Nga và Trung Quốc thành lập Quỹ Phát triển vùng Viễn Đông; Tân Tổng thống Hàn Quốc cam kết sẽ loại bỏ xe chạy nhiên liệu diesel; Nhiều sàn chứng khoán lập 'đỉnh' nhờ giá dầu tăng; Việt Nam và các nước kêu gọi thực hiện TPP càng nhanh càng tốt nhưng vẫn giữ chỗ cho Mỹ
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 21-08-2017
- Cập nhật : 21/08/2017
Văn hóa tiêu dùng tạo nên cuộc cách mạng mới ở Triều Tiên
Ngay sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lên nắm quyền, bà Song Un Pyol cũng bắt đầu quản lý một siêu thị nhỏ, nơi có tủ đông chứa đầy thịt heo và thịt bò, bánh kem và đồ hộp. Khách hàng tại đây sau khi tự lấp đầy giỏ hàng, bên cạnh tiền mặt họ cũng thường thanh toán bằng thẻ ngân hàng. Siêu thị của bà Song là một ví dụ cho sự thay đổi rõ ràng và không thể đảo ngược được tại Triều Tiên, khi thị trường và nền văn hóa tiêu dùng bắt đầu nở rộ.
Theo Bloomberg, trong thời gian cố lãnh đạo Kim Jong-il, cha của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, cầm quyền, với phương châm “quân đội đầu tiên”, ông đã dành một phần tư GDP quốc gia để chi cho quốc phòng. Đây là một gánh nặng quân sự nhiều hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới. Tuy nhiên, đến thời Kim Jong-un, nhà lãnh đạo này đã đổi khẩu hiệu mới là “Phát triển song song” cả “súng và bơ”.
Trong những năm 1990, Triều Tiên gần như bị tê liệt khi Liên bang Xô Viết sụp đổ. Chưa kể lũ lụt, nạn đói và chế độ quan liêu đã không còn đủ khả năng cho hệ thống bao cấp vốn đã quá tải. Và để tự đáp ứng các nhu cầu cơ bản, người dân lúc đó đã làm nảy sinh một làn sóng trao đổi và thương mại, một mô hình đang ngày càng phát triển trong nền kinh tế thị trường.
Ngày nay, tuy cuộc sống ở vùng nông thôn Triều Tiên vẫn còn nhiều khó khăn nhưng có một điều ngạc nhiên là cảm giác mua bán nhộn nhịp đang hiện diện ở nhiều nơi trên cả nước. Dọc theo những con đường vào thành phố là những người bán hàng rong rau trái. Còn trong thành phố, ở các chợ, cửa hàng bách hóa, siêu thị đầy ắp người và những mặt hàng như thuốc lá, nước ngọt, đồ ăn đóng hộp.
Tại các cửa hàng chuyên dụng cũng đã xuất hiện các mẫu điện thoại thông minh “Bình Nhưỡng”, được cho là do Trung Quốc sản xuất, bán với giá 200 USD. Mặc cho việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt, sản phẩm tiêu dùng đến từ khắp nơi trên thế giới vẫn tiếp tục đổ về đây. Việc mua một lon cà phê Pokka của Nhật Bản rất dễ dàng và chỉ tốn khoảng 80 xu. Mua một chiếc Mercedes-Benz Viano có thể đòi hỏi một số kết nối phức tạp hơn, nhưng vẫn có thể thực hiện được với giá khoảng 63.000 USD.
Trên những tuyến đường cao tốc gồ ghề của đất nước là các đoàn xe buýt đường dài và xe tải chở hàng từ thành phố này đến thành phố kia. Bên cạnh việc sử dụng phổ biến đồng USD và nhân dân tệ, nhiều người Triều Tiên giờ đây còn sử dụng thẻ trả trước hoặc nội tệ, cho thấy sức mua ngày càng lớn và thái độ tự tin vào sự ổn định của nội tệ.
Một chiếc Mercedes-Benz đậu ngoài Cung điện Văn hóa Nhân dân tại Bình NhưỡngẢNH: REUTERS
Tuy nhiên, một số biểu hiện hiển nhiên của chủ nghĩa thương mại vẫn còn là điều cấm kỵ tại quốc gia này. Cụ thể, Bình Nhưỡng, một thành phố khoảng 3 triệu người, nhưng chỉ có ba bảng hiệu quảng cáo. Chủ yếu là quảng cáo của nhà sản xuất xe địa phương Pyonghwa Motors, nhằm gây ấn tượng với du khách nước ngoài hơn là việc bán xe. Ngoài ra, cả nước không có quảng cáo trên truyền hình hay trên báo chí.
“Lúc đầu, chúng tôi mở cửa hàng từ 10 giờ sáng đến 18 giờ tối. Tuy nhiên, vào năm 2015, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đảm bảo rằng chúng tôi có thể phục vụ đến 20 giờ tối, vì nhiều người thường ghé cửa hàng vào buổi tối sau giờ làm việc”, bà Song nói.
Có thể nói, bên cạnh các kế hoạch tên lửa hạt nhân, Bình Nhưỡng còn có những chính sách tập trung phát triển kinh tế, xây dựng thị trường thân thiện hơn với người tiêu dùng. Nhưng cũng giống như việc theo đuổi vũ khí hạt nhân, đó là một hoạt động kinh doanh nhiều rủi ro. Các biện pháp chế tài mới do Liên Hiệp Quốc đưa ra hồi đầu tháng này sẽ làm cho nền kinh tế đóng kín nhất thế giới khó xuất khẩu hàng hóa, số lượng lao động gửi ra nước ngoài, một trong những nguồn ngoại tệ quan trọng của Bình Nhưỡng, sẽ bị hạn chế. Các lệnh cấm mới từ phía Bắc Kinh đối với một số sản phẩm chủ chốt bao gồm than đá, quặng sắt và hải sản, được đánh giá cũng sẽ ảnh hưởng đặc biệt tới kinh tế Triều Tiên.
Người lao động đứng trên một đống hàng hóa tại cảng gần thị trấn Sinuiju (Triều Tiên), khu vực gần biên giới thành phố Đan Đông, Liêu Ninh, Trung QuốcẢNH: REUTERS
Đối diện với các biện pháp trừng phạt quốc tế ngày một nặng nề hơn, cùng với một loạt hàng nhập khẩu của Trung Quốc vốn gây ra sự mất cân bằng thương mại lớn, có những lý do chính đáng để người ta tin rằng nền kinh tế Triều Tiên đang trong các đợt “bong bóng” và có thể sẽ sớm bùng nổ.
Theo AP, một số dấu hiệu rắc rối đã xuất hiện, khi giá xăng nhập khẩu tại nước này tăng hơn 200% trong vòng chưa đầy sáu tháng. Mặc dù khó xác nhận một cách độc lập vì những khó khăn trong việc thăm dò thị trường địa phương, nhưng giá gạo cũng được cho là đã tăng khoảng 20% trong tháng 7.2017. “Đây có thể là mối đe dọa gần nhất đối với sự ổn định của chế độ Kim Jong-un”, William Brown, nhà kinh tế học tại Đại học Georgetown (Mỹ) nhận định.(Thanhnien)
-----------------------
Cải cách ngành lúa gạo theo định hướng thị trường
Thực hiện Chiến lược Phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, Bộ NN&PTNT sẽ rà soát, xác định các vùng trồng lúa có lợi thế để điều chỉnh quy hoạch sản xuất.
Xây dựng lộ trình điều chỉnh quy mô sản xuất, sản lượng phù hợp với nhu cầu trong nước, thế giới và năng lực cạnh tranh của gạo Việt Nam.
Một trong những mục tiêu của Chiến lược là giảm dần lượng gạo hàng hóa xuất khẩu nhưng giữ ổn định và tăng trị giá xuất khẩu gạo. Như vậy, ngành lúa gạo sẽ phải tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu để thực hiện mục tiêu phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam.
Đưa cơ giới thu hoạch lúa sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn tại huyện Hồng Dân, Bạc Liêu. Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược Phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030.
Theo Chiến lược, giai đoạn 2017 - 2020, lượng gạo xuất khẩu hàng năm khoảng từ 4,5 - 5 triệu tấn vào năm 2020, trị giá bình quân khoảng từ 2,2 - 2,3 tỷ USD/năm. Giai đoạn 2021-2030, lượng gạo xuất khẩu hàng năm khoảng 4 triệu tấn, trị giá xuất khẩu đạt từ 2,3-2,5 tỷ USD/năm. Đồng thời, tiến hành chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu.
Đến năm 2020, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 20% tổng sản lượng gạo xuất khẩu, gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 25%; tỷ trọng gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica chiếm khoảng 30%, gạo nếp chiếm khoảng 20%. Các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo chiếm khoảng 5%. Bên cạnh đó, tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp và mang thương hiệu Việt Nam.
Đáp ứng nhu cầu thị trường, những năm gần đây, diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao ngày càng tăng lên. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng chủ động hơn trong vấn đề chấp nhận thị trường gạo chất lượng cao. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động liên kết, xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo. Điển hình ở Đồng bằng sông Cửu Long có từ 10 - 12 thương hiệu gạo do các doanh nghiệp xây dựng riêng như: Hạt Ngọc Trời, Ngọc Đồng…
Theo ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, hiện chưa có quy hoạch quốc gia cho lúa xuất khẩu nhưng các tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, áp dụng công nghệ cao… để sản xuất lúa xuất khẩu. Hiện đã có nhiều chỉ dẫn địa lý với sản phẩm gạo như gạo tám xoan Hải Hậu (Nam Định), gạo Điện Biên….
Nhiều thương hiệu địa phương dưới hình thức bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận như nếp cái hoa vàng Kinh Môn (Hải Dương), nếp cái hoa vàng Đông Triều (Quảng Ninh), gạo thơm Sóc Trăng…. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng thương hiệu ở mức độ thương hiệu chung của doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm.
Tuy nhiên, theo ông Trần Công Thắng, bên cạnh việc phát triển thị trường gạo chất lượng cao, Việt Nam vẫn cần phát triển gạo ở các thị trường gạo truyền thống và mở rộng xuất khẩu gạo sang châu Phi.
Bên cạnh đó, không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia sản xuất gạo lớn đang gặp nhiều vấn đề về yếu tố tác động như xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu... Bởi vậy, việc sản xuất lúa gạo thích ứng với biến đổi khí hậu đang trở thành thách thức lớn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) để có những bộ giống chủ lực cho từng vùng và gắn kết ngay với thị trường tiêu thụ lúa gạo.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, thực hiện Đề án tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo Việt Nam, ngành nông nghiệp đã đưa ra hệ thống các gói giải pháp từ khâu cải tiến bộ giống đến hình thành gói kỹ thuật và các điều kiện hạ tầng, đặc biệt là cơ giới hóa trong sản xuất, bảo quản, chế biến và sản xuất theo chuỗi. Đồng thời, định dạng các thị trường xuất khẩu lúa gạo Việt Nam, từ đó xác định các giống phù hợp cho từng thị trường, phân khúc từng thị trường lúa gạo.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng cho biết, trước mắt tập trung đẩy mạnh nghiên cứu bộ giống có chất lượng và nghiên cứu gói kỹ thuật sản xuất lúa cho từng vùng cụ thể theo hướng giảm chi phí trong sản xuất, nâng cao chất lượng gạo. Bên cạnh đó, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, từng bước chuyển đổi nông nghiệp bền vững.
Thực hiện Chiến lược Phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ rà soát, xác định các vùng trồng lúa có lợi thế để điều chỉnh quy hoạch sản xuất, chuyển đổi diện tích canh tác lúa kém hiệu quả sang mục đích khác. Xây dựng kế hoạch, lộ trình điều chỉnh quy mô sản xuất, sản lượng phù hợp với nhu cầu trong nước, thế giới và năng lực cạnh tranh của gạo Việt Nam.
Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn ở xã Tân Việt, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh. Ảnh: Văn Đức/TTXVN
Song song với đó, quy hoạch và tổ chức sản xuất theo vùng nguyên liệu, vùng chuyên canh lúa hàng hóa phục vụ xuất khẩu sang các thị trường cụ thể với sự liên kết, liên doanh, đặt hàng của doanh nghiệp. Tại vùng này, từ khâu chọn giống đến quy trình canh tác, sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản sản phẩm đều thực hiện theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Chọn lọc, thống nhất đưa vào sử dụng bộ giống lúa phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, từng địa phương, đảm bảo đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của thị trường tiêu thụ.
Từ nay đến cuối năm, thị trường xuất khẩu gạo đang được dự báo sẽ rất khởi sắc. Ngành nông nghiệp đang quyết liệt triển khai các giải pháp cho vụ lúa Thu Đông tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để chớp thời cơ thuận lợi này.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, vụ Thu Đông năm nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là vụ lúa duy nhất còn lại trong năm để đảm bảo an ninh lương thực và bù đắp cho sản lượng lúa cả nước đã bị tụt giảm trong vụ Đông Xuân 2017. Cụ thể, sản lượng lúa Đông Xuân cả nước năm 2017 đạt 19,1 triệu tấn, giảm 296.600 tấn so với năm 2016. Bên cạnh đó, trong bối cảnh giá lúa gạo đã và đang được dự báo có khả năng lên từ nay tới cuối năm, đây là dịp để nông dân Đồng bằng sông Cửu Long tranh thủ thời cơ phục vụ xuất khẩu và tăng thu nhập.
Ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, để sản xuất lúa Thu Đông năm nay đảm bảo ăn chắc, trước hết các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung tăng cường theo dõi diễn biến của dịch hại trên đồng, nhất là rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá. Các loại sâu bệnh này đang có chiều hướng phát triển mạnh để bảo vệ diện tích và năng suất lúa Hè Thu hiện còn chưa thu hoạch xong.
Với vụ Thu Đông tới, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân ưu tiên sử dụng một số giống lúa thơm phục vụ xuất khẩu có giá trị cao như: Jasmine 85, Nàng Hoa 9, VD20.... Các giống lúa chủ lực xuất khẩu đạt tiêu chí hạt dài, trắng trong, không bạc bụng chiếm tỉ trọng xuất khẩu cao như OM4900, OM6976, OM5451, OM 7347…(Baotintuc)
-------------------------
Săn đất cho thuê lãi bạc tỷ
Ông Thái thuê khu đất trống dài hạn, xây công trình cao tầng rồi cho thuê sỉ, lãi ròng 6 tỷ đồng cả chu kỳ.
Khu đất nằm ở mặt tiền đường lớn, thuộc quận Bình Thạnh, TP HCM, ngang 10m, tổng diện tích 280 m2, tọa lạc giữa khu dân cư đông đúc. Ông Thái đàm phán được thời hạn thuê 10 năm, xây một công trình cao tầng, trong đó tầng trệt cho thuê làm mặt bằng thương mại, từ tầng 2 trở lên là phòng trọ trung cấp và căn hộ mini cho thuê. Giá thuê phòng trung bình 3-4 triệu đồng/căn và tổng mặt bằng tầng trệt cho thuê được 1.800 USD một tháng.
Do bận rộn, ông Thái không đứng ra kinh doanh mà khoán cho một nhà đầu tư thứ cấp thuê sỉ cả công trình. Nếu cho thuê lẻ mỗi tháng doanh thu đạt 160 triệu đồng nhưng vì khoán cho đối tác, ông Thái bằng lòng với doanh thu 120 triệu đồng mỗi tháng, vị chi 1,2 tỷ đồng một năm. Nếu tính cả chu kỳ, doanh thu 12 tỷ đồng, trừ đi vốn đầu tư và chi phí phát sinh trong thời gian xây dựng chưa khai thác được, lãi ròng ước tính tối thiểu 6 tỷ đồng trong điều kiện giữ nguyên giá chào thuê công trình trong suốt 10 năm.
Nhà đầu tư này chia sẻ, do dự án có đặc thù được phát triển trên quỹ đất thuê nên suất đầu tư không quá nặng nề. Tổng vốn đầu tư 4,6 tỷ đồng, trong đó có 2 tỷ đồng đi vay và được trả hết trong 3 năm đầu bằng chính dòng tiền khai thác cho thuê.
Chủ đất chấp nhận giao mặt bằng trống 5 năm đầu giá 35 triệu đồng/tháng và giai đoạn tiếp theo tăng lũy tiến 2-3% mỗi năm. Theo cam kết trong hợp đồng thuê đất, sau khi hết hạn thuê, ông Thái sẽ bàn giao lại cả công trình cho chủ đất. Từ thời điểm này, chủ đất sẽ toàn quyền sở hữu và khai thác dự án này.
Không ít nhà đầu tư tại TP HCM sẵn sàng đặt cược săn đất trống, xây công trình cho thuê kiếm lời dăm bảy tỷ đồng cả chu kỳ khai thác. Ảnh: Lucas Nguyễn
Chỉ với số vốn 2,6 tỷ đồng ban đầu, nhờ bài toán hợp tác đầu tư thuê đất trống, vay thêm vốn xây công trình rồi khoán cho đơn vị thầu nhận thuê sỉ, sau 4 năm dự án đã hoàn vốn và bắt đầu có lãi. Từ năm thứ 5 trở đi, doanh thu của nhà đầu tư này cũng chính là lãi ròng. Nếu tăng giá thuê, mức lãi cũng sẽ tăng theo.
Gần 10 năm gia nhập thị trường địa ốc, trong đó có 7 năm phát triển các dự án cho thuê, chuyên gia Nguyễn Hồng Hải đánh giá, chiêu săn đất trống đầu tư công trình để cho thuê khá phổ biến. Không ít nhà đầu tư thạo nghề đã thành công với chiêu "tay không bắt giặc" khi bắt đầu sự nghiệp kinh doanh bằng mô hình này.
Ông Hải phân tích, những ai có điều kiện sẵn sàng trong tay quỹ đất rồi xây dựng công trình để cho thuê thì mức độ an toàn của suất đầu tư gần như tuyệt đối. Tuy nhiên, trong điều kiện vốn hạn chế, đi thuê đất sạch để phát triển một tiểu dự án để cho thuê lại cũng là một kênh đầu tư cực kỳ hấp dẫn.
Tiêu chí quan trọng nhất của mô hình đầu tư này là quỹ đất phải sạch, pháp lý hoàn chỉnh, có thể xây dựng cao tầng (6-7 tầng trở lên), không vướng tranh chấp. Chủ đất cam kết thời hạn thuê tối thiểu 5 năm, tốt nhất là 10 năm để có thời gian thu hồi dòng vốn và đạt lợi nhuận cao.
Chuyên gia này phân tích, trên thực tế, bài toán săn đất cho thuê có thể áp dụng với bất cứ điều kiện thời gian nào, 1-3 năm, 3-5 năm, 6-10 năm thậm chí 15 năm. Tùy vào thời hạn thuê đất dài hay ngắn và các điều khoản cam kết mà chất lượng công trình sẽ được đầu tư từ cao - trung cấp tới bình dân.
Theo ông Hải, tuy được gọi là mô hình "tay không bắt giặc" nhưng để thành công đòi hỏi nhiều điều kiện cực kỳ khắt khe, không dành cho người ngoại đạo, thiếu kiến thức về bất động sản. Đầu tiên là nhà đầu tư phải am hiểu pháp lý nhà đất, có thể thẩm định được vị trí của khu đất trống phù hợp để đầu tư, khai thác cho thuê hay không.
Bước thứ hai là khâu thẩm định dự án kinh doanh để vay vốn ngân hàng. Kế đến là chọn phương án xây dựng phù hợp với suất đầu tư cũng như chu kỳ thuê. Bước bốn là đưa vào vận hành khai thác, đảm bảo tỷ lệ lấp đầy cao. "Nhà đầu tư chỉ thật sự có lãi khi phối hợp nhịp nhàng giữa 4 khâu này. Nếu thiếu chuyên nghiệp trong bất cứ khâu nào cũng có thể dẫn đến thua lỗ", ông Hải khuyến cáo.(Vnexpress)
--------------------------
Nhà kinh tế nổi tiếng Trung Quốc cảnh báo nợ quốc gia
Theo bà Charlene Chu, một nhà phân tích người Trung Quốc có sức ảnh hưởng, núi nợ dâng cao của Đại lục đang ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước và thế giới.
Tờ Financial Times trích nhận định của bà Charlene Chu cho biết: “Mọi người đều biết Trung Quốc có vấn đề tín dụng, nhưng tôi thấy rằng người ta thường quên về quy mô của nó. Đây là điều quan trọng khi xét đến yếu tố thế giới”.
Bà Chu, người nổi tiếng sau khi cảnh báo về những rủi ro từ vấn đề tín dụng của Trung Quốc, dự báo rằng vào cuối năm nay, nợ xấu của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới sẽ đạt con số 7.600 tỉ USD. Nhận định được bà đưa ra một ngày sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng nợ Trung Quốc có thể là lý do châm ngòi cuộc khủng hoảng tài chính kế tiếp, khi vay mượn trở nên thiếu bền vững.
“Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc đang đi trong quỹ đạo nguy hiểm”, IMF cho hay. Tổ chức quốc tế này cho rằng Trung Quốc hiện cần gấp ba lần mức tín dụng hồi năm ngoái để đạt được tăng trưởng như năm 2008.
Theo báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), tổng nợ Đại lục đạt hơn 304% GDP tính đến tháng 5 năm nay. Tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP cũng chạm mốc cao kỷ lục là hơn 45% trong quý 1/2017, cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nền kinh tế mới nổi là khoảng 35%.
Kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc trở thành cỗ máy tăng trưởng toàn cầu. Nước này đóng góp hơn một nửa mức tăng GDP thế giới những năm gần đây.(Thanhnien)