Ông chủ Lenovo mua ngân hàng Luxembourg với giá 1,76 tỉ USD; Đông Nam Á đón nhận tin vui về tăng trưởng kinh tế; Sau đề xuất tăng thuế VAT, Bộ Tài chính muốn giảm một loạt thuế, phí; Dệt may Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Cộng hòa Armenia
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 03-09-2017
- Cập nhật : 03/09/2017
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,8%
"Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tại thời điểm 1/8) đã tăng 9,8% so với cùng kỳ” - Số liệu trên được công bố từ Theo Báo cáo Kinh tế - Xã hội tháng Tám của Tổng cục Thống kê.
Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân bảy tháng là 65,3%. Nguồn: internet
Theo đó, các ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là sản xuất đồ uống tăng 62%, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 55,2%, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 25,6%..., bên cạnh đó các ngành có chỉ số tồn kho ở mức là dệt tăng 1%, riêng ngành sản xuất phương tiện vận tải khác tồn kho đã giảm 0,3%, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 16,4%, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 22,3% và sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 25,1%.
Như vậy, tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân bảy tháng là 65,3%, trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao là sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 131,1%, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 82,3%, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác 77%, sản xuất xe có động cơ 76,4%, sản xuất, chế biến thực phẩm 75,2%.
Về chỉ số tiêu thụ, toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng Bảy đã tăng 1,6% so với tháng Sáu và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Tính cả bảy tháng, chỉ số tiêu thụ toàn ngành chế biến, chế tạo đã có những bước khả quan và tăng 9,5% so với bảy tháng năm ngoái (cùng kỳ năm trước tăng 8,1%).
Về lao động, số việc làm trong các doanh nghiệp công nghiệp (tại thời điểm 1/8) tăng 4,3% so với cùng thời điểm năm 2016. Tuy nhiên, lao động tại khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 4%, trong khi doanh nghiệp ngoài Nhà nước lại tăng 0,9% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 7,6%.
Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 7%, ngành chế biến, chế tạo tăng 5,1%, ngành sản xuất và phân phối điện giảm 3,2% và ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,1% so với cùng thời điểm năm trước.(daibieunhandan)
Tỷ lệ tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 7 tháng
---------------------------
11.000 dòng hàng xuất nhập khẩu sẽ thay đổi thuế suất
Sáng 1/9/2017, Bộ Tài chính đã công bố thông tin quan trọng về Thông tư số 65/2017/TT-BTC ban hành Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu và Dự thảo sửa đổi Nghị định 122/2016/NĐ-CP bổ sung danh mục biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi. Như vậy sẽ có sự thay đổi về thuế suất và biểu thuế thuế xuất nhập khẩu 11.000 dòng hàng.
Để triển khai danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 65 về Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu áp dụng từ ngày 1/1/2018. Việc chuyển đổi danh mục Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu mới (ban hành kèm theo Thông tư số 65, gọi tắt là danh mục HHXNK 2017) dẫn đến có sự thay đổi về thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu dẫn đến sự thay đổi tương ứng về số dòng thuế nên phải thực hiện chuyển đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) quy định tại Nghị định số 122.
Như vậy bên cạnh việc ban hành Thông tư số 65/2017/TT-BTC, Bộ Tài chính cũng phải trình Chính phủ dự thảo một Nghị định thay thế Nghị định số 122/2016/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung danh mục biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu 2017 kèm theo Thông tư 65 gồm 10.813 dòng hàng ở cấp độ 08 chữ số, tăng 1.255 dòng hàng so với danh mục năm 2012 dẫn đến sự thay đổi tương ứng về số dòng thuế nên phải thực hiện chuyển đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) quy định tại Nghị định số 122/2016/NĐ-CP. Như vậy sẽ có sự thay đổi về thuế xuất khẩu, nhập khẩu của gần 11.000 dòng hàng, tăng hơn 1.200 dòng hàng so với trước.(TBNH)
----------------
Vi phạm an toàn thực phẩm có thể bị phạt 200 triệu đồng
Bộ Công thương vừa lấy ý kiến dự thảo nghị định thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Theo đó, mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức...
Ngoài ra, có các hình thức xử phạt bổ sung khác như: tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có thời hạn, tước quyền sử dụng giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy có thời hạn, tước quyền sử dụng giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm có thời hạn...; đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Dự thảo cũng quy định phạt khắc phục hậu quả, buộc thực hiện kiểm tra vệ sinh thú y đối với sản phẩm động vật trên cạn chưa qua kiểm tra vệ sinh thú y trước khi sản xuất, chế biến thực phẩm; buộc chuyển đ́ổi mục đích sử dụng hàng hóa vi phạm; buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm trong trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm...(Thanhnien)
----------------------------
Vingroup khởi công nhà máy sản xuất ô tô, xe máy: 12 tháng tới sẽ ra mắt sản phẩm
Ngày 2/9/2017, Tập đoàn Vingroup khởi công Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng).
Với công nghệ tiêu chuẩn Châu Âu và Mỹ, cùng đội ngũ chuyên gia hàng đầu thế giới, VINFAST mở ra tương lai mới cho ngành công nghiệp cơ giới tại Việt Nam; chính thức khởi động lĩnh vực kinh doanh cốt lõi thứ 7 của Tập đoàn.
VINFAST được kết nối từ chuỗi viết tắt của các từ: Việt Nam - Phong cách - An toàn -Sáng tạo-Tiên phong với ý nghĩa tôn vinh xe thương hiệu Việt do Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VINFAST, thuộc Tập đoàn Vingroup là chủ đầu tư. Mục tiêu của VINFAST là trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025, sản phẩm chủ lực là ô tô động cơ đốt trong, ô tô sử dụng động cơ điện và xe máy điện thân thiện với môi trường.
Nhằm hỗ trợ chiến lược mới này, VINFAST đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Credit Suisse AG, một trong những tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới, theo đó Credit Suisse sẽ thu xếp cho VINFAST khoản vay lên tới 800 triệu USD.
Giai đoạn 1, nhà máy sẽ xuất xưởng 1 mẫu sedan 5 chỗ; 1 mẫu SUV 7 chỗ và xe máy điện theo tiêu chuẩn chất lượng hàng đầu Châu Âu, công suất dự kiến đạt 100.000 – 200.000 xe/năm. Sản phẩm VINFAST đầu tiên sẽ ra mắt trong vòng 12 tháng tới là xe máy điện và sau 24 tháng là ô tô.
Toàn bộ quy trình sản xuất được đặt tại Nhà máy VINFAST Hải Phòng, quy mô 335 ha, gồm 5 phân xưởng chính: Phân xưởng ép; Phân xưởng thân xe; Phân xưởng sơn; Phân xưởng sản xuất động cơ; Phân xưởng lắp ráp. Trong đó, các cấu phần quan trọng như động cơ và hệ thống kết cấu chính sẽ được mua thiết kế từ những nhà thiết kế hàng đầu châu Âu và Mỹ. Riêng kiểu dáng xe được sáng tạo bởi các studio danh tiếng của Italy - nơi sáng tạo nên những thiết kế sang trọng cho Alfa Romeo, Aston Martin, Audi, Bentley, BMW, Cadillac, Ferrari, Jaguar, Lamborghini, Mercedes-Benz, Porsche, Rolls-Royce …
Với chủ trương đón đầu công nghệ và thân thiện với môi trường, VINFAST sẽ ứng dụng công nghệ hiện đại nhất thế giới vào sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn khí thải khắt khe Euro 5.0 và Euro 6.0; đồng thời ưu tiên tối đa sử dụng năng lượng xanh trong quy trình sản xuất tại nhà máy. Công ty cũng chủ động đầu tư dây chuyền xử lý pin và ắc quy đã qua sử dụng để bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, với uy tín của Chủ đầu tư Vingroup, VINFAST đã quy tụ được đội ngũ chuyên gia hàng đầu thế giới, có kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực sản xuất ô tô tham gia nghiên cứu, quản lý sản xuất. VINFAST cũng sẽ hỗ trợ và hợp tác với các nhà sản xuất Việt Nam để cùng sản xuất và phát triển các linh kiện, từng bước đạt được tỷ lệ nội địa hóa 60%, làm chủ công nghệ và hướng tới xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực.
Phát biểu về chiến lược gia nhập lĩnh vực ô tô xe máy của Vingroup, ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch Tập đoàn cho biết: “Sự ra đời của VINFAST thể hiện khát vọng xây dựng một thương hiệu Việt Nam có tầm thế giới, khẳng định khả năng làm chủ các công nghệ hiện đại của người Việt. Thông qua lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy- một trong những ngành công nghiệp mang tính dẫn dắt, có tác động tới nhiều ngành nghề khác–Vingroup cũng mong muốn tham gia góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp nặng và chế tạo tại Việt Nam, góp phần thực hiện CNH, HĐH đất nước”.
Ông Lito Camacho, Giám đốc điều hành kiêm Phó Chủ tịch khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Credit Suissechia sẻ: "Quy mô đầu tư lớn thể hiện cam kết của Vingroup đối với ô tô -lĩnh vực đang phát triển nhanh tại Việt Nam, cũng như đối với mục tiêu xây dựng nhà máy sản xuất hiện đại, được kỳ vọng là lớn nhất nước, đạt tầm quốc tế. Việt Nam là một thị trường quan trọng của Credit Suisse và chúng tôi cam kết đem lại giá trị cho khách hàng bằng cách tận dụng sức mạnh của nền tảng tích hợp tài chính và ngân hàng đầu tư. Chúng tôi rất vui mừng được tiếp tục xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Vingroup và hỗ trợ Tập đoàn trong việc phát triển ngành sản xuất ô tô tại Việt Nam.”
Có thể khẳng định, VINFAST không chỉ mở ra cơ hội sở hữu ô tô với chi phí phù hợp, đặc biệt là thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước mà còn chính thức ghi dấu Việt Nam trên bản đồ sản xuất xe thế giới với dòng xe thương hiệu Việt đầu tiên. Đây cũng là bước khởi đầu cho việc gia nhập lĩnh vực Công nghiệp nặng của Vingroup, cùng 6 lĩnh vực cốt lõi trước đó là: Bất động sản, Du lịch –vui chơi giải trí; Bán lẻ; Y tế; Giáo dục và Nông nghiệp.(NDH)