Tổng thống Vladimir Putin quan tâm đến loại tiền ảo là đối thủ của bitcoin; Tesla lọt top 500 doanh nghiệp lớn nhất Mỹ; Chợ Kim Biên mới sẽ được đấu thầu chọn chủ đầu tư, không giao cho Tuần Châu; Ngân hàng ở Tây Ban Nha "bán mình" với giá...1 euro
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 03-09-2017
- Cập nhật : 03/09/2017
Dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017 có thể đạt 200 tỷ USD
Thời gian qua, xuất khẩu vẫn khẳng định vai trò là một trong những động lực chính của nền kinh tế với mức tăng trưởng ổn định. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải từng dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017 có thể đạt 200 tỷ USD, tăng khoảng 13% so với cùng kỳ.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu đến 15/8/2017 đã đạt con số xấp xỉ 124 tỷ USD, tăng gần 19%. Đến nay đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Về thị trường, hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh tập trung vào một số thị trường giàu tiềm năng, sức mua cao như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và ASEAN. bước đầu xuất khẩu thành công vào một số quốc gia mới ở các khu vực châu Phi, châu Mỹ La tinh…
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt hơn 23,44 tỷ USD. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ chính là xu hướng bảo hộ thông qua các rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Tiếp theo đó là thị trường EU đứng thứ 2, đạt kim ngạch 21,4 tỷ USD; Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 với hơn 15,62 tỷ USD; thị trường ASEAN với kim ngạch 12,13 tỷ USD, đứng vị trí thứ 4; Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 với kim ngạch hơn 9,42 tỷ USD.
Tiềm năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thời gian tới dự kiến sẽ còn rất dồi dào, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam sở hữu rất nhiều loại hàng hóa có thế mạnh và ngày càng được thị trường thế giới ưa chuộng như: nông, thủy sản, điện thoại, hàng dệt may…
Đồng thời,việc tham gia các hiệp định thương mại tự do mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Thêm vào đó, là các doanh nghiệp xuất khẩu kịp chuyển mình, nắm bắt tốt các cơ hội từ thị trường.(TCTC)
---------------------------
Áp lực cạnh tranh từ thị trường “sát vách”
DN xuất khẩu của Việt Nam đang quá mải mê vào các thị trường xa như Mỹ, châu Âu… và bỏ quên thị trường gần là ASEAN.
Cán cân thương mại của Việt Nam với các quốc gia lớn trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) gồm Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia... đang tiếp tục tình trạng thâm hụt nghiêng về phía Việt Nam. Điều đáng lo ngại là trong cơ cấu hàng hoá nhập khẩu từ thị trường này, các nhóm hàng tiêu dùng đang gia tăng mạnh, cho thấy nguy cơ cạnh tranh đối với hàng Việt Nam thực chất sẽ đến từ chính các thị trường “sát vách”, chứ không phải từ các quốc gia phát triển như Mỹ hay châu Âu…
Thâm hụt thương mại liên tục gia tăng
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập siêu khoảng 3,68 tỷ USD từ thị trường ASEAN. Trong đó, Thái Lan đặc biệt nổi lên là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khu vực này. Thái Lan cũng đồng thời là đối tác gây thâm hụt thương mại mạnh nhất cho Việt Nam trong khu vực, đạt 3,1 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 7 tháng năm 2017, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Thái Lan tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó hàng hoá có xuất xứ từ quốc gia này tập trung chủ yếu vào các nhóm hàng tiêu dùng, đứng đầu là hàng điện gia dụng và linh kiện đạt 590,8 triệu USD; nhóm hàng rau quả đạt 516,8 triệu USD… Đặc biệt, Thái Lan đang dẫn đầu về xuất khẩu ô tô nguyên chiếc sang Việt Nam với 21,86 nghìn chiếc, chiếm 38% tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam trong 7 tháng năm 2017; trị giá nhập khẩu tăng 14,7%.
Số liệu thống kê cũng cho thấy mức thâm hụt thương mại từ Thái Lan đã tăng mạnh trong vòng 2 năm vừa qua, chủ yếu do nhập khẩu hàng hóa từ thị trường này tăng cao trong khi xuất khẩu từ Việt Nam suy giảm hoặc tăng trưởng thấp. Kết quả là trong năm 2016, Việt Nam đã nhập siêu từ Thái Lan khoảng 5,1 tỷ USD, tương đương mức nhập siêu năm 2015. Hiện nay nhập siêu hàng hóa từ Thái Lan lớn thứ 4, chỉ xếp sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.
Cùng chung tình trạng trên, cán cân thương mại giữa Việt Nam và một số quốc gia ASEAN đã duy trì trạng thái thâm hụt trong suốt nhiều năm. Cụ thể, Malaysia là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam trong ASEAN; năm 2016 xuất khẩu sang thị trường này giảm 6,7% so với năm 2015, song nhập khẩu tăng tới 23,2%, khiến thâm hụt thương mại đạt 1,83 tỷ USD. Tương tự như vậy, Singapore là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong ASEAN, với mức thâm hụt thương mại trong năm 2016 là 2,32 tỷ USD; Indonesia thâm hụt 373 triệu USD.
Tổng cục Hải qua cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – ASEAN tăng gấp 7 lần sau 20 năm trở thành thành viên của khối này. Tuy nhiên, cán cân thương mại hàng hóa luôn nghiêng về thâm hụt với các nước ASEAN, và trong suốt 20 năm gia nhập, Việt Nam chưa từng đạt thặng dư thương mại với khối này. Năm 1996 thời điểm gia nhập ASEAN mức thâm hụt là 745 triệu USD, thì đến năm 2016 đã lên tới 6,59 tỷ USD.
Nhiều nguy cơ vì bỏ quên thị trường gần
Theo lộ trình thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu các mặt hàng từ khu vực ASEAN giảm mạnh thời gian qua đã “dọn đường” cho hàng hoá có xuất xứ từ các quốc gia này thâm nhập vào thị trường Việt Nam dễ dàng hơn. Dự báo đến năm 2018 khi thuế suất nhiều mặt hàng giảm về 0%, lượng hàng nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN sẽ còn tăng cao.
Điển hình là xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, Thái Lan được dự báo sẽ tiếp tục dẫn đầu về cung cấp mặt hàng này cho Việt Nam, bỏ xa các đối tác khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Indonesia cũng đang nổi lên là nhà nhập khẩu ô tô nguyên chiếc vào Việt Nam. Riêng trong 7 tháng năm nay, lượng xe nhập khẩu từ quốc gia này đã cao gấp hơn 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tiếp tục giữ tốc độ này, thâm hụt thương mại giữa Việt Nam với Indonesia nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục gia tăng.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào ASEAN năm 2016 tăng 6,8 lần so với thời điểm gia nhập cộng đồng này cách đây 20 năm, với tốc độ tăng bình quân 10% năm. Tuy nhiên tốc độ xuất khẩu lại chậm hơn so với nhập khẩu. Riêng trong năm 2016, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang các nước ASEAN giảm 4,4% so với năm 2015.
Đặc biệt, nếu xét theo cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường này, có thể thấy các sản phẩm dẫn dắt cho xuất khẩu vào ASEAN chủ yếu thuộc về khối DN FDI. Cụ thể, nhóm hàng điện thoại và linh kiện chiếm tỷ lệ khoảng 13%; nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm 12%... Thời gian qua, đây cũng là các nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất vào ASEAN. Trong khi đó, các nhóm hàng thuộc “sở trường” của khối DN trong nước như nông sản, hàng tiêu dùng… khá chật vật để mở đường vào thị trường khu vực.
Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành phân tích, việc DN Việt Nam ngại mở lối vào các thị trường lớn trong ASEAN là do cơ cấu hàng hoá giữa Việt Nam và các quốc gia này khá tương đồng, tính bổ sung không cao. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, việc hàng hoá từ các quốc gia ASEAN thâm nhập mạnh vào Việt Nam lại là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy sản phẩm hàng hoá tiêu dùng vẫn có cửa cạnh tranh miễn là chất lượng cao, giá thành rẻ hơn. Vì vậy, có thể nói rằng DN xuất khẩu của Việt Nam đang quá mải mê vào các thị trường xa như Mỹ, châu Âu… và bỏ quên thị trường gần là ASEAN.
Ông Thành phân tích, việc mở rộng được thị trường ASEAN mới thực sự là cơ hội để DN Việt Nam nâng cao năng lực của chính mình, hình thành cách làm ăn mới bài bản hơn theo hướng tự thiết lập mạng lưới sản xuất, phân phối… thay vì phải phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài như khi xuất khẩu vào các thị trường phát triển. Về lâu dài, ông Thành khuyến cáo các DN Việt Nam cần nhìn nhận ASEAN là nơi để tạo dựng dần vị thế của mình, coi đây là sân chơi để tập dượt trước khi ra biển lớn hơn. Vì vậy, nếu không kịp thời cải thiện năng lực cạnh tranh của hàng hoá trong nước, cũng như tìm đường xuất khẩu sang các quốc gia ASEAN, hàng hoá Việt Nam sẽ ngày càng đối diện nguy cơ thua trên chính sân nhà, cùng với đó là mất dần khả năng cạnh tranh xuất khẩu.(TBNH)
------------------
Mỹ phẩm thương hiệu Việt gia nhập thị trường
Công ty TNHH dược phẩm Kim Sài Gòn vừa chính thức đưa ra thị trường VN 2 dòng sản phẩm chữa trị và chăm sóc sắc đẹp Beauty Mall và Hot Care sau nhiều năm nghiên cứu.
Nhà máy này có vốn đầu tư 2 triệu USD, đạt công suất từ 120 - 150 tấn/năm, chuyên sản xuất các sản phẩm hỗ trợ trị liệu liên quan đến nám da, mụn, dưỡng trắng da và các mặt hàng tiêu dùng.
Theo thống kê, có đến 90% mỹ phẩm ngoại đang chiếm lĩnh thị trường VN nên với một thương hiệu mới để chinh phục thị trường là một thách thức lớn.
Tuy nhiên, công ty vẫn tự tin và cam kết về chất lượng sản phẩm sẽ từng bước chinh phục được nhiều người tiêu dùng VN khi giá cả phù hợp với từng phân khúc khách hàng. Hai sản phẩm này sẽ được Công ty TM-DV Nữ hoàng Sắc đẹp phân phối độc quyền.(Thanhnien)
--------------------------
Nikkei: Lương lãnh đạo DN Việt Nam thuộc "hàng khủng" trong khu vực châu Á
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp muốn nhận được mức thu nhập hậu hĩnh có thể tìm đến những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc hay Việt Nam, hơn là Nhật Bản và Đức. Đó là lời mở đầu một bài viết mới được đăng tải trên trang Nikkei.
Nikkei nhận định, việc đưa ra chế độ đãi ngộ "khủng" cho các nhà quản lý giàu kinh nghiệm đang là xu hướng tại một số nền kinh tế mới nổi ở châu Á.
Theo kết quả khảo sát của công ty tư vấn nhân sự Mercer (Mỹ), một thành viên hội đồng quản trị nhận được mức lương thưởng trung bình hàng năm là 357.345 USD tại Trung Quốc, 266.029 USD tại Hàn Quốc, 244.972 USD tại Việt Nam và 241.580 USD tại Đức.
Tại Nhật Bản, mức lương thưởng trung bình dành cho thành viên hội đồng quản trị là 237.513 USD - cao hơn mức 211.451 USD của Thái Lan, nhưng vẫn còn tương đối thấp so với nhiều nền kinh tế đối thủ.
Đối với vị trí tổng giám đốc, Singapore trả mức lương trung bình năm lên tới 210.923 USD, tiếp theo là Trung Quốc với 204.561 USD, Đức là 179.115 USD và Nhật Bản là 173.412 USD. Trong khi đó, tổng giám đốc doanh nghiệp tại Hàn Quốc và Việt Nam có mức lương trung bình lần lượt là 160.352 USD và 131.785 USD.
Thành viên hội đồng quản trị tại Việt Nam có thu nhập khá hậu hĩnh
Dù vậy, khảo sát của Mercer lại cho thấy xếp hạng về mức lương thưởng có xu hướng đảo ngược khi xét đến các vị trí thấp hơn (Khảo sát được thực hiện với 25.000 công ty lớn tại 125 quốc gia trong năm tài khóa 2016).
Ở vị trí giám đốc bộ phận, bảng xếp hạng lương hoàn toàn đảo ngược so với vị trí tổng giám đốc. Trong các nước được khảo sát, Nhật Bản đứng đầu về mức lương thưởng chi cho vị trí này với 89.467 USD mỗi năm, so với 88.182 USD của Singapore và 58.427 USD tại Trung Quốc.
Đối với vị trí thấp hơn nữa, theo một cuộc khảo sát mới được thực hiện bởi Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, mức lương trung bình tháng của một công nhân nhà máy tại Tokyo là 2.339 USD. Ở Thượng Hải con số này chỉ là 558 USD, trong khi TP.HCM là 214 USD.
"Số liệu cho thấy cách thức trả lương tại Trung Quốc và Việt Nam giống với xu hướng 'người cao nhất hưởng tất' tại Mỹ. Trái lại, Nhật Bản và Đức lựa chọn cách trả lương đồng đều hơn - như một cách thúc đẩy tinh thần làm việc theo nhóm và tính gắn kết trong tổ chức", Nikkei đánh giá.
Nikkei cho rằng, trong thời đại công nghệ và môi trường kinh doanh chuyển đổi nhanh chóng, việc "ưu tiên" những người có khả năng dẫn dắt doanh nghiệp được coi là cần thiết. Và rõ ràng chiến lược này đang giúp các nước mới nổi giành ưu thế trong cuộc chiến chiêu mộ nhân tài lãnh đạo.(NDH)