1,5 tỷ USD vốn FDI đã đổ vào bất động sản TPHCM
1,5 tỷ USD vốn FDI đã đổ vào bất động sản TPHCM - ảnh minh họa
Thị trường bất động sản hồi phục là nguyên nhân chính khiến nguồn vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào thị trường bất động sản.
Theo số liệu mới công bố từ Cục thống kê TP Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm đến ngày 15/12, đã có 555 dự án có vốn nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn với vốn đăng ký đạt 2,81 tỷ USD. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản 13 dự án, vốn đầu tư 1,498 tỷ USD (chiếm 53,3%).
Thị trường bất động sản hồi phục là nguyên nhân chính khiến nguồn vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào thị trường bất động sản. Mới đây nhất, Quỹ đầu tư Genesis Global Capital đã cam kết đầu tư 300 triệu USD vào Phúc Khang.
Trước Phúc Khang, Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản An Gia cũng được Qũy đầu tư Creed Group của Nhật Bản ký hợp tác đầu tư, rót 200 triệu đô la Mỹ.Trong tháng 10/2015, Công ty Bất động sản Sơn Kim đã ký hợp tác với Tập đoàn Hong Kong Land để phát triển dự án căn hộ cao cấp The Nassim, phường Thảo Điền, quận 2.
Niềm tin người tiêu dùng Việt Nam lên cao kỷ lục
Theo kết quả khảo sát mới được Ngân hàng ANZ công bố, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tăng 2,5 điểm, đạt 144,8 điểm trong tháng 12. Mức điểm này đã đánh dấu một kỷ lục mới cho chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam kể từ khi bắt đầu khảo sát hồi tháng 1/2014, và cũng là lần đầu tiên chỉ số này đạt mức cao nhất trong khu vực châu Á.
Niềm tin người tiêu dùng Việt Nam cao nhất trong 2 năm.
Niềm tin người tiêu dùng tăng cao do triển vọng nền kinh tế Việt Nam trong 12 tháng và 5 năm tới. Gần 60% người tham gia khảo sát kỳ vọng rằng tình hình tài chính gia đình sẽ tốt hơn vào thời điểm này năm 2016. Xét về dài hạn, tỷ lệ người tiêu dùng tin tưởng tình hình kinh tế Việt Nam ở trạng thái tốt lên đến 66%, tăng mạnh so với tháng trước.
Ông Glenn Maguire - Chuyên gia kinh tế trưởng Khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương của ANZ nhận xét chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tháng này không những là chỉ số cao nhất của năm nay, mà cũng là chỉ số cao nhất trong suốt 2 năm qua. Các câu trả lời của cuộc khảo sát đều cho thấy niềm tin được cải thiện mạnh mẽ hơn hẳn tháng 11, đáng khích lệ nhất là ở các câu hỏi xét về nền kinh tế nói chung và triển vọng tài chính dài hạn.
"Việt Nam đang trên đỉnh cao bước vào năm 2016 với yếu tố hộ gia đình không những là yếu tố ổn định cho sự tăng trưởng, mà quan trọng hơn, đó còn là yếu tố làm nên sự tăng trưởng với tiêu dùng hộ gia đình chiếm 65% GDP. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng cho chúng tôi niềm tin chắc chắn rằng Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế phát triển vượt trội ở châu Á trong giai đoạn 2016 – 2017", vị này cho biết.
Sotrans hợp tác chiến lược với Indo Trần trong mảng Logistics
Sotrans hợp tác chiến lược với Indo Trần trong mảng Logistics
Sotrans với Indo Trần đã ký hợp đồng hợp tác phát triển dịch vụ logistics, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Ngày 17/12 vừa qua, CTCP Kho vận Miền nam (Sotrans – mã chứng khoán STG) đã ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược trong phát triển dịch vụ Logistics với CTCP Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần (ITL).
Nhìn lại thời gian khi SCIC thoái toàn bộ gần 48% vốn tại STG cho các nhà đầu tư khác vào tháng 7/2015 vừa qua, cơ cấu cổ đông của STG đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt, đáng chú ý là sự xuất hiện của Indo Trần – một doanh nghiệp nội địa lớn nhất ngành logistics.
Việc 2 doanh nghiệp trong ngành quyết định hợp tác chiến lược phát triển cho thấy ngành logistics đang dần được tập trung vào những “mối” lớn. Và việc hợp tác phát triển sẽ nâng cao tính cạnh tranh trong lúc thị trường logistics Việt Nam đamg có sự góp mặt của rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài.
Mới đây, cũng liên quan đến việc phát triển mảng Logistics, Sotrans đã nâng tỷ lệ sở hữu tại MHC lên 11,7%. Trước đó, ĐHCĐ MHC đã thông qua việc chọn Sotrans là đối tác chiến lược và chấp thuận cho Sotrans được tăng tỷ lệ sở hữu MHC lên đến 65% mà không cần chào mua công khai.
Bia, rượu, nước giải khát tiêu thụ mạnh
Theo báo cáo mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, trong quý III vừa qua ngành hàng tiêu dùng nhanh tại sáu TP lớn là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang và Đà Nẵng tăng 4,5% (so với 0,9% của quý trước).
Ngành hàng đồ uống gồm bia, nước giải khát, nước uống tăng lực, cà phê chai, cà phê... đóng góp lớn nhất vào sự tăng trưởng của toàn ngành (38%) và đạt mức tăng trưởng 9,9%, chủ yếu nhờ tăng sản lượng.
Ngành hàng đồ uống tăng trưởng ổn định chủ yếu là do đã nắm bắt và đáp ứng rất tốt ba xu hướng nổi bật: sức khỏe, tiện lợi, sáng tạo/đổi mới.
Mặt khác, theo báo cáo của Nielsen, sức khỏe là một yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng Việt. Khi 51% người Việt ưu tiên sử dụng các sản phẩm bổ sung dưỡng chất, 39% người Việt cho biết họ yêu thích các sản phẩm chứa các thành phần tự nhiên và 32% người Việt quan tâm đến các sản phẩm giảm béo/không đường/ít năng lượng.
Làm cao tốc Hà Nội - Vientiane dài hơn 700 km
Ban quản lý dự án 85 vừa báo cáo lên Bộ GTVT 2 phương án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc kết nối Vientiane (Lào) - Hà Nội với tổng mức đầu tư 7,1 tỉ USD hoặc 4,5 tỉ USD.
Theo Ban 85, Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) đã nghiên cứu 7 phương án tuyến đường cao tốc từ Vientiane đến Hà Nội qua các cửa khẩu hiện hữu. Trên cơ sở so sánh hiệu quả, TEDI đề xuất hai phương án kết nối qua cặp cửa khẩu Khẹo (Thanh Hóa) - Tha Lấu (Hủa Phăn) và Thanh Thủy (Nghệ An) - Nậm On (Bolykhămxay).
Thứ nhất, với phương án kết nối qua khu vực cặp cửa khẩu Khẹo - Tha Lấu, tổng chiều dài tuyến từ Vientiane - Hà Nội là 720 km. Giai đoạn hoàn chỉnh đầu tư khoảng 7,1 tỉ USD với quy mô 6 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 80 - 120km/giờ (các đoạn đặc biệt khó khăn áp dụng vận tốc thiết kế 60km/giờ).
Để đảm bảo nguồn vốn đầu tư, đơn vị đề xuất lập dự án cũng phân kỳ đầu tư theo giai đoạn 1 khoảng 200 triệu USD nối thông tuyến đoạn từ Quốc lộ 7 thuộc Xiêng Khoảng đến Hủa Phăn theo tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi của Lào, dài khoảng 160 km; tận dụng một số đoạn tuyến hiện tại như Quốc lộ 13, 21, 1D, 7, đại lộ Thăng Long… phía Việt Nam, đảm bảo mục đích nối thông trong giai đoạn 1 với chiều dài khoảng 842 km. Theo Ban 85, phương án này kết nối thuận lợi với các cửa khẩu dọc theo tuyến cao tốc, các khu vực đặc biệt khó khăn của Lào, ra cảng biển Hải Phòng với chiều dài khoảng 740 km. Tuy nhiên, tuyến đi qua khu vực địa hình đặc biệt khó khăn, phải xây dựng khoảng 10,5 km hầm và 41 km cầu trên tuyến, yếu tố hình học bất lợi (khoảng 25% chiều dài tuyến phải khai thác với tốc độ 60km/h), kinh phí đầu tư lớn hơn phương án qua cửa khẩu Thanh Thủy khoảng 2,58 tỉ USD.
Thứ hai, phương án kết nối qua khu vực cặp cửa khẩu Thanh Thủy - Nậm On, toàn tuyến có chiều dài từ Vientiane - Hà Nội là 707 km. Giai đoạn hoàn chỉnh khoảng 4,52 tỉ USD, đầu tư xây dựng tuyến đường mới với quy mô 6 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 80 - 120km/h. Ưu điểm của phương án này là chiều dài ngắn, địa hình thuận lợi hơn, kết nối thuận tiện với hệ thống cảng biển nước sâu (Nghi Sơn, Cửa Lò, Xuân Hải, Vũng Áng...), kinh phí đầu tư thấp hơn; kết nối thuận lợi ra cảng biển Hải Phòng với chiều dài khoảng 735 km. Nhược điểm của tuyến đường này chỉ đi qua địa phận Thủ đô Vientiane và tỉnh Bolykhămxay, do đó việc kết nối với hệ thống giao thông khu vực không được toàn diện.
Ban 85 đề nghị Bộ GTVT xem xét, báo cáo Chính phủ chấp thuận lựa chọn phương án 2 kết nối đường cao tốc Vientiane - Hà Nội qua cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An) để tiếp tục nghiên cứu.
(
Tinkinhte
tổng hợp)