Ngân hàng Thế giới nâng dự báo giá dầu năm 2016 lên mức 43 USD
Xay nghiền cacao của châu Á tăng do châu Phi mất mùa
EIA: Lượng dầu lưu kho của Mỹ bất ngờ tăng
Fed để ngỏ khả năng tăng lãi suất đến tận tháng 9
New Zealand thặng dự thương mại trong tháng 6
Tin kinh tế đọc nhanh tối 27-07-2016
- Cập nhật : 27/07/2016
Người Trung Quốc tràn sang Mỹ làm việc
Các công ty Trung Quốc đang gửi hàng nghìn lãnh đạo sang Mỹ để làm cho các doanh nghiệp bị nước này mua lại.
Số người Trung Quốc làm việc tại Mỹ đã tăng rất nhanh trong một thập kỷ qua. Việc này được cho là có liên quan đến làn sóng mua công ty Mỹ gần đây.
"Chúng tôi nhận thấy có sự tăng vọt. Các công ty Trung Quốc đầu tư rất mạnh vào Mỹ. Và họ đang mang đến đây nhiều lãnh đạo và nhân viên cốt cán", Bernard Wolfsdorf - nhà sáng lập kiêm giám đốc một hãng luật nhập cư tại Mỹ cho biết trên CNN.Năm 2015, Mỹ đã cấp hơn 10.200 visa loại L cho lao động Trung Quốc và gia đình họ - cao gấp 4 lần so với năm 2005. Visa loại L1 cho phép các công ty có hoạt động tại Mỹ điều chuyển nhân viên đến đây. Những người này sau đó lại được công ty hỗ trợ mang cả gia đình sang.
Những năm gần đây, các công ty Trung Quốc rất tích cực mua doanh nghiệp Mỹ. Chỉ riêng năm ngoái, họ đã chi 17 tỷ USD cho 120 thương vụ tại đây, theo hãng nghiên cứu Dealogic. Con số năm nay được dự báo còn lớn hơn, khi Trung Quốc đã chi 29,4 tỷ USD và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Rất nhiều người Trung Quốc đang tìm cách ra khỏi đất nước. Họ đã nộp hàng loạt hồ sơ xin visa tại Mỹ và nhiều nước khác. Có thẻ xanh hoặc visa lao động là một trong những cách giúp họ thoát khỏi môi trường ô nhiễm trong nước, giúp con cái tiếp cận hệ thống giáo dục tốt hơn, và tránh được các biến động kinh tế, chính trị.
Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây cũng đã thông báo sẽ ngừng nhận hồ sơ xin cấp một số loại visa từ Trung Quốc trong năm nay, do số lượng đã đạt giới hạn hằng năm. Một trong số những loại visa bị ngừng lại là EB-5 - chương trình nhà đầu tư nhập cư. Theo đó, người nước ngoài đổ tiền ít nhất 500.000 USD vào Mỹ sẽ được cấp quyền định cư tại đây.
Số visa cấp cho Trung Quốc mỗi năm theo chương trình nhà đầu tư đã tăng từ vài chục cách đây 10 năm, lên 8.156 năm ngoái, theo số liệu chính thức. "Chúng tôi cho rằng con số này sẽ còn tiếp tục tăng", Ron Klasko - Giám đốc hãng luật nhập cư - Klasko Immigration Law Partners cho biết.
Loại visa EB-5 từ lâu đã bị chỉ trích là cách để nhà giàu Trung Quốc tìm đường vào Mỹ. Tuy nhiên, những người ủng hộ lại cho rằng đây là cách để hút tiền đầu tư vào đây.(Vnexpress)
Tám nhóm hàng tăng giá
Đây là mức tăng khá thấp, tuy nhiên trong tháng 7 có tới 8/11 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước. Trong đó tăng mạnh nhất là nhóm giao thông với mức tăng 1,19%. Chỉ số giá nhóm giao thông tăng chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt tăng giá xăng dầu trong thời gian qua. Bảy nhóm tăng giá còn lại trong tháng có mức tăng rất thấp. Trong đó nhóm hàng hóa, dịch vụ khác và nhóm nhà ở, điện nước, vật liệu xây dựng tăng quanh mức 0,15%, còn các nhóm khác tăng từ 0,01% đến 0,09%.
Ở chiều ngược lại, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã giảm 0,05% so với tháng trước. Trong đó lương thực giảm 0,64%, thực phẩm giảm 0,01% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,11% so với tháng trước. Giá lương thực bán lẻ trong nước tiếp tục giảm do nguồn cung dồi dào. Theo dự báo, trong thời gian ngắn, giá lúa gạo còn tiếp tục giảm.
Hàng ngàn kiện hàng tồn đọng ở cảng, sân bay
Số hàng hóa này nhập khẩu về cảng, sân bay quá 90 ngày nhưng chủ hàng chưa đến làm thủ tục hải quan nhận hàng.
Có nhiều nguyên nhân khiến số lượng hàng hóa tồn đọng nhiều. Theo đó, nhiều doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, thua lỗ, nợ đọng thuế, bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh dẫn đến từ bỏ hàng hóa sau khi đã nhập khẩu về cảng. Một số cá nhân, đơn vị nhập khẩu hàng hóa không đủ điều kiện nhập khẩu vào Việt Nam, khi biết không thể làm thủ tục nhập được thì từ bỏ hàng. Một số trường hợp nhập khẩu rác, phế liệu, phế thải từ nước ngoài về rồi từ bỏ hàng hóa. Ngoài ra, nhiều lô hàng xuất khẩu đi nước ngoài bị trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng của quốc gia nhập khẩu, doanh nghiệp trong nước từ bỏ hàng…
Cục đã đề nghị Tổng cục Hải quan cũng như các cơ quan chức năng có giải pháp xử lý hàng tồn đọng tại các cảng, sân bay.
Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng đầu tiên tại Đông Nam Á
Đại diện Viglacera cho biết dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng có tổng mức đầu tư gần 500 tỉ đồng, trong đó phần lõi là dây chuyền sản xuất kính theo công nghệ Đức do Tập đoàn Von Ardenne GmbH cung cấp và chuyển giao trị giá 11 triệu euro.
Năng lực sản xuất dây chuyền này khoảng 2,3 triệu m²/năm và có thể vận hành đạt công suất lên 3,3 triệu m²/năm.
Theo đại diện Viglacera, kính tiết kiệm năng lượng được gia công từ kính phẳng với lớp phủ siêu mỏng trên bề mặt có tính năng phát xạ thấp, dẫn nhiệt thấp giảm thiểu sự truyền nhiệt giữa môi trường bên trong và bên ngoài, từ đó tiết kiệm chi phí năng lượng của hệ thống điều hòa không khí giúp làm mát vào mùa hè và sưởi ấm vào mùa đông. Kính có khả năng ngăn cản lượng ánh sáng mà mắt thường có thể nhìn thấy từ ánh sáng mặt trời đến 95%.
Đối với năng lượng từ ánh sáng mặt trời lên tới 79% và đặc biệt đối với những tia tử ngoại hay còn gọi là tia cực tím (UV) có hại cho sức khỏe con người thì khả năng ngăn chặn của loại kính này lên tới gần như tuyệt đối 99%.
Tham dự tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu vai trò tiên phong của Viglacera trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển sản phẩm mới công nghệ cao, sản phẩm xanh, bảo vệ môi trường.
Sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng do Việt Nam sản xuất sẽ thay thế hàng nhập khẩu cũng như đẩy mạnh xuất khẩu ra thế giới, chủ động đón đầu hội nhập mới như TPP và các hiệp định thương mại.
Đặc biệt, sản phẩm này sẽ giải quyết được bài toán tiết kiệm năng lượng cho người tiêu dùng khi tiết kiệm được 30%-40% chi phí năng lượng cho hệ thống điều hòa không khí.
Cùng ngày, Tổng Công ty Viglacera cũng đã khởi công xây dựng Nhà máy sứ Viglacera Mỹ Xuân” tại KCN Mỹ Xuân A, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư hơn 480 tỉ đồng.
Đồng NDT sắp vào giỏ tiền tệ quốc tế
Trong một bước chuẩn bị về mặt kỹ thuật cho việc đưa đồng nhân dân tệ (NDT) vào giỏ tiền tệ quốc tế, IMF ngày 25/7 thông báo quyết định điều chỉnh hệ phương pháp tính toán các đồng tiền trong giỏ tiền tệ này, còn được gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR).
Hệ phương pháp mới sẽ giúp việc tính toán khối lượng tiền tệ dễ dàng hơn cho người dùng SDR và người tham gia thị trường tài chính. Khối lượng tiền tệ là số đơn vị của mỗi đồng tiền trong giỏ SDR, tổng khối lượng tiền tệ của các đồng tiền chính là giá trị của giỏ SDR. Con số này đóng vai trò chủ chốt trong việc định giá hàng ngày của SDR.
IMF đánh giá định kỳ giỏ dự trữ ngoại tệ SDR 5 năm/lần và lần cuối cùng IMF chỉnh sửa SDR là năm 2000 với việc đưa euro vào thay thế đồng tiền của Đức và Pháp. Ngày 30/11/2015, IMF tuyên bố đồng NDT của Trung Quốc đủ điều điều kiện để đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế hiện bao gồm USD, euro, yen và bảng Anh, và quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10 năm nay.
SDR là loại tiền tệ được IMF tạo ra vào năm 1969, đóng vai trò là một bộ phận trong dự trữ quốc tế của các nước thành viên. SDR được phân bổ cho các nước thành viên theo tỷ lệ góp vốn của các nước vào thể chế tài chính đa phương này. Tuy nhiên, đây chỉ là đơn vị quy ước, chỉ được sử dụng để tính toán chứ không thực sự tồn tại trong lưu thông, do vậy không thể tiêu SDR như các loại tiền tệ khác.
Hình thái tồn tại của SDR là những con số ghi trên tài khoản. IMF mở cho mỗi nước thành viên một tài khoản để ghi các khoản SDR được phân bổ và để hạch toán các khoản thu chi bằng SDR giữa các ngân hàng trung ương và các nước. Sự ra đời của SDR đã giảm thiểu những hạn chế trong việc sử dụng đồng USD và vàng là công cụ thanh toán duy nhất.