Tổng thống Vladimir Putin quan tâm đến loại tiền ảo là đối thủ của bitcoin; Tesla lọt top 500 doanh nghiệp lớn nhất Mỹ; Chợ Kim Biên mới sẽ được đấu thầu chọn chủ đầu tư, không giao cho Tuần Châu; Ngân hàng ở Tây Ban Nha "bán mình" với giá...1 euro
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 01-05-2017
- Cập nhật : 01/05/2017
Rau quả xuất ngoại mỗi ngày mang về cho Việt Nam 186 tỉ
Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến 15-4, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của nước ta đạt 857 triệu USD, tăng tới gần 30% so với cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ mới đạt 661 triệu USD), tương giá trị tuyệt đối tăng thêm 196 triệu USD.
Như vậy, bình quân mỗi ngày mặt hàng rau quả mang về khoản ngoại tệ gần 8,2 triệu USD, tương đương số tiền hơn 186 tỉ đồng/ngày.
Với kết quả trên, mặt hàng rau quả tiếp tục duy trì vị thế thứ 3 trong số các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam (sau thủy sản và cà phê). Đáng chú ý, mặt hàng rau quả có tốc độ tăng trưởng mạnh hơn thủy sản (chỉ đạt 7,8%) và cà phê (đạt 21%).
Thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam vẫn là Trung Quốc, trong quý I-2017, rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 512 triệu USD, chiếm đến 73% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước trong cùng thời điểm.(PLO)
-------------------------------
Giá gas đồng loạt giảm mạnh hơn 22.000 đồng/bình
Đây là lần thứ ba kề từ đầu năm đến nay giá gas mạnh liên tiếp.
Theo đó, Công ty TNHH MTV Dầu khí Sài Gòn (Saigon Petro) cho biết kể từ 1-5 giá gas Saigon Petro giảm 22.500 đồng/bình 12kg. Như vậy giá bán lẻ đến người tiêu dùng là 288.000 đồng/bình 12 kg.
Trong khi đó, Công ty Gas Pacific Petro, Citi Petro, Elf gas… cũng giảm 22.500 đồng/bình 12 kg. Giá đến người tiêu dùng không vượt quá 296.000 đồng/bình 12 kg.
Các công ty cho biết do giá gas thế giới tháng 5 công bố 387,5 USD/tấn, giảm 72,5 USD/tấn so với tháng trước, vì vậy các công ty điều chỉnh giảm tương ứng.
Như vậy, đây là lần thứ ba giá gas mạnh liên tiếp với tổng mức giảm 52.000 đồng/bình 12kg.
---------------------------------------
Ông Trump sẽ rút Mỹ khỏi WTO?
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong ngày 29-4 (giờ địa phương) ký sắc lệnh xem xét lại các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), động thái có thể dẫn đến việc Bộ Thương mại đề nghị rút khỏi tổ chức này.
Sắc lệnh yêu cầu Bộ Thương mại và Đại diện Thương mại Mỹ xem lại toàn bộ các hiệp định của Washington để xem Mỹ có được các đối tác thương mại và tổ chức WTO gồm 164 thành viên đối xử công bằng hay không.
Hai cơ quan trên sẽ có 180 ngày để xác định xem có những trường hợp vi phạm hoặc lạm dụng nào đối với những thỏa thuận thương mại hay không và nếu có thì đề xuất giải pháp.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross hôm 28-4 cho biết WTO là trọng tâm của đợt rà soát lần này vì tổ chức đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các thỏa thuận thương mại của Washington.
Ông Ross nhận định WTO đã lỗi thời và cần cải tổ. Bộ trưởng này giảm nhẹ khả năng Mỹ rút khỏi WTO nhưng không loại bỏ hoàn toàn điều này.
Trước đó, ông Trump thông báo ý định tái đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Trump cũng cho biết ông sẽ bắt đầu đàm phán lại hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, trong đó Mỹ bị thâm hụt thương mại nghiêm trọng khi giao dịch với đồng minh này.
Bên cạnh đó, Washington cũng áp dụng thuế chống phá giá đối với gỗ mềm từ Canada, đồng thời kiểm tra thép và nhôm nhập khẩu có gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia hay không.
Luật sư Robert Lighthizer, người được Tổng thống Trump đề cử làm Đại diện Thương mại Mỹ, chỉ trích quyết định đưa Trung Quốc vào WTO hồi năm 2001.
Washington lúc đó cho rằng Bắc Kinh “sẽ học cách sống trong các quy tắc của WTO và mở cửa thị trường cho hàng xuất khẩu Mỹ”.
Tuy nhiên, thực tế là Trung Quốc đã hạn chế cạnh tranh nước ngoài, thao túng đồng nhân dân tệ cũng như trợ cấp cho các nhà xuất khẩu của nước này, ông Lighthizer nhấn mạnh.(nld)
-------------------------------------
Được cấp hơn 1.000 tỷ USD, Chính phủ Mỹ thoát nguy cơ đóng cửa, hoạt động đến ngày 30/9
Các cố vấn Quốc hội Mỹ cho biết, ngày 30/4, các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa đã đạt được thỏa thuận phân bổ gói ngân sách trị giá hơn 1.000 tỷ USD giúp chính phủ duy trì hoạt động tới hết ngày 30/9, thời điểm tài khóa 2017 kết thúc.
Thỏa thuận ngân sách trên đạt được sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng giữa các nhà lập pháp Dân chủ và Cộng hòa tại Đồi Capitol.
Thỏa thuận này không có điều khoản cấp tiền cho Chính phủ Mỹ xây bức tường biên giới phía Nam giáp Mexico, song trao cho Nhà Trắng 15 tỷ USD để tăng chi tiêu quốc phòng và an ninh biên giới.
Ngoài ra, thỏa thuận ngân sách nói trên cũng bác bỏ đề xuất của Tổng thống Donald Trump cắt giảm một số chương trình phổ biến như nghiên cứu y khoa và phát triển cộng đồng.
Thỏa thuận cần được Hạ viện và Thượng viện thông qua trước ngày 5/5 tới để có thể trình Tổng thống Trump ký ban hành luật nhằm tránh nguy cơ Chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động.
Nguy cơ chính phủ phải đóng cửa là nỗi ám ảnh thường trực trong các cuộc thương lượng liên quan đến ngân sách ở Quốc hội Mỹ. Năm 2013, Chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa trong 16 ngày do tranh cãi liên quan đến ngân sách cho những cải cách chăm sóc y tế của Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama.(TTXVN)