Nhà đầu tư Thái Lan: Vào sâu, ở lâu, bám chặt; Áp dụng thuế tự vệ đối với phân bón nhập khẩu; Hơn 31.000 tỉ đồng đầu tư vào năng lượng sạch ở Ninh Thuận; Vận hành nhà máy sản xuất kim chi trị giá 250 tỷ đồng, công suất 5.800 tấn/năm
Tin kinh tế đọc nhanh tối 20-08-2017
- Cập nhật : 20/08/2017
Thúc đẩy trái phiếu doanh nghiệp phát triển
Đây là một trong những giải pháp được đưa ra tại Quyết định số 1191/QĐ-TTg phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Theo đó, Quyết định số 1191/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu và tăng cường tính công khai minh bạch trong quá trình huy động vốn trái phiếu.
Trong đó, nghiên cứu, quy định tách biệt về điều kiện, hồ sơ phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng với điều kiện và hồ sơ phát hành cổ phiếu ra công chúng khi sửa Luật Chứng khoán nhằm thúc đẩy doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng để huy động vốn.
Tiến tới yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chung phải được đánh giá xếp hạng tín nhiệm khi thị trường trong nước có ít nhất 02 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm đủ điều kiện đi vào hoạt động.
Rà soát lại điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo nguyên tắc gắn với công bố công khai thông tin, bổ sung quy định chỉ có nhà đầu tư chuyên nghiệp được phép đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ; yêu cầu trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ thực hiện đăng ký, lưu ký tập trung.
Xây dựng cơ chế cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu chia thành nhiều đợt phát hành để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn phù hợp với tiến độ triển khai dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đặt ra mục tiêu yêu cầu các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn huy động vốn trung và dài hạn qua kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Khuyến khích đa dạng hóa các loại hình trái phiếu doanh nghiệp khi thị trường phát triển ở trình độ cao hơn, như giấy tờ có giá có lãi suất thả nổi, chương trình phát hành trái phiếu trung - dài hạn, chứng khoán hóa trên cơ sở các khoản vay mua nhà hoặc các tài sản đảm bảo...
Đồng thời, thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và cải tiến chế độ hạch toán, kế toán, công bố thông tin, chủ động tham gia huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Ban hành các quy chế hướng dẫn quy trình thủ tục phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Đào tạo và hướng dẫn các doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường trái phiếu doanh nghiệp...(TCTC)
-------------------------
Nhiều quan chức Fed lo lắng về lạm phát, kêu gọi ngừng tăng lãi suất
Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Fed ngày càng tỏ ra thận trọng với lạm phát yếu trong thời gian gần đây và một số kêu gọi ngừng tăng lãi suất cho đến khi có chứng cứ rõ ràng hơn rằng xu hướng này chỉ có tính tạm thời.
Theo biên bản, cuộc họp tháng trước, kết thúc với việc các thành viên của Fed nhất trí quyết định giữ nguyên lãi suất, đã ghi nhận một cuộc thảo luận kéo dài về các số liệu lạm phát gần đây.
Thước đo lạm phát ưa thích của Fed có xu hướng ngày càng rời xa mục tiêu 2% khi đã giảm xuống còn 1,5% trong tháng 6 từ mức 1,8% trong tháng 2.
“Nhiều thành viên... nhận thấy một số khả năng lạm phát có thể vẫn thấp hơn 2% trong thời gian dài hơn dự kiến, và một số chỉ báo cho thấy rủi ro đối với triển vọng lạm phát có thể nghiêng về xu hướng giảm”, Fed cho biết.
Sự giảm tốc của lạm phát gần đây đã làm dấy lên mối quan ngại rằng Fed có thể phải giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ ngay cả khi nền kinh tế đang tăng trưởng vừa phải và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,3% trong tháng 7, chạm mức thấp nhất trong 16 năm vào tháng 5.
Fed đã tăng lãi suất cho vay qua đêm 2 lần kể từ đầu năm và dự kiến sẽ tăng thêm một lần nữa trong năm nay.
Tuy nhiên một số nhà hoạch định chính sách hồi tháng trước đã tranh luận chống lại việc tăng lãi suất trong tương lai cho đến khi có thêm bằng chứng cụ thể cho thấy lạm phát đang quay trở lại mục tiêu của Fed, Biên bản cuộc họp cho thấy.
Thế nhưng, không ít quan chức khác của Fed lại cảnh báo rằng sự chậm trễ như vậy có thể khiến lạm phát vượt quá mục tiêu vì thị trường lao động thắt chặt và điều đó “có thể sẽ mất nhiều thời gian để đảo ngược”.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters hôm thứ Tư, Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester nói “Tôi không phải là người muốn thấy lạm phát ở mức 2% trước khi chúng tôi tiếp tục lộ trình” của việc tăng lãi suất bởi vì tác động của chính sách đến nền kinh tế có độ trễ. “Tuy nhiên, chúng ta phải tính đến việc chúng ta đã có những số liệu yếu về lạm phát”, Mester bổ sung.
Các quan chức cao cấp của Fed cũng cho rằng sự chậm lại của lạm phát chỉ là tạm thời. Chủ tịch Fed Janet Yellen cho biết tháng trước rằng, một số yếu tố đặc biệt như sự giảm giá điện thoại di động và thuốc theo toa, phần nào là nguyên nhân khiến lạm phát yếu.
Mặc dù vậy, Biên bản cho biết, các thành viên có quyền bỏ phiếu quyết định lãi suất của Fed đồng ý giám sát lạm phát một cách chặt chẽ, song một vài nhà hoạch định chính sách cảnh báo rằng cơ chế phân tích lạm phát của ngân hàng trung ương “không đặc biệt hữu ích”.
Về việc thu hẹp bảng cân đối tài sản, Biên bản cuộc họp cho biết, các quan chức Fed đã củng cố thêm kỳ vọng về việc thông báo bắt đầu giảm tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của Fed tại cuojc họp tháng 9. Thệm chí một số nhà hoạch định chính sách đã chuẩn bị để thông báo việc bắt đầu thu hẹp bảng tài sản tại cuộc họp tháng trước, nhưng Fed quyết định chờ đợi “đến một cuộc họp sắp tới".
Các quan chức Fed đã báo hiệu cho thị trường về khả năng có thể xảy ra trong cuộc họp chính sách tiếp theo của họ vào ngày 19 đến 20/9. Chủ tịch Fed tại New York William Dudley, cho biết hôm thứ Hai rằng kỳ vọng về thông báo như vậy vào tháng tới không phải là không hợp lý.
Đồng USD suy giảm so với một giỏ tiền tệ trong khi giá trái phiếu Kho bạc Mỹ cao hơn sau khi Biên bản cuộc họp được công bố.(TBNH)
--------------------
Cà chua, kẻ thù mới trong cuộc chiến chống lạm phát ở Ấn Độ
Hành tây là sản phẩm lạm phát đứng đầu Ấn Độ trong nhiều năm nay. Nhưng bây giờ vị trí đầu bảng của hành tây đã phải nhường lại cho một mặt hàng khác bình dị hơn: cà chua.
Theo Bloomberg, thời kỳ lạm phát thấp kỷ lục trong suốt mùa hè ở Ấn Độ đã qua đi khi áp lực chi phí rau quả lại bắt đầu tăng cao. Trong đó giá cà chua là thủ phạm chính trong việc đẩy nhanh tỷ lệ lạm phát ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới.
Samiran Chakraborty và Anurag Jha, các nhà kinh tế học của công ty tài chính Citigroup tại chi nhánh Mumbai cho hay lượng mưa lớn và nguồn cung giảm từ các tiểu bang bao gồm Karnataka, Maharashtra và Gujarat đã dẫn đến tình trạng thiếu cà chua. Hơn nữa, khả năng vận chuyển kém cũng như tình trạng thiếu cơ sở bảo quản lạnh được xác định là nguyên nhân dẫn đến lãng phí tới 16% sản lượng cà chua mỗi năm.
Thực phẩm chiếm 46% rổ tiêu dùng Ấn Độ, và điều này có nghĩa là giá cả thực phẩm đóng vai trò rất lớn trong việc xác định lạm phát ở quốc gia Nam Á. Sự thiếu hiệu quả trong vận chuyển, bảo quản và dân số 1,3 tỉ người của Ấn Độ đã tạo ra sự phân biệt rõ rệt giữa giá cả sản phẩm nông nghiệp ở nước này với thị trường toàn cầu, nơi chi phí nông nghiệp đang trên đà giảm.
“Mức giá lương thực hiện nay là không bình thường và dễ bị tổn thương bởi áp lực tăng lên. Việc đánh giá tình trạng các mặt hàng thực phẩm, cho dù chỉ bị ảnh hưởng bởi một cơn gió mùa bình thường thôi, cũng sẽ đòi hỏi nhiều dữ liệu hơn”, Urjit Patel, Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI), cho biết trong một cuộc họp về chính sách tiền tệ hôm 16.8.
Giá tiêu dùng ở Ấn Độ tăng 2,4% trong tháng 7.2017, nhanh hơn so với mức ước tính 2,1% trong một cuộc khảo sát của Bloomberg trước đó.
Cà chua, khoai tây và hành tây là bộ ba nguyên liệu quan trọng trong ẩm thực Ấn Độ. Chúng thường được sử dụng cùng với các loại gia vị để tạo ra một số loại cà ri và đồ ăn nhẹ. Theo dữ liệu mới nhất của chính phủ Ấn Độ, cà chua được tiêu thụ ở ít nhất 75% số hộ gia đình trên khắp cả nước.
Mới đây ông Patel đã bỏ phiếu hạ thấp tỷ lệ mua lại lãi suất tham chiếu của RBI từ 6,25% xuống còn 6%, và điều này cho thấy nhu cầu cấp bách trong việc thúc đẩy đầu tư tư nhân. Theo một khảo sát của Bloomberg, đây có thể là mức cắt giảm cuối cùng về tiền tệ của chính phủ Ấn Độ cho cả năm 2018, với lạm phát dự kiến sẽ nhanh hướng tới mục tiêu trung hạn 4%.
“Chúng tôi ước tính lạm phát chỉ số giá tiêu dùng ở Ấn Độ sẽ ở mức 4% đến 4,5% vào cuối tháng 3.2018”, Tanvee Jain, chuyên gia kinh tế của công ty dịch vụ tài chính toàn cầu UBS AG, cho hay.(Thanhnien)
----------------------------------
Chuyến tàu dầu thô đầu tiên của Mỹ đến Ấn Độ sau 40 năm cấm vận
Chuyến tàu vận chuyển dầu đầu tiên trị giá 100 triệu USD của Mỹ sẽ đến Ấn Độ vào cuối tháng 9.2017, kết thúc hơn 40 năm cấm vận từ phía Mỹ.
Chuyến hàng chở 2 triệu thùng dầu thô Mỹ trị giá 100 triệu USD sẽ đến Ấn Độ vào cuối tháng 9 tới ẢNH: REUTERS
Theo Financial Express, trong cuộc gặp lần đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo vào hôm 26.6, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý tăng cường cam kết trong lĩnh vực năng lượng. Ngay lập tức các công ty Ấn Độ bắt đầu mua dầu thô từ Mỹ. Trong đó, hai hãng dầu khổng lồ của quốc gia Nam Á là Tập đoàn Dầu mỏ Ấn Độ (IOC) và Bharat Petroleum (PBCL) đã đặt mua hơn 4 triệu thùng dầu.
Cùng với Ấn Độ, các nước châu Á khác như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc cũng nhập khẩu dầu của Mỹ sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tuyên bố cắt giảm sản lượng và tăng giá dầu thô hạng trung của Trung Đông.
“Các chuyến hàng dầu từ Mỹ bắt đầu đến Ấn Độ là một sự thay đổi lớn”, Đại sứ quán Ấn Độ tại Washington đăng trên trang Twitter chính thức, ngay sau khi Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ, ông Navtej Sarna, bàn giao giấy tờ về chuyến hàng cho Thống đốc bang Texas Greg Abbott.
Lượng hàng đầu tiên của hai triệu thùng dầu có giá trị là 100 triệu USD. Nhưng với nhu cầu đặt hằng ngày càng tăng từ các công ty Ấn Độ thì sự hợp tác song phương mới trong ngành dầu mỏ giữa hai nước có thể được đẩy lên tới mức 2 tỉ USD.
Lô hàng dầu thô của Mỹ đã rời cảng trong thời gian từ ngày 6 đến 14.8 và dự kiến sẽ đến Ấn Độ vào tuần cuối cùng của tháng 9.2017. Tổng thống Trump, trong cuộc điện thoại với ông Modi vào hôm 14.8, đêm trước ngày lễ Độc lập của Ấn Độ, đã bày tỏ tinh thần hoan nghênh trước sự phát triển này.
“Trong cuộc điện thoại với Thủ tướng Modi, Tổng thống Trump đã hoan nghênh chuyến hàng dầu thô đầu tiên tới Ấn Độ. Tổng thống cũng cam kết rằng Mỹ sẽ tiếp tục là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy và dài hạn cho Ấn Độ”, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Theo ông A.K Sharma, Giám đốc tài chính của IOC, gần đây việc mua dầu thô của Mỹ đã trở nên hấp dẫn đối với các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ. Ngay cả sau khi đã tính chi phí vận chuyển, dầu thô của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn có giá cả cạnh tranh.
Mặc dù sự phát triển năng lượng song phương với Mỹ chỉ mới trong giai đoạn đầu, nhưng các công ty Ấn Độ đã có những khoản đầu tư đáng kể trong việc mua tài sản năng lượng ở quốc gia Bắc Mỹ. Cụ thể, bốn công ty Ấn Độ đã đầu tư gần 5 tỉ USD vào các sản phẩm dầu đá phiến của Mỹ. Một số công ty khác cũng đã ký hợp đồng mua 9 triệu tấn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mỗi năm từ Mỹ, và chuyến hàng LNG đầu tiên dự kiến sẽ được giao đến Ấn Độ vào tháng 1.2018. Trong 20 năm tới, tăng trưởng tiêu thụ năng lượng của Ấn Độ dự kiến sẽ ở mức nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn.(Thanhnien)