tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 20-08-2016

  • Cập nhật : 20/08/2016

Úc cương quyết loại nhà thầu Trung Quốc

Bộ trưởng tài chính Úc Scott Morrison ngày 19-8 chính thức khẳng định Canberra sẽ không bán lưới điện Ausgrid cho hai nhà thầu Trung Quốc bất chấp sự chỉ trích và dọa dẫm từ phía Bắc Kinh.

uc lo ngai rui ro voi he thong dieu hanh ky thuat so cua luoi dien - anh: australia financial review

Úc lo ngại rủi ro với hệ thống điều hành kỹ thuật số của lưới điện - Ảnh: Australia Financial Review

Tuần trước, ông Morrison cho biết Tập đoàn State Grid của Trung Quốc và Tập đoàn Cheung Kong Infrastructure (CKI) của Hong Kong sẽ không được tham gia mua lưới điện Ausgrid lớn nhất của nước Úc vì lý do an ninh.

“Sau khi cân nhắc phản ứng của các nhà thầu về quan điểm ban đầu của tôi hồi 11-8, tôi quyết định rằng việc thu mua của các nhà đầu tư nước ngoài... sẽ đi ngược lại lợi ích quốc gia" - Reuters dẫn lời ông Morrison.

Dù ông Morrison không nói rõ các lo ngại an ninh là gì nhưng cựu giám đốc George Maltabarow của Ausgrid cho rằng hạ tầng mạng lưới điện thông minh và rủi ro đối với hệ thống điều hành kỹ thuật số của mạng lưới là điều khiến chính quyền Úc lo lắng.

Việc tư nhân hóa mạng lưới điện Ausgrid là kế hoạch quan trọng của bang New South Wales nhằm tạo nguồn vốn cho các dự án hạ tầng địa phương. Nhà thầu chiến thắng sẽ được thuê 50,4% mạng lưới Ausgrid trong 99 năm.

Lãnh đạo NSW Mike Baird cho biết bang này sẽ bắt đầu lại quy trình và dự kiến chốt được thỏa thuận bán mạng lưới điện trị giá 7,7 tỉ USD này để đưa vào ngân sách năm sau. Tờ Australian Financial Review cho biết hai nhà thầu Trung Quốc và Hong Kong có thể hợp tác với các công ty địa phương với hy vọng có cơ hội thứ hai.

Quyết định bất ngờ của Canberra, chỉ tám tháng sau khi thỏa thuận thương mại tự do Úc-Trung Quốc có hiệu lực, vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của Bắc Kinh trong tuần qua.

Bộ thương mại Trung Quốc vài ngày qua cảnh báo việc Úc thường xuyên ngăn cản các nhà thầu Trung Quốc không chỉ là chủ nghĩa bảo hộ  mà còn có thể khiến đầu tư từ các công ty ở đại lục vào nước này giảm xuống.(TT)


Ấn Độ áp dụng thuế chống bán phá giá sơ bộ cho CRC nhập từ 4 nước

 

Hôm thứ Tư, Bộ Tài chính Ấn Độ đã áp dụng thuế chống bán phá giá sơ bộ cho CRC nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ukraine trong thời gian 6 tháng. Thuế sơ bộ sẽ áp dụng cho thép có mã HS 7209, 7211, 7225 và 7226.

Chiều tối thứ Tư, Cục Thuế thông báo rằng thuế sẽ được áp dụng cho CRC chứa hợp kim và phi hợp kim với tất cả độ dày và rộng- dù không được phủ, mạ hoặc tráng- được nhập khẩu dưới mức giá tham chiếu 594 USD/tấn CFR Mumbai.

Mức thuế được áp dụng sẽ tương đương với chênh lệch giữa giá CFR Mumbai với giá tham chiếu quy định của sản phẩm. Thuế sơ bộ cũng có thể áp dụng cho các sản phẩm CRC được quy định từ bất kỳ nước nào khác được vận chuyển thông qua những nước xuất khẩu nêu trên.

Ngoại trừ CRC loại dùng sản xuất ô tô được nhập từ  Hyundai Steel và Dongkuk Steel Mill (Hàn Quốc).

Thông báo này nêu tên các doanh nghiệp như Posco (Hàn Quốc), JFE Steel và Nippon Steel & Sumitomo Metal Corporation (Nhật Bản), Angang Steel, Zhangjiang Yangtze River Cold Rolled Sheet Co (Trung Quốc), Zaporizhstal Steel (Ukraine).

Nhập khẩu thép của Ấn Độ đã giảm đáng kể từ khi áp dụng giá nhập khẩu tối thiểu hồi tháng 2. Theo số liệu mới đây từ  Joint Plant Committee, trong quý 2 nhập khẩu CRC giảm 49% so với năm ngoái đạt 195.400 tấn.

Thế nhưng người mua trong nước không hề nao núng trước thông báo áp thuế này. “Chúng tôi yên tâm với các sản phẩm CRC được sản xuất trong nước”, đại diện một trung tâm sản xuất thép cuộn có trụ sở chính ở Mumbai cho hay. “Hàng tồn không phải là mối quan tâm, khi các nhà máy Ấn Độ cam kết cung cấp trước 3-4 tháng”, ông giải thích.

Tuy nhiên, nhập khẩu sẽ tiếp tục là một sự lựa chọn khả thi cho một số khách hàng bất chấp thuế. “Chúng tôi sẽ tiếp tục nhập khẩu vì giá tham chiếu quy định không cao hơn đáng kể so với mức giá trong nước hiện nay”, đại diện một trung tâm sản xuất thép cuộn ở nước ngoài cho hay. Ông này khẳng định rằng hầu hết các nhà sản xuất thép ô tô sẽ tiếp tục nhập khẩu CRC để duy trì tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của các hãng sản xuất ô tô nước ngoài.(satthep)


Mía đường gặp khó với biến đổi khí hậu

Không chỉ gặp khó khi cạnh tranh với đường nhập khẩu, ngành mía đường của VN cũng chịu thiệt hại rất lớn do những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

muc do co gioi hoa cua nganh mia duong viet nam con thap nen gia thanh san xuat cao, kho canh tranh voi duong ngoai nhap - anh: huu khoa

Mức độ cơ giới hóa của ngành mía đường Việt Nam còn thấp nên giá thành sản xuất cao, khó cạnh tranh với đường ngoại nhập - Ảnh: HỮU KHOA

Niên vụ mía đường 2015-2016 kết thúc đánh dấu năm thứ hai liên tiếp sản lượng mía đường trong nước sụt giảm sau nhiều năm tăng trưởng, với nguyên nhân chính là hạn hán và xâm nhập mặn.

Sản lượng giảm

Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho biết diện tích mía cả nước trong niên vụ 2015-2016 là 284.000ha, giảm 6,7%, với sản lượng 18,3 triệu tấn, giảm 8%. Tổng lượng mía mà các nhà máy đưa vào chế biến là 13 triệu tấn sản xuất ra 1,5 triệu tấn đường, giảm trên 180.000 tấn (tương đương giảm 10,4%) so với vụ trước và thấp hơn so với kế hoạch đầu năm là 1,56 triệu tấn đường.

Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp sản lượng đường giảm và là lý do để Bộ Công thương đề xuất Chính phủ cho nhập khẩu 200.000 tấn đường trong năm 2016 để bổ sung nguồn cung trong nước.

Trong khi đó, theo Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), không chỉ giảm sản lượng, chất lượng mía cũng giảm rõ rệt. Cụ thể, chữ đường bình quân của mía đưa vào nhà máy chế biến chỉ đạt 9,64 CCS, thấp hơn vụ trước gần 0,56 CCS.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn, sản lượng và chất lượng mía tại khu vực miền Trung - Tây nguyên và miền Nam bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Nhiều chuyên gia cũng dự báo niên vụ 2016-2017 diện tích mía chịu ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn sẽ cao hơn, đặc biệt ở ĐBSCL gây ảnh hưởng lớn đến cả sản lượng và chất lượng mía.

Đây là một thách thức rất lớn đối với ngành mía đường của VN trong thời gian tới bởi trình độ sản xuất mía tại VN vẫn còn tương đối lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, chưa ứng dụng cơ giới hóa trong canh tác và tưới tiêu.

Thay đổi để tồn tại

Theo Cục Trồng trọt, năng suất mía của VN hiện chỉ bằng 90% trung bình của thế giới, chưa nói đến các cường quốc mía đường như Brazil, Úc, Thái Lan, Ấn Độ... Năng suất đường của VN còn thấp hơn, chỉ đạt 5 tấn/ha so với trung bình của thế giới là 6,8 tấn/ha.

Trong khi đó, ngành đường VN đang đối mặt với nhiều khó khăn từ đường nhập khẩu, nhập lậu, chưa kể những tác động từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà VN đã ký kết với các nước đang và sắp có hiệu lực.

Ông Nguyễn Hải, tổng thư ký Hiệp hội Đường VN, cảnh báo ngành đường trong nước chịu tác động trực tiếp từ các FTA đã ký với các nước... Chẳng hạn, thuế suất nhập khẩu đường từ sau năm 2010 chỉ còn 5%.

Ngoài ra, với hiệp định thương mại biên giới Việt - Lào, sản phẩm do Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào nhập về VN được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt: thuế nhập và VAT bằng 0%. “Khả năng cạnh tranh của đường trong nước sẽ chịu nhiều sức ép”, ông Hải khuyến cáo.

Để tăng khả năng cạnh tranh, ông Phạm Hồng Dương, chủ tịch ủy ban mía đường Tập đoàn TTC, cho rằng ngành mía đường VN phải đầu tư vào cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất mía.

Theo ông Dương, nước tưới là yếu tố quyết định trong trồng mía nhưng ngoài khu vực ĐBSCL có nguồn nước tự nhiên thuận lợi, hầu hết các địa bàn còn lại không có điều kiện để tưới bổ sung, cây mía chủ yếu sống bằng nước trời.

Số liệu của Bộ NN&PTNT cũng cho biết diện tích mía được tưới bổ sung tại VN hiện nay chỉ có gần 17.000ha. Trong điều kiện thâm canh bình thường, nước tưới bổ sung sẽ giúp tăng năng suất khoảng 35-50% so với canh tác mía phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời.

Do đó, việc ứng dụng các biện pháp tưới từ công nghệ cao như nhỏ giọt, tưới theo giàn đến tưới tràn sẽ là biện pháp tăng năng suất mía trong thời gian tới, ông Dương khẳng định.

Cũng theo ông Dương, việc áp dụng cơ giới hóa vào khâu làm đất sẽ giảm 25-33% chi phí, chưa kể mức độ cày sâu của đất tăng gấp đôi từ 25-30cm lên 50-60cm, giúp cây mía tăng trưởng nhanh, khỏe mạnh hơn.

Nếu đưa máy thu hoạch mía vào thay chặt bằng tay cũng giúp chi phí giảm một nửa, chưa kể máy sẽ chặt sát gốc hơn nên lượng mía thu được nhiều hơn, giảm thêm công băm lá.

“VN còn dư địa khá lớn để đầu tư vào cơ giới hóa ngành mía đường, nếu làm tốt sẽ có thể đối phó được với đường nhập, thậm chí còn có thể xuất khẩu” - ông Dương nói.(TT)


Hội đồng Quản trị Masan mua lại 20 triệu cổ phiếu quỹ

Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (mã cổ phiếu MSN) vừa công bố nghị quyết Hội đồng quản trị về việc quyết định mua lại 20 triệu cổ phiếu quỹ. 

Công ty cũng phát hành báo cáo tài chính sáu tháng đầu năm 2016 được Công ty Kiểm toán KPMG soát xét, xác nhận báo cáo của Ban điều hành về kết quả kinh doanh tăng trưởng kỷ lục đã được thông báo vào cuối tháng 7. Trên cơ sở kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm 2016, dự báo lợi nhuận của công ty được điều chỉnh tăng lên 25%.

Theo báo cáo tài chính đã được soát xét, trong sáu tháng đầu năm 2016, doanh thu thuần của công ty tăng 83,8%, lợi nhuận sau thuế và lợi ích cổ đông thiểu số tăng gần gấp ba so với cùng kỳ năm 2015. 

Nhờ tốc độ tăng trưởng, Masan vẫn theo đúng lộ trình trên đà đạt 2 tỉ USD doanh thu thuần cho năm 2016. Do đó, Masan cũng đã điều chỉnh tăng dự báo cả năm cho lợi nhuận sau thuế và cổ đông thiểu số tăng thêm 25% đạt 2.400 tỉ đồng. Như vậy, mức tăng trưởng lợi nhuận khoảng 60% so với năm 2015. 

Số dư tiền hợp nhất của Masan vào ngày 30-6-2016 đạt 12.863 tỉ đồng, bao gồm tiền mặt và các khoản tương đương tiền, đầu tư ngắn hạn và các tài sản sinh lãi khác. Masan hiện sở hữu và quản lý các nền tảng hoạt động kinh doanh thành công hàng đầu trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế đang phát triển tích cực của Việt Nam.

Kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ là một trong những phương thức sử dụng lượng tiền mặt lớn mà công ty đang nắm giữ. Công ty đang thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về việc mua lại cổ phiếu quỹ.

Tập đoàn Masan là một trong những công ty hàng đầu của Việt Nam, tập trung vào các cơ hội tăng trưởng cao trong ngành tiêu dùng: thực phẩm, đồ uống và trong chuỗi giá trị dinh dưỡng.

Tập đoàn Masan bao gồm Masan Consumer Holdings, sở hữu các thương hiệu được ưa thích nhất Việt Nam trong ngành hàng thực phẩm và đồ uống (Chin-su, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Omachi, Kokomi, Vinacafe, Wake-up, Vĩnh Hảo và Sư Tử Trắng) và Masan Nutri-Science là công ty với lĩnh vực kinh doanh nằm trong chuỗi giá trị dinh dưỡng lớn nhất của Việt Nam (với các thương hiệu Proconco và Anco). Các mảng kinh doanh khác của Tập đoàn Masan bao gồm Masan Resources, một trong những nhà sản xuất vonfram và khoáng chất công nghiệp chiến lược lớn nhất thế giới và ngân hàng Techcombank, là ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu tại Việt Nam.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục