Nhà đàm phán 11 nước họp bàn về TPP mà không có Mỹ; Người Việt uống cà phê Starbucks đắt thứ 3 thế giới; Hãng hàng không quốc gia Italy phá sản; Người Trung Quốc thành cổ đông lớn nhất của Deutsche Bank
Tin kinh tế đọc nhanh tối 02-05-2017
- Cập nhật : 02/05/2017
Doanh nghiệp thủy điện đồng loạt báo lãi lớn
Doanh nghiệp thủy điện đồng loạt báo lãi lớn
Đầu tiên phải kể đến ông lớn Thủy điện Miền Trung (CHP), nhờ thời tiết thuận lợi, sản lượng nước về hồ khá thuận lợi đã giúp doanh thu tăng tới 152% so với cùng kỳ qua đó giúp công ty lãi ròng hơn 139 tỷ đồng tăng mạnh so với con số gần 9 tỷ đồng của quý 1/2016, kết quả này cũng đã giúp công ty hoàn thành tới 63% mục tiêu kinh doanh của cả năm 2017. Một doanh nghiệp thủy điện khác ở khu vực miền Trung là thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH) cũng đã được hưởng lợi từ tình hình thời tiết này, doanh nghiệp này báo lãi hơn 124 tỷ đồng tăng 94% so với cùng kỳ năm ngoái
Với hai hồ thủy điện Krông H’năng và Khe Diên tích đầy nước, Sông Ba (SBA) cũng đã công bố mức doanh thu cao gấp gần 4 lần cùng kỳ nhờ đó LNST đạt hơn 36 tỷ đồng khả quan hơn hẳn khoản lỗ 2,5 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, tương ứng hoàn thành gần 50% kế hoạch 2017. Thủy điện Thác Mơ (TMP) báo lãi ròng 48 tỷ đồng khả quan hơn hẳn khoản lỗ 1,66 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Nhờ sản lượng điện thương phẩm tăng cao nên Thủy điện Thác Bà (TBC) báo lãi 38,2 tỷ đồng tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều kiện thời tiết thuận lợi cùng với việc chạy máy phát ổn định hơn giúp Thủy điện Cần Đơn (SJD) báo lãi gần 25 tỷ đồng tăng tới 67% so với quý 1/2016. Nhờ những cơn mưa sớm đã giúp Thủy Điện Sê Đan 4A (S4A) có doanh thu tăng mạnh, LNST đạt 14,67 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 3,4 tỷ đồng. Ngoài ra, Đầu tư điện Tây Nguyên (TIC) cũng công bố con số lợi nhuận 2,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi vỏn vẹn hơn 2 triệu đồng.
Tuy nhiên trong nhóm các doanh nghiệp thủy điện, cá biệt có trường hợp của Thủy điện Miền Nam (SHP), doanh nghiệp này lại báo lỗ hơn 12 tỷ đồng, nguyên nhân được công ty này giải trình là do đặc thù của ngành thủy điện, sản lượng điện 6 tháng đầu năm chỉ bằng 30% sản lượng điện cả năm.
Nhiệt điện gặp khó do giá mua điện thấp
Ở chiều ngược lại các doanh nghiệp nhiệt điện lại công bố KQKD kém khả quan, trong đó Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) tiếp tục điệp khúc tăng trưởng âm ngay quý đầu năm với con số lỗ lên đến 46 tỷ đồng, trong đó lỗ sản xuất kinh doanh là 5,67 tỷ đồng, lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện hơn 40 tỷ đồng. Tuy nhiên doanh thu quý 1/2017 được công ty ghi nhận theo giá điện tạm tính là 24.079 đồng/KW/tháng (năm 2016 là 80.456,15 đồng/KW/tháng).
Cũng do chưa ký được hợp đồng mua bán điện với EVN nên Nhiệt điện Ninh Bình (NBP) công bố mức doanh thu sụt giảm kéo theo lãi ròng chỉ đạt gần 1,4 tỷ đồng giảm mạnh so với con số 10,66 tỷ đồng cùng kỳ 2016.(Infonet)
---------------------------------
Cắt gọt mạnh các chi phí, Eximbank báo lãi quý I gấp hơn 5 lần cùng kỳ
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank - mã: EIB) vừa công bố BCTC hợp nhất quý I/2017.
Theo đó, tính đến ngày 31/3/2017, tổng tài sản của ngân hàng đạt 132 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với thời điểm đầu năm.
Cho vay khách hàng đạt hơn 86 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm. Tiền gửi của khách hàng đạt 110 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8%.
Thu nhập lãi thuần đạt 687 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.
Các hoạt động kinh doanh khác trong quý đầu năm có kết quả khởi sắc hơn, ví dụ lãi thuần từ hoạt động dịch vụ là 73 tỷ đồng, kinh doanh ngoại hối lãi thuần 77 tỷ đồng,… đều tăng trưởng khá tốt so với cùng kỳ. Tuy nhiên hoạt động góp vốn, mua cổ phần lỗ 15 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động giảm mạnh gần 20%, xuống còn 531 tỷ đồng, cùng với đó, chi phí dự phòng cũng giảm mạnh 60% còn 133 tỷ đồng đã tác động tích cực đến kết quả lợi nhuận của ngân hàng.
Kết thúc quý I, Eximbank ghi nhận 170 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp hơn 5 lần cùng kỳ. Sau thuế, lợi nhuận còn 136 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu của ngân hàng là 2.588 tỷ đồng, chiếm 2,99%, tăng so với mức 2,95% tại thời điểm đầu năm.(CafeF)
-----------------------------------
Châu Á vượt phương Tây về trình độ fintech
Mới đây, CEO Synechron cho biết các thị trường mới nổi ở châu Á đã vượt các đối thủ phương Tây về trình độ áp dụng công nghệ tài chính.
"Tôi cho rằng có rất nhiều lĩnh vực mà châu Á đã vượt phương Tây, đặc biệt là ở thị trường mới nổi - nơi mà fintech đang đóng một vai trò quan trọng trong ngành tài chính bao gồm thanh toán, chuyển khoản, cho vay nhỏ", đồng sáng lập Synechron và CEO Faisal Husain trả lời CNBC trong chương trình "Managing Asia" cho biết.
Synechron là công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho các tổ chức tài chính được thành lập bởi Husain và một vài người bạn của ông vào năm 2001, ngay sau cuộc bùng nổ bong bóng dot-com. Hiện nay công ty trị giá 405 triệu USD và đóng trụ sở tại New York.
Với cấu trúc nhân khẩu thuận lợi cộng thêm mạng lưới tài chính còn nhiều thiếu sót, châu Á đang nổi lên và trở thành món hời cho những ông chủ fintech. Theo KPMG, trong năm 2016 ngành fintech ở Trung Quốc đã nhận được hơn 6,7 tỷ USD tiền đầu tư.
Lý do cho sự phát triển nhanh chóng của ngành fintech cũng đến từ bối cảnh bành trướng nhanh chóng của các gã khổng lồ ngành công nghệ ở Trung Quốc. Một số tập đoàn công nghệ lớn đang đua nhau đầu tư vào fintech. Công ty Ant Financial thuộc tập đoàn Alibaba hiện đang điều hành nền tảng thanh toán Alipay - 1 trong 2 nền tảng thanh toán điện tử phổ biến nhất ở Trung Quốc. Trong vài tháng gần đây, công ty này cũng đã thực hiện một loạt các thương vụ mua bán và sáp nhập quan trọng trong đó phải kể đến MoneyGram và helloPay Group.
Mặc dù 60% thương vụ làm ăn đến từ Mỹ, ông Husain vẫn đặt niềm tin và cái nhìn lạc quan vào châu Á. Ông đánh giá cao sự hỗ trợ của chính phủ tại một số thành phố như Dubai và Singapore.
"Ngành fintech ở Mỹ và châu Âu (do) không có sự tham gia của chính phủ. Phần lớn hỗ trợ thông qua hệ sinh thái đầu tư như các công ty cổ phần tư nhân, công ty đầu tư đầu tư mạo hiểm hỗ trợ cộng đồng startup", ông Husain cho biết.
"Nhưng ở những nơi như Dubai và Singapore, chính phủ đóng một vai trò hữu ích trong việc hỗ trợ cộng đồng startup bởi họ vẫn chưa thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư".(CafeF)
--------------------------
Lo ngại dư thừa nguồn cung, giá dầu thế giới giảm
Trong phiên giao dịch ngày 1/5, giá dầu thế giới sụt giảm do nguồn cung trên toàn cầu dư thừa tiếp tục gây áp lực lên thị trường.
Tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 6/2017 giảm 0,49 USD xuống 48,84 USD/thùng. Trong khi dầu Brent giao tháng 7/2017 giảm 0,53 USD xuống còn 51,52 USD/thùng tại London.
Công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes mới cho hay trong tuần kết thúc vào ngày 28/4, số giàn khoan đang hoạt động của Mỹ tiếp tục tăng trong tuần thứ 15 liên tiếp, qua đó làm tăng khả năng sản lượng dầu mỏ của Mỹ sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran ngày 29/4 cho biết các nước trong và ngoài OPEC đã phát đi tín hiệu tích cực về việc gia hạn thời gian thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng, mà trong đó Tehran cũng bày tỏ ủng hộ. OPEC dự kiến sẽ nhóm họp trong tháng này để thảo luận chính sách hỗ trợ “vàng đen” và nếu OPEC nhất trí kéo dài thời gian thực hiện thỏa thuận, các kho dầu dự trữ đang đầy trên toàn cầu có thể vơi bớt vào cuối năm nay.(TTXVN)