Malaysia xem xét đình chỉ khai thác bauxite
Một mỏ khai thác bauxite ở bang Pahang (Malaysia) - Ảnh: AFP
Ngày 2.1, Reuters dẫn nguồn tin chính phủ Malaysia cho hay nước này đang cân nhắc đóng cửa các mỏ bauxite và đình chỉ mọi dự án khai thác trước những quan ngại về môi trường.
Ngành khai thác bauxite ở Malaysia đang phát triển nhanh chóng, đặc biệt tại bang Pahang nằm giáp Biển Đông, nhờ nhu cầu cao từ Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia tỏ ra lo ngại vì cho rằng công tác quản lý còn lỏng lẻo và những tác động xấu đối với môi trường.
Hồi đầu tuần, sau đợt mưa lớn kéo dài, cả một dải bờ biển và nhiều con sông ở Pahang đã bị nhuộm đỏ. Thủ tướng Najib Razak đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên nhanh chóng làm việc với lãnh đạo địa phương.
Theo nguồn tin nói trên, chính phủ muốn đình chỉ khai thác cho đến khi các quy định mới về cấp phép và bảo vệ môi trường được triển khai. Nhu cầu về bauxite Malaysia tăng mạnh sau khi Indonesia ra lệnh cấm xuất khẩu loại khoáng sản này vào đầu năm 2014, buộc Trung Quốc phải tìm kiếm những nguồn cung khác.
Theo Reuters, từ tháng 1 - 11.2015, Malaysia xuất khẩu 20 triệu tấn bauxite sang Trung Quốc, tăng gần 700% so với năm 2014.
Tỷ lệ nhà đầu tư thứ cấp quay lại tăng gấp 3 lần
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 2.1, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết tỷ lệ nhà đầu tư thứ cấp trong bất động sản quay trở lại trong năm 2015 tại TP.HCM tăng gấp 3 lần so với 2014.
Cụ thể, năm 2014, nhà đầu tư thứ cấp quay trở lại chỉ tăng 5% so với 2013, trong năm 2015 đã tăng 15%. Cá biệt, có những dự án nhà đầu tư thứ cấp quay trở lại tăng đến 20%. Ông Châu nhận định, nếu sự quay trở lại này được đầu tư từ tiền của cá nhân hơn 50%, còn lại là vay thì yên tâm, nhưng theo HoREA các nhà đầu tư thứ cấp quay lại có vốn vay chiếm 70 - 80%.
“Đầu tư thứ cấp lại vay với tỷ lệ lớn như vậy tiềm ẩn nhiều rủi ro. Với các nhà đầu tư thứ cấp rồi cho thuê, thị trường hoàn toàn yên tâm, nhưng đầu tư kiểu vốn ít, như lướt sóng để bán lấy lãi thì rất đáng quan ngại và rủi ro lớn nhất của đầu tư kiểu đầu cơ là bong bóng bất động sản”, ông Châu nhấn mạnh.
Rút ngắn thời gian đăng ký giao dịch cổ phiếu
Từ đầu năm 2016, các doanh nghiệp (DN) nhà nước cổ phần hóa trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo xác nhận kết quả chào bán của Ủy ban Chứng khoán (CK) nhà nước phải hoàn tất thủ tục đăng ký CK tại Trung tâm lưu ký CK và đăng ký trên UPCoM.
Đây là nội dung theo Thông tư 180/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký giao dịch CK chưa niêm yết do Bộ Tài chính ban hành. Quy định mới này đã rút ngắn thời gian DN phải đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch, so với quy định trong thời hạn 1 năm trước đây. Bên cạnh đó, thông tư cũng quy định DN chào bán CK ra công chúng phải thực hiện đăng ký giao dịch trên UPCoM trong vòng 30 ngày (thay vì thời hạn 1 năm); CK hủy niêm yết phải đăng ký giao dịch trong vòng 10 ngày (quy định cũ là 30 ngày).
Trong khi đó, theo quy định mới tại Thông tư 155 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc công bố thông tin trên thị trường CK cũng có hiệu lực từ đầu năm 2016, việc gia hạn báo cáo tài chính hằng quý là 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý thay cho 45 ngày như trước đây. Đồng thời, việc giải trình các biến động trong chỉ tiêu tài chính, công bố thông tin bất thường đều phải thực hiện trong thời hạn 24 giờ thay vì quy định 72 giờ như trước đây, nhằm đảm bảo tính kịp thời của thông tin. Ngoài ra, Thông tư 155 cũng bổ sung yêu cầu công ty đại chúng phải công bố thông tin liên quan đến phát triển bền vững nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng cường trách nhiệm của công ty đối với môi trường và xã hội (nội dung này được đưa vào mẫu báo cáo thường niên hoặc lập riêng thành báo cáo phát triển bền vững).
Xuất khẩu cá tra gặp khó
Bộ NN-PTNT cho biết năm 2015 sản lượng cá tra các tỉnh vùng ĐBSCL tăng nhẹ 0,4% so với năm trước.
Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn gặp rất nhiều khó khăn, do hạn chế về kỹ thuật chăn nuôi, chế biến cũng như tiêu thụ; chi phí sản xuất trong nước cao dẫn đến sản phẩm xuất khẩu kém cạnh tranh. Đáng lưu ý, do gặp khó khăn trên nhiều thị trường truyền thống, các doanh nghiệp xuất khẩu lại chạy theo số lượng, chuyển hướng sang những thị trường yêu cầu chất lượng sản phẩm thấp và giá bán thấp hơn. Điều này càng gây sức ép lên giá nguyên liệu trong nước.
Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), năm 2016 xuất khẩu cá tra sẽ tiếp tục giảm khoảng 5% so với năm 2015, tương đương khoảng 1,5 tỉ USD. Việc Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá và chương trình thanh tra cá da trơn là nguyên nhân làm xuất khẩu tiếp tục sụt giảm vì Mỹ là một trong những thị trường chính của sản phẩm cá tra của VN. Bên cạnh đó, người tiêu dùng trên thế giới còn có nhiều sự lựa chọn tương đồng khác ngoài sản phẩm cá tra như: cá tuyết, cá rô phi, cá minh thái...
Logistics Vinalink khiếu nại bị phạt và truy thu hơn 5 tỉ đồng tiền thuế
Công ty CP Logistics Vinalink (VNL) vừa công bố trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM việc đang tiến hành khiếu nại các khoản thuế liên quan đến hợp đồng hợp tác kinh doanh thuộc kỳ khai thuế 2015 nhưng đoàn Thanh tra Cục Thuế TP.HCM đưa vào kỳ khai thuế 2014 để xác định truy thu, phạt hành chính với số tiền hơn 5 tỉ đồng.
Cụ thể, vào ngày 31.12.2015, Cục Thuế TP đã ký quyết định xử phạt hơn 735 triệu đồng vì kê khai sai, truy thu thuế giá trị gia tăng 2014 hơn 3,6 tỉ đồng, truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 66 triệu đồng, tiền chậm nộp trên số tiền thuế khai thiếu là 630 triệu đồng.
(
Tinkinhte
tổng hợp)