Quý 2 sẽ phát hành 66.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ; Xây dựng nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu 1.500 tỉ đồng; Một nhà đầu tư bỏ ra 187 tỉ đồng để mua 20% vốn Cầu Tre; Muối tồn kho giảm do mưa nhiều
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 02-05-2017
- Cập nhật : 02/05/2017
CEO BlackRock: Trump sẽ khiến nước Mỹ thâm hụt ngân sách trầm trọng
Bộ Thương mại Mỹ mới đây cho biết rằng nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong ba năm qua.
CEO Larry Fink của quỹ đầu tư BlackRock cho rằng các dự luật về thuế của chính quyền Trump nhiều khả năng không đủ sức tạo ra tăng trưởng kinh tế để giảm thâm hụt ngân sách của Mỹ.
Tại Hội nghị Đầu tư Morningstar ở Chicago, ông Fink cho biết: "Chúng ta đang trong tiến trình bùng nổ thâm hụt. Chúng ta sẽ phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng nếu những cải cách thuế làm tăng thâm hụt."
Nếu nền kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng 3%/năm thì sẽ giúp giảm thâm hụt xuống, nhưng điều đó không có khả năng xảy ra với điều kiện nhân khẩu học hiện tại của nước Mỹ, ông Fink nói. Vị CEO của công ty quản lý quỹ lớn nhất thế giới dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng từ 2,5% tới 2,75%.
"Dù thế giới đang trải qua một giai đoạn bùng nổ tăng trưởng, nền kinh tế của chúng ta lại không được như vậy. Chúng ta đang tăng trưởng chậm hơn Pháp. Điều đó thật là tệ "
Ông Fink nói thêm rằng: “Nếu chính phủ Mỹ hạn chế nhập cư, điều này sẽ loại bỏ đi một trong những 'động cơ tăng trưởng chính' của đất nước”.
Fink đưa ra bình luận như vậy, sau khi Bộ Thương mại Mỹ mới đây cho biết rằng nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong ba năm qua. Trong quý 1, GDP chỉ đạt tốc độ tăng trưởng quy ra cho cả năm (annualized) là 0,7% sau khi tăng 2,1% trong quý trước. Chi tiêu tiêu dùng, vốn đóng góp nhiều nhất cho GDP, chỉ tăng 0,3%, mức tệ nhất kể từ năm 2009.
Ông Fink cho biết rằng các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đang "chờ" xem kế hoạch của Tổng thống Trump tiến triển như thế nào. Ông nói thêm: "Những gì đang được đề xuất bởi chính phủ Mỹ gần như là một danh sách tất cả những thứ mà các lãnh đạo doanh nghiệp mong muốn".
Vào ngày 19/4, Fink cho biết sự tăng trưởng kém ấn tượng của nền kinh tế Mỹ, cộng thêm việc chính quyền Trump gặp khó khăn khi đưa ra những cải cách then chốt, sẽ tạo ra rủi ro cho thị trường.
Fink nói trên Bloomberg Television rằng: “Có một số dấu hiệu cảnh báo rằng mọi việc đang trở nên tệ hơn".(NCĐT)
-----------------------------------
Thương hiệu xe tải Hàn Quốc ra mắt tại Việt Nam
Hãng ôtô Hàn Quốc vừa chính thức xuất xưởng và bán ra thị trường 3 dòng xe tải đầu tiên được lắp ráp tại Việt Nam.
Cả 3 mẫu xe đều thuộc phân khúc xe tải nhẹ và mang thương hiệu Teraco. Trong đó, mẫu xe Tera 190 tải trọng 1,9 tấn, mẫu xe Tera 230 tải trọng 2,3 tấn và mẫu xe Tera 240 tải trọng 2,4 tấn.
Đại diện Daehan Motors Việt Nam cho biết, hiện các sản phẩm xe tải mang thương hiệu Teraco sản xuất tại Việt Nam có tỷ lệ nội địa hóa khoảng 20-25%. Trong thời gian tới, Daehan Motors sẽ nỗ lực nâng tỷ lệ nội địa hóa trên các dòng xe lên mức tối thiểu 40% để giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và đặc biệt là hướng đến mục tiêu xuất khẩu ra thị trường Đông Nam Á.
Ngay sau khi tung các dòng sản phẩm đầu tiên ra thị trường, Daehan Motors Việt Nam bắt đầu tập trung xây dựng và hoàn thiệu hệ thống phân phối, dịch vị trên toàn quốc, nhất là tại các địa phương có tiềm năng lớn về vận tải.
Ông Nguyễn Hải Trung, Chủ tịch Daehan Motors Việt Nam, cho biết việc tập trung ngay từ ban đầu vào phân khúc xe tải nhẹ được xem là một bước đi đúng hướng. Bởi trên thực tế, sức mua ở phân khúc này đang khá lớn và cũng nhiều tiềm năng nhất, các doanh nghiệp cũng dễ đạt các mục tiêu về sản xuất và chất lượng nhất.
Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tổng sản lượng bán hàng các loại xe tải trong năm 2016 đạt hơn 84.000 chiếc, tăng 22% so với năm 2015. Đáng chú ý là trong đó, phân khúc xe tải nhẹ có tải trọng từ 5 tấn trở xuống chiếm đến 50%.
Các dự báo cũng cho thấy, khối lượng vận tải hàng hóa ngày càng tăng cùng quy định khắt khe về tải trọng đang khiến cho nhu cầu về xe tải tăng cao, riêng phân khúc xe tải hạng nhẹ sẽ duy trì mức tăng trưởng khoảng 20%/năm trong vài năm tới.
Daehan Motors Việt Nam chính thức thành lập vào tháng 6/2015 theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn 100% vốn nước ngoài. Nhà máy của Daehan Motors đặt tại khu công nghiệp cơ khí ôtô Tp.HCM và được xây dựng với số vốn đầu tư 20 triệu USD, công suất 20.000 xe mỗi năm. Sau hơn một năm nghiên cứu và phát triển sản phẩm, bắt đầu từ tháng 4/2017, Daehan Motors chính thức xuất xưởng các dòng sản phẩm đầu tiên.(VNECO)
------------------------
31.500 doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể
Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4. Theo đó, trong tháng 4, cả nước có 13.102 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 98.400 tỷ đồng, tăng 8,9% về số doanh nghiệp và giảm 17,1% về số vốn đăng ký so với tháng trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,5 tỷ đồng, giảm 23,9%. Tổng số lao động đăng ký trong tháng của các doanh nghiệp thành lập mới là 132.400 người, tăng 5,9%.
Trong tháng, cả nước có 2.274 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 75,7% so với tháng trước; có 6.305 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 37,3%; có 789 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6%.
Nhự vậy, tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 39.580 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 369.600 tỷ đồng, tăng 14% về số doanh nghiệp và tăng 48,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,3 tỷ đồng, tăng 30,6%. Nếu tính cả 455.700 tỷ đồng của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2017 là 825.300 tỷ đồng.
Bên cạnh đó còn có 11.545 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 1,9% so với cùng kỳ, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm nay lên hơn 51.000 doanh nghiệp.
Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng là 424.000 người, bằng 99,2% cùng kỳ.
Các ngành, lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký trong 4 tháng năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước: Thông tin và truyền thông tăng 237,2% về số doanh nghiệp và tăng 44,9% về số vốn đăng ký; kinh doanh bất động sản tăng 66% và tăng 49,9%; giáo dục và đào tạo tăng 30,4% và tăng 84,2%;...
Một số ngành, lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhưng số vốn đăng ký giảm: Sản xuất và phân phối điện, nước, gas; nông, lâm nghiệp và thủy sản; ngành vận tải kho bãi...
Tổng cục Thống kê cho biết, số doanh nghiệp hoàn tất giải thể lên tới 4.057 doanh nghiệp, tăng 7,9% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 4 tháng đầu năm là 27.400 doanh nghiệp, tăng 9% so với cùng kỳ, bao gồm 11.491 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 15.909 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể.
Như vậy, tổng số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và giải thể trong 4 tháng gần 31.500 doanh nghiệp.
Nếu so sánh với mức 39.580 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số doanh nghiệp giải thể đang ở mức đáng ngại.
Các doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động chủ yếu là công ty TNHH một thành viên và 2 thành viên. (Vneco)
-------------------------------
Đã có gần 60 doanh nghiệp báo lỗ quý 1
Hiện thị trường đang trong mùa BCTC quý 1/2017, danh sách doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ đã dần lộ diện.
Những doanh nghiệp lỗ cao
Các doanh nghiệp đứng đầu danh sách thua lỗ trong quý 1/2017 gồm PVD, VOS, VHG, BTP, KHP, TCR, RIC, SCJ, TDC, TMT và SHP. Trong đó PVD đứng đầu danh sách với khoản lỗ hơn 200 tỷ đồng - cách biệt so với các doanh nghiệp còn lại. Nguyên nhân thua lỗ là do số lượng dàn khoan hoạt động giảm và công ty tăng trích dự phòng phải thu quá hạn. Năm 2017 mục tiêu kinh doanh của PVD chỉ là không bị lỗ.
Vị trí tiếp theo thuộc về VOSCO với khoản lỗ gần 84 tỷ đồng, ghi nhận quý thứ 9 liên tiếp thua lỗ kể từ quý 1/2015 nâng lỗ lũy kế đến cuối kỳ hơn 884 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh thua lỗ của VOS có lẽ không bất ngờ, trong năm 2017 mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp chỉ là giảm lỗ tối đa. VOSCO cũng đã thua lỗ cả 2 năm 2015 và 2016 nên nếu năm nay doanh nghiệp này không có lãi thì VOS cũng sẽ tiếp gót VST, NOS, VSP, SSG…khăn gói rời sàn do thua lỗ liên tiếp. Trên sàn niêm yết giá cổ phiếu VOS chỉ trên 1.000 đồng và nếu kết quả kinh doanh không khởi sắc thì giá cổ phiếu này cũng sẽ khó có cơ hội phục hồi.
Đáng chú ý có lẽ là trường hợp thua lỗ của ô tô TMT, doanh nghiệp này báo lỗ 11,77 tỷ đồng trong quý 1/2017 - Đây có thể nói là quý lỗ bất ngờ bởi TMT đã có thời gian dài kinh doanh có lãi từ quý 2/2013 đến nay, đây cũng là quý ghi nhận số lỗ lớn nhất tính từ quý 1/2012 của TMT. Được biết năm 2017, ngành ô tô Việt Nam được dự báo sẽ có diễn biến khó lường khi chịu tác động từ nhiều yếu tố, đặc biệt là lộ trình giảm thuế nhập khẩu từ ASEAN (mức thuế giảm từ 40% xuống 30% trong năm 2017 và 0% vào năm 2018); việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 đối với xe du lịch động cơ xăng trong năm 2017, động cơ dầu năm 2018 và xe tải năm 2022...Tuy nhiên TMT vẫn rất tham vọng khi đặt kế hoạch công ty mẹ lãi ròng 124 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với năm 2016.
Ngoài ra còn có khoản lỗ của 3 doanh nghiệp điện là BTP, KHP và SHP. Trong khi các doanh nghiệp thủy điện báo lãi khởi sắc thì quý 1 như thường lệ không phải là mùa kinh doanh đối với các doanh nghiệp nhiệt điện, BTP báo lỗ gần 46 tỷ đồng trong đó lỗ sản xuất kinh doanh là 5,67 tỷ đồng và lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện hơn 40 tỷ đồng. Cũng do đặc thù ngành thủy điện, sản lượng nửa đầu năm chỉ bằng 30% sản lượng điện cả năm nên SHP cũng đã báo lỗ hơn 12 tỷ đồng. Còn điện lực Khánh Hòa (KHP) do EVN CPC tăng giá bán điện cho công ty khiến KHP kinh doanh dưới giá vốn và chịu lỗ gần 36 tỷ đồng.
Quốc tế Hoàng Gia (RIC) sau khi công bố mục tiêu kinh doanh tăng mạnh so với 2016 là lãi 42 tỷ đồng thì lại công bố con số thua lỗ 22 tỷ đồng ngay trong quý đầu tiên của năm 2017 mặc dù doanh thu trong kỳ tăng gấp đôi. Hay như trường hợp của xi măng Sài Sơn (SCJ) ngay sau khi công bố nỗ lực khắc phục tình trạng cổ phiếu bị kiểm soát thì cũng đã báo lỗ gần 16 tỷ đồng - cao nhất kể từ khi niêm yết do công ty gặp sự cố về máy móc thiết bị nên phải dừng hoạt động.
Họ dầu khí, sông Đà, doanh nghiệp xây dựng lỗ nhiều
Mặc dù mức thua lỗ không trầm trọng như các doanh nghiệp trên, nhưng có thể thấy trong danh sách các doanh nghiệp lỗ quý 1/2017 có sự góp mặt của khá nhiều doanh nghiệp họ dầu khí (PVB, PXI, PVL, PXA, PPE, PVR), họ sông Đà (SCL, SDH, SD7, SDY) và hàng loạt doanh nghiệp xây dựng như TDC, PVV, HAR, VCR, DLR, SVN. Trong đó PVV báo lỗ quý thứ 5 liên tiếp, PVB cũng đang hiện thực hóa mục tiêu lỗ 25 tỷ đồng trong năm 2017 của mình khi quý 1 đã báo lỗ 5,6 tỷ đồng. Các doanh nghiệp khác mặc dù chỉ là con số lỗ vài tỷ đồng hay vài trăm triệu đồng nhưng ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và cổ đông trong bối cảnh hiện có tới gần 90% doanh nghiệp kinh doanh có lãi.
Hiện còn tới hơn 200 doanh nghiệp niêm yết vẫn chưa công bố BCTC quý 1/2017 theo đó con số thua lỗ có thể sẽ tiếp tục tăng lên và mức độ thua lỗ còn có thể cao hơn bởi các doanh nghiệp kinh doanh kém khả quan thường sẽ trì hoãn công bố.(Infonet)