Vốn ngoại vẫn kỳ vọng ở Việt Nam
Nhu cầu vàng trang sức đang tăng mạnh
Tỷ giá tiếp tục ổn định trong phiên đầu tuần
Khi DN vàng trang sức… ngại báo cáo
Hàng Việt cần tận dụng thị trường Hồng Kông
Tin kinh tế đọc nhanh tối 02-04-2016
- Cập nhật : 02/04/2016
Ngân hàng méo mặt với trích lập dự phòng rủi ro
Tại đại hội đồng cổ đông của LienVietPostBank diễn ra đầu tuần này, ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc ngân hàng này cho hay, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 45% so với kế hoạch, một phần do chênh lệch lãi suất không như kỳ vọng, một phần do chi phí trích lập dự phòng rủi ro gia tăng do tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về việc bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Khoản nợ mà ngân hàng này đã bán (và phải trích lập dự phòng rủi ro) cho VAMC trong năm 2015 là 1.344 tỷ đồng.
Bên cạnh chi phí trích lập dự phòng rủi ro tăng, lợi nhuận ngân hàng này không đạt chỉ tiêu đề ra còn do lãi treo của các khoản nợ quá hạn chưa thu được, lãi đã xử lý, nhưng tiếp tục truy đòi, lãi của các khoản nợ đã bán cho VAMC mặc dù hạch toán ngoại bảng, nhưng vẫn theo dõi tại ngân hàng, không được hạch toán vào thu nhập…
Chính vì không hoàn thành mục tiêu lợi nhuân, năm 2015, ngân hàng chỉ chia cổ tức 4,5% (bằng nửa kế hoạch đề ra từ đầu năm). Điều này khiến nhiều cổ đông nghi ngờ rằng, mục tiêu chia cổ tức năm 2016 của LienVietPostBank (8%) cũng khó khả thi.
Trái ngược với LienVietPostBank, VPBank năm nay ghi nhận mức lãi cao nhất trong lịch sử của mình (3.096 tỷ đồng, bằng 124% kế hoạch đề ra). Tuy nhiên, cái giá mà ngân hàng phải trả là nợ xấu tăng lên 2,7%, do VPBank đẩy mạnh cho vay một số lĩnh vực nhiều rủi ro như tài chính tiêu dùng...
Dù tỷ lệ nợ xấu này vẫn trong phạm vi cho phép, song khiến trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng tăng lên đáng kể. Cụ thể, trong năm 2015, VPBank đã trích lập tới 3.278 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro, bằng 235% so với năm 2014.
Bức tranh nợ xấu, lợi nhuận của nhiều ngân hàng sẽ được “lộ sáng” nhiều hơn tại mùa đại hội đồng cổ đông năm 2016 vừa chính thức bắt đầu. Song một phần bức tranh này đã được phản ánh qua báo cáo tài chính năm 2015 của các ngân hàng, lần lượt được công bố từ quý I năm nay. Theo đó, rất nhiều ngân hàng trong tình trạng dự phòng rủi ro ăn mòn lợi nhuận.
Cụ thể, chỉ tính riêng quý IV/2015, Ngân hàng Eximbank đã lỗ tới 463 tỷ đồng. Lý do là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Eximbank tăng đột biến lên 935 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả năm 2015, Eximbank đạt lợi nhuận sau thuế 62 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước. Trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành cho Eximbank ở mức 6,230 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu năm. Dự phòng trái phiếu đặc biệt chiếm hơn 979 tỷ đồng.
Ước tính, năm 2015, các ngân hàng đã phải chi khoảng 75.000 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro.
Rõ ràng, nợ xấu đang giảm nhanh, nếu xét về tỷ lệ, nhưng tổng quy mô nợ xấu tại nhiều ngân hàng liên tục gia tăng, kể cả nhiều ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank… Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, năm 2016, gánh nặng lớn nhất của các ngân hàng vẫn là chi phí dự phòng rủi ro.
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tại các ngân hàng sẽ tăng lên tới hơn 91.000 tỷ đồng. Ngoài trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu trong sổ sách, các ngân hàng còn phải trích lập dự phòng rủi ro cho hơn 200.000 tỷ đồng nợ xấu đang nằm tại VAMC.
Một số ngân hàng được dự báo sẽ phải mạnh tay chi trích lập dự phòng rủi ro năm nay là MB, Vietcombank, ACB, BIDV, VietinBank...
Ngoài ra, một số ngân hàng nhỏ, yếu, chưa niêm yết cũng được dự báo sẽ mong manh về lợi nhuận năm nay, do mức trích lập dự phòng rủi ro lớn so với lợi nhuận thu về.
PMI Việt Nam tăng lên 50,7 điểm trong tháng Ba
PMI tháng 3 của Việt Nam đã tăng lên 50,7 điểm từ mức 50,3 điểm của tháng 2.
Nikkei vừa công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của Việt Nam. Theo đó, PMI tháng 3 của Việt Nam đã tăng lên 50,7 điểm từ mức 50,3 điểm của tháng 2. Theo khảo sát, các điều kiện kinh doanh đã tốt lên trong suốt 4 tháng qua.
Số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn khi có báo cáo cho thấy nhu cầu khách hàng mạnh hơn. Số đơn hàng xuất khẩu cũng tăng với tốc độ nhanh hơn trong tháng.
Điều này góp phần làm tăng sản lượng sản xuất 4 tháng liền, mặc dù vậy, tốc độ tăng vẫn khiêm tốn và việc làm giảm nhẹ so với tháng 2. Trong khi đó, giá cả đầu vào đã tăng lần đầu tiên trong chín tháng.
Theo Andrew Harker, chuyên viên tại Markit - công ty thu thập kết quả khảo sát, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã có kết quả hoạt động vững chắc nhưng không thực sự ấn tượng trong tháng 3 như từng diễn ra suốt quý I năm nay.
"Thời kỳ giảm chi phí đầu vào gần đây đã kết thúc. Tuy vậy, các công ty vẫn có thể được hưởng lợi từ môi trường làm phát yếu để duy trì vị thế cạnh tranh", Andrew cho biết.
Bổ sung 2 dự án vào quy hoạch ngành hóa chất và phân bón
Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Dự án sản xuất chất tẩy rửa của Công ty Tayca Việt Nam, công suất 10.100 tấn/năm vào Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2020, có tính đến năm 2030 và Dự án sản xuất, gia công, phối trộn, đóng bao các loại phân bón công suất 400.000 tấn/năm của Công ty Behn Meyer Agriacare Việt Nam vào Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối mặt hàng phân bón giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2025.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Công ty nêu trên thực hiện nghiêm túc các nội dung đã cam kết trong quá trình đầu tư xây dựng, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm góp phần đảm bảo cung - cầu thị trường, không phá vỡ các Quy hoạch được duyệt.
UBND các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đạo, hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho các Dự án trên theo quy định hiện hành; giám sát Chủ đầu tư trong công tác vận hành Nhà máy bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường, hiệu quả, chất lượng sản phẩm; đồng thời rút kinh nghiệm không cho phép đầu tư đối với các dự án không nằm trong quy hoạch hoặc dự án chưa được sự chấp thuận đầu tư của cơ quan có thẩm quyền.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy hoạch ngành hóa chất và Quy hoạch ngành phân bón trên cả nước, bảo đảm tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đứng thứ hai tại châu Á
Chỉ số Niềm tin người tiêu dùng (nửa cuối năm 2015) do MasterCard thực hiện cho thấy, châu Á-Thái Bình Dương đã rơi xuống dưới mốc lạc quan 60 điểm về mức trung lập, có 12 trong số 17 quốc gia ghi nhận sự suy giảm về niềm tin.
Tâm lý lo ngại trên thị trường chứng khoán là nhân tố chính của sự giảm sút niềm tin này, tiếp theo chính là triển vọng về tình hình việc làm. Quốc gia chịu sự suy giảm niềm tin nhiều nhất là Sri Lanka, kế tiếp là Singapore và Đài Loan (Trung Quốc).
Trái lại, người tiêu tại Myanmar, Việt Nam và Ấn Độ lại cực kỳ lạc quan về triển vọng thị trường trong vòng sáu tháng tới.
Tại Myanmar và Việt Nam, tâm lý lạc quan này được hỗ trợ bởi những cải thiện lớn trên thị trường chứng khoán, tăng 21,6 điểm và 17,3 điểm tương ứng tại mỗi quốc gia. Niềm tin người tiêu dùng tại Ấn Độ vẫn ổn định với 90,2 điểm khi mà người tiêu dùng vẫn duy trì mức độ lạc quan rất cao.
Ông Eric Schneider, Trưởng Nhóm, khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Phận Tư Vấn MasterCard, chia sẻ: "Sự suy giảm niềm tin người tiêu dùng tại khu vực phản ảnh sự bất ổn tiếp tục trong môi trường kinh tế toàn cầu. Cụ thể, sự biến động trên thị trường chứng khoán gần đây đã tác động lớn đến triển vọng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, một số quốc gia mới nổi lại đi ngược xu hướng này, cụ thể là Myanmar, Việt Nam và Ấn Độ, tất cả đều tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Vì vậy, mặc dù niềm tin tổng thể của khu vực đã bị suy yếu và tăng trưởng chậm lại, các quốc gia trong khu vực sẽ vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu trong năm 2016”
Công ty Trung Quốc thâu tóm nhà sản xuất sữa lớn nhất Australia
Người đứng đầu Moon Lake Lu Xianfeng rất vui mừng khi đạt được thỏa thuận mua bán này và cho biết: “Kể từ lần đầu tiên tới vùng đất này tôi đã thấy những đặc điểm hết sức riêng biệt và có thể phát triển hơn nữa tài nguyên tiềm năng của VDL.”
Moon Lake có kế hoạch tăng sản lượng sữa bằng việc đầu tư vào các trang trại hiện nay và phát triển các trang trại sữa mới ở khu vực nuôi bê cái của VDL, Moon Lake cũng dự kiến đầu tư khoảng 100 triệu AUD trong khu vực này và tạo thêm khoảng 95 việc làm.
VDL hiện có 17.890 con bò sữa, hơn 7.062 hécta đất và được chấp thuận mở rộng phát quang 1.800 hécta thảm thực vật tự nhiên