Làm giả hồ sơ, giả mạo chữ ký để chiếm đoạt lô hàng gần 1 triệu USD
Nghiêm cấm doanh nghiệp cung cấp thông tin không chính xác về thị trường BĐS
Thủ tướng giao Bình Phước loại sáu KCN ra khỏi quy hoạch
Ứng dụng chip thương mại đầu tiên của Việt Nam
Đề xuất cấm Uber, GrabTaxi: Chính phủ nói gì?
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 28-11-2015
- Cập nhật : 28/11/2015
Hàng trăm tấn thức ăn chăn nuôi sản xuất “chui”
Cơ quan chức năng đã niêm phong khoảng 200 tấn thức ăn chăn nuôi thành phẩm hiệu Tinomix cùng 16 tấn nguyên liệu đã quá hạn được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Phòng cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an TP.HCM trong ngày 26-11 đã tiếp tục có buổi làm việc với đại diện Công ty TNHH Tino (lô 26E, Khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân) về việc sản xuất thức ăn chăn nuôi không phép.
Trước đó ngày 25-11, PC46 phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đồng loạt kiểm tra bốn địa điểm của Công TNHH Tino và Công ty Menon (Q.Bình Tân), phát hiện Công ty Tino sản xuất hàng loạt sản phẩm thức ăn chăn nuôi nhưng chưa được cấp phép, cùng hàng chục tấn nguyên liệu quá hạn sử dụng.
Cơ quan chức năng đã niêm phong khoảng 200 tấn thức ăn chăn nuôi thành phẩm hiệu Tinomix cùng 16 tấn nguyên liệu đã quá hạn được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ông Nguyễn Đình Ngọc, giám đốc kinh doanh Công ty Tino, thừa nhận việc các sản phẩm chưa được cấp phép sản xuất với lý do từng gửi hồ sơ đăng ký danh mục với Cục Chăn nuôi từ đầu năm 2015 nhưng không được phản hồi (!), đồng thời nói rằng sản phẩm của công ty đạt chất lượng, không sử dụng chất cấm. Tuy nhiên, ông Ngọc từ chối giải thích lượng nguyên liệu quá hạn sử dụng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đến 15/11, bội chi ngân sách ước khoảng 154,9 nghìn tỷ đồng
Tính từ đầu năm đến ngày 15/11, bội chi ngân sách Nhà nước ước khoảng 154,9 nghìn tỷ đồng, mới chỉ bằng 68,5% mức bội chi cả năm mà Quốc hội phê duyệt là 226 nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/11/2015 ước đạt 807 nghìn tỷ đồng, bằng 88,6% dự toán năm.
Trong đó thu nội địa đạt 598,4 nghìn tỷ đồng, bằng 93,7%; thu từ dầu thô 58,4 nghìn tỷ đồng, bằng 62,8%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 145,9 nghìn tỷ đồng, bằng 83,3%.
Trong thu nội địa, một số khoản thu vượt dự toán năm: Thu thuế bảo vệ môi trường đạt 21,1 nghìn tỷ đồng, bằng 163,1% dự toán năm; thu tiền sử dụng đất 49,2 nghìn tỷ đồng, bằng126,1%; lệ phí trước bạ 18,8 nghìn tỷ đồng, bằng 121,9%.
Một số khoản thu đạt khá: Thuế thu nhập cá nhân đạt 49,6 nghìn tỷ đồng, bằng 96,7% dự toán năm; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước ước tính đạt 110,9 nghìn tỷ đồng, bằng 92,8%.
Riêng thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 118 nghìn tỷ đồng, bằng 82,9% dự toán năm; thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước 185,6 nghìn tỷ đồng, bằng 84%.
Trong khi đó, tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/11/2015 ước tính đạt 961,9 nghìn tỷ đồng, bằng 83,9% dự toán năm. Trong đó chi đầu tư phát triển 143,9 nghìn tỷ đồng, bằng 73,8% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 139,5 nghìn tỷ đồng, bằng 73,2%).
Như vậy tính đến 15/11, bội chi ngân sách Ngà nước ước khoảng 154,9 nghìn tỷ đồng.
Các công ty Việt Nam không bán phá giá ống thép carbon
Trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá sản phẩm ống thép cuộc carbon từ 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định:
“Chúng tôi khẳng định, các công ty Việt Nam hoạt động sản xuất kinh doanh theo cơ chế kinh tế thị trường, không nhận trợ cấp từ Chính phủ Việt Nam và không bán phá giá sản phẩm ống thép cuộn carbon vào thị trường Hoa Kỳ.
Việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ quyết định tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng này là không có cơ sở.
Chúng tôi cho rằng Bộ Thương mại Hoa Kỳ cần nhìn nhận và xử lý vấn đề này một cách khách quan, công bằng, trên tinh thần tự do hóa thương mại, phù hợp với các cam kết đa phương và quan hệ kinh tế, thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”.
Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đồng loạt giảm trong tháng 11
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11 của cả nước ước đạt 2,57 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu toàn ngành trong 11 tháng đạt 27,41 tỷ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong số đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 12,74 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2014; giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 6,01 tỷ USD, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Duy chỉ có giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt gần 6,4 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng trong ngành nông nghiệp đều đồng loạt giảm, đặc biệt là các ngành hàng vốn được xem là thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu của ngành như: thủy sản, gạo, càphê…
Giảm mạnh nhất đó là ngành hàng càphê, giảm đến 27,7% về khối lượng và giảm 30,2% về giá trị so cùng kỳ năm 2014. Cụ thể, tháng 11 xuất khẩu càphê ước đạt 85.000 tấn với giá trị đạt 162 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 11 tháng ước đạt 1,13 triệu tấn với tổng giá trị 2,3 tỷ USD.
Hai mặt hàng chủ lực như gạo và thủy sản cũng liên tiếp giảm từ đầu năm tới nay, cụ thể, kim ngạch xuất khẩu gạo giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2014, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 11 ước đạt 593 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 11 tháng qua đạt 6,01 tỷ USD, giảm đến 16,4% so với cùng kỳ năm 2014./.
Khởi tố tổng giám đốc Công ty dược Sapharco
Ông Phạm Anh Kiệt bị khởi tố do liên quan vụ tổ chức làm giả con dấu và giấy tờ nhập khẩu thuốc của Công ty VN Pharma (Q.10).
Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã có quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Anh Kiệt - tổng giám đốc Công ty Dược phẩm Sài Gòn (Sapharco, Q.4, TP.HCM) vì có hành vi giúp sức trong vụ làm giả con dấu và giấy tờ liên quan việc nhập khẩu thuốc của Công ty VN Pharma (Q.10).
Chiều 25-11, sau khi khám xét tại phòng làm việc, Cơ quan An ninh điều tra tiếp tục khám xét nhà riêng của ông Kiệt ở Q.10. Ông Kiệt được cho tại ngoại.
Ông Phạm Anh Kiệt năm nay 52 tuổi, từng làm phó tổng giám đốc Công ty dược phẩm Codupha, tổng giám đốc Công ty dược phẩm Phytopharma.
Đến tháng 2-2014 ông Kiệt về làm tổng giám đốc Công ty dược Sapharco. Ông Phạm Anh Kiệt là một trong bốn cổ đông sáng lập Công ty VN Pharma và là người góp cổ phần khá lớn ở công ty này.
Tháng 9-2014, Cơ quan An ninh điều tra khởi tố vụ án và khám xét Công ty VN Pharma để thu thập tài liệu chứng cứ liên quan tới hành vi buôn lậu của ông Nguyễn Minh Hùng (chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty VN Pharma).
Ngoài ông Hùng bị bắt tạm giam còn có ông Võ Mạnh Cường (Q.7) cũng bị bắt vì có liên quan đến vụ nhập lậu số thuốc trị giá gần 800.000 USD.
Sau đó, Cơ quan An ninh điều tra tiếp tục điều tra mở rộng vụ án “buôn lậu” ở Công ty cổ phần VN Pharma và khởi tố thêm Nguyễn Trí Nhật (40 tuổi, phó tổng giám đốc) và Phan Cẩm Loan (42 tuổi, phó phòng xuất nhập khẩu Công ty VN Pharma) về tội “buôn lậu”, Ngô Anh Quốc (31 tuổi, phó tổng giám đốc) và Lê Thị Vũ Phương (33 tuổi, kế toán trưởng công ty).