tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 16-04-2016

  • Cập nhật : 16/04/2016

Làm sao thu thuế của Google, Facebook?

Làm sao thu được thuế của Google hay Facebook là câu chuyện của toàn cầu, VN không phải là ngoại lệ...

Làm sao thu được thuế của Google hay Facebook là câu chuyện của toàn cầu, VN không phải là ngoại lệ, vấn đề này cũng từng được nằm trên bàn đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - Ông Ngô Chung Khanh, vụ phó Vụ Chính sách đa biên Bộ Công thương, cho biết như vậy khi trao đổi bên lề hội thảo cung cấp thông tin về TPP cho doanh nghiệp TP.HCM mới đây.

Theo ông Khanh, những nội dung đàm phán này nằm trong chương 10 Thương mại dịch vụ qua biên giới.

So với hình thức đầu tư dịch vụ trực tiếp ở thị trường VN trong một số lĩnh vực phân phối, viễn thông, tài chính…thì áp lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp VN trong lĩnh vực thương mại dịch vụ qua biên giới đề cập trong TPP không quá nhiều.

Hiện nay, các cam kết dịch vụ qua biên giới của VN trong WTO cũng khá thông thoáng, VN đã mở 110/155 phân ngành dịch vụ và đang thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, các dịch vụ mà Google hay Facebook cung cấp là mới phát sinh, chưa từng được đề cập trong WTO.

Vì vậy, khi đàm phán TPP, phía VN từng đề cập không mở cho Facebook hay Google vào vì vấn đề thu thuế, nhưng phía Hoa Kỳ cho rằng tự do hóa thương mại và đóng thuế là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau.

Tham gia TPP, VN phải chấp nhận tự do hóa mức độ cao hơn. "Nếu hai doanh nghiệp này bị phát hiện có vi phạm về thuế thì VN có quyền xử phạt" - đại diện Bộ Công thương nói thêm. 

Ông Khanh cũng cho rằng với các nội dung ràng buộc trong TPP về dịch vụ xuyên biên giới hay thương mại điện tử, ngành thuế VN phải tìm thêm biện pháp quản lý chặt chẽ mới bịt được các lỗ hỏng về thuế hiện nay.

Trong TPP, VN cũng phải cam kết thêm là đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài được đối xử không kém thuận lợi hơn nhà đầu tư trong nước trong quá trình thành lập, hoạt động, mở rộng, quản lý, bán hay định đoạt hoạt động đầu tư của mình.


Cần giảm các dự án FDI của Trung Quốc

 Ba tháng đầu năm 2016, có tới 51 dự án đầu tư của Trung Quốc, tuy nhiên mỗi dự án vốn đầu tư trung bình chỉ xấp xỉ 3 triệu USD, 

“Tiếp tục tăng cường các chính sách thu hút FDI. Tuy nhiên trong thời gian tới, cần lưu ý đến việc nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, đặc biệt chú trọng các dự án FDI có quy mô vốn lớn, các nhà đầu tư công nghệ gốc” - đó là một nội dung khuyến nghị trong các giải pháp nhằm cải thiện tốc độ tăng trưởng được nhóm chuyên gia kinh tế thuộc Trường ĐH Kinh tế quốc dân đề xuất trong khuôn khổ cuộc tọa đàm khoa học được tổ chức tại Hà Nội sáng 14-4.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, GS.TS Ngô Thắng Lợi thông tin: trong ba tháng đầu năm 2016, có tới 51 dự án đầu tư của Trung Quốc (chỉ đứng sau Hàn Quốc và Nhật Bản), tuy nhiên tổng vốn đầu tư của số dự án này chỉ có 151,2 triệu USD, mỗi dự án vốn đầu tư trung bình chỉ xấp xỉ 3 triệu USD, quy mô rất nhỏ, công nghệ thấp, đầu tư vào các lĩnh vực mà khả năng công nghệ trong nước của VN có thể làm được.

“Vì thế trong thời gian tới cần giảm và thật sự nghiêm khắc đối với các dự án FDI của Trung Quốc vào Việt Nam” - GS.TS Lợi và cộng sự khuyến nghị.

GS.TS Lợi chia sẻ thông tin: trong quý 1-2016, có hơn 20.000 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, số doanh nghiệp “chết lâm sàng” này tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2015.

Tăng trưởng kinh tế quý 1-2016 sụt giảm, số hộ thiếu đói tăng thêm 10,7% so với cùng kỳ năm trước, ngành nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng âm và ngành công nghiệp giảm sút so với cùng kỳ năm 2015...

“Một trong những nguyên nhân khiến kinh tế tăng trưởng giảm sút là do điểm “tựa vai” của nền kinh tế là khu vực FDI có dấu hiệu kém khởi sắc” - ông Lợi đánh giá.

Trong số những “điểm nghẽn quan trọng của nền kinh tế cần được tập trung giải quyết” cho năm 2016 và các năm tiếp theo, PGS.TS Tô Trung Thành (khoa kinh tế học Trường ĐH Kinh tế quốc dân) cũng đề xuất cần đổi mới chính sách thu hút FDI theo hướng thay đổi cơ cấu sản xuất của khu vực FDI, cần thu hút vốn FDI vào những ngành có giá trị gia tăng cao và vươn lên vị trí cao hơn trong mạng sản xuất toàn cầu.


Apple thu được gần 1 tấn vàng từ máy cũ

Táo Khuyết đã sử dụng robot mới để tái chế, đảm bảo không thành phần quý nào trong hàng triệu chiếc iPhone bán ra mỗi năm bị lãng phí tại các bãi rác thải.

Trong báo cáo môi trường thường niên công bố hôm qua, hãng cho biết đã lấy được hơn 27.600 tấn thép, nhôm, thủy tinh và nhiều chất liệu khác từ các máy tính cũ. Trong đó có gần một tấn vàng, Business Insider cho biết.Với giá gần 1.230 USD một ounce hiện tại, Apple đã lấy được số vàng tương đương 40 triệu USD từ các điện thoại và máy tính cũ.

viec tai che da giup apple thu duoc kha kha kim loai quy de tai su dung. anh: tech times

Việc tái chế đã giúp Apple thu được kha khá kim loại quý để tái sử dụng. Ảnh: Tech Times

Theo Fairphone - nhóm hoạt động chuyên nghiên cứu chuỗi cung ứng đồ điện tử, mỗi điện thoại sử dụng trung bình 30 miligram vàng, chủ yếu trong bảng mạch và các thiết bị bên trong. Vì thế, khi Apple tái chế hàng triệu iPhone và các máy tính khác, họ có thể thu được kha khá vàng.

Bên cạnh đó, họ cũng có thể thu vàng nhờ tái chế Apple Watch. Phiên bản vàng của đồng hồ thông minh này ước tính có khoảng 50 gr vàng 18k. Nhưng giới quan sát cho rằng, thật khó tưởng tượng lại có ai chi 10.000 USD mua một chiếc Apple Watch mà lại thải nó đi chỉ sau gần một năm.


Vietcombank tăng vốn lên gần 40.000 tỷ đồng để chuẩn bị M&A

Chủ tịch Ngân hàng Ngoại thương - Nghiêm Xuân Thành cho biết đã có kế hoạch sáp nhập nhà băng khác và sẽ báo cáo cổ đông trong thời gian tới.

Sáng 15/4, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Mã CK: VCB) đã tổ chức họp Đại hội cổ đông thường 2016, trong đó có nội dung về kế hoạch tăng vốn điều lệ, thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 35% và phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ tối đa 10%. Kế hoạch này sau đó đã được cổ đông thông qua.

Theo thông tin được bà Lê Thị Hoa - thành viên HĐQT nêu, vốn điều lệ sau khi điều chỉnh của Vietcombank đạt gần 39.575 tỷ đồng, tăng gần 9.330 tỷ. Nguồn lực này sẽ được dùng vào đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, xây dựng chi nhánh, đầu tư góp vốn vào các dự án hiệu quả, mở rộng hoạt động tín dụng. Đặc biệt, mục đích tăng vốn được lãnh đạo ngân hàng cho biết nhằm chuẩn bị cho khả năng M&A khi điều kiện cho phép.

Theo tiết lộ của Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành tại đại hội, Vietcombank đã có kế hoạch sáp nhập và sẽ báo cáo, xin ý kiến cổ đông khi chốt được đối tác nào, kết quả ra sao.

Về phát hành riêng lẻ cho đối tác ngoại, Vietcombank dự kiến phát hành cho tối đa 10 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, bao gồm một hoặc một số cổ đông hiện hữu. Như vậy, sau khi tăng vốn lên gần 40.000 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước sẽ giảm từ 77% xuống còn 70%, cổ đông chiến lược nước ngoài Mizuho Bank (Nhật Bản) từ 15% xuống 13%.

"Mizuho Việt Nam đang trình công ty mẹ tại Nhật Bản để mua thêm cổ phiếu phát hành riêng lẻ để giữ tỷ lệ ở mức 15%", Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành nói, đồng thời cho biết việc phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp phần nâng room ngoại của Vietcombank lên sát tỷ lệ 30%.Về chọn đầu tư ngoại chiến lược, ông Thành cho biết không chỉ quan trọng giá chào bán mà còn có tiêu chí khác như có tiềm lực tài chính mạnh, quản trị tốt để giúp ích cho Vietcombank.

chu tich vietcombank - nghiem xuan thanh cho biet da co ke hoach m&a va se som xin y kien co dong. anh tu lieu: tpo

Chủ tịch Vietcombank - Nghiêm Xuân Thành cho biết đã có kế hoạch M&A và sẽ sớm xin ý kiến cổ đông. Ảnh tư liệu: TPO

Tại đại hội, Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành nhận định năm 2015, ngân hàng đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Tổng tài sản tăng 17% lên 643.343 tỷ đồng, dư nợ cho vay vượt 265.000 tỷ đồng - tăng 19,7%. Lợi nhuận trước thuế đạt 5.884 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 1,84%.

Năm 2016, nhà băng đặt mục tiêu tăng tổng tài sản lên 765.438 tỷ đồng, dư nợ cho vay lên tới 452.967 tỷ đồng - tăng 17%. Lợi nhuận trước thuế vượt 7.500 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 2,5%. Nhà băng cũng có kế hoạch tăng nhân sự lên 15.493 người. Vietcombank cũng dự định chỉ giữ lại vốn góp tại Ngân hàng Quân đội (MB), tiến hành thoái vốn tại Eximbank, OCB, Saigonbank.

Ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, cơ sở cho những kế hoạch tăng trưởng mạnh này là xuất phát từ nhận định kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao, lạm phát kỳ vọng dưới 5%. Đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 17% nhưng ông Thành cho biết sẽ quản lý chặt chẽ để nâng cao chất lượng, ứng dụng các công cụ quản trị rủi ro để xây dựng chiến lược quản lý danh mục tín dụng chủ động, tập trung nguồn lực thu hồi nợ xấu.

Lãnh đạo Vietcombank cũng cho biết sẽ đẩy mạnh kinh doanh vốn, ngoại tệ và hiệu quả đầu tư. Về mạng lưới, ngân hàng tiếp tục thành lập các chi nhánh mới trong năm 2016, đặc biệt là thị trường phía Nam. Vietcombank dự định triển khai thành lập công ty tín dụng tiêu dùng, kiều hối, nghiên cứu thành lập công ty quản lý tài sản (AMC), xúc tiến mở chi nhánh và văn phòng đại diện tại thị trường nước ngoài.

Với lợi nhuận ghi nhận 5.183 tỷ đồng của năm 2015, HĐQT đề xuất chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10% tương đương 2.665 tỷ đồng, trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi (ít nhất 3 tháng lương thực hiện) là 957 tỷ đồng...

Tại đại hội, mức thù lao của lãnh đạo Vietcombank khiến nhiều cổ đông bất ngờ. Theo đó, ngoài các khoản lương thưởng được tính vào tổng quỹ lương chung của ngân hàng thì các lãnh đạo thuộc Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát còn được hưởng thù lao tương ứng 0,35% lợi nhuận sau thuế của Vietcombank, tương đương 18,66 tỷ đồng và đã chi trả khoảng 8,9 tỷ.

Trên cơ sở đó, HĐQT cũng đề xuất thù lao năm 2016 là 0,35%. Với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận lên 7.500 tỷ đồng, con số thù lao thực tế sẽ tăng đáng kể. Hiện Vietcombank có 7 thành viên HĐQT và 4 thành viên Ban kiểm soát. Như vậy, chỉ riêng tiền thù lao, bình quân lãnh đạo ngân hàng nhận về 1,7 tỷ đồng.

Trước khi Đại hội diễn ra, Thanh tra Chính phủ đã công bố Quyết định thanh tra tại Vietcombank, về nội dung chấp hành chính sách pháp luật trong các hoạt động như tín dụng, đầu tư tài chính, đầu tư mua sắm diễn ra trong năm 2014, 2015.


Tân Thống đốc thúc giục ngân hàng xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu

Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2016, gửi cơ quan này trước ngày 28/4/2016.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng vừa ban hành văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu.

ngan hang phai gui ke hoach xu ly no xau truoc ngay 28/4.

Ngân hàng phải gửi kế hoạch xử lý nợ xấu trước ngày 28/4.

Theo đó, để đảm bảo tỷ lệ nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng ở mức an toàn, bền vững (dưới 3% tổng dư nợ), Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nhà băng phải thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Chỉ thị số 02 ngày 23/2/2016 về tăng cường bảo đảm an toàn và tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu...

Các nhà băng cũng phải tập trung đẩy mạnh xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro, bán nợ xấu cho VAMC, đôn đốc thu nợ, xử lý tài sản bảo đảm, hỗ trợ khởi kiện khách hàng và phối hợp với cơ quan thi hành án trong việc thi hành các bản án có hiệu lực và các hình thức khác; kiểm soát chất lượng tín dụng và nợ xấu, nợ quá hạn.

Ngoài ra, văn bản này cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2016 gửi Ngân hàng Nhà nước trước ngày 28/4/2016.

Nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện đã về dưới 3% và chủ yếu được bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC. Lũy kế từ năm 2013 đến hết năm 2015, tổng nợ xấu mà VAMC đã mua là 245.000 tỷ đồng, dư nợ gốc với số trái phiếu phát hành là 207.000 tỷ.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục