Mỹ tố Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại
Samsung thống trị ngành chip, các đối thủ sa lầy
Kinh tế Nga: Đặt cược vào các ngành công nghiệp truyền thông và viễn thông
Lợi nhuận của Facebook tăng gấp 3 lần sau 1 năm
Mua lại Instagram, một trong những vụ mua lại sinh lời nhất trong lịch sử
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 27-07-2016
- Cập nhật : 27/07/2016
Deutsche Bank vẫn thận trọng về tăng trưởng kinh tế thế giới
Theo kinh tế gia trưởng của Deutsche Bank, nguyên nhân khiến ngân hàng này thận trọng là do một số chỉ số kinh tế đã thay đổi trước khi chu kỳ kinh tế được mở rộng. Tiêu dùng vẫn ổn định trong quý hai và mức lương phi nông nghiệp vẫn tăng đều trong khi các chỉ số kinh tế hàng đầu có xu hướng đi xuống khiến Deutsche Bank e ngại về những rủi ro tăng trưởng trong ngắn hạn.
Nếu nhìn vào diễn biến trong hai chu kỳ kinh tế vừa qua, có thể thấy các chỉ số kinh tế hàng đầu đã giảm trong hơn một năm qua, cho thấy dự báo về mức tăng trưởng thiếu lạc quan.
Tuy nhiên, các chỉ số kinh tế hàng đầu cũng bị chỉ trích không còn mang nhiều ý nghĩa tại thời điểm được công bố. Lý do là những con số này phải chờ một thời gian dài để được thông báo với công chúng, do vậy lúc này sẽ trở thành tin cũ và không còn nhiều giá trị. Tuy nhiên, nếu xét tất cả các yếu tố cùng một lúc, các chỉ số vẫn có ích.
Ngoài ra, một số chỉ số kinh tế khác cũng cho thấy nhiều điểm khác biệt. Chỉ số kinh tế của Citi – đánh giá dữ liệu kinh tế liên quan đến dự báo thị trường – tiếp tục tăng sau khi không có nhiều chuyển biến vào đầu năm.(NDH)
Đánh giá rủi ro Việt Nam giảm đáng kể, khối ngoại mua ròng 17.100 tỷ TPCP từ đầu năm
Báo cáo thị trường tiền tệ tuần qua của Bộ phận phân tích khách hàng cá nhân CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho thấy thị trường trái phiếu Chính phủ đang hút được dòng tiền lớn.
Trong tuần qua (18-22/7), KBNN tiếp tục chào bán 6.000 tỷ đồng TPCP ở các kỳ hạn 5, 7 và 15 năm. Tỷ lệ đăng ký đều đạt trên 100% ở tất cả các kỳ hạn. Trái phiếu 15 năm có tỷ lệ trúng thầu 100% (1.500 tỷ). Kỳ hạn 5 và 7 năm có tỷ lệ trúng thầu cũng khá cao 90% (2.700 tỷ) và 77% (1.155 tỷ). Lợi suất trúng thầu không đổi so với đợt phát hành trước đó.
Thanh khoản trên thị trường thứ cấp tăng 24,1% khi lượng giao dịch Outrights và Repos cùng tăng (+11,3% và 51,2%). Lượng giao dịch Repos tăng đột biến với giá trị giao dịch trung bình ngày đạt 2,7 nghìn tỷ (so với 1,8 nghìn tỷ của tuần trước), các trái phiếu được repos chủ yếu có kỳ hạn dưới 90 ngày. Lượng Outrights cũng tăng lên mức 34,7 nghìn tỷ, tương đương 6,94 nghìn tỷ/ngày.
Theo SSI Retail Research, về phía giao dịch của khối ngoại, xu hướng mua ròng tiếp tục được duy trì khi NĐTNN mua ròng 625 tỷ đồng TPCP trong tuần, kỳ hạn 2 và 3 năm được quan tâm nhất với giá trị mua ròng lần luợt 767 tỷ và 271 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, kỳ hạn 9 tháng và 5 năm bị bán mạnh nhất với tổng giá trị bán ròng 390 tỷ đồng. Như vậy, giá trị mua ròng TPCP từ đầu năm đến giờ của khối ngoại đã lên tới 17,1 nghìn tỷ đồng (so với mức bán ròng 50 nghìn tỷ của cùng kỳ).
SSI Retail Research cho biết đánh giá rủi ro của Việt Nam trong mắt NĐTNN đã giảm đáng kể khi CDS tiếp tục giảm ở tất cả kỳ hạn. Giá CDS đã giảm về còn 262 điểm phần trăm đối với TPCP kỳ hạn 10 năm, thấp hơn nhiều so với mức 356 điểm phần trăm tại ngày 31/12/2015.
Về lãi suất, thanh khoản tiếp tục tốt khiến lãi suất liên ngân hàng không có nhiều biến động trong tuần. Lãi suất kỳ hạn ON chủ yếu ở mức 0,8-0,9%/năm và tăng nhẹ lên 1,05% ở phiên cuối tuần 22/07. Các kỳ hạn khác cũng có xu hướng nhích nhẹ, lãi suất đối với kỳ hạn 1 tuần, 1 tháng lần lượt ở mức 1,2%, 2,2% (so với 1,13% và 2,05% cuối tuần 15/7). Riêng lãi suất kỳ hạn 3 tháng đã giảm về 3,7% từ mức 3,73%.
Lãi suất huy động trên thị trường 1 cũng ít biến động khi lãi suất chào chủ yếu ở các ngân hàng tiếp tục ở mức 4,5% với kỳ hạn 1 tháng và 5,5% với kỳ hạn 6 tháng. Trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt +8,16% lên 5,03 triệu tỷ đồng trong khi tăng trưởng tiền gửi nhanh hơn, +8,23% lên 5,52 triệu tỷ đồng.(NDH)
Châu Á đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nợ
Các khoản nợ của Trung Quốc đang là chủ đề được bàn luận trong thời gian qua. Tuy nhiên, không chỉ Trung Quốc, nguy cơ khủng hoảng nợ có khả năng lan ra toàn châu Á trong ba năm tới.
Các tập đoàn phi tài chính châu Á hiện đối mặt với các khoản nợ trái phiếu kỷ lục phát hành tại nước ngoài sẽ đáo hạn từ nay cho đến năm 2019. Tổng giá trị các khoản nợ trái phiếu phát hành ở nước ngoài bằng đồng USD hoặc euro có giá trị lên tới 219,7 tỷ USD sẽ đáo hạn bắt đầu từ tháng 1/2017 đến tháng 12/2019.
Phần lớn các khoản nợ trái phiếu được phát hành trong ba năm qua trong khi kể từ 3/2013, các đồng tiền châu Á lại suy giảm, cá biệt một số trường hợp đã suy giảm hai con số.
Tình thế có khả năng trở nên xấu hơn khi nhiều doanh nghiệp châu Á phải đối mặt với các thách thức do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, kéo theo cả khu vực đi xuống bất chấp những gói kích cầu được áp dụng ở khắp nơi.
Lĩnh vực đầu tư tư nhân tại châu Á, không bao gồm Trung Quốc đã phải chịu tổn thương lớn nhất trong những thị trường mới nổi do những áp lực về nợ trong 5 năm qua, Moody nhận đinh. Trong số những trái phiếu có xếp hạng tín nhiệu thấp và thuộc nhóm rủi ro cao, các trái phiếu châu Á chiếm 1/3 và chỉ có khoảng 25% trong số đó được phát hành.
Ngân hàng Ấn độ mở chi nhánh đầu tiên tại Việt Nam
Ngân hàng Bank of India (BOI), Ấn Độ đã khai trương chi nhánh nước ngoài thứ 61 tại Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh vào ngày 22/7/2016. Số vốn của Ngân hàng Bank of India - chi nhánh TPHCM là 15 triệu USD. Thời hạn hoạt động là 99 năm.
Trước đó, Bank of India đã mở văn phòng đại diện tại TPHCM vào năm 2003. Ngày 31/7/2015 Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam (NHNN) đã cấp phép cho Ngân hàng Bank of India thành lập chi nhánh Ngân hàng tại Việt Nam.
Được biết, Bank of India, được thành lập vào năm 1906, là một trong bốn ngân hàng lớn nhất tại Ấn độ với tổng vốn đầu tư toàn cầu lên đến 133 tỷ USD. Ngân hàng này hiện đã có mặt tại hơn 22 quốc gia cùng với mạng lưới trải rộng khắp Ấn Độ với 5.016 chi nhánh và 7.807 máy ATM
Việc khai trương Ngân hàng Bank of India - Chi nhánh TPHCM sẽ giúp đáp ứng nhu cầu của các nhà xuất khẩu, nhập khẩu của cả hai quốc gia. Bên cạnh đó, chi nhánh cũng có chức năng cung cấp các dịch vụ ngân hàng như nhận tiền gửi từ khách hàng, cho vay bằng đồng Việt Nam và các ngoại tệ khác tại Việt Nam. Chi nhánh cũng sẽ đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tăng cường hỗ trợ thương mại và thực hiện các dịch vụ thanh toán, mua bán ngoại tệ.
Theo bà Smita Pant, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM, Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và ngược lại Việt Nam là đối tác thương mại đứng thứ 24 của Ấn Độ.
Quan hệ song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ liên tục tăng trong những năm qua. Theo dữ liệu của chính phủ Ấn Độ, giá trị giao thương đã đạt trên 9 tỷ USD trong năm tài chính 2014-2015, vượt mục tiêu 7 tỷ USD cho năm 2015.
Hiện các doanh nghiệp Ân Độ đã đầu tư hơn 1,1 tỷ USD cho trên 100 dự án tại Việt Nam và ước tính tiếp tục tăng trong những năm sắp tới. Việc thành lập Ngân hàng Bank of India - Chi nhánh TPHCM sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp 2 nước mở rộng hợp tác đầu tư. Mục tiêu thương mại song phương theo thỏa thuận của hai quốc gia vào năm 2020 là 15 tỷ USD.