Chung cư cho thuê tại TP.HCM chiếm 80% thị trường
Vietjet Air muốn thuê Cảng hàng không Phú Quốc 30 năm
Kiểm tra nhập phôi thép hợp kim Trung Quốc lách thuế
35 món hàng được miễn thuế toàn bộ
Bạch tuộc Việt bán được giá tại Mỹ
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 17-11-2015
- Cập nhật : 17/11/2015
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hơn 300 dự án BĐS đang dừng triển khai
Trong tổng số 3.978 dự án phát triển khu đô thị, phát triển nhà ở, sau khi rà soát có 3.172 dự án (chiếm 79,74%) được tiếp tục triển khai; 306 dự án (chiếm 7,69%) phải tạm dừng triển khai....
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa trình bày tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII ngày 16/11 về báo cáo tổng hợp việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Khóa XIII đến năm 2015.
Theo đó, về ngành Xây dựng, phó Thủ tướng cho biết thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, nhất là nhà ở xã hội, cơ bản hoàn thành việc rà soát, phân loại các dự án phát triển đô thị, nhà ở trên phạm vi cả nước.
Cụ thể, trong tổng số 3.978 dự án phát triển khu đô thị, phát triển nhà ở, sau khi rà soát có 3.172 dự án (chiếm 79,74%) được tiếp tục triển khai; 460 dự án (chiếm 11,56%) cần phải điều chỉnh cơ cấu căn hộ, điều chỉnh quy hoạch; 306 dự án (chiếm 7,69%) phải tạm dừng triển khai.
Diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc tăng từ 17,5 m2 năm 2010 lên 22 m2 năm 2015. Tồn kho bất động sản đến nay giảm khoảng 54% so với đầu năm 2013. Gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, đến tháng 9/2015 đã cam kết cho vay trên 20 nghìn tỷ đồng (đạt tỷ lệ 68,1%) và đã giải ngân trên 12 nghìn tỷ đồng (đạt tỷ lệ 41%).
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng hiện tại tồn kho bất động sản vẫn còn khá lớn. Quản lý xây dựng, phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch ở nhiều địa phương còn yếu kém. Chất lượng một số công trình xây dựng còn thấp. Tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn gây nhiều bức xúc.
Nam Định, Quảng Ninh sắp có đường sắt ven biển dài 120 km
Thủ tướng vừa điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải cùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến 2020 và định hướng đến 2030. Theo đó, sau năm 2020 nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt ven biển Nam Định- Quảng Ninh và Hạ Long- Móng Cái.
Cụ thể, tuyến đường sắt ven biển Nam Định- Thái Bình- Hải Phòng- Quảng Ninh dài khoảng 120km, Hạ Long- Mũi Chùa- Móng Cái dài khoảng 150km.
Quy hoạch cũng nêu rõ ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt để đạt tốc độ chạy tàu bình quân 80-90km/h đối với tàu khách và 50-60km/h đối với tàu hàng. Hoàn thành tuyến đường sắt Yên Viên- Phả Lại- Hạ Long- Cái Lân dài khoảng 129km.
Nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trong đó ưu tiên xây dựng trước đoạn Hà Nội- Vinh.
Đồng thời đảm bảo tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội (Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội), từng bước kết nối đường sắt với các cảng biển, cảng cạn, khu kinh tế, khu mỏ và các trung tâm du lịch lớn.
Mục tiêu đến năm 2020, toàn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đạt khoảng 500-550 triệu tấn hàng hóa và 1.180 – 1.200 triệu hành khách/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10-11% trong đó lượng hàng hóa thông qua cảng biển là 115-160 triệu tấn/năm.
Vận tải hành khách công cộng đô thị Hà Nội đạt khoảng 20-25%, Hải Phòng và các đô thị khác đạt 5-10%.
Theo quy hoạch sẽ tổ chức vận tải hợp lý trên 6 hành lang vận tải chính gồm: Bắc- Nam, Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Lạng Sơn; Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Cụ thể, tại hành lang vận tải Bắc- Nam đến năm 2020, vận tải hành khách bằng đường bộ chiếm 83% - 85%, đường sắt 5,8% - 6,2%, hàng không 8,8% - 9,2%; vận tải hàng hóa bằng đường bộ 76% - 79%, đường sắt 6% - 8%, đường biển 14% -16%, hàng không 0,12% - 0,16%.
TPHCM: Tồn kho BĐS đều thuộc phân khúc cao cấp
Đó là khẳng định của các chuyên gia kinh tế một hội thảo về thực trạng thị trường BĐS trên địa bàn Tp.HCM mới đây. Theo đó, trong số 14.400 căn hộ tồn kho từ năm 2012 đến nay, căn hộ cao cấp có diện tích lớn chiếm đến gần 80% tổng số tồn kho.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM, cho biết trong 10 năm qua (2006-2015), thị trường BĐS thành phố đã đóng góp nhiều vào sự phát triển kinh tế chung của cả thành phố. Năm 2006, tổng giá trị sản phẩm trong lĩnh vực xây dựng, BĐS đạt 25.669 tỷ đồng (12% trong cơ cấu nền kinh tế thành phố), đến năm 2014 con số này đạt 89.460 tỷ đồng (chiếm 17,4%).
Ngoài ra, năm 2006 diện tích bình quân trên đầu người chỉ có 10,3m2/người thì đến năm 2015 đã đạt 17,3m2/người. Doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực BĐS thời điểm năm 2006 chỉ có 2.600 doanh nghiệp, đến nay đã “nhảy” đến con số 4.700 doanh nghiệp có nhiều năng lực về tài chính và kinh nghiệm thực hiện dự án nhà ở quy mô lớn.
Tuy nhiên, người đứng đầu Sở Xây dựng thành phố cũng nhấn mạnh rằng thị trường BĐS hiện đang tồn tại nhiều yếu kém, thiếu ổn định, khi nóng sốt, khi đóng băng, cung – cầu chưa phù hợp với nhu cầu thị trường… Đa số hàng tồn kho từ năm 2012 đến nay, đều thuộc phân khúc nhà ở cao cấp có diện tích lớn.
Còn theo TS. Phạm Thái Sơn – Đại học Việt – Đức, hiện toàn thành phố có trên 41% trong số 1.219 dự án đã được hoàn thành, 33% đang được thực hiện thủ tục đầu tư, 19% đang thi công và 8% dự án đang ngưng thi công. Tuy nhiên, 40% dự án đã hoàn thành có quy mô nhỏ hơn, chỉ đóng góp 25% tổng số căn hộ và 16% diện tích sàn được dự kiến được phát triển từ các dự án nhà ở.
Một doanh nghiệp địa ốc tại Tp.HCM nhận xét thêm rằng hầu hết các chủ đầu tư đều lý giải quyết định khởi động dự án vào thời điểm này là để đón đầu thị trường bất động sản hồi phục trong 5 năm tới. Mặc dù phân khúc căn hộ cao cấp đang được cảnh báo là dư thừa nhưng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tham gia mạnh vào phân khúc này là bởi vì, trước hết là do lợi nhuận vẫn lớn, nhu cầu mua để ở hoặc cho thuê lại đang rất cao.
Thật vậy, theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu của CBRE Việt Nam, dù từ nay đến cuối năm 2015 nguồn cung căn hộ thuộc phân khúc cao cấp khá lớn. Mức giá bán có tăng nhẹ theo xu hướng thị trường và tỷ lệ tiêu thụ vẫn khá cao trong những tháng tới nên chưa đáng lo ngại sẽ xuất hiện tình trạng “bội thực” nguồn cung cao cấp như trước.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, cho rằng, để giải quyết vấn đề nhà ở một cách căn cơ mang tính bền vững, các giải pháp của thành phố cần phải hướng đến tất cả các thành phần dân cư, kể cả người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, chứ không thể quá “ưu ái” một đối tượng dân cư nào đó có điều kiện.
"Tái cơ cấu một số ngân hàng thương mại còn khó khăn"
Đây là một trong những nhận xét của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo về lĩnh vực tài chính ngân hàng trong sáng nay (16/11), trước khi các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp Quốc hội thứ 10 bắt đầu.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong thời gian qua Chính phủ đã thực hiện chính sách giảm lãi suất, lãi suất đã giảm đáng kể so với năm 2011, thanh khoản được cải thiện, điều chỉnh tỷ giá linh hoạt; đổi mới, triển khai tín dụng đổi mới nông thôn, chính sách cho vay nông nghiệp, chăn nuôi thủy sản, triển khai 20 chương trình ngân hàng chính sách xã hội cho đối tượng hộ nghèo, sinh viên, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Thị trường vàng đã được tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tình trạng vàng hóa giảm, chuyển từ huy động vàng sang quan hệ mua bán. Biến động giá vàng không ảnh hưởng đến tỷ giá, thị trường ngoại hối.
Tình trạng sở hữu chéo tại các TCTD đã được xử lý và kiểm soát. Các TCTD cũng đã đẩy mạnh hoạt động mua bán sáp nhập. Tính đến nay, thị trường đã giảm 17 TCTD và 2 chi nhánh nước ngoài.
Đồng thời, thực hiện quyết liệt xử lý nợ xấu, phát huy vai trò của VAMC. Các tổ chức tín nhiệm quốc tế đánh giá tích cực về xếp hạng tín nhiệm các TCTD Việt Nam. Đến cuối 9/2015, tỷ lệ nợ xấu còn 2,93%.
Tuy nhiên, ông Phúc cũng báo cáo thêm quá trình tái cơ cấu một số ngân hàng thương mại còn khó khăn, còn một số hoạt động vi phạm, việc tiếp cận vốn tín dụng còn khó, năng lực quản trị và dịch vụ ngân hàng cần cải thiện trong quá trình hội nhập.
MB đổ vốn cho doanh nghiệp xây lắp quy mô lớn
Ngân hàng TMCP Quân đội vừa ra mắt Gói sản phẩm tài trợ ngành xây lắp dành cho doanh nghiệp quy mô lớn với tỷ lệ tài trợ cao lên đến 100% nhu cầu vốn.
Đây là giải pháp tài chính trọn gói nhằm đáp ứng nhu cầu vốn lưu động cho doanh nghiệp xây lắp lớn trong và ngoài quân đội để thực hiện các dự án, công trình an ninh quốc phòng hoặc không thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng.
Được thiết kế chuyên biệt, gói sản phẩm tài trợ ngành xây lắp cung cấp những lợi ích vượt trội, những quy định đặc thù theo phương thức thanh toán của nguồn vốn và quản lý công trình. Đặc biệt, MB đưa ra tỷ lệ tài trợ cao lên đến 100% nhu cầu vốn đối với doanh nghiệp xây lắp quy mô lớn, đối với doanh nghiệp Quân đội được MB tài trợ tối đa 80% hợp đồng thi công còn được chủ đầu tư thanh toán.
Bên cạnh đó, MB cũng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi đảm bảo kịp thời cung cấp nguồn vốn cho doanh nghiệp như xây dựng cơ chế phát hành bảo lãnh và gia hạn bảo lãnh linh hoạt; phương thức tài trợ, quản lý và giải tỏa tiền tạm ứng phù hợp với tình hình thi công thực tế của công trình; tài sản đảm bảo đa dạng bao gồm giấy tờ có giá, bất động sản, phương tiện vận tải, quyền đòi nợ, khoản phải thu…
Với mục tiêu đẩy mạnh cải tiến, nâng cao chất lượng các sản phẩm tài trợ cho khách hàng có quy mô lớn, MB đang từng bước trở thành ngân hàng tiên phong trong việc đáp ứng nhu cầu vốn lưu động của các doanh nghiệp lớn trong mọi ngành, mọi lĩnh vực.