ADB nhận định về những yếu tố chính quyết định tương lai các nền kinh tế khu vực; 7 nền kinh tế mới nổi đối mặt nguy cơ khủng hoảng tỷ giá; Triển vọng thương mại Trung Quốc ngày càng u ám
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 29-08-2018
- Cập nhật : 29/08/2018
Đã xử lý được 138.290 tỉ đồng nợ xấu
Đến ngày 30-6, hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 138,29 ngàn tỉ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm 61.040 tỉ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng).
Tại hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết dù đã đạt được một số kết quả nhất định, song việc xử lý nợ xấu còn nhiều rủi ro.
Đại diện Công ty Quản lý tài sản VAMC phát biểu tại hội nghị
Đến ngày 30-6, hệ thống TCTD đã xử lý được 138.290 tỉ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm 61.040 tỉ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng). Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70.230 tỉ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 21.590 tỉ đồng (chiếm 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho Công ty Quản lý tài sản VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46.460 tỉ đồng (chiếm 33,59%).
Đại diện NHNN cho biết mặc dù công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc.
Thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu còn hạn chế do chưa có thị trường mua bán nợ thật sự chuyên nghiệp, dẫn đến việc mua bán nợ xấu chưa thật sự sôi động, các thương vụ lớn chưa phát sinh nhiều.
Việc triển khai Nghị quyết 42 trong thực tiễn còn gặp nhiều bất cập, như: việc thực hiện nội dung liên quan đến việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết số 42; vấn đề liên quan đến thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm và nghĩa vụ nộp thuế có ảnh hưởng đến việc thực hiện thủ tục sang tên cho người mua; công tác giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự và hỗ trợ các TCTD trong việc thu giữ tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu; vấn đề xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản còn dở dang; trường hợp đăng ký giao dịch bảo đảm thiếu chữ ký của bên thế chấp; quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm cho các khoản nợ mà các cá nhân, tổ chức mua lại từ VAMC…
Bên cạnh đó là cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng tài sản bảo đảm chưa đáp ứng yêu cầu của các TCTD nên các TCTD gặp khó khăn trong việc xác định tài sản bảo đảm nào đang tranh chấp, tài sản bảo đảm nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau gây khó khăn khi áp dụng các biện pháp xử lý tài sản theo Nghị quyết 42.(NLĐ)
----------------------
Phê duyệt Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Macao, Trung Quốc
Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan phía Việt Nam và phía Macao tổ chức triển khai Hiệp định.
Chính phủ vừa phê duyệt "Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Macao của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập".
Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan phía Việt Nam và phía Macao tổ chức triển khai Hiệp định.
Bộ Ngoại giao hoàn tất thủ tục đối ngoại, công bố và lưu chiểu Hiệp định theo quy định(VNanet)
--------------------------
Trung Quốc, Nhật bất ngờ giảm nhập khẩu rau quả Việt Nam
Trung Quốc - thị trường chính của rau quả Việt Nam, xuất khẩu tháng 7 đã giảm đến 11,4% so với cùng kỳ.
Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả trong tháng 7 đạt 345,3 triệu USD, tăng 5,9% so với tháng trước nhưng giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả đạt 2,33 tỉ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Như thế, với kim ngạch xuất khẩu tháng 7 năm nay giảm 3,8% so với cùng kỳ, đây là lần đâu tiên trong mấy năm qua, tốc độ tăng trưởng của ngành này đạt âm.
Theo thống kê, riêng Trung Quốc - thị trường chính của rau quả Việt Nam, xuất khẩu tháng 7 đã giảm đến 11,4% so với cùng kỳ. Đây chính là một trong những nguyên nhân tác động đến thành tích xuất khẩu của ngành rau quả Việt Nam.
Ngoài Trung Quốc, so với cùng kỳ năm trước một số thị trường quan trọng khác cũng giảm mạnh, như: Nhật Bản giảm 22%, Hà Lan giảm gần 13%, Đài Loan (Trung Quốc) giảm gần 22%, Nga giảm gần 17%. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam có mức tăng trưởng cao là Thái Lan, Úc, Pháp, Canada, Đức, Ý, Campuchia…(NLĐ)