặc đầu tư vào kế hoạch cơ sở hạ tầng “Một vành đai, một con đường” của chính phủ, họ cũng sẽ lấy vốn ở Trung Quốc và đầu tư vào các thị trường khác.
Mặc dù đầu tư nước ngoài chính thức đã giảm 67% do quy định chặt chẽ hơn, nhưng tỷ lệ thanh toán tại ngân hàng đối với hàng hóa nhập khẩu nước ngoài đã tăng mạnh trở lại, cho thấy những dòng chảy tài chính từ trong nước ra bên ngoài vẫn tràn ngập. Chưa kể việc kiểm soát vốn của Đại lục dường như đang làm tổn hại đển khả năng cân bằng dòng vốn, khi các nhà đầu tư nước ngoài giảm đầu tư trực tiếp xuống mức 5,5% trong năm nay.
Với tất cả những thực trạng nêu trên, thì việc tự do hóa nhân dân tệ chỉ vì nó đã đạt được sự ổn định nhất thời là điều vô nghĩa. Trước khi có thể xem xét vấn đề tự do hóa đồng tiền, Trung Quốc cần phải giải quyết những nguyên nhân đang khiến người dân và doanh nghiệp cố gắng di chuyển dòng tiền ra nước ngoài. Chừng nào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn còn dư thừa công suất, thiếu các quy định điều tiết rõ ràng và dùng vốn để bão hòa thị trường, thì việc thả tự do nhân dân tệ chỉ mãi là một bài toán lòng vòng, không có lối ra.(Thanhnien)
-------------------------------
Bất động sản công nghiệp và văn phòng hấp dẫn nhờ vốn FDI tăng 54,8%
Việt Nam tiếp tục thu hút đáng kể vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Sự gia tăng FDI phần lớn tập trung vào lĩnh vực sản xuất và dẫn tới kết quả là quá trình thúc đẩy phát triển hạ tầng công nghiệp.
Theo báo cáo tình hình đầu tư quý 2/2017 của Savills công bố ngày 18/8, trong 6 tháng đầu năm 2017, Việt Nam tiếp tục thu hút đáng kể vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). FDI giải ngân đạt 7,72 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi vốn đăng ký là 19,22 tỷ USD, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm trước.
Sự gia tăng FDI phần lớn tập trung vào lĩnh vực sản xuất và dẫn tới kết quả là quá trình thúc đẩy phát triển hạ tầng công nghiệp. Tháng 5 vừa qua, Hemaraj Land & Development của Thái Lan và Cienco 4 của Việt Nam đã chính thức xác nhận hợp tác liên doanh thành lập khu công nghiệp trị giá 1 tỷ USD, trên 3.200 ha đất ở Nghệ An.
Bên cạnh việc là động lực phát triển hạ tầng công nghiệp, FDI cũng đóng góp vào sự tăng trưởng của các phân khúc khác trong thị trường bất động sản. Cả hai mảng văn phòng và khách sạn đều cho thấy nhu cầu cao, gia tăng diện tích thuê và hiệu suất thuê ổn định.
Trong khi những phân khúc này đang ngày càng trở nên hấp dẫn, các tài sản hoạt động vẫn nhận được sự chú ý hơn từ phía các nhà đầu tư, ngoại trừ các dự án mới tại các khu vực đắc địa nằm trong trung tâm TP HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, với nguồn cung ngày càng hạn chế, chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng về giá trị của dự án ở tất cả các phân khúc.
Các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn hoạt động tích cực trên thị trường. Công ty Nishi Nippon và Hankyu hợp tác cùng Nam Long xây dựng dự án khu dân cư Mizuki Park với diện tích rộng 26 ha tại quận Bình Chánh, TP HCM, tổng vốn đầu tư 351 triệu USD.
Bên cạnh đó, tập đoàn bán lẻ nổi tiếng Nhật Bản Aeon Mall chính thức liên doanh cùng tập đoàn BIM, triển khai phát triển trung tâm thương mại thứ hai của Aeon tại Hà Nội với diện tích 16,7 ha, ước tính tổng vốn đầu tư 200 triệu USD. Sơn Kim Land cũng vừa kêu gọi vốn 100 triệu USD phát triển dự án thành công từ nhà đầu tư Nhật Bản.
Quý 2/2017 tiếp tục chứng kiến việc các dự án phát triển nhà ở nhận được sự quan tâm mạnh mẽ. Tập đoàn China Fortune Land Development đã thực hiện giao dịch mua lại cổ phần trong dự án Lotus đại Phước của VinaCapital với giá 65,3 triệu USD. Đại Phước Lotus là dự án khu dân cư có tổng điện tích 198,5 triệu ha thuộc khu vực tỉnh Đồng Nai, giáp ranh Tp.HCM.
Thêm vào đó, 65% cổ phần dự án khu phức hợp Times Square (Hà Nội) trị giá 41 triệu USD của VinaCapital cũng được chuyển nhượng sang công ty Elite Capital Resources Limited.(NDH)
----------------------
Trung Quốc hạn chế đầu tư khách sạn, phim ảnh, thể thao ở nước ngoài
Hãng tinBloombergcho biết các quy định này đặt ra các lĩnh vực mà các công ty Trung Quốc bị cấm, bị hạn chế và khuyến khích đầu tư ở nước ngoài.
Các lĩnh vực bị cấm đầu tư bao gồm ngành công nghiệp cờ bạc và tình dục. Quốc vụ viện Trung Quốc không giải thích rõ về lý do cấm đầu tư trong các lĩnh vực này nhưng gần đây, các doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt xây dựng các sòng bài ở các nước như Lào hay ở đảo Saipan thuộc quần đảo Bắc Mariana của Mỹ, những nơi có đông du khách Trung Quốc ghé đến chơi.
Các lĩnh vực bị hạn chế đầu tư gồm bất động sản, khách sạn, phim ảnh, giải trí và thể thao. Trong khi đó, Quốc vụ viện cho biết sẽ khuyến khích “các doanh nghiệp có năng lực” đầu tư vào các nước liên quan đến sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Chủ tịch Tập Cận Bình.
“Những thay đổi sâu sắc đang diễn ra ở trong nước và quốc tế và các doanh nghiệp Trung Quốc đang đứng trước những cơ hội tốt những cũng đối mặt nhiều rủi ro và thách thức khác nhau trong các thương vụ đầu tư ra nước ngoài”, thông báo của Quốc vụ viện cho biết.
Dưới áp lực của các cơ quan quản lý trong nước, gần đây, một số tập đoàn tư nhân hàng đầu Trung Quốc như Anbang, Fosun International, Dalian Wanda và HNA đã phải thu hẹp các khoản đầu tư ở nước ngoài.
Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, các thương vụ đầu tư của các tập đoàn Trung Quốc ở các công ty nước ngoài không hoạt động trong lĩnh vực tài chính đạt 57 tỉ đô la Mỹ trong bảy tháng đầu năm nay, giảm mạnh so với 103 tỉ đô Mỹ vào cùng kỳ năm ngoái,
Robin Xing, nhà kinh tế trưởng ở chi nhánh Ngân hàng Morgan Stanley tại Hồng Kông nhận định: “Các thay đổi gần đây là một phần của gói chính sách phòng ngừa nhằm ngăn chặn dòng vốn chảy ra nước ngoài trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang tăng lãi suất. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng lo ngại về rủi ro tài chính và nguy cơ đầu tư thua lỗ liên quan đến hoạt động thâu tóm những tài sản có giá trị cao ở nước ngoài, một bài học mà họ có thể đã rút ra từ làn sóng thâu tóm ở nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản vào cuối thập niên 1980”.
TheoFinancial Times, các nhà quản lý Trung Quốc có thể đang lo ngại một số công ty trong nước cố tình trả giá cao qua mức khi mua các tài sản giá trị ở nước ngoài nhằm chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc.(TBKTSG)
---------------------------------
Giày thể thao đắt đỏ ế ẩm
Ông chủ các thương hiệu như Nike, Adidas hay Under Armour là những người buồn nhất khi những cái tên lớn như Michael Jordan, LeBron James hay Steph Curry không giúp giày thể thao đắt tiền bán chạy.
Theo CNN, Foot Locker, hãng bán giày cho cả ba thương hiệu lớn kể trên, vừa báo cáo kết quả kinh doanh rất tệ hôm 18.8. Doanh thu và doanh số của Foot Locker đều không đạt dự báo của Phố Wall. CEO Foot Locker Richard Johnson cho hay: “Doanh số của một số mẫu giày hàng đầu giảm rất mạnh so với kỳ vọng của chúng tôi”. Ông Johnson cho rằng xu hướng này sẽ tiếp diễn đến hết năm nay.
Các doanh nghiệp và cửa hàng giày dép lớn bán giày thể thao nhờ nhiều vận động viên ngôi sao, đặc biệt là các huyền thoại NBA như Jordan hay James, thu hút khách hàng chi hàng trăm USD cho một đôi giày. Song giờ đây, khách hàng của Nike, Adidas và Under Armour dường như chẳng còn quan tâm đến việc trở thành một ngôi sao thể thao. Ông Johnson cho biết doanh số một số mẫu giày và quần áo cộp mác Michael Jordan giảm đáng kể trong quý kinh doanh gần đây.
Đây rõ ràng là vấn đề lớn vì Jordan là cái tên nổi tiếng nhất mà hãng Nike có. LeBron James không được CEO Foot Locker nhắc đến nhưng các dòng giày và quần áo Jordan thì bị nhắc đến 14 lần. Cổ phiếu Foot Locker hạ hơn 25% sau tin này. Nike, hãng có cổ phiếu thể hiện tệ nhất chỉ số Dow Jones năm ngoái, giảm 5% hôm 18.8 (giờ Mỹ).
Một hãng đồ thể thao khác là Hibbett cũng báo cáo triển vọng kinh doanh yếu vào ngày 18.8. Cổ phiếu hãng hạ hơn 15%. CEO Hibbett Jeff Rosenthal cho biết “môi trường bán lẻ đầy thách thức” là lý do cho việc này. Ngành công nghiệp bán lẻ hiện đang giảm giá và mở nhiều đợt sale lớn để thu hút khách.
Amazon cũng có thể trở thành vấn đề lớn hơn với các nhà bán lẻ đồ thể thao khi hãng tăng cường nỗ lực bán giày trực tuyến. Amazon đã sở hữu một hãng bán lẻ có tiếng là Zappos. Dù CEO Foot Locker và CEO Hibbett không cho rằng Amazon là vấn đề, giới đầu tư không nghĩ thế. Foot Locker và Hibbett đang gặp khó vì người tiêu dùng rõ ràng là quan tâm đến giày thể thao giá rẻ hơn là giày cộp mác ngôi sao với giá hơn 100 USD/đôi.
Tin xấu từ Foot Locker và Hibbett đến chỉ vài ngày sau một thương hiệu bán lẻ đồ thể thao khác là Dick’s báo cáo doanh thu thấp. Cổ phiếu Under Armour, Adidas và Big 5 đều bị ảnh hưởng bởi các thông tin này. Cổ phiếu Under Armour hạ 40% năm nay sau khi cũng giảm mạnh không kém vào năm ngoái. Công ty này mới đây còn tuyên bố sa thải nhân viên.
Song khi Under Armour và Nike chật vật, Adidas vẫn sống khỏe và dần chiếm thị phần. Dù có hạ hôm 18.8, nhìn chung cổ phiếu Adidas vẫn tăng gần 40% năm nay.(Thanhnien)