tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 20-08-2017

  • Cập nhật : 20/08/2017

Giá thuê căn hộ cao cấp ở Sài Gòn giảm mạnh

uý II, các căn hộ cao cấp đã bàn giao trên 5 năm tại TP HCM giảm giá thuê gần 30% so với năm ngoái.

cac can ho cao cap cho thue tai tp hcm dang doi mat voi tinh trang giam gia thue vi nguon cung moi ban giao tang len manh me. nguon: internet

Các căn hộ cao cấp cho thuê tại TP HCM đang đối mặt với tình trạng giảm giá thuê vì nguồn cung mới bàn giao tăng lên mạnh mẽ. Nguồn: Internet

Khảo sát của phóng viên so với cách đây 8 tháng, tức cuối năm 2016, giá chào thuê các căn hộ cao cấp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang có xu hướng giảm khá sâu. Nguyên nhân được cho là do sự bùng nổ nguồn cung mới, xuất hiện cục bộ với quy mô lớn, làm nguồn cầu bão hòa và tác động trực tiếp đến giá thuê của thị trường này. 

Ông Kiên, nhà đầu tư có danh mục 9 căn chung cư cao cấp cho thuê cho hay, 6 căn hộ loại 2 phòng ngủ tọa lạc tại quận Bình Thạnh của ông đều rơi vào tình trạng giảm giá thuê ngay khi hết hợp đồng cũ. Các căn hộ này đã được khai thác trên 5 năm với mức giá chào thuê liên tục tăng cao trong vòng 3 năm qua.

Thế nhưng từ tháng 4/2017, nhà đầu tư này đã phải hạ từ 1.250 USD một căn mỗi tháng xuống còn 900-1.000 USD, giảm 20-28% so với hợp đồng thuê đã ký năm 2015-2016.

3 căn hộ cao cấp cho thuê tại quận 2 của ông Kiên cũng rơi vào tình trạng phải hạ giá để nhanh chóng lấp đầy, biên độ giảm ít hơn quận Bình Thạnh nhưng doanh thu bị hụt khoảng 12-15%. "Dù hạ giá, việc tìm khách không còn dễ dàng như trước vì thị trường có quá nhiều sự lựa chọn", nhà đầu tư này bộc bạch.

Cũng tỏ ra lo lắng vì giá giảm, ông Hòa có gần một thập niên đầu tư căn hộ để khai thác cho thuê tiết lộ, nếu so mặt bằng chung hiện nay với giai đoạn 2009, các căn hộ cao cấp tại Bình Thạnh của ông có giá thuê từ 2.200 USD một căn mỗi tháng đã lao dốc mạnh, xuống còn 1.000-1.100 USD.

Mức giá chào thuê hiện tại chỉ còn một nửa so với cách đây 8 năm. Thời gian hoàn vốn đầu tư của ông Hòa ban đầu được ước tính khoảng 10 năm, nhưng với đà này, có thể kéo dài tới 12 năm, thậm chí lâu hơn.

"Không chỉ giảm giá, thời gian nhà bị trống phải nằm chờ để tìm khách thuê mới cũng kéo dài hơn. Nếu trước đây chỉ cần trong một tuần là có khách mới dọn đến thì hiện nay, thời gian tìm khách kéo dài 3-4 tuần trở lên", ông Hòa nói.

Khá nhiều căn hộ cao cấp ở khu vực quận 7 có thời gian đưa vào sử dụng từ 5 năm trở lên cũng xuất hiện tình trạng sụt giảm giá thuê. Môi giới cho thuê căn hộ trên địa bàn này tiết lộ, thị trường chung cư cho thuê chỉ giảm cục bộ ở phân khúc cao cấp, rơi vào các dự án cũ, mức giảm 10-15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngay cả căn hộ dịch vụ cho thuê (loại hình căn hộ kèm các dịch vụ như khách sạn) tại khu Nam TP. Hồ Chí Minh cũng có dấu hiệu giảm giá. Cá biệt một dự án căn hộ dịch vụ cho thuê quy mô vừa và nhỏ, chỉ chuyên loại một phòng ngủ tại đây cũng đã giảm từ 500 USD/căn/tháng xuống còn 400-450 USD một căn mỗi tháng.

Từ đầu quý II/2017, Savills từng đưa ra nhận định, với lượng căn hộ khủng được bàn giao trong năm nay (khoảng 21.000 căn) đa phần rơi vào phân khúc cao cấp, thị trường đứng trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, khó tránh khỏi kịch bản giảm giá thuê.

Tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư Nam Phát, Nguyễn Mạc Hoài Nam cho biết, thị trường căn hộ cho thuê năm 2017 đang đứng trước bước ngoặt khi nguồn cung cao cấp đang bàn giao cực lớn. Cuộc  đổ bộ của nguồn cung mới đã tạo sức ép lên nguồn cung cũ, kéo giá thuê đi xuống, hình thành một mặt bằng giá mới "mềm" hơn.

Tính đến giữa tháng 8/2017, căn hộ cao cấp đang chịu áp lực giảm giá mạnh nhất toàn thị trường. Tuy nhiên, các dự án thuộc phân khúc trung cấp và bình dân lại giữ giá tốt và tăng giá nhẹ ở một số vị trí có hạ tầng kết nối tốt.

Điều này khiến tỷ suất sinh lời của căn hộ cao cấp giảm xuống, thời gian hoàn vốn cho nhà đầu tư phân khúc này phải kéo dài thêm.

Ông Nam nhận xét, đây là sự sụt giảm có tính chu kỳ, phá vỡ thế độc quyền kéo dài của các dự án cao cấp. Kể từ cuối năm 2013 đến nay, nguồn cung căn hộ cao cấp được tung ra thị trường năm sau luôn tăng mạnh hơn năm trước với quy mô lớn dần.

Vòng quay của một dự án mới từ khi chào bán đến lúc bàn giao trung bình 3 năm và nguồn cung cao cấp có thời gian bàn giao theo chu kỳ này được xả hàng khá nhiều tại TP. Hồ Chí Minh.

Khi hàng mới được đưa vào sử dụng thì hàng cũ bắt đầu mất dần thế độc quyền về giá và buộc phải chia sẻ thị phần. Ngoài ra, do mặt bằng giá thuê của căn hộ cao cấp đang ở ngưỡng quá cao, lại khan hiếm hàng quá lâu, vấp phải nguồn cung mới cực lớn đã dẫn đến tình trạng giảm giá khá mạnh.

Riêng căn hộ trung cấp và bình dân, sở dĩ không bị ảnh hưởng nhiều vì nguồn cung vẫn còn thấp hơn nguồn cầu. Mặt bằng giá thuê phân khúc này còn khá rẻ và thiếu hụt nguồn cung nên không chịu áp lực giảm giá.(Vnexpress)
-----------------------------

Bộ Tài chính đề xuất doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng thuế suất 15%

Để đảm bảo đúng mục đích tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp siêu nhỏ, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, phù hợp với thực tế quản lý, Bộ Tài chính đề nghị quy định: Doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng thuế suất 15%.

bo tai chinh de xuat doanh nghiep sieu nho duoc ap dung thue suat 15%.

Bộ Tài chính đề xuất doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng thuế suất 15%.

Những nội dung được sửa đổi, bổ sung Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp đã thể hiện các mục tiêu quan trọng như: Xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; Đảm bảo mục tiêu tiếp tục thúc đẩy DNNVV phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phù hợp với nguyên tắc tại Luật hỗ trợ DNNVV...

Bộ Tài chính đánh giá, cũng như nhiều quốc gia khác, tại Việt Nam, DNNVV đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội và tỷ lệ DNNVV tại Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ cao trong tổng số doanh nghiệp (97%-98%) và được xác định là “động lực tăng trưởng”, là “xương sống” của nền kinh tế. Do đó, để đảm bảo mục tiêu tiếp tục thúc đẩy DNNVV phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phù hợp với nguyên tắc tại Luật hỗ trợ DNNVV, đảm bảo phù hợp với khả năng hỗ trợ của Nhà nước trong từng thời kỳ thì việc nghiên cứu đề xuất mức thuế TNDN phù hợp với DNNVV là cần thiết.

Căn cứ quy định tại Điều 10 Luật Hỗ trợ DNNVV số 04/2017/QH14 quy định: DNVV được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế TNDN.

Theo đó, để được áp dụng chính sách giảm thuế suất thuế TNDN thì doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa đều phải đáp ứng tiêu chí chung là có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người; đồng thời đáp ứng một trong hai tiêu chí nguồn vốn (không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng doanh thu năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng).

Bộ Tài chính kiến nghị, về việc sử dụng tiêu chí lao động, vốn phân biệt theo ngành, lĩnh vực làm cơ sở xác định DNNVV có bất cập khi đặt trong xu thế doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực như hiện nay; việc sử dụng tiêu chí này cũng đã được quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ (tiêu chí vốn là tổng vốn ghi trên Bảng tổng kết tài sản nên không phản ánh đúng quy mô và hoạt động của doanh nghiệp vì vốn đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp có sự sai khác rất lớn so với số vốn doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh và trên thực tế không có ý nghĩa trong công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

Trong khi sử dụng tiêu chí doanh thu lại có ưu điểm là phản ánh thực chất kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, khắc phục được những hạn chế trong thực tiễn khi sử dụng tiêu chí DNNVV tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, đồng thời phù hợp với kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.

Mặt khác về quản lý thuế cho thấy, nếu lấy theo tiêu chí doanh thu thì cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế có sẵn (doanh thu thể hiện trên tờ khai thuế TNDN của doanh nghiệp) nên sẽ thuận lợi trong quản lý hơn khi lấy theo tiêu chí vốn. Tại cuộc họp Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách (UBTCNS) mở rộng ngày 10/4/2017 về dự án Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đa số các ý kiến trong Ủy ban đều cho rằng việc xác định DNNVV làm cơ sở áp dụng mức thuế suất thấp hơn theo tiêu chí doanh thu là phù hợp, đúng bản chất kinh tế.

Do đó, để đảm bảo đúng mục đích tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp siêu nhỏ, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, phù hợp với thực tế quản lý, đề nghị quy định: Doanh nghiệp siêu nhỏ (là doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới ba tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 15%; doanh nghiệp nhỏ và vừa (là doanh nghiệp có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người; đồng thời đáp ứng điều kiện có tổng doanh thu năm từ ba tỷ đồng đến 50 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 17%.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề xuất, doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 17% và 15% tại khoản này là tổng doanh thu của doanh nghiệp trong năm.

Ngoài ra, để tránh các trường hợp doanh nghiệp thành lập các công ty con để được hưởng chính sách nêu trên, dự thảo Luật quy định mức thuế suất 15%, 17% không áp dụng đối với doanh nghiệp là các công ty tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con mà công ty mẹ nắm giữ từ 25% vốn chủ sở hữu của công ty con trở lên (là tỷ lệ xác định doanh nghiệp có giao dịch liên kết tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ).(TCTC)
------------------------------

Kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng nhanh và vững chắc hơn

Với tốc độ tăng trưởng ở mức nhanh nhất trong vòng 2,5 năm trong quý II vừa qua, nền kinh tế thế giới dường như đang trên đường tiến tới một năm tăng trưởng nhanh và vững chắc hơn.

Theo một khảo sát với các nhà kinh tế vừa được thực hiện bởi Bloomberg, dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay sẽ đạt mức 3,4% và 3,5% trong năm 2018, cao hơn so với mức tăng trưởng 3,1% của năm 2016.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Chuyên gia kinh tế Maurice Obstfeld của IMF nhận định, các dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng khá hơn, cùng với chuyển biến tích cực của tăng trưởng thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, một trong những lý do chính khiến dự báo triển vọng tăng trưởng tích cực hơn là nhờ sự hồi phục kinh tế của châu Âu và Nhật Bản - hai nền kinh tế mà trong những năm gần đây luôn kéo kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Trong khi đó, yếu tố tăng trưởng bền vững hơn cũng được các chuyên gia đề cập tới khi thị trường chứng khoán liên tục duy trì xu hướng tăng 5 quý vừa qua trong lúc lạm phát, lãi suất hay các yếu tố khác không có dấu hiệu bùng phát quá mức (mà thường sau đó sẽ dẫn đến kinh tế suy giảm).

Kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu đã tăng trưởng 0,6% trong quý  II và trải khá đều ở các nước thành viên, trong khi lạm phát vẫn ở dưới mức mục tiêu mà NHTW châu Âu ECB đặt ra. Trong khi đó tại Nhật Bản, tăng trưởng GDP ghi nhận mức tăng 4% trong quý II nhờ tiêu dùng nội địa tăng mạnh và đưa Nhật Bản trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khối G7 trong quý vừa qua. Đây cũng là quý thứ sáu liên tiếp, kinh tế Nhật có được tăng trưởng dương, qua đó củng cố kỳ vọng là nền kinh tế này đang trên đà phục hồi vững chắc.

Triển vọng tích cực không chỉ đến từ châu Âu và Nhật Bản mà còn ở các nền kinh tế lớn khác như Mỹ và Trung Quốc. JPMorgan Chase trong tuần này đã tăng dự báo tăng trưởng của Mỹ trong quý III lên 2,25%, từ mức 1,75% của dự báo trước đó. Điều chỉnh dự báo này diễn ra sau khi GDP của Mỹ tăng trưởng 2,6% trong quý II và doanh số bán lẻ tăng vượt kỳ vọng trong tháng 7. Những dữ liệu tích cực khác như tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong gần 2 thập kỷ và lạm phát vẫn thấp - hàm nghĩa Fed sẽ không phải mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ khi kinh tế phục hồi mạnh hơn.

Tại Trung Quốc, các chuyên gia dự báo GDP sẽ tăng 6,7% trong năm nay. IMF mới đây cũng đã điều chỉnh tăng trưởng trung bình hàng năm của nền kinh tế này từ nay đến năm 2020 lên mức 6,4%/năm từ mức 6% của dự báo trước đó. Về mặt rủi ro, các chuyên gia cho rằng, vẫn luôn có những nguy cơ đó có thể xảy ra và gây bất lợi cho tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, như rủi ro xung đột ở Bắc Triều Tiên hay các biến động lớn trên thị trường tài chính.(TBNH)
-----------------------

Châu Âu hưởng lợi lớn nếu kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ?

Mặc dù quá trình đàm phán gặp bế tắc do Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng xa cách nhau, nhưng theo chuyên gia, EU sẽ vẫn được hưởng lợi rất lớn nếu kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ làm thành viên.

Người nhập cư đi bộ trên đường cao tốc dọc biên giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bài phân tích đăng trên mạng EUROPP của Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (Anh), chuyên gia Tahir Abbas nhận định rằng vấn đề gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ là câu hỏi kéo dài và chưa có lời đáp. Trong hàng thập kỷ trước, mối quan hệ giữa Ankara và Brussels khá nồng ấm, nhưng ngày càng xấu đi trong giai đoạn gần đây. Hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ và EU đang thù địch, bất đồng lợi ích và gần như cắt đứt quan hệ với nhau. Sự hoài nghi đối với Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng mạnh trong nội bộ EU và ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ cũng xa cách dần EU.

Tuy nhiên, Brussels vẫn sẽ hưởng lợi lớn trong việc duy trì và tăng cường quan hệ với Ankara. Bên cạnh thỏa thuận giải quyết vấn đề di cư và quan hệ thương mại còn có vấn đề ở sâu xa hơn đó là sự di chuyển, đi lại tự do của người dân cùng với việc giao lưu, hội nhập giữa Hồi giáo và Thiên Chúa giáo, giữa châu Âu và châu Á, giữa Đông và Tây. Trong các lĩnh vực này Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò là cầu nối giữa các nền văn minh.

Hiện EU lo ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ khó đáp ứng được các tiêu chuẩn gia nhập. Hồ sơ nhân quyền của Ankara đang tác động tiêu cực tới quan hệ song phương, nhất là việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ các phóng viên và đóng cửa một số hãng truyền thông đối lập. Các lãnh đạo Hồi giáo bảo thủ ở Thổ Nhĩ Kỳ đang mong muốn khôi phục lại thời kỳ hoàng kim của đế chế Ottoman. Chính sách này của Tổng thống Erdogan được nhiều tầng lớp ở Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ. Mặc dù vậy, xã hội Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang trải qua những biến động sâu sắc trong hơn một thập kỷ qua, xuất phát từ quá trình dân chủ hóa cũng như nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.

Thổ Nhĩ Kỳ có thể tự tin hơn trong chính sách hội nhập EU trong quá khứ bởi trong giai đoạn đó, EU đã khẳng định được vị thế và sức mạnh. Tuy nhiên, hiện nay EU cũng đang phải đối mặt với một loạt thách thức nội khối sau khủng hoảng Khu vực đồng tiền chung châu Âu, trong khi hàng loạt các quốc gia Hồi giáo láng giềng ở phía Đông của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã trải qua giai đoạn đầy biến động với “Mùa xuân Arập” xảy ra cuối những năm 2000. Thực tế là Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua được giai đoạn này mà không cần sự giúp đỡ của EU. Vì vậy, nguyên nhân thực sự khiến Thổ Nhĩ Kỳ khó gia nhập EU hiện nay chính là tâm lý chống Hồi giáo đã ăn sâu trong lòng xã hội EU. Việc thiếu quyết tâm chính trị trong đàm phán cùng sự trỗi dậy của các lực lượng dân túy khiến các luận điệu và hoạt động chống Hồi giáo gia tăng ở khu vực Tây và Trung Âu gần đây. Điều này giải thích tại sao Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện sự không mặn mà đối với quá trình hội nhập EU.

Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ đầu hàng trong cuộc đảo chính bất thành năm 2016.

Sau cuộc đảo chính bất thành tháng 7/2016, việc tìm cách áp dụng lại án tử hình đã cho thấy tham vọng ngày càng mạnh mẽ của Tổng thống Erdogan và đảng Công lý và phát triển (AKP) cầm quyền. Một mặt, chính sách này nhằm duy trì sự trung thành của đại bộ phận người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Mặt khác, nó cũng tạo sự chia rẽ trong xã hội, nhất là liên quan đến vấn đề người Kurd và các sắc tộc thiểu số khác như người Alevis, Do Thái, Roma và một số nhóm Thiên Chúa giáo cũng như tư tưởng dân tộc trong những người bảo thủ. Sự thận trọng đã trở thành tiêu chuẩn quan trọng. Trong những năm gần đây một loạt các vụ tấn công khủng bố do các lực lượng cánh tả, Hồi giáo cực đoan và dân quân người Kurd tiến hành đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ quay cuồng. Với chính sách hiện nay, đảng AKP đang khiến Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước nguy cơ bị cô lập trong khu vực, nhất là chính sách cải thiện quan hệ với các nước láng giềng Hồi giáo Sunni trong khi gần như “từ bỏ” quá trình đàm phán gia nhập EU.

Đối với những người hoài nghi sâu sắc, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn gia nhập EU. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn này có thể thay đổi giống như biến động trong quan hệ chính trị. Những người bảo thủ mong muốn duy trì EU là “câu lạc bộ” của các nước Thiên Chúa giáo và coi việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa đến bản sắc của Liên minh. Tuy nhiên, việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp thay đổi tương lai phát triển của toàn EU, nhất là trong lĩnh vực chính trị và văn hóa.

Đối với thế giới Hồi giáo, việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào EU sẽ bác bỏ quan niệm rằng EU sẽ không bao giờ có thể kết nạp một nước thành viên Hồi giáo. Việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cho phép lực lượng lớn lao động trẻ, có trình độ gia nhập thị trường EU, tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế trong Liên minh. Ngoài ra, điều này sẽ giúp cải thiện quan hệ giữa Hồi giáo và Thiên Chúa giáo, giữa Đông và Tây, tác động mạnh đến các khu vực khác trên thế giới. Các đặc điểm riêng biệt về chính trị, xã hội và văn hóa của Thổ Nhĩ Kỳ hình thành trong quá trình chuyển đổi từ một vương quốc Hồi giáo sang nền cộng hòa khiến cho việc Brussles kết nạp Ankara có ý nghĩa biểu tượng quan trọng trong tương lai dài hạn.(TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục