tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 20-08-2016

  • Cập nhật : 20/08/2016

Xuất khẩu thủy sản cả năm nay có thể trở lại mốc trên 7 tỷ USD

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), XK thủy sản cả năm nay có thể trở lại mốc trên 7 tỷ USD sau khi bị giảm xuống dưới mốc này trong năm 2015.

7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu (XK) thủy sản đã tăng nhẹ (4,4%) so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 3,686 tỷ USD.

Đầu năm nay, XK thủy sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng từ quý 2 trở đi, đã có những dấu hiệu thuận lợi hơn đối với những mặt hàng chủ lực, nhất là tôm và cá tra.

Ở thị trường Mỹ, từ cuối tháng 4, nhu cầu NK đã tăng trở lại giúp cho giá tôm từ các nguồn cung chính tăng lên. Tôm Việt Nam XK sang Mỹ vốn tương đối thuận lợi trong những tháng đầu năm, với nhu cầu NK của thị trường này tăng lên, hy vọng sẽ còn thuận lợi hơn nữa.

Mặt khác, những khó khăn của một số nguồn cung chủ lực, cũng góp phần không nhỏ cho việc XK tôm vào Mỹ trong những tháng cuối năm.

Do động đất, dịch bệnh nên sản lượng tôm của Ecuador bị giảm mạnh, ảnh hưởng lớn tới nguồn cung tôm của nước này cho thị trường Mỹ. Ấn Độ vừa bị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tăng thuế NK trung bình từ 2,96% lên 4,98%. Thái Lan đang bị giảm uy tín trên thị trường tôm thế giới…

Dự báo sản lượng tôm thế giới năm nay sẽ giảm, khiến cho giá tôm tăng 10-15%, là cơ hội tốt để Việt Nam tăng giá trị XK tôm.

Trong khi đó, trong tháng 7 vừa rồi, Việt Nam và Mỹ đã đạt được giải pháp song phương để giải quyết tranh chấp trong các vụ kiện của Việt Nam về thuế chống bán phá giá (CBPG) mà Mỹ áp dụng đối với sản phẩm tôm của Việt Nam.

Đây là 1 tin vui đối với các DN XK tôm của Việt Nam. Trong đó, mừng nhất có lẽ là Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú. DOC đã ban hành kết luận sơ bộ để sửa lại biên độ phá giá của Cty Minh Phú và xem xét dỡ bỏ lệnh áp thuế CBPG đối với Cty này.

Theo kết luận sơ bộ của DOC, Minh Phú đạt được biên độ phá giá bằng 0% và được đưa ra khỏi diện áp thuế CBPG tôm vào thị trường Mỹ. Một phần thuế CBPG khoảng vài triệu USD mà Minh Phú tạm nộp trước đây có thể được hoàn lại.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ năm nay, cũng có tác động tích cực đến XK tôm.

Vì theo Hiệp định này, hạn ngạch thuế quan (thuế suất 0%) cho tôm Việt Nam XK sang Hàn Quốc là 10.000 tấn trong năm đầu tiên (tăng đều 10% sau mỗi năm và từ năm thứ 6 trở đi duy trì ở mức 15.000 tấn).

Hạn ngạch này rõ ràng mang lại lợi thế cho tôm Việt Nam hơn rất nhiều so với hạn ngạch thuế quan trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (5.000 tấn cho 10 nước ASEAN).

Theo VASEP, với phần lớn các mặt hàng thủy sản chủ lực khác, thị trường XK trong những tháng cuối năm cũng hứa hẹn nhiều khởi sắc.

Vì vậy, VASEP đã đưa ra dự báo như sau: XK tôm cả năm nay sẽ đạt 3 tỷ USD, tăng 10% so năm ngoái; cá ngừ đạt 500 triệu USD, tăng 10%; mực, bạch tuộc đạt 450 triệu USD, tăng 5%…

Riêng cá tra, có thể giảm 4%, chỉ đạt khoảng 1,6 tỷ USD. Với nhiều mặt hàng có khả năng tăng trưởng giá trị XK như trên, dự kiến cả năm nay, XK thủy sản sẽ đạt 7,1 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2015.

Cái khó của Việt Nam trong XK thủy sản cuối năm nay là thiếu hụt nguồn nguyên liệu tôm, cá tra do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn hồi đầu năm. Nguyên liệu hải sản cũng bị ảnh hưởng do khai thác biển gặp khó khăn vì chi phí cao, công nghệ bảo quản chưa được cải thiện nhiều, giá bán không bù đắp giá vốn cho ngư dân.

Chính vì vậy, để đảm bảo đủ nguồn hàng hóa cần thiết, đáp ứng nhu cầu của các nhà NK, chắc chắn các DN thủy sản Việt Nam sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh NK thủy sản nguyên liệu. Dự kiến trong cả năm nay, các DN sẽ NK khoảng 1 tỷ USD thủy sản nguyên liệu, tập trung vào các mặt hàng cá ngừ, tôm thẻ chân trắng, mực, bạch tuộc và cá biển.(NNVN)

Áp dụng biện pháp mạnh với doanh nghiệp thủy sản bị EU cảnh báo

Bộ NN-PTNT vừa ban hành Quyết định số 3328/QĐ-BNN-QLCL về việc áp dụng biện pháp tạm ngừng cấp chứng thư cho các lô hàng thủy sản XK sang thị trường EU được sản xuất tại cơ sở có lô hàng bị cơ quan thẩm quyền EU cảnh báo các chỉ tiêu về hóa chất kháng sinh.

Theo đó, từ ngày 15/8, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) sẽ liên tục cập nhật thông tin cảnh báo trên hệ thống cảnh báo nhanh của Tổng vụ Sức khỏe và ATTP - Ủy ban châu Âu và kịp thời có văn bản cảnh báo các cơ sở có lô hàng bị phát hiện tồn dư hóa chất, kháng sinh không đảm bảo ATTP để áp dụng biện pháp tạm ngừng cấp chứng thư cho lô hàng XK vào EU theo quy định của Quyết định 3328.

Các cơ sở bị tạm ngừng cấp chứng thư sẽ được cấp chứng thư trở lại XK vào EU sau khi NAFIQAD có văn bản thông báo chấp thuận kết quả điều tra nguyên nhân và biện pháp khắc phục của DN.

Giá kính xây dựng tăng bất thường: Xuất hiện đầu cơ, trục lợi?

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, giá kính xây dựng đã 4 lần thay đổi giá, giá mới nhất tăng gấp rưỡi.

Nguyên nhân được Hiệp hội kính thủy tinh Việt Nam chỉ ra, do một nhà máy sản xuất kính bảo dưỡng làm thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu tăng cao.Tuy nhiên, điều bất thường ở chỗ, nhà máy kính sản xuất kính xây dựng Tràng An đang dừng bảo dưỡng chỉ chiếm 14% thị phần không thể đẩy giá kính tăng cao. Liệu có hiện tượng các nhà máy kính, nhà phân phối cố tình đầu cơ trục lợi.

Theo các đại lý phân phối kính xây dựng tại đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân, Hà Nội), giá hiện tại các loại kính tay vịn, kính nổi đã tăng khoảng 40 đến 50% so với cách đây một tháng. Cụ thể, giá kính nổi khoảng 320.000 đồng/m2 nay đã vọt lên 430.000 đồng/m2. Giá kính tay vịn cũng tăng mạnh lên tới vài trăm nghìn/m2 từ giữa tháng 6.

Một chủ đại lý phân phối các loại kính xây dựng cao cấp nhận định, giá đã tăng khoảng 4 lần, vào đầu tháng 6 chỉ 2-3%/ lần, nhưng những lần sau tăng tới 15-20%. Khi được hỏi nguyên nhân giá kính tăng cao, chủ đại lý kính này cho biết các Cty sản xuất kính báo giá tăng từ giữa tháng 6, tới cuối tháng 6 tăng mạnh tới 20-30%

Trong khi đó, các đại lý bán vật liệu xây dựng trên đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng thông báo các loại kính nổi, các loại kính cường lực làm cầu thang, mái, lan can cũng tăng giá mạnh. Anh Nguyễn Văn Phương, đại lý kính nói, các năm trước càng vào cuối năm từ tháng 9 thì nhu cầu kính tăng cao, nhưng vài năm trở lại đây chưa có đợt nào tăng giá mạnh như lần này. “Không phải đại lý muốn bán giá cao mà giá từ nguồn các nhà máy cũng tăng giá”, anh Phương nói.

Theo Hiệp hội kính thủy tinh Việt Nam, hiện cả nước có 4 nhà máy sản xuất kính xây dựng, gồm nhà máy kính chu lai có công suất 900 nghìn tấn/ngày, nhà máy kính Việt Nhật có 550 nghìn tấn/ngày, nhà máy kính Bình Dương có 450 nghìn tấn/ngày, nhà máy kính Tràng An có 300 nghìn tấn/ngày. Giải thích về việc giá kính xây dựng tăng cao, đại diện Hiệp hội này cho rằng, cách đây 2 tháng nhà máy kính Tràng An dừng sản xuất và bảo dưỡng khiến một phần nguồn cung bị gián đoạn. Ngoài ra, nhu cầu kính xây dựng tăng cao do các dự án bất động sản dần phục hồi, nguồn cung không đủ cầu,

Hiệp hội kính thủy tinh Việt Nam cho biết, nguồn cung bị hạn chế nhưng nhu cầu tăng cao tạo ra áp lực nguồn cung. Đại diện hiệp hội này lo ngại, giá kính xây dựng vẫn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, giá kính xây dựng khó thể quay về giá ban đầu, bởi nhà máy kính Tràng An chưa biết bao giờ quay trở lại. “Càng vào giai đoạn cuối năm thì nhu cầu càng tăng lên, đặc biệt lo lắng, nguồn cung gián đoạn. Thực tế vẫn còn hàng nhưng các đơn vị phân phối có thể giảm bán, tăng mua”, ông Lê Văn Thọ- Phó Chủ tịch Hiệp hội kính thủy tinh Việt Nam- cho biết.

Tuy nhiên, điểm bất thường được đặt ra khi nguồn cung từ nhà máy kính Tràng An chỉ chiếm 14% thị trường. Nhận định về giá kính xây dựng tăng cao khi một nhà máy sản xuất kính không năng lực chi phối tạm ngừng hoạt động, một chuyên gia BĐS khẳng định: Nhà máy kính Tràng An ngừng hoạt động không thể tác động mạnh khiến giá kính xây dựng tăng gấp rưỡi chỉ trong 1 tháng như vừa qua. Vị chuyên gia này phân tích việc một số Cty trong nước tăng giá bán kính rất vô lý vì một loạt chi phí đầu vào như lãi suất, dầu FO, gas... đều không tăng thời gian qua.

Bởi vậy, theo vị chuyên gia này, có quá nhiều yếu tố bất thường nên có thể đặt ra giả thiết, các nhà máy sản xuất kính, các đại lý phân phối lớn đang lợi dụng khi nhu cầu về kính xây dựng tăng cao để tăng giá. “Phân khúc BĐS cao cấp đang chiếm ưu thế giúp đẩy nhu cầu về kính xây dựng tăng cao. Các Cty sản xuất kính và đại lý lớn có thể lợi dụng điều này để đẩy giá”, vị chuyên gia này cho biết.(Laodong)


Hàng chục ngàn doanh nghiệp được vay lãi suất ưu đãi

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, tính đến tháng 7 vừa qua, chương trình kết nối doanh nghiệp (DN) và ngân hàng đã có sự tham gia của 16 ngân hàng với hơn 200 chi nhánh.

Qua đó đã hỗ trợ 26.600 lượt khách hàng vay vốn với tổng số tiền hơn 310.000 tỉ đồng. Đáng chú ý, đến nay chương trình không có nợ xấu, nợ quá hạn.

“Lãi suất cho vay ngắn hạn của chương trình bằng VNĐ tối đa là 7%/năm, còn lãi suất trung và dài hạn xoay quanh mức 9%. Nhiều DN đánh giá đây là mức lãi suất hợp lý và ưu đãi để họ yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh” - ông Minh nói.

Tuy vậy, không ít DN mong muốn được vay với lãi suất ổn định trong suốt thời gian vay vốn nhưng đến nay nhiều ngân hàng chưa có nhiều sản phẩm để giải quyết đề nghị này của DN.


Thị trường xuất khẩu xi măng gặp khó

Trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm xi măng trong nước vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng tương đối ổn định thì xuất khẩu xi măng gặp không ít khó khăn do sự cạnh tranh của xi măng Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, chỉ tính riêng trong tháng 7/2016, các doanh nghiệp sản xuất xi măng đã tiêu thụ trên 6 triệu tấn sản phẩm xi măng, trong đó trên 5 triệu tấn tiêu thụ tại thị trường nội địa, tăng 5% so với tháng liền kề trước đó.

Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7, riêng thị trường nội địa đã tiêu thụ 34 triệu tấn sản phẩm xi măng và tăng tới 11% so với thời điểm cùng kỳ năm 2015.

Sở dĩ sản lượng xi măng tiêu thụ tại thị trường nội địa vẫn giữ được tăng trưởng ổn định vì các nhà sản xuất đã làm tốt công tác dự tính, dự báo nhu cầu của thị trường nên lượng sản xuất và tiêu thụ gần sát nhau. Lượng dư sản phẩm chỉ khoảng 2,5 triệu tấn/tháng, trong đó khoảng 2 triệu tấn clanke và 500.000 tấn xi măng.

Cùng với đó, đà phục hồi của thị trường bất động sản với hàng loạt dự án tiếp tục được triển khai xây dựng cũng là một trong những nguyên nhân góp phần duy trì đà tăng trưởng ổn định tại thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước.

Hiện nay, giá tiêu thụ xi măng ở miền Bắc dao động từ 1-1,3 triệu đồng/tấn sản phẩm, trong khi đó tại miền Nam có mức giá cao hơn từ 1,6 -1,75 triệu đồng/tấn.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Cung, giá tiêu thụ sản phẩm xi măng tại thị trường nội địa vẫn tương đối ổn định, chấp nhận được với cả người tiêu dùng và nhà sản xuất. Với mức tiêu thụ này, khả năng tiêu thụ sản phẩm xi măng tại thị trường nội địa đến hết năm 2016 sẽ đạt khoảng 60 triệu tấn như kế hoạch đã đề ra.

Xuất khẩu sụt giảm

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, sản lượng xuất khẩu sản phẩm xi măng trong tháng 7 mặc dù đã đạt trên 1 triệu tấn, tăng tới 21,7 % so với tháng trước đó nhưng cũng chỉ đạt 88% nếu so với tháng 7/2015.

Tính đến hết tháng 7, sản phẩm xi măng xuất khẩu mới chỉ đạt trên 8,9 triệu tấn và vẫn thấp hơn 6% so với cùng kỳ năm 2015.

Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng tiêu thụ sản phẩm xi măng ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu vẫn đạt gần 43 triệu tấn, bằng 107% so với lũy kế cùng kỳ năm 2015.

Lý giải về sự sụt giảm này, ông Nguyễn Quang Cung cho rằng xuất khẩu xi măng giảm là do sản lượng dư thừa xi măng của Trung Quốc lớn, giá xuất khẩu lại quá thấp nên đã tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt đối với sản phẩm xi măng xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp không mặn mà với xuất khẩu xi măng.

Tuy nhiên, theo dự báo của Hiệp hội Xi măng Việt Nam trong năm 2016 này, sản lượng xuất khẩu xi măng của Trung Quốc có thể giảm khoảng 2 triệu tấn so với năm trước nên áp lực cạnh tranh xuất khẩu của xi măng Việt Nam sẽ giảm. Nếu tận dụng được cơ hội này, xuất khẩu sản phẩm xi măng Việt Nam có thể sẽ tốt hơn.

Hiện nay, sản phẩm xi măng Việt Nam đã có mặt tại 17 nước, trong đó lớn nhất vẫn là thị trường Bangladesh và Indonesia.

Mặc dù có những diễn biến trái chiều trên thị trường tiêu thụ nhưng nếu vẫn giữ được ổn định tăng trưởng tại thị trường nội địa cùng với những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường xuất khẩu thì khả năng tiêu thụ xi măng từ 75-77 triệu tấn trong năm 2016 sẽ đạt kế hoạch đề ra.(chinhphu.vn)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục