Giá đường trắng cao nhất 1 tháng do lo ngại nguồn cung thắt chặt; EIA: Dự trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến trong tuần qua; Ngành mía đường thế giới bế tắc cả cung lẫn cầu
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 29-08-2018
- Cập nhật : 29/08/2018
5,9 tỷ USD vốn ngoại đổ vào bất động sản
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính chung trong 8 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) là 24,35 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Tính đến ngày 20/8, cả nước có 1.918 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 13,48 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2017 và có 736 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 5,58 tỷ USD, bằng 87,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Cũng trong 8 tháng năm 2018, cả nước có 4.551 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng giá trị vốn góp gần 5,28 tỷ USD, tăng 50,9% so với cùng kỳ 2017.
Theo lĩnh vực đầu tư, nhà ĐTNN đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà ĐTNN với tổng số vốn đạt 10,72 tỷ USD, chiếm 44% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,9 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,87 tỷ USD, chiếm 7,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Theo đối tác đầu tư, 97 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 7 tỷ USD, chiếm 28,8% tổng vốn đầu tư.
Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,16 tỷ USD, chiếm 21,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,47 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn đầu tư.
Theo địa bàn đầu tư, nhà ĐTNN đã đầu tư vào 59 tỉnh, thành phố, trong đó Hà Nội thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với tổng số vốn đăng ký 5,93 tỷ USD, chiếm 24,4% tổng vốn đầu tư. TP.Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 4,42 tỷ USD, chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư. Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 2,17 tỷ USD chiếm 8,9% tổng vốn đầu tư.(Bizlive)
---------------------
Thái Lan bắt giữ hơn 1.000 lao động trái phép
Trong tháng này, Thái Lan đã kiểm tra gần 50.000 lao động nước ngoài, bắt giữ 1.162 lao động trái phép và truy tố 204 chủ lao động vi phạm.
Truyền thông Thái Lan dẫn lời Cục trưởng Cục Việc làm Bộ Lao động Thái Lan, ông Anurak Tossarat, cho biết vừa qua cảnh sát đã kiểm tra lao động nước ngoài trên toàn quốc.
Từ ngày 3/8, các nhân viên đã kiểm tra 2.419 chủ lao động với tổng số lao động nước ngoài là 46.254 người. Cảnh sát đã bắt giữ và truy tố 204 chủ lao động, 157 người trong số đó bị cáo buộc thuê lao động không giấy tờ. Họ cũng bắt 1.162 lao động, trong số đó 612 người bị cáo buộc lao động không có giấy phép chính thức.
Các lao động bị bắt gồm có người Myanmar, Campuchia, Lào và nhiều nước khác.
Trước đó, Bộ trưởng Lao động Thái Lan Adul Sangsingkeo khẳng định rằng các lao động nước ngoài vi phạm pháp luật từ tất cả các quốc gia sẽ bị phạt và trục xuất. (Bnews)
--------------------------
Việt Nam đầu tư vào Lào trên 80 triệu USD
Trong tổng vốn đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài tới 24 quốc gia, Lào chiếm tới gần một nửa và đạt 80,12 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2018.
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Lào đang ngày càng phát triển, kim ngạch thương mại Việt – Lào trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 522,2 triệu USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2017 (455,8 triệu USD).
Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Lào bao gồm: sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, phương tiện vận tải, xi-măng, sản phẩm từ chất dẻo, dây và cáp điện, rau củ quả...
Nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường Lào chủ yếu là phân bón, gỗ và sản phẩm gỗ, quặng và khoáng sản.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã đầu tư sang 24 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó, Lào là địa bàn dẫn đầu với 80,12 triệu USD, chiếm 43,4% tổng vốn đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài.
Ông Somxay Sanamoune, Tổng lãnh sự Lào tại thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Chính phủ Lào đang bỏ dần các quy định, thủ tục hành chính rườm rà, giảm thời gian thành lập doanh nghiệp, giảm thuế và tăng cường cơ sở hạ tầng... Theo nghị định sửa đổi về các đặc khu kinh tế và khu kinh tế chuyên biệt (SEZs) được Chính phủ Lào ban hành mới đây, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài được hưởng một loạt các ưu đãi về hoãn thuế.(Bizlive)