Tổng cục Hải quan: Dầu thô xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đột biến
Mặt bằng bán lẻ TP HCM đứng trước áp lực rớt giá mạnh
Nhà đầu tư Singapore dẫn đầu M&A bất động sản
Hàn Quốc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2016 xuống 2,8%
ACB đối mặt với thách thức gì?
Tin kinh tế đọc nhanh 28-11-2015
- Cập nhật : 28/11/2015
Hơn 130 nghìn tỷ đồng chi trả nợ và viện trợ trong 11 tháng
Theo số liệu mới công bố của Tổng cục thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm ngày 15/11/2015 ước tính đạt 807 nghìn tỷ đồng, bằng 88,6% dự toán năm.
Trong đó, thu nội địa đạt 598,4 nghìn tỷ đồng, bằng 93,7%; thu từ dầu thô 58,4 nghìn tỷ đồng, bằng 62,8%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 145,9 nghìn tỷ đồng, bằng 83,3%.
Trong thu nội địa, một số khoản thu vượt dự toán năm như thu thuế bảo vệ môi trường đạt 21,1 nghìn tỷ đồng, bằng 163,1% dự toán năm; thu tiền sử dụng đất 49,2 nghìn tỷ đồng, bằng 126,1%; lệ phí trước bạ 18,8 nghìn tỷ đồng, bằng 121,9%.
Một số khoản thu đạt khá như thuế thu nhập cá nhân đạt 49,6 nghìn tỷ đồng, bằng 96,7% dự toán năm; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước ước tính đạt 110,9 nghìn tỷ đồng, bằng 92,8%.
Riêng thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 118 nghìn tỷ đồng, bằng 82,9%dự toán năm; thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước 185,6 nghìn tỷ đồng, bằng 84%.
Ở chiều ngược lại, tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/11/2015 ước tính đạt 961,9 nghìn tỷ đồng, bằng 83,9% dự toán năm.
Trong đó, chi đầu tư phát triển 143,9 nghìn tỷ đồng, bằng 73,8% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 139,5 nghìn tỷ đồng, bằng 73,2%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính ước tính đạt 676,7 nghìn tỷ đồng, bằng 88,2%; chi trả nợ và viện trợ 132,9 nghìn tỷ đồng, bằng 88,6%.
Chính phủ hướng dẫn về việc mua cổ phần trả chậm
Chính phủ hướng dẫn việc thanh toán tiền cho người lao động mua cổ phần trả chậm tại các doanh nghiệp...
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý tiền bán cổ phần cho người lao động nghèo.
Cụ thể, Phó thủ tướng đồng ý việc thanh toán tiền mua cổ phần trả chậm của người lao động quy định tại Nghị định số 64/2002 và Nghị định số 44/1998 của
Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần theo hình thức sau:
- Đối với người lao động đang làm việc tại công ty cổ phần, người lao động đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác không còn làm tại công ty cổ phần thì được trừ vào tiền cổ tức được chia hàng năm nếu người lao động muốn thanh toán mà hiện tại chưa đủ khả năng thanh toán nợ cho nhà nước. Số tiền trả chậm không phải tính lãi.
- Người lao động mua cổ phần trả chậm thỏa thuận bán lại hoặc trả lại cho nhà nước số cổ phần ưu đãi trả chậm được quy ra từ số tiền trả chậm còn nợ đối với trường hợp người lao động nghèo không muốn thanh toán nốt số tiền còn nợ cho nhà nước.
Công ty cổ phần có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc thanh toán tiền mua cổ phần trả chậm của người lao động. Số tiền thu được từ việc bán cổ phần trả chậm cho người lao động nghèo nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp và Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các công ty mẹ của tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con theo quy định tại Thông tư số 10/2013 của Bộ Tài chính.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện, bảo đảm công khai, minh bạch và tổng hợp tình hình thu hồi nợ của người lao động mua cổ phần trả chậm đến thời điểm 31/12/2015, tiếp tục nghiên cứu để có biện pháp giải quyết nếu vẫn còn tồn tại, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 2/2016.
Ngân hàng Quân đội bổ nhiệm thêm 2 Phó Tổng giám đốc
Ông Hà Trọng Khiêm làm Phó Tổng giám đốc phụ trách khu vực miền Nam còn ông Lê Quốc Minh làm Phó tổng giám đốc phụ trách khu vực miền Trung và Tây Nguyên của MB.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB – MBB) vừa công bố quyết định bổ nhiệm nhân sự cấp cao.
Theo đó, ông Hà Trọng Khiêm, sinh ngày 5/11/1973, hiện là Giám đốc phụ trách kinh doanh khu vực phía Nam, được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc phụ trách khu vực phía Nam của MB.
Đồng thời, MB cũng bổ nhiệm ông Lê Quốc Minh, sinh ngày 30/9/1979, đang là Giám đốc Khối Khách hàng lớn, làm Phó Tổng giám đốc phụ trách khu vực miền Trung và Tây Nguyên của MB.
Ông Lê Quốc Minh ngoài trọng trách ở MB còn được biết đến trong vai trò là chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tài chính Sông Đà kể từ tháng 6/2013. Công ty tài chính này đang tiến hành sáp nhập vào MB.
Thời gian thử thách với ông Khiêm và ông Minh là 6 – 12 tháng hoặc cho đến khi có quyết định mới. Quyết định bổ nhiệm phó tổng giám đốc với cả hai ông từ ngày 26/11/2015.
Như vậy, MB hiện có 10 Phó Tổng giám đốc trong ban điều hành. Tổng giám đốc là ông Lê Công, năm nay 59 tuổi.
Singapore sẽ có 'nhan nhản' tỷ phú vào năm 2020
Theo thống kê trên, ước tính trong 5 năm tới, đảo quốc sư tử sẽ có tổng cộng khoảng 188.000 triệu phú, "vượt mặt" đất nước của các triệu phú -Hồng Kông với mức độ tăng trưởng lên tới 18%. CNN cho biết, cứ 30 người Singapore thì sẽ có 1 triệu phú.
Singapore đang dần trở thành hiện tượng của Châu Á, là miền đất hứa nơi quy tụ nhiều ngân hàng tư nhân nổi tiếng nhất, chất lượng cuộc sống cao và sở hữu thị trường tài chính "trong mơ". Đảo quốc sư tử đã và đang có nhiều chính sách thu hút triệu phú từ khu vực Châu Á "đổ tiền" vào đây, đặc biệt là các triệu phú Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ.
Tại thời điểm hiện tại, Singapore là nơi hội tụ của 154.000 triệu phú với tài sản ròng lên tới 806 tỷ USD. "Lực lượng" triệu phú này chiếm tới 3% dân số của đất nước này. Trong khi đó, "thiên đường triệu phú" Hồng Kông lại sở hữu tới 193.000 triệu phú, con số này lớn hơn con số hiện tại ở Singapore nhiều lần.
Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia kinh tế Oliver Williams, với tình hình chính trị bất ổn tại Hồng Kông cùng với rất các cuộc biểu tình diễn ra, Hồng Kông đang trở nên kém "quyến rũ" đối với giới siêu giàu. Xứ Cảng Thơm có nguy cơ bị người em Singapore vượt mặt trong thời gian tới.
HSBC: Trung Quốc là chìa khóa cho giá dầu
Theo cố vấn kinh tế cao cấp của HSBC – ông Stephen King – giá dầu mỏ trong 15-20 năm qua có tương quan chặt chẽ với sự biến động của nền kinh tế Trung Quốc. Câu chuyện giá dầu không chỉ nằm ở phía cung, mà còn ở phía cầu.
Giá dầu đã giảm 40% sau cuộc họp tháng 11/2014 của OPEC. Tổ chức này đã quyết định tiếp tục bơm dầu vào thị trường để giữ thị phần, khiến các đối thủ có giá cao hơn không cạnh tranh được.
Ông King cho biết các nhà chức trách vẫn chưa đưa ra kết luận về việc Ả Rập Xêut có động thái cố ý giảm giảm giá dầu vào năm 2015 để loại bỏ đối thủ cạnh tranh là dầu đá phiến của Mỹ.
Việc các nước OPEC cắt giảm khai thác dầu mỏ khó có thể tạo ra một sự phục hồi bền vững do sự giảm tốc tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. Ảnh hưởng lớn nhất của việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng chậm lại là giá dầu và các hàng hóa khác giảm mạnh.
Trung Quốc đã trở thành một “chiến trường”, nơi các nhà sản xuất dầu mỏ bảo vệ thị phần của mình trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm. Khi OPEC chuẩn bị nhóm họp vào tuần tới, đã có những dự báo về việc giá dầu có thể sẽ giảm xuống mức khoảng 25 USD/thùng trừ khi có các hành động nhằm ổn định thị trường.
Trong khảo sát của Bloomberg, các nhà kinh tế dự đoán Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2016. Năm 2009, khi các quốc gia phát triển đang chịu thiệt hại nặng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Trung Quốc đã tăng trưởng tới 9%.
Lịch sử không ủng hộ việc OPEC cắt giảm sản lượng khi Ả Rập Xêut – quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và cũng là thành viên chủ chốt của OPEC – đã từng cắt giảm sản lượng vào cuối những năm 1980 nhưng giá dầu vẫn không có tiến triển.