Nhà đàm phán 11 nước họp bàn về TPP mà không có Mỹ; Người Việt uống cà phê Starbucks đắt thứ 3 thế giới; Hãng hàng không quốc gia Italy phá sản; Người Trung Quốc thành cổ đông lớn nhất của Deutsche Bank
Tin kinh tế đọc nhanh 20-08-2016
- Cập nhật : 20/08/2016
Dự báo năm 2016 quy mô M&A tại Việt Nam có thể đạt 6 tỷ USD
7 tháng đầu năm 2016, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam lên tới gần 3,5 tỷ USD. Dự báo năm 2016 quy mô M&A tại Việt Nam có thể đạt mức 600 thương vụ với tổng giá trị 6 tỷ USD, phá kỷ lục của năm 2015.
Con số trên được đưa ra trong Diễn đàn Mua bán - sáp nhập (M&A) doanh nghiệp thường niên lần thứ 8 - năm 2016 do Báo đầu tư phối hợp với Công ty AVM Việt Nam tổ chức ngày 18/8.
Thực tế, năm 2015, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đã đạt mốc kỷ lục 5,2 tỷ USD và trong 7 tháng đầu năm 2016, ước tính con số này đã lên tới gần 3,5 tỷ USD. Dự báo năm 2016 quy mô M&A tại Việt Nam có thể đạt mức 600 thương vụ với tổng giá trị 6 tỷ USD, phá kỷ lục của năm 2015.
Bên cạnh sự bùng nổ về quy mô, năm 2015 và nửa đầu năm 2016 đã xuất hiện những thương vụ M&A có giá trị lên tới hàng tỷ USD và có tác động quan trọng đến nhiều ngành, lĩnh vực và nền kinh tế nói chung.
Cụ thể, thị trường M&A đang đón nhận làn sóng đầu tư từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ… đổ vào Việt Nam nhằm đón đầu, tận dụng cơ hội từ quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng.
Diễn đàn cũng đưa ra những thông tin khá chi tiết cho nhà đầu tư cũng như DN biết rằng trong thông gian kinh tế mở, cơ hội đầu tư đang mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng, công nghiệp, bất động sản, nông nghiệp …
Theo đó, các DN trong nước có thể chuẩn bị nội lực nhằm cạnh tranh thu hút các dòng vốn ngoại cũng như cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, các DNNN cũng có cơ hội lớn để thực hiện các mục tiêu thoái vốn, cổ phần hóa…
Nhìn chung, hoạt động M&A đóng một vai trò quan trọng không chỉ đối với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế mà với hoạt động thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Và giới chuyên môn dự báo các thương vụ M&A sẽ tiếp tục bùng nổ ở những tháng còn lại của năm cũng như giai đoạn 2016-2020 vì môi trường đầu tư tại Việt Nam đang ngày càng thuận lợi.(TBNH)
Thâu tóm mang tính thù địch đã xuất hiện tại Việt Nam
Đã có sự xuất hiện của những thương vụ sáp nhập, hợp nhất mang tính chất thù địch, sự thiếu minh bạch trong thực hiện nghĩa vụ thuế.
Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2016 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo Đầu tư tổ chức chiều 18-8, ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận xét các chuyển động chính sách gần đây như Luật đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014 bắt đầu đi vào cuộc sống sau 1 năm có hiệu lực và hàng chục nghị định quy định chi tiết thi hành các luật mới này đã được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, đang tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều giấy phép con được bãi bỏ, lĩnh vực đầu tư kinh doanh có điều kiện được thu hẹp, các quy định về điều kiện kinh doanh minh bạch hơn.
Chính phủ mới cũng đang thực hiện quyết liệt chương trình tái cơ cấu, cổ phần hóa nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, tăng tỉ lệ vốn bán ra, tiếp tục thực hiện lộ trình thoái vốn ngoài ngành…
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong những năm qua hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) tại Việt Nam không ngừng gia tăng. Mặc dù số liệu thống kê chưa thống nhất, song ước tính tổng giá trị các thương vụ M&A trong 5 năm qua đạt 18 tỉ USD và riêng 7 tháng đầu năm nay đã vượt con số 3,2 tỉ USD.
Hoạt động M&A diễn ra sôi động ở hầu hết các lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng, bất động sản… trở thành một kênh huy động vốn, một hình thức đầu tư và là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp và nền kinh tế.
Dù vậy, hoạt động M&A vẫn đang gặp những rào cản khi luật pháp, chính sách còn bất cập, quy mô chưa tương xứng với tiềm năng và xu hướng thâu tóm triệt tiêu thương hiệu nội địa. Đã có sự xuất hiện của những thương vụ sáp nhập, hợp nhất mang tính chất thù địch, sự thiếu minh bạch trong thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, cũng như trong quá trình định giá và công bố thông tin…
"Nhà đầu tư quan tâm đến sự ổn định và sự tăng trưởng của nền kinh tế ở các quốc gia. Nhưng cũng có thách thức là chất lượng của các doanh nghiệp. Chúng ta phải tìm ra nhà đầu tư chiến lược hoặc chỉ là nhà đầu tư tài chính, muốn vậy doanh nghiệp phải biết thuyết phục" - Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương đánh giá.
Ông John Ditty, Phó Tống giám đốc điều hành KPMG Việt Nam, nhận định thị trường M&A Việt Nam đã thay đổi rất nhiều trong những năm qua từ quy mô đến độ phức tạp. Với thị trường Việt Nam, điều nhà đầu tư nước ngoài cần là những công ty có chất lượng, đồng thời, khi có nhiều nhà đầu tư ngoại tham gia sẽ giúp DN có cơ hội cải thiện bản thân và nâng tầm hơn.
Theo đó, sẽ có nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập bùng nổ trong thời gian tới ở lĩnh vực bán lẻ, địa ốc, hàng tiêu dùng, đặc biệt là dưới sự tác động của hội nhập. Đồng thời, hội nhập cũng giúp Việt Nam trở thành nguồn cung hàng hóa trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại. Các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam sẽ giúp các doanh nghiệp nâng quy mô, nâng sức cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu.
“Gần đây, có nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam đến từ các tập đoàn Thái Lan. Nhưng điều này không có nghĩa doanh nghiệp Việt không thể qua Thái Lan mua bán, sáp nhập với các doanh nghiệp của nước họ. Triển vọng của M&A là rất lớn không chỉ trong thị trường nội địa mà cả khu vực nên doanh nghiệp Việt cần nắm bắt” – ông John Ditty nói.(NLĐ)
Lối đi nào cho doanh nghiệp Việt vào thị trường Trung Đông – Châu Phi?
Thị trường Trung Đông – Châu Phi là đối tác thương mại tiềm năng của Việt Nam, là thị trường duy nhất mà chúng ta xuất siêu trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, hướng đi trong sự cạnh tranh quốc tế và đa dạng hóa cơ hội ở thị trường này vẫn là một bài toán của các doanh nghiệp Việt.
Nhận định tại Hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Đông – Châu Phi của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức vừa qua, các chuyên gia kinh tế cho rằng, với diện tích và dân số tương đối lớn, Trung Đông – Châu Phi là khu vực có nhu cầu nhập khẩu cao, trong đó, nhiều mặt hàng phù hợp với những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Cùng với đó, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 70 quốc gia trong khu vực này. Điều đó cho thấy cơ hội mở rộng thị phần của hàng hóa Việt Nam là rất lớn.
Trong bối cảnh các thị trường khác còn nhiều khó khăn, nhưng những mặt hàng thuần Việt xuất khẩu vẫn tăng trưởng tại Trung Đông – Châu Phi. Điều này được thể hiện qua việc hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này ngày càng phong phú, đa dạng. Bên cạnh những mặt hàng truyền thống như: gạo, cà phê, hồ tiêu, giầy da,... còn xuất hiện nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao như: linh kiện điện tử, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng,…
Phát biểu tại Hội thảo, ông Ngô Khải Hoàn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) khẳng định: Các nước thuộc khu vực Trung Đông – Châu Phi có nhu cầu nhập khẩu lớn về thủy sản, lương thực – thực phẩm, hàng tiêu dùng,… Bên cạnh đó là nhu cầu về chất dẻo nguyên liệu, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, khí đốt, máy móc thiết bị,… từ các nước Trung Đông.
Theo thống kê từ Cục xúc tiến thương mại, năm 2015, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Đông khoảng 5,648 triệu USD mặt hàng điện thoại di động và linh kiện, chiếm 63,5% tổng kim ngạch xuất khẩu tới khu vực này. Đây là những mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam và đang có chiều hướng gia tăng.
Tuy nhiên, với 40% dân số châu Phi theo đạo Hồi nên nhiều sản phẩm vấp phải các rào cản. Điển hình như các sản phẩm giết mổ của Việt Nam khi xuất sang phải phù hợp với các thủ tục quy định của đạo Hồi và phải có giấy chứng nhận Halal. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh về chất lượng cũng như giá cả với các mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia,… cũng là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp Việt.
Tuy là một khu vực còn nhiều bất ổn trong vấn đề an ninh, chính trị kèm theo rào cản kỹ thuật, bảo hộ thị trường trong thương mại nhưng trước mối quan hệ ngoại giao lâu dài cùng yếu tố thuận lợi trong sự tiêu thụ các hàng hóa tại thị trường Trung Đông – Châu Phi, các chuyên gia cho rằng cần có sự vào cuộc đồng bộ từ Cơ quan quản lý Nhà nước, Hiệp hội ngành hàng đến các doanh nghiệp.
Theo ông Lê Thái Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp phải đánh giá lại chiến lược phát triển của mình để có thể đẩy mạnh xúc tiến thương mại sang thị trường Đông Âu – Châu Phi. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu kỹ về văn hóa và xã hội các nước Trung Đông - châu Phi để có những sản phẩm phù hợp, đáp ứng được yêu cầu đặc trưng từ thị trường.
Đối với những doanh nghiệp mới bắt đầu bước vào thị trường quốc tế, khi lên kế hoạch cho chiến lược phát triển các thương hiệu của mình thì việc quan trọng là cần phải đăng kí thương hiệu ở cả trong và ngoài nước, ông Nguyễn Liên Phương, Giám đốc Học Viện Doanh Nhân Việt Nam chia sẻ.
Theo ông Phương, khi đã có được chiến lược dài hạn cho việc phát triển sản phẩm lẫn thương hiệu cùng với sự liên kết chặt chẽ với các cơ quan có liên quan thì khả năng khai thác thị trường Trung Đông - Châu Phi sẽ hiệu quả và đa dạng hơn rất nhiều.
Cựu chủ tịch Fed: Lãi suất Mỹ sẽ tăng sớm và nhanh hơn mọi người tưởng
Mặc dù phiên họp tháng 7 của Fed đã kết thúc mà không đưa ra được bất kỳ hy vọng nào cho việc tăng lãi suất, cựu chủ tịch Fed với kinh nghiệm của mình vẫn quả quyết cho rằng Fed sẽ sớm tăng lãi suất với tốc độ nhanh hơn mọi người tưởng.
Báo cáo kết quả phiên họp tháng 7 của Fed vừa được tung ra ngày hôm qua cho thấy phía này vẫn cứng rắn với khả năng tăng lãi suất ít nhất là tới tháng 9. Tuy nhiên, cựu chủ tịch Fed - Alan Greenspan lại dự đoán rằng Fed sẽ tăng lãi suất sớm, thậm chí có thể tăng nhanh.
"Tôi không cho rằng chúng ta có thể duy trì mức lãi suất như hiện nay lâu hơn được nữa", trao đổi với chủ tịch Uỷ ban chứng khoán và thị trường tại chương trình Bloomberg Radio, ông Greenspan cho biết.
"Họ cần phải tăng lãi suất và khi đó chúng ta có thể sẽ bị bất ngờ bởi tốc độ tăng nhanh hơn mọi người tưởng". Cựu chủ tịch Fed bổ sung.
Lợi suất trái phiếu 10 năm ngày hôm nay đã chững lại ở khoảng 1,55%, giảm từ mốc 2,27% hồi đầu năm.
Greenspan tiếp tục khẳng định lại mối bận tâm mà lúc trước ông đã từng đề cập. "Những dấu hiệu đầu tiên của sự giảm phát đang trở nên quá rõ ràng với chi phí lao động bắt đầu tăng cùng với tần suất tăng cung tiền ngày càng dày đặc". Ông nói.
Bên cạnh đó, cựu chủ tịch Fed cũng bày tỏ thái độ bi quan về khả năng khối EU có thể sống sót với trạng thái như hiện tại.(Trí thức trẻ/Bloomberg)