ADB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống 6,3%; Tập đoàn cao su Việt Nam dự thu 12.800 tỷ đồng từ cổ phần hoá; Nga kích hoạt cuộc chơi máy bay dân dụng; Chấm dứt dự án 10.000 tỉ do chậm triển khai
Tin kinh tế đọc nhanh 23-06-2018
- Cập nhật : 23/06/2018
Gần 15 triệu tấn tro, xỉ “ùn, ứ" tại các nhà máy nhiệt điện than
Tổng khối lượng tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện than của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát sinh trung bình năm là 8,1 triệu tấn. Hiện, khối lượng tro, xỉ đang còn lưu giữ tại các nhà máy nhiệt điện than là gần 15 triệu tấn.
Báo cáo tổng hợp tình hình tro, xỉ tại các nhà máy nhiệt điện than của EVN cho thấy: Với 12 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành thì tổng khối lượng than sử dụng trung bình năm khoảng 34 triệu tấn.
Theo đó, tổng khối lượng tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện than của EVN phát sinh trung bình năm là 8,1 triệu tấn. Hiện nay, khối lượng tro, xỉ đang còn lưu giữ tại các nhà máy nhiệt điện than là gần 15 triệu tấn.
EVN nêu rõ: Việc tiêu thụ tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện than khu vực phía Bắc đã được thực hiện từ lâu và chủ yếu được tái sử dụng làm phụ gia cho bê tông, xi măng, vữa xây dựng, gạch không nung với thị trường tiêu thụ tro, xỉ tương đối ổn định.
Hầu hết các nhà máy đã tìm và ký hợp đồng với các đối tác để tiêu thụ phần lớn lượng tro, xỉ của nhà máy. Điển hình như các nhà máy Phả Lại và Ninh Bình đã tiêu thụ hết hoàn toàn lượng tro, xỉ của nhà máy. Hiện chỉ còn lại Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh và Mông Dương 1 có khối lượng tro, xỉ chưa tiêu thụ còn nhiều.
Đối với các nhà máy nhiệt điện than khu vực phía Nam tại Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải và Vĩnh Tân mới đưa vào vận hành cũng đã làm việc với các đơn vị có khả năng tiêu thụ tro, xỉ, tạo điều kiện để các đơn vị này tiến hành lấy mẫu thí nghiệm để đưa ra phương án tiêu thụ.
PGS. TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cho biết: Tổng nhu cầu than cho sản xuất điện của cả nước đến năm 2020 sẽ là 63 triệu tấn, năm 2025 là 95,4 triệu tấn và năm 2030 là 128,4 triệu tấn. Tương đương với đó, tổng lượng tro thải ra là 15,09 triệu tấn (năm 2020), 17 triệu tấn (năm 2025) và 20,58 triệu tấn (năm 2030). Vì vậy, để đảm bảo các nhà máy nhiệt điện than hoạt động ổn định, cần khẩn trương tìm giải pháp để tiêu thụ lượng tro, xỉ đang tiếp tục phát sinh và còn tồn tại các bãi thải xỉ hiện nay.
Theo đại diện một số công ty sản xuất vật liệu xây dựng từ tro, xỉ của Việt Nam, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các công ty trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng từ tro, xỉ, cần ban hành các chính sách hỗ trợ cho các đơn vị đầu tư nhà máy như hỗ trợ về lãi xuất, thuế thu nhập, thuế Giá trị gia tăng, đồng thời giúp các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề xuất nên quy định các đơn vị xử lý tro thải của các nhà máy điện được hưởng một phần chi phí chôn lấp tro thay vì phải mua như hiện nay. Hơn nữa, tro, xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện than cần phải được xử lý đảm bảo các yêu cầu theo tiêu chuẩn Việt Nam ban hành để đảm bảo chất lượng vật liệu xây dựng và chất lượng công trình.
Với mục đích xử lý triệt để tro, xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện than và tận thu tái sử dụng vào sản xuất vật liệu xây dựng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trong thời gian tới, EVN cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện tối đa cho các đối tác tiếp cận nghiên cứu phương án vận chuyển và tiêu thụ tro, xỉ; phối hợp cùng với các đối tác làm việc với cơ quan quản lý nhà nước, đề xuất ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn liên quan tới thu gom, vận chuyển và tái sử dụng tro, xỉ; sẵn sàng hỗ trợ các đối tác trong việc tìm kiếm các giải pháp để đảm bảo chất lượng tro, xỉ...
EVN cũng nêu rõ quan điểm: Để đạt được các mục tiêu về xử lý, sử dụng tro, xỉ theo Quyết định 452/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng, cần sự tham gia của tất cả các chủ thể như cơ quan quản lý nhà nước, chủ các nhà máy nhiệt điện, các đơn vị tiếp nhận, sử dụng tro, xỉ...
Cụ thể, đối với cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất điện cũng như doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cùng kiến nghị: Các cấp có thẩm quyền tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích phát triển thị trường, thói quen sử dụng để các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng tăng cường sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất; ban hành các quy định pháp lý yêu cầu bắt buộc thị trường vật liệu xây dựng sử dụng các sản phẩm sản xuất từ tro, xỉ, thạch cao, bê tông, gạch không nung; có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nghiên cứu ứng dụng, tham gia hợp tác kinh doanh với các nhà máy nhiệt điện trong việc xử lý và tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao; xem xét, ban hành đơn giá cho khối bê tông lấn biển sản xuất từ tro, xỉ...
Trước đó, cuối tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 523/TTg-CN chỉ đạo giải quyết vướng mắc một số quy định tại Quyết định số 452/QĐ-TTg.
Theo Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 phải xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng đạt khoảng 52% tổng lượng tích luỹ (khoảng 75 triệu tấn, bao gồm 56 triệu tấn tro, xỉ nhiệt điện; 2,5 triệu tấn thạch cao FGD; 16,5 triệu tấn thạch cao PG). Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện các quy định tại Quyết định số 452/QĐ-TTg còn một số vướng mắc.(Baohaiquan)
---------------------
Nhiều doanh nghiệp hàng đầu Philippines tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực bán lẻ, công nghiệp… tại Việt Nam
Chia sẻ tại Hội thảo giao thương doanh nghiệp Việt Nam – Philippines vừa được tổ chức, ông Ceferino S.Rodolfo, Thứ trưởng Công thương Philippines nhận xét Việt Nam đang là một trong những thị trường phát triển rất nhanh của Đông Nam Á.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp hàng đầu của nước này trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tiêu dùng, công nghiệp chế biến, công nghiệp ô tô kỳ vọng có thể đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp Việt, đồng thời, mở rộng đầu tư tại đây.
Ở chiều ngược lại, người đồng cấp phía Việt Nam, ông Trần Quốc Khánh cho biết có hơn 100 đại diện đến từ các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, tập đoàn, doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Việt Nam như Saigon Co.op, Aeon Việt Nam… Điều này thể hiện doanh nghiệp Việt có sự quan tâm lớn tới thị trường Philippines, sẵn sàng tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Ông Khánh cũng cho biết, thương mại đầu tư của hai nước trong thời gian qua liên tục được củng cố. Năm 2017, ước tính thương mại song phương đạt 4 tỷ USD, tăng khoảng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với năm 2018, số liệu 5 tháng đầu năm cho biết kim ngạch 2 chiều đạt 1,77 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ 2017. Về đầu tư, tính đến tháng 5/2018, Philippines đã đầu tư 328 triệu USD vào Việt Nam.
Dù vậy, thương mại hai nước vẫn chưa tương xứng vị thế, tiềm năng và đặc điểm cơ cấu xuất nhập khẩu bổ sung lẫn nhau, theo Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh. Ông Khánh cho rằng Việt Nam – Philippines đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để nâng cao hiệu quả và đưa các hoạt động hợp tác kinh tế thương mại đi vào chiều sâu.
Thông báo với các doanh nghiệp nước bạn, ông Khánh cho biết Việt Nam đã và đang chủ động đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam hiện quan hệ kinh tế thương mại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với dân số trên 95 triệu người, thu nhập bình quân 2.400 USD/người, Việt Nam là một là thị trường hấp dẫn với quy mô và sức mua tăng trưởng nhanh và ổn định tại châu Á.
Hiện Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp cụ thể để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi cho các DN, các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
"Chúng tôi cam kết tạo thuận lợi nhất cho các tập đoàn, doanh nghiệp Philippines có thể phát huy tối đa tiềm lực của mình khi đầu tư, hợp tác kinh doanh tại Việt Nam", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.(CafeF)
-----------------------
Mỹ nhận đơn đề nghị điều tra chống lẩn tránh thuế và trợ cấp đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 12/6/2018, một số doanh nghiệp sản xuất thép tại Hoa Kỳ đã nộp yêu cầu điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tới Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đối với sản phẩm thép chống ăn mòn (corrosion-resistant carbon steel) nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ lẩn tránh thuế từ Đài Loan và Hàn Quốc và thép cán nguội (cold-rolled steel) nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ lẩn tránh thuế từ Hàn Quốc.
Cụ thể, nguyên đơn cáo buộc rằng sau khi Mỹ tiến hành điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp vào năm 2015, lượng nhập khẩu thép CORE và CRS từ Hàn Quốc và Đài Loan giảm, trong khi đó lượng nhập khẩu từ Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Ngoài ra, nguyên đơn cáo buộc rằng Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng từ Đài Loan và Hàn Quốc để sản xuất sản phẩm bị điều tra, và việc sản xuất này không được coi là "chuyển đổi đáng kể".
Theo quy định của Mỹ, DOC sẽ xem xét và đưa ra quyết định có khởi xướng điều tra hay không trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận được đơn (dự kiến ngày 27/7/2018) và ban hành quyết định cuối cùng trong vòng 300 ngày kể từ khi khởi xướng.
Trong trường hợp DOC khởi xướng điều tra, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu liên quan của Việt Nam tham gia và hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra để đảm bảo kết quả tích cực trong vụ việc đồng thời trao đổi, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình xử lý vụ việc.(CafeF)
----------------------
Xuất khẩu tôm sẽ đạt trên 4 tỷ USD trong năm 2018
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam từ 1998 đến 2017 đã đạt được thành tích khá ấn tượng với mức tăng trưởng 752% từ 453 triệu USD trong năm 1998 lên gần 4 tỷ USD năm 2017 (tăng 8,5 lần).
Trong 20 năm (1998-2017), giá trị XK tôm của Việt Nam đã ghi nhận bước tăng trưởng vượt bậc với đà tăng 752%. Giá trị XK tôm đạt thấp nhất vào năm 1998 với 453 triệu USD khi ngành tôm chưa được chú trọng phát triển, sản lượng nuôi còn thấp và công nghệ chế biến còn chưa cao.
Cụ thể, từ 1998 -2002, kim ngạch XK tôm mặc dù chưa vượt qua được 1 tỷ USD nhưng tăng trưởng đều qua các năm. Năm 2003, lần đầu tiên kim ngạch XK tôm của Việt Nam vượt 1 tỷ USD. Từ 2004 đến 2009, giá trị XK tôm tăng từ 1,3 tỷ USD lên 1,7 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng hàng năm không cao nhưng ổn định.
Nguồn: VASEP.
Năm 2010, tôm lần đầu tiên mang về cho Việt Nam hơn 2 tỷ USD, tăng trưởng 25% so với 2009. Trong năm 2010, sự cố tràn dầu ở vịnh Mexico xảy ra đã kéo giá tôm sú thế giới lên mức khá cao. Cùng với nhu cầu tôm trên thị trường thế giới tăng cũng kéo theo cả khối lượng và giá trị XK tôm Việt Nam đều tăng.
Năm 2012, tôm Việt nhận "trái đắng" đầu tiên sau nhiều năm. Lần đầu tiên XK tôm của Việt Nam giảm 6,6% do hàng loạt các rào cản kỹ thuật được tạo ra ở nhiều nước nhằm gây khó khăn cho tôm Việt trong đó có rào cản Ethoxyquin từ Nhật Bản. Không chỉ vậy, năm 2012 cũng ở chính giữa thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nhu cầu tiêu thụ tôm thế giới giảm mạnh. Một nguyên nhân nữa khiến giá trị XK tôm năm 2012 giảm chính là dịch bệnh EMS đã tác động không nhỏ đến sản xuất, chế biến, XK tôm của Việt Nam.
VASEP cho biết, sau 2012 có thể nói là 2 năm liền thắng lớn của XK tôm Việt Nam khi mà năm 2013 XK đạt 3 tỷ USD và 2014 với gần 4 tỷ USD.
Năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử, XK tôm Việt Nam vượt qua mốc 3 tỷ USD. Nguồn cung tôm thế giới giảm do dịch bệnh EMS, giá tôm trên thị trường thế giới tăng mạnh, nhu cầu NK tôm chân trắng tăng cao cung với sản lượng tôm chân trắng của Việt Nam tăng nhanh trong năm 2013 là những yếu tố chính giúp Việt Nam thu được kết quả này. Bên cạnh đó, trong năm 2013, tôm Việt Nam được hưởng lợi ở thị trường Mỹ khi nước này công nhận tôm Việt Nam không nhận trợ cấp từ Chính phủ. Theo đó, các DN tôm không phải chịu 2 lần thuế khi XK vào nước này.
Năm 2014, XK tôm tiếp nối đà đi lên của năm 2013, tăng trưởng 26,9% đạt đỉnh 3,95 tỷ. Đây vẫn là mức cao kỷ lục của tôm Việt Nam tính tới nay. Nguyên nhân là nhờ nhu cầu tôm thế giới cao và đồng USD tăng mạnh.
Thắng lợi của XK tôm Việt Nam trong 2 năm 2013 và 2014 đã khẳng định vững vàng vị thế của tôm Việt, nhất là trong bối cảnh một loạt các đối thủ cạnh tranh đều gặp khó khăn. Cụ thể, Thái Lan đã bị chịu tác động mạnh sau thông tin ngành tôm nước này sử dụng bột cá do các tàu khai thác trái phép được đăng tải trên truyền thông Anh.
XK tôm năm 2015 đạt gần 3 tỷ USD; giảm 25,5%. Trong năm 2015, giá XK giảm mạnh trong khi nhu cầu NK từ các thị trường chính không tăng. Giá tôm thế giới giảm mạnh từ 15-20% do chênh lệch cung cầu ở thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản. Năm 2015 là một năm không thuận lợi của ngành tôm Việt Nam. Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp trên cả nước, thị trường XK khó khăn và biến động tỷ giá tiền tệ làm cho tôm Việt Nam bị cuốn trong vòng xoáy giảm giá.
Từ 2016 đến nay, XK tôm phục hồi, liên tục tăng trưởng dương trong từng tháng của năm. Nhu cầu từ các thị trường chính tăng trong khi nguồn cung thế giới giảm. Năm 2017, XK tôm đã đạt gần mức đỉnh năm 2014 với 3,85 tỷ USD nhờ những nỗ lực của toàn ngành như tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu có giá bán tốt. Bên cạnh đó, là những nỗ lực của Việt Nam trong việc kiểm soát chất kháng sinh trong sản phẩm XK, nên các nhà NK, phân phối và người tiêu dùng đã quay trở lại sử dụng mạnh mẽ các sản phẩm tôm của Việt Nam.
Theo VASEP, XK tôm chân trắng tăng gần 335 lần trong 20 năm. Kim ngạch XK mặt hàng này tăng trưởng mạnh nhất trong 3 mặt hàng tôm XK chính của Việt Nam. Trong 20 năm, tỷ trọng mặt hàng này trong tổng kim ngạch XK tôm tăng từ1,6% lên 66%. Từ giá trị XK đạt thấp nhất trong 3 loại tôm chính XK của Việt Nam năm 1998với chỉ trên 7,5 triệu USD, năm 2017, tôm chân trắng đã đạt kim ngạch XK cao kỷ lục với trên 2,5 tỷ USD.
Năm 2013 cũng là năm đầu tiên tôm chân trắng vượt qua tôm sú về giá trị XK. Trước năm 2012, tôm chân trắng luôn chiếm tỷ trọng thấp hơn tôm sú trong tổng cơ cấu sản phẩm tôm XK. Với thời gian nuôi ngắn, năng suất cao trong khi giá bán khá ổn định, tôm chân trắng được coi là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của ngành nuôi trồng thủy sản. Với đặc điểm vượt trội về năng suất, lợi nhuận cộng với sản lượng dự kiến tăng, thị trường tiêu thụ thuận lợi, VASEP dự báo sản lượng và kim ngạch XK tôm chân trắng sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới.
Bên cạnh đó, giá tôm sú tăng 7 lần trong 20 năm. Giá trị XK mặt hàng này đạt thấp nhất 126 triệu USD năm 1998 và đạt cao nhất năm 2010 với trên 1,4 tỷ USD. Từ 1998-2002, XK mặt hàng này tăng trưởng liên tục. Từ 2003 - 2014, XK tăng giảm thất thường. XK mặt hàng này bắt đầu giảm từ 2015 và tỷ trọng giảm từ 66% năm 2010 xuống 23% năm 2017.
Về thị trường XK, kinh tế thế giới được dự báo sẽ hồi phục, đặc biệt tại các thị trường chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc, là cơ sở để dự báo nhu cầu thủy sản tại các thị trường này tiếp tục tăng trưởng trong năm nay. Bên cạnh đó, một loạt hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương với các nước đã được ký kết sẽ mở ra cơ hội cho các DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang các thị trường này.
Năm 2018, VASEP cho biết nhiều chuyên gia tôm lạc quan dự báo XK tôm sẽ đạt trên 4 tỷ USD.(CafeF)