tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 30-04-2017

  • Cập nhật : 30/04/2017

Điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2015

Theo Quyết định điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài (vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài) nguồn ngân sách trung ương năm 2015 (kế hoạch vốn nước ngoài năm 2015) vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, cắt giảm 8.071,925 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài năm 2015 của các Bộ, ngành, trung ương và địa phương.

dieu chinh ke hoach dau tu von nuoc ngoai nguon ngan sach trung uong nam 2015

Điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2015

Bổ sung 35.982,61 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài năm 2015 của các bộ, ngành trung ương và địa phương, bao gồm: Giao bổ sung danh mục dự án và số vốn 1.601,978 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài năm 2015 các địa phương; bổ sung 34.380,632 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài năm 2015 cho các dự án được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn nước ngoài năm 2015 của các bộ, ngành trung ương và địa phương. 

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ tổng số kế hoạch vốn điều chỉnh trên, thông báo danh mục và mức vốn điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2015 cho các bộ, ngành trung ương và địa phương; tổng hợp báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân số vốn 97,242 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài năm 2015 của 2 dự án thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh SP-RCC của các tỉnh: Bình Thuận, An Giang sang năm 2017. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tính chính xác của các thông tin, số liệu, mức vốn cắt giảm và mức vốn phân bổ cho các dự án trong phạm vi 50.000 tỷ đồng đã được Quốc hội giao.(TTXVN)
--------------------

Hé lộ số phận 12 dự án nghìn tỉ thua lỗ

Phương án được ưu tiên lựa chọn tại hầu hết các dự án thua lỗ của ngành công thương là nhà nước sẽ thoái vốn thông qua tìm đối tác để chuyển nhượng dự án.

Chiều 28.4, Bộ Công thương đã thông tin về tình hình và phương án xử lý cụ thể đối với 12 dự án yếu kém ngành công thương.

Trong đó, nhóm giải pháp ưu tiên với các nhà máy nhiên liệu sinh học là tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng nhằm rút vốn nhà nước. Cụ thể, đối với dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, có 2 kịch bản được đưa ra. Phương án 1 là Công ty cổ phần nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung (BSR-BF) chuyển nhượng/thoái vốn. Phương án 2 là tái cơ cấu lại BSR-BF. Trong đó, phương án 1 được ưu tiên sau khi chủ đầu tư tính toán khởi động lại nhà máy và xử lý dứt điểm các vướng mắc với nhà thầu EPC về hạng mục xử lý nước thải để hoàn thành việc quyết toán.

Trong khi đó, có 4 phương án được xem xét đối với Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ. Một là tiếp tục triển khai dự án với nhà thầu Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC). Hai là thanh lý hợp đồng với PVC để tìm nhà thầu khác tiếp tục triển khai. Ba là dừng triển khai dự án để phá sản công ty. Bốn là Tổng công ty dầu (PVOil) sẽ chuyển nhượng/thoái vốn khỏi dự án. Trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố tình hình thực tế, tính pháp lý, tính khả thi..., Bộ Công thương đề xuất lựa chọn phương án để PVOil chuyển nhượng/thoái vốn.

Đối với dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, 3 phương án được xem xét để xử lý, gồm: tạm dừng nhà máy và vận hành trở lại khi thuận lợi; cho thuê tài chính, bán tài sản; PVOil chuyển nhượng vốn/thoái vốn. Phương án thoái vốn được Bộ chủ quản ưu tiên.

Có 3 phương án được xem xét để xử lý một dự án khác mà tập đoàn dầu khí thông qua công ty con góp vốn vào là Nhà máy đầu tư sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ. Một là khởi động lại nhà máy, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn. Phương án này được thực hiện theo hai kịch bản: (1) Hợp tác với đối tác nước ngoài để sản xuất kinh doanh trong 2 năm và sau đó thoái vốn hoặc (2) tự vận hành sản xuất kinh doanh. Hai là PVTex chuyển nhượng công ty. Ba là phá sản. Trong đó, hai phương án đầu sẽ được ưu tiên cân nhắc.

Dự án cuối cùng của tập đoàn dầu khí trong danh sách này là Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS). Sau khi phân tích 3 phương án, gồm: chuyển đổi sở hữu DQS thông qua định giá, bán đấu giá tài sản, công nợ; phá sản và phương án tiếp tục tái cơ cấu DQS thì cơ quan quản lý quyết định ưu tiên cách thức cho phá sản doanh nghiệp này.

Đối với dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên (Tisco), cũng có 3 phương án được xem xét. Phương án 1 là bán dự án. Phương án 2 là kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư góp vốn đầu tư. Phương án 3 là sẽ thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu Tisco. Phương án 3 được ưu tiên xem xét.

Trong khi đó, đối với 4 dự án đầu tư sản xuất phân bón của tập đoàn hóa chất là đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP 1 và DAP 2 thì phương án được đưa ra là tiếp tục tập trung xử lý các khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các dự án. Sau khi đã hoạt động có hiệu quả sẽ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp (dự kiến sau năm 2018).

Đối với dự án đầu tư sản xuất bột giấy Phương Nam, Bộ Công thương cho hay từ tháng 9.2016, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã có ý kiến đồng ý về chủ trương bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của dự án. Hiện nay, Bộ Công thương đã thực hiện xong bước thuê tư vấn thẩm định giá khởi điểm, phương án bán đấu giá dự án và đang chuẩn bị các thủ tục pháp lý để tổ chức bán đấu giá công khai.(Thanhnien)
-------------------------------

Năng suất muối Bến Tre giảm hơn 70%

Ngày 26.4, Sở NN-PTNT Bến Tre cho biết vụ muối 2016 - 2017 diêm dân tại 2 huyện Ba Tri và Bình Đại canh tác gần 1.500 ha, nhưng đến nay chỉ thu hoạch khoảng 20.000 tấn muối, giảm hơn 70% so với vụ trước.

Nguyên nhân là thời tiết thất thường, hay xuất hiện mưa trái mùa. Năng suất giảm mà giá bán lại không tăng, cao nhất chỉ 320 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất hơn 650 đồng/kg khiến đời sống của gần 4.000 diêm dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều diêm dân cho biết, nghề làm muối ngày càng khó khăn, không có kinh phí đầu tư nên vụ tới sẽ bỏ đất trống hoặc chuyển sang nuôi thủy sản quản canh.(TN)
--------------------------

Công ty lữ hành bị phạt vì dùng hướng dẫn viên du lịch 'rởm'

Một công ty du lịch lữ hành vừa bị Thanh tra du lịch Quảng Ninh phạt 10 triệu đồng và đề nghị tước giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế vì sử dụng hướng dẫn viên 'rởm'.

Ngày 29.4, tại cảng tàu du lịch quốc tế Tuần Châu, TP.Hạ Long, Quảng Ninh, Thanh tra Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành và hướng dẫn viên du lịch. Quá trình kiểm tra, lực lượng này đã phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Hán Văn Thần, 35 tuổi, thường trú tại 124/3 Lê Thị Bạch Cát, phường 11, quận 11, TP.HCM vì không có thẻ hướng dẫn viên du lịch, trong khi đang hướng dẫn đoàn khách du lịch Đài Loan. Đơn vị tổ chức lữ hành cho đoàn khách này là Công ty TNHH du lịch và thương mại Sang Trọng, địa chỉ tại quận Đống Đa, Hà Nội. Công ty này bị phạt 10 triệu đồng, cá nhân ông Hán Văn Thần bị phạt 5 triệu đồng.

Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, đơn vị này sẽ kiến nghị Tổng cục Du lịch xem xét, rút giấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế đối với Công ty TNHH Sang Trọng, vì đây là doanh nghiệp có trụ sở ở ngoài tỉnh Quảng Ninh.

Trước đó, ngày 28.4, Thanh tra Sở Du lịch Quảng Ninh cũng đã phạt Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ lữ hành Thiên Cung, địa chỉ số 16 Ngô Gia Tự, phường Trần Phú, TP. Móng Cái, Quảng Ninh 25 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trong 12 tháng kể từ ngày 28.4. Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, Công ty TNHH một thành viên Du lịch lữ hành Thiên Cung đã có nhiều vi phạm hành chính về hoạt động lữ hành, vi phạm cam kết chấp hành các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế.

Tính từ đầu tháng 4 đến nay, thực hiện chiến dịch làm sạch môi trường kinh doanh du lịch theo chỉ đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ninh, đã có 5 doanh nghiệp lữ hành bị tước giấy phép kinh doanh do có sai phạm trong quá trình đón khách du lịch du lịch Trung Quốc qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. (Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục