EU tiếp tục hỗ trợ phát triển du lịch 3 tỉnh miền Trung
EU-Việt Nam tiến tới thỏa thuận thương mại tự do song phương
Lãnh đạo Coca-Cola từ chức vì gian dối
Bổ sung quy định về hình thức phá sản công ty nông lâm nghiệp
Samsung giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ VN
Tin kinh tế đọc nhanh 29-11-2015
- Cập nhật : 29/11/2015
Tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ tăng
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ trên địa bàn đã tăng nhanh trong những tháng gần đây.
Ước đến cuối tháng 10, huy động vốn bằng ngoại tệ tăng 13,84% so với cuối năm 2014 trong khi tiết kiệm bằng VND tăng 11,38%. Trong đó, tăng mạnh nhất là thời điểm tháng 8, với mức tăng 7,79% so với tháng 7. Còn tháng 9 tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ tăng 1,75% so với tháng trước.
Theo NHNN TP.HCM, tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ tăng nhanh do tác động từ việc NHNN tăng tỉ giá USD/VND. Tuy nhiên, tiết kiệm ngoại tệ chỉ chiếm tỉ trọng 16,03% trong tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn.
Còn tiền gửi bằng VND vẫn chiếm tỉ trọng chủ yếu trong tổng vốn huy động và duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định.
Cuối ngày 26-11, giá bán USD tại các ngân hàng đã đồng loạt đi xuống. Tại Eximbank, giá bán USD giảm 10 đồng, còn 22.520 đồng/USD, trong khi đó giá bán USD tại ACB giảm 20 đồng, còn 22.510 đồng/USD. So với hai ngày trước, giá bán USD tại các ngân hàng đã giảm khoảng 20 đồng/USD.
Vỡ hụi tiền tỷ làm rúng động Cà Mau
Ngày 26/11, Cơ quan CSĐT Công an huyện U Minh (Cà Mau) tiếp nhận hồ sơ vụ vỡ hụi với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng sau khi chủ hụi Lê Bé Chín (52 tuổi, ngụ thị trấn U Minh) bỏ trốn khỏi địa phương. Vỡ hụi tiền tỷ ở các làng quê nghèo: Những cảnh báo chưa bao giờ muộn Cảnh báo từ những vụ vỡ hụi tiền tỷ
Theo ông Nguyễn Minh Cà - Chủ tịch UBND thị trấn U Minh, khoảng một tháng nay, UBND thị trấn liên tiếp nhận đơn tố giác của nhiều người dân cho biết mình là nạn nhân của bà Lê Bé Chín, với tổng số tiền bị người này chiếm đoạt lên đến khoảng 50 tỷ đồng.
Kết quả xác minh ban đầu cho thấy bà Lê Bé Chín đã đứng ra tổ chức nhiều dây hụi có giá trị lớn (khui hụi hàng tháng), kết nạp nhiều “tay em” (hụi viên) tham gia. Trong đó người chơi có cả đại gia, tiểu thương và nông dân ở một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện U Minh. Thoạt đầu, bà Chín chung chi tiền sòng phẳng sau khi tay em hốt hụi, và tổ chức mua lại nhiều chân hụi với lãi suất cao.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 10-2015 vừa qua, chủ hụi này viện lý do bận việc tổ chức đám cưới cho con trai, nên liên tục khất tiền hụi của các hụi viên. Đến ngày 19-11 vừa qua, bà Chín tổ chức tiệc cưới cho con trai, và vào tối cùng ngày thì cả gia đình, kể cả cô dâu mới cũng “biến mất”.
Các bị hại cho biết nhiều ngày trước khi trình báo đến Công an, họ chia nhau để đi tìm chủ hụi nhưng nỗ lực của họ không mang lại kết quả nào.
LG cải tổ lớn ban lãnh đạo sau cơn khủng hoảng smartphone
LG Electronics đã ra thông báo cải tổ ban lãnh đạo của hãng với việc phân chia tổ chức ba vị lãnh đạo cao cấp nhất nhằm đổi mới, vực dậy hãng này sau cơn khủng hoảng kinh doanh điện thoại di động thông minh vừa qua.
LG Electronics đã ra thông báo cải tổ ban lãnh đạo của hãng với việc phân chia tổ chức ba vị lãnh đạo cao cấp nhất nhằm đổi mới, vực dậy hãng này sau cơn khủng hoảng kinh doanh điện thoại di động thông minh vừa qua.
Theo cải tổ ban lãnh đạo LG Electronics, việc quản lý hãng sẽ được phân chia thành 3 lĩnh vực với ông Jo Seong-jin làm Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành (CEO) mảng thiết bị gia dụng và giải pháp không khí (Home Appliances & Air Solutions); ông Juno Cho làm Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành mảng viễn thông di động (Mobile Communications) và ông David Jung, Chủ tịch kiêm giám đốc tài chính (CFO).
Việc tái cấu trúc được LG cho biết là nhằm làm cho mỗi bộ phận cấu thành của hãng trở nên nhanh nhẹn hơn trong việc đáp ứng với điều kiện thị trường.
Theo báo cáo tài chính mới nhất của LG, mảng tivi cũng như thiết bị gia dụng, linh kiện xe ôtô đang là các mảng kinh doanh có hiệu quả. Trong khi đó, mảng kinh doanh điện thoại di động vẫn đang gặp khó khăn.
LG hiện đang tìm mọi cách để vực dậy mảng kinh doanh điện thoại di động sau khi bị sụt giảm tới 34% lợi nhuận ròng trong mùa Hè vừa qua.
Cũng nằm trong kế hoạch tái cơ cấu tập đoàn, LG sẽ được chia thành bốn doanh nghiệp khác nhau gồm giải trí, viễn thông di động, đồ gia dụng và linh kiện xe. Tất cả sẽ được trao nhiều quyền tự chủ sau khi tái cơ cấu.
Các tập đoàn công nghệ cao của Hàn Quốc được chia thành bốn doanh nghiệp con khác nhau - giải trí, viễn thông di động, đồ gia dụng và linh kiện xe - mà tất cả sẽ được trao nhiều quyền tự chủ sau khi tái cơ cấu.
LG không phải là công ty duy nhất đang gặp khó khăn trong mảng kinh doanh điện thoại thông minh. Samsung và Sony cũng đang gặp khó khăn với doanh số bán hàng điện thoại thông minh đi xuống và khiến cho mảng kinh doanh điện thoại di động không còn là lựa chọn an toàn cho việc thúc đẩy lợi nhuận.
Kinh tế tiếp tục phục hồi, tăng trưởng cao hơn cùng kỳ
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hôm nay (27/11), Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11/2015.
Tại phiên họp này, Chính phủ nghe và thảo luận Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2015; dự thảo Nghị định quy định cơ quan thuộc Chính phủ.
Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày tại phiên họp khẳng định trong 11 tháng qua, nền kinh tế nước ta tiếp tục đà phục hồi và đạt kết quả tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; tăng trưởng tín dụng đạt khá, cao hơn tốc độ huy động vốn.
Sản xuất công nghiệp, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Sản xuất nông nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn song vẫn phát triển ổn định.
Tổng cầu và sức mua tăng cao so với cùng kỳ năm trước; khách quốc tế đến nước ta tháng 11 tiếp tục tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước.
Vốn FDI đăng ký và thực hiện đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2014; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện rõ rệt; hoạt động phát triển doanh nghiệp chuyển biến tích cực.
Công tác hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội tiếp tục được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…
“Nếu từ nay đến hết tháng 12/2015 không xảy ra biến động lớn thì các tính toán, dự báo về việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được báo cáo trước Quốc hội, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu.
10 tháng, Việt Nam đầu tư 625 triệu USD ra nước ngoài
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính trong 10 tháng năm 2015, Việt Nam đã có 102 dự án cấp mới đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đăng ký cấp mới là 441,9 triệu USD.
Ngoài ra, còn có 53 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 192,8 triệu USD.
Như vậy, tính cả vốn cấp mới và vốn tăng thêm tính từ đầu năm đến tháng 10 năm nay đạt 625,4 triệu USD.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt vẫn tập trung tại một số thị trường truyền thống, như Lào (9 dự án cấp mới, 9 dự án tăng vốn, tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 126 triệu USD), Campuchia (có 11 dự án cấp mới và 12 dự án tăng vốn, tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 194 triệu USD).
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đầu tư sang Mỹ (18 dự án cấp mới và 4 dự án tăng vốn với tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 102 triệu USD) và Liên bang Nga, Singapore, Đức…
Như vậy, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam gần đây không chỉ tăng trưởng nhanh chóng ở các thị trường truyền thống, mà còn mở rộng sang các quốc gia khác.
Về lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam tập trung đầu tư vào ngành khai khoáng là nhiều nhất (tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 107 triệu USD, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là ngành nông, lâm, ngư nghiệp (tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 106 triệu USD).
Đây là những lĩnh vực đầu tư mà Việt Nam có thế mạnh, tuy nhiên, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam còn đầu tư sang nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác như thông tin, truyền thông, sản xuất điện, bất động sản, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…
Điều này cho thấy tính đa dạng trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam, đồng thời cho thấy xu hướng tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng tăng, chiến lược đầu tư tập trung vào các lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư thấp, khả năng quay vòng vốn nhanh, nhanh chóng đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp.
Nhìn chung, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam đã có tính đa dạng hơn so với thời gian trước, về cả thị trường đầu tư lẫn lĩnh vực đầu tư.