Ba doanh nghiệp viễn thông “đua” nhau báo lãi khủng
Các nhà mạng vẫn lãi khủng trong năm 2015 - Ảnh: Ngọc Thắng
Tại hội nghị của Bộ Thông tin - truyền thông về triển khai nhiệm vụ năm 2016, diễn ra sáng nay 31.12, ba doanh nghiệp viễn thông “đua” nhau báo lãi khủng.
Ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT cho hay, tổng lợi nhuận của tập đoàn năm 2015 dự kiến đạt 3.280 tỉ đồng, vượt 11,7% kế hoạch, tăng 20% so với thực hiện năm 2014. Tính đến thời điểm hiện tại VNPT đạt 33,7 triệu thuê bao, trong đó thuê bao di động VinaPhone là 29,7 triệu, tăng 3,3 triệu thuê bao so với cuối năm 2014.
Báo cáo của ông Lê Nam Trà - Tổng Giám đốc MobiFone cũng cho thấy, năm 2015 thuê bao phát triển mới của MobiFone đạt 15 triệu vượt 33,6% kế hoạch đặt ra và tăng trưởng 53,56% so với năm 2014. Tổng doanh thu pháp lệnh ước đạt 36.900 tỉ đồng, đạt 101,3% kế hoạch năm, tăng trưởng 8,29% so với năm 2014; lợi nhuận năm 2015 ước đạt 7.395 tỉ đồng, đạt 101,3% kế hoạch, tăng trưởng 1,1% so với năm 2014.
Vẫn giữ được vị trí đứng đầu so với năm ngoái, theo Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, năm nay doanh thu toàn tập đoàn đạt 240.000 tỉ đồng, tăng trưởng 20%. Lợi nhuận đạt 45.600 tỉ đồng, tăng 13,5%, nộp ngân sách 37.000 tỉ đồng, tăng 60%.
Năm 2015, Viettel tăng thêm 6 triệu thuê bao, lũy kế toàn mạng 72,9 triệu thuê bao. Trong đó, trong nước tăng thêm 6,8 triệu thuê bao, lũy kế toàn mạng 56,4 triệu thuê bao; nước ngoài tăng thêm 4,5 triệu thuê bao, lũy kế toàn mạng 17,1 triệu thuê bao. Viettel đang phát triển kinh doanh tại 10 quốc gia với thị trường 270 triệu dân, trong đó 6 nước đã có lãi.
Thao túng giá, bị phạt hơn 700 triệu đồng
Hôm 31.12, Ủy ban chứng khoán Nhà nước công bố xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Thanh Hữu (Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) tổng số tiền 705 triệu đồng.
Theo đó, phạt ông Hữu 600 triệu đồng vì đã sử dụng 3 tài khoản để giao dịch tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu của Công ty cổ phần CMISTONE (CMI) trong khoảng thời gian từ 26.9.2013 đến 13.1.2014. Đây là mức phạt kịch khung đối với hành vi thao túng thị trường theo quy định.
Ủy ban còn phạt 62,5 triệu đồng vì ông Hữu sử dụng 2 tài khoản khác giao dịch mua bán cổ phiếu CMI nhằm che giấu quyền sở hữu thực sự để trốn tránh nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định. Ông Hữu còn bị phạt thêm 42,5 triệu đồng vì thực hiện giao dịch chứng khoán không đúng theo quy định pháp luật.
Cùng ngày, Ủy ban cũng ra quyết định xử phạt 62,5 triệu đồng đối với ông Nguyễn Văn Hùng (Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội) vì đã sử dụng tài khoản đứng tên người khác giao dịch mua bán cổ phiếu CMI nhằm che giấu quyền sở hữu thực sự đối với cổ phiếu CMI để trốn tránh nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định.
Lock&Lock Việt Nam sẽ đầu tư thêm nhà máy vào năm 2016
'Năm 2015, chúng tôi phấn đấu đạt mức doanh thu 100 triệu USD tại thị trường Việt Nam, tăng 25% so với 2014, trong đó 80% sản lượng dành cho xuất khẩu', ông Im Kwang Bin, Tổng Giám đốc Nhà máy Lock&Lock Việt Nam cho biết.
Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2008, hiện tại Lock&Lock có 4 nhà máy sản xuất quy mô lớn tại Việt Nam. Khởi điểm là nhà máy sản xuất nhựa tại Đồng Nai, được hoàn thành và đưa vào hoạt động từ năm 2009, có diện tích 70,000 m2. Tiếp theo là cụm 3 nhà máy tại Bà Rịa-Vũng Tàu, bao gồm nhà máy thủy tinh chịu nhiệt (150,116 m2), nhà máy nồi chảo (35,000 m2) và nhà máy nhựa (46,566 m2). Với mục tiêu dùng thị trường Việt Nam làm trung tâm sản xuất tại khu vực Đông Nam Á để phục vụ cho xuất khẩu, hiện hơn 80% các sản phẩm của Lock&Lock được xuất sang 117 nước trên thế giới.
Hiện tại, Lock&Lock đang xây dựng trung tâm vận chuyển hàng hóa tại Long Hậu (Long An) với tổng diện tích 5 hecta, dự kiến sẽ hoàn thành trong đầu năm 2016. Ngoài ra, Lock&Lock cũng có dự định mở rộng và xây dựng thêm nhà máy sản xuất gốm sứ tại Bà Rịa-Vũng Tàu, với diện tích 9 hecta.
Theo chiến lược phát triển của công ty, Lock&Lock sử dụng các kênh phân phối như siêu thị, trung tâm thương mại, B2B (công ty tới công ty), F2C (nhà máy tới khách hàng) để có thể đưa sản phẩm đến nhiều phân khúc người tiêu dùng. Dự kiến, các kênh phân phối trực tuyến và TV Shopping cũng sẽ được triển khai mạnh mẽ trong năm 2016.
Công nhân kiểm tra lại thành phẩm trước khi đóng nắp tại nhà máy Lock&Lock ở Bà Rịa-Vũng Tàu
Mới đây, ông Chun Hae Woo, Tổng Giám đốc Lock&Lock Việt Nam cho biết, để vươn tới mục tiêu trở thành thương hiệu số 1 thế giới vào năm 2020, Tập đoàn sẽ tiếp tục thực thi chiến lược đa dạng hóa các dòng sản phẩm. Cụ thể, từ một sản phẩm, Tập đoàn có thể tạo ra hàng trăm sản phẩm nhà bếp khác nhau, như nồi, chảo, bình giữ nhiệt; từ một chất liệu chính là nhựa, Lock&Lock có hàng trăm sản phẩm bằng nhiều vật liệu cao cấp như thủy tinh, sứ, thép không gỉ... Trung bình cứ 2-3 tuần, Lock&Lock lại có một sản phẩm mới nên khách hàng sẽ không cảm thấy nhàm chán vì luôn có lựa chọn mới.
Saigontourist đạt doanh thu 3.450 tỉ đồng
Ông Võ Anh Tài, Tổng giám đốc Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho biết năm 2015 công ty đạt doanh thu chuyên doanh lữ hành 3.450 tỉ đồng, tăng trên 300 tỉ đồng so với năm 2014.
Trong năm 2015, Saigontourist phục vụ hơn 710.000 lượt du khách trong nước và quốc tế.
Bước vào năm 2016, chỉ trong tháng 1 Saigontourist sẽ phục vụ hơn 32.000 du khách. Đặc biệt, đúng vào ngày 1.1 công ty tiếp đón nhóm du khách quốc tịch Áo đến “xông đất” VN, tham quan Hà Nội và hành trình khám phá miền Bắc.
Các đoàn khách quốc tế của Saigontourist đến VN vào dịp năm mới 2016 thuộc nhiều quốc tịch như châu Âu, Mỹ, châu Á, Úc... theo đường hàng không, đường biển và đường sông, tham gia các chương trình tham quan, khám phá phong cảnh thiên nhiên, di sản văn hóa - lịch sử, thưởng thức văn hóa ẩm thực tại hầu hết các điểm đến du lịch nổi tiếng của VN.
Riêng lĩnh vực du lịch tàu biển, ngày 31.12 Saigontourist đón 800 khách tàu SuperStar Libra đến tham quan Hạ Long.
9 mặt hàng giảm thuế nhập khẩu từ đầu năm 2016
Từ ngày 1.1.2016, có 9 mặt hàng nhập khẩu (NK) vào VN được giảm thuế theo cam kết WTO.
Theo Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2016 do Bộ Tài chính ban hành, các mặt hàng được giảm thuế NK như cá đông lạnh (trừ phi lê cá) và các loại thịt khác giảm từ 18% xuống 16%; 8 mặt hàng ô tô với mức giảm từ 2% đến 4% gồm xe ô tô có nội thất được thiết kế như căn hộ, xe dung tích xi lanh trên 2.500 cc, xe loại dung tích xi lanh trên 3.000 cc, xe ô tô (kể cả xe chở người có khoang chở hành lý chung), SUV và xe thể thao nhưng không kể xe van...
Nếu tính theo kim ngạch NK những mặt hàng này năm 2014 thì việc giảm thuế nêu trên sẽ làm giảm số thu thuế là 3,54 triệu USD, tương đương khoảng 76,5 tỉ đồng. Bên cạnh đó, một số mặt hàng cũng được điều chỉnh thuế NK như các mặt hàng chất chiết xuất, tinh chất và chất cô đặc từ cà phê, chè và các chế phẩm có thành phần cơ bản từ các sản phẩm này được điều chỉnh giảm từ 40% xuống 30%; khô dầu đậu tương từ 0% lên 2%; màng BOPP từ 5% lên 6%; mặt hàng sợi từ polyeste tăng từ 0% lên 3%...
(
Tinkinhte
tổng hợp)