Giải mã sự lên giá của đồng euro trong năm 2017; Cựu phó chủ tịch General Motors toàn cầu làm tổng giám đốc VinFast; TMS Group 'bắt tay' với ông lớn Welham; Cần có chiến lược ưu tiên cho Đông Nam Bộ
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 27-09-2017
- Cập nhật : 27/09/2017
ADB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống 6,3%
Báo cáo vừa công bố của Ngân hàng Phát triển châu Á đã giảm dự báo kinh tế Việt Nam xuống còn 6,3% cho năm 2017 và 6,5% trong năm 2018 (giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đây).
Ảnh minh họa.
Nhận định trên được đưa ra trong Báo cáo cập nhật triển vọng Kinh tế châu Á (ADOU) 2017 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa được công bố tại buổi họp báo sáng 26/9.
Theo ADB, GDP Việt Năm tăng 5,7% trong 6 tháng đầu năm 2017, nhỉnh hơn một chút so với tháng đầu năm 2016. Mặc dù nông nghiệp và dịch vụ tăng trưởng tốt hơn, song tăng trưởng ngành xây dựng lại giảm nhẹ và khai khoáng cũng sụt giảm trong nửa đầu năm.
Trong 6 tháng cuối năm, ADB cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn có khả năng duy trì khá tốt. Tuy nhiên hoạt động của ngành khai thác khoáng sản tiếp tục giảm sút (giảm tới 8% trong nửa đầu năm nay) sẽ ảnh hưởng đến kết quả tăng trưởng.
Do vậy ADB đã giảm dự báo kinh tế Việt Nam xuống còn 6,3% cho năm 2017 và 6,5% trong năm 2018 (giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đây).
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam cho biết, bất chấp sự sụt giảm sản lượng khai khoáng và dầu thô, nền kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2017 tiếp tục đạt khả quan, được thúc đẩy bởi hai động lực chính, đó là xuất khẩu và tăng tiêu dùng nội địa.
"Công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng trưởng 10,5% trong nửa đầu năm do các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài đẩy mạnh sản xuất. Trong khi khu vực dịch vụ tiếp tục tăng nhờ sự gia tăng hoạt động bán lẻ, mở rộng cho vay của ngân hàng, cũng như mức tăng 30% số du khách tới Việt Nam", ông Eric Sidgwick nói.
"Nếu mà sản lượng khai thác khoáng sản được khôi phục thì mức tăng trưởng có thể sẽ tăng hơn mức dự báo 6,3% vừa đưa ra của ADB", đại diện của ADB nhận định.
Ngoài ra, theo đại diện ADB, tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng được kỳ vọng nâng lên nửa cuối năm 2017 nhờ sự gia tăng hơn nữa của vốn FDI, tăng trưởng tín dụng trong nước và sự hồi phục mạnh mẽ hơn của nông nghiệp sau đợt hạn hán năm 2016.
Lạm phát dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng.
Theo ADB, kế hoạch tăng giá và dịch vụ giáp dục y tế sẽ gia tăng áp lực lên lạm phát, bên cạnh đó thông báo tăng lương tối thiểu 6,5% có hiệu lực từ năm 2018 cũng có tác động nhất định lên lạm phát.
Trong cả năm 2017, lạm phát trung bình dự kiến đạt 4,5% , tiếp tục tăng lên 5,5% ytrong năm 2018, đều cao hơn một điểm phần trăm so với dự báo ADB đưa ra hồi tháng 4 năm nay.(Bizlive)
-----------------------------
Tập đoàn cao su Việt Nam dự thu 12.800 tỷ đồng từ cổ phần hoá
VRG dự kiến thu 12.834 tỷ đồng từ việc bán một tỷ cổ phần trong đợt phát hành lần đầu ra công chúng.
Theo phương án cổ phần hoá vừa được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) công bố, giá trị thực tế của doanh nghiệp cho mục đích xác định quy mô vốn điều lệ là 40.736 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước chiếm hơn 95%. Đóng góp lớn trong số này là quỹ đất rộng 244.000 ha phân bố rộng khắp tại 18 tỉnh thành trên cả nước, thuộc quyền sở hữu của công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên, đơn vị sự nghiệp.
Giá khởi điểm được xác định theo phương pháp tài sản cho việc phát hành cổ phần lần đầu là 12.200 đồng. Thông qua đơn vị xây dựng phương án cổ phần hoá là Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), giá khởi điểm được đề xuất lên 13.000 đồng một cổ phần. Trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động hiện tại, tập đoàn thống nhất trình Thủ tướng mức giá này và ước tính số tiền thu về từ bán cổ phần khoảng 12.834 tỷ đồng.
Việc bán cổ phần được thực hiện theo trình tự đấu giá công khai trước. Trường hợp bán không hết khi đấu giá công khai thì chuyển sang phương thức bán thoả thuận, nếu vẫn không thành công thì đề nghị Thủ tướng phê duyệt phương án bán cho nhà đầu tư chiến lược. Căn cứ vào kết quả này, tập đoàn mới tổ chức đợt bán cho người lao động, tổ chức công đoàn và nhà đầu tư chiến lược theo nguyên tắc không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của đợt đấu giá công khai.
Tập đoàn dự kiến chào bán một tỷ cổ phần trong đợt phát hành lần đầu ra công chúng, tương đương 25% vốn điều lệ. Trong đó, khối lượng bán đấu giá công khai và bán cho nhà đầu tư chiến lược đều là 475 triệu cổ phần. Phần còn lại sẽ bán cho tổ chức công đoàn, người lao động thường xuyên theo số năm công tác hoặc đủ điều kiện cam kết mua thêm cổ phần ưu đãi.
Đối với tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đang nhắm đến những tổ chức hoặc doanh nghiệp trong nước có vốn điều lệ tối thiểu 5.000 tỷ đồng, lãi sau thuế trong 3 năm liên tiếp và không có lỗ luỹ kế tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2016.
Trong trường hợp nhà đầu tư có năng lực tài chính trung bình nhưng hoạt động tối thiểu 3 năm trong các lĩnh vực phù hợp với ngành nghề sản xuất chính của tập đoàn như tiêu thụ cao su thiên nhiên, chế biến sản phẩm công nghiệp cao su… thì vốn điều lệ tối thiểu phải đạt 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm xây dựng phương án cổ phần hóa, chưa có đơn vị nào đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược khi cổ phần hóa công ty mẹ.
Thông báo kết luận của Thủ tướng hồi cuối tháng 6 yêu cầu tập đoàn hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu vào ngày 1/1/2018. Tuy nhiên, ban lãnh đạo tập đoàn cho rằng vì quy mô lớn và có thể phát sinh nhiều vấn đề phải xin chủ trương của Chính phủ nên đề nghị chấp thuận thời gian 3 tháng kể từ ngày phương án cổ phần hoá được phê duyệt.
Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tiền thân là Ban Cao su Nam bộ và chuyển thành sang Tổng Công ty Cao su Việt Nam (trực thuộc Bộ Nông nghiệp) từ tháng 7/1977. VRG nhận quyết định thành lập Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sau gần 30 năm hoạt động theo mô hình tổng công ty. Đến năm 2010, công ty mẹ của tập đoàn được chuyển thành Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Tại thời điểm chốt giá trị doanh nghiệp, tập đoàn có 123 đơn vị thành viên. Trong đó, 75 doanh nghiệp cấp II và 48 doanh nghiệp cấp III.
Tập đoàn đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm nay lần lượt đạt 19.900 tỷ đồng và 3.060 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và sản lượng sau cổ phần hoá dự báo đạt 15% mỗi năm. Đến năm 2020, sản lượng cao su tiêu thụ xấp xỉ 520.000 tấn, mang về 40.000 tỷ đồng doanh thu và có mức chia cổ tức 10%. (Vnexpress)
-----------------------------
Nga kích hoạt cuộc chơi máy bay dân dụng
Máy bay dân dụng của Nga có thể có thị trường lớn hơn trên thế giới sau cú hích của Thủ tướng Dmitry Medvedev.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm 25/9 công bố vừa thông qua một chiến lược quảng bá sản phẩm hàng không dân dụng Nga ra thị trường nước ngoài.
Hiện nay, thị trường vận tải hàng không đang phát triển theo chiều hướng tăng lên và là cơ hội cho các sản phẩm của Nga tiếp xúc với tình hình thị trường chung.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tại sự kiện ra mắt mẫu máy bay dân dụng thân rộng MC-21 đầu tiên của Nga.
"Trong lĩnh vực này chúng tôi có triển vọng tốt, đặc biệt là theo các chuyên gia, thị trường vận tải hàng không toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 5%/năm do các nhà sản xuất máy bay lớn như Airbus và Boeing, bây giờ đang phát triển một chuỗi toàn cầu các nhà cung cấp thành phần công nghệ cao cần thiết, để đảm bảo nguồn cung" - Thủ tướng Nga nói.
Theo ông Medvedev, tài liệu mới "được thiết kế cho một mức độ dài hạn, xác định các sản phẩm chính có tiềm năng xuất khẩu lớn, các thị trường ưu tiên, các biện pháp hỗ trợ của nhà nước".
Đặc biệt, Chính phủ Nga cũng sẽ có hỗ trợ và ưu ái cho các công ty tư nhân độc lập chứ không chỉ ở các doanh nghiệp có thành phần Nhà nước.
"Điều quan trọng là sự hỗ trợ của nhà nước sẽ trao công bằng cho các công ty, không chỉ các công ty có sự tham gia của nhà nước, mà còn của các công ty tư nhân độc lập" - Thủ trưởng Nội các nhấn mạnh.
Các tài liệu của Chính phủ Nga được TASS thông tin cho thấy, chiến lược phát triển xuất khẩu các sản phẩm dân dụng cho ngành hàng không đã được tính toán trước năm 2025.
Đồng thời, Nhà nước sẽ tìm cách hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính để đưa các sản phẩm hàng không dân dụng nói chung được xuất khẩu mà không bị giới hạn chỉ trong sản xuất máy bay.
Gói hỗ trợ cũng được đưa ra trong tất cả các giai đoạn của vòng đời sản phẩm xuất khẩu với ưu tiên hỗ trợ bán hàng và dịch vụ sau bán hàng.
"Chiến lược cung cấp hỗ trợ toàn diện cho các nhà sản xuất Nga, bao gồm cả việc cung cấp các thiết bị đo đạc nhằm chứng minh các yêu cầu về tỉ lệ nội địa hóa đối với mỗi sản phẩm hàng không dân dụng được sản xuất ở Nga" - Thủ tướng Nga nói thêm.
TASS nhận định, chiến lược mới sẽ góp phần thúc đẩy các thị trường nước ngoài có nhận thức khác về ngành công nghiệp hàng không dân dụng trong nước tại các thị trường nước ngoài.
Chiến lược này vượt qua những rào cản gia nhập vào thị trường mới, bao gồm về quy chuẩn kỹ thuật và cấp giấy chứng nhận, cũng như sự gia tăng về độ chính xác của các thiết bị được lắp đặt của các tổ chức ngành hàng không công nghệ.
Quả ngọt với Trung Quốc
Việc Nga tăng cường quảng bá và thúc đẩy sản phẩm hàng không dân dụng là bước tiếp theo của quá trình đưa loại máy bay dân dụng vào sản xuất, theo dự án hợp tác với công ty Trung Quốc.
Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) và Tập đoàn máy bay liên hiệp (UAC) của Nga trước đó đã tuyên bố đăng ký công ty liên doanh chế tạo máy bay thân rộng, nhằm cạnh tranh cùng các hãng hàng không lớn như Boeing và Airbus.
Liên doanh sẽ có trung tâm nghiên cứu đặt tại Moscow và dây chuyền sản xuất ở Thượng Hải.
Năm 2014, khi bắt đầu hợp tác, hai bên đã tiết lộ những thông tin cơ bản về mẫu máy bay sẽ có tầm bay xa 12.000 km với sức chứa 280 hành khách.
Chủ tịch UAC, ông Yuri Slyusar khẳng định cả 2 tập đoàn mong muốn có chuyến bay đầu tiên và giao đơn hàng đầu tiên vào lần lượt các năm 2025 và 2028, và đặt mục tiêu lấy được 10% thị trường đang bị hai mẫu máy bay Boeing 787 và Airbus 350 chiếm lĩnh.
Thời điểm đó, UAC đang phát triển phiên bản máy bay thân rộng Ilyushin IL-96 và mới đây đã thử nghiệm bay thành công máy bay thân hẹp Irkut MC-21.
Còn Trung Quốc thì mới thử nghiệm thành công chuyến bay thử của mẫu máy bay thân hẹp C919.
Cả 2 tập đoàn mong muốn có chuyến bay đầu tiên và giao đơn hàng đầu tiên vào lần lượt các năm 2025 và 2028, và đặt mục tiêu lấy được 10% thị trường đang bị hai mẫu máy bay Boeing 787 và Airbus 350 chiếm lĩnh.
Trên thực tế, ghi nhận tại Trung Quốc, số lượng máy bay C919 - máy bay dân dụng đầu tiên của Trung Quốc được bán ra đã là 730 chiếc. Phần lớn đơn đặt hàng C919 đến từ các công ty hàng không Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước.
Có thông tin cho rằng các công ty này phần lớn là bị ép mua hàng nội địa ủng hộ và sẵn sàng chọn máy bay khác nếu được lựa chọn.
C919 không phải là một chiếc máy bay đỉnh cao về công nghệ, nhưng ưu thế giá rẻ sẽ giúp nó bắt kịp nhu cầu đi lại bằng hàng không đang bùng nổ ở châu Á và châu Phi.
Mỗi chiếc C919 có thể rẻ hơn 10% so với hai đối thủ là dòng 737 Max của Boeing và A320 của Airbus và điều này đang tạo được lợi thế cạnh tranh.
Đi cùng với việc thúc đẩy bán sản phẩm hàng không dân dụng của Trung Quốc, việc Nga muốn đầu tư chiến lược quảng bá sản phẩm loại này là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, chưa biết tới khi nào mới có thể thấy sản phẩm thực sự. (Baodatviet)
-------------------------------
Chấm dứt dự án 10.000 tỉ do chậm triển khai
Ngày 26-9, theo tin từ UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, tỉnh này vừa có văn bản chấm dứt hoạt động Dự án Cảng tổng hợp và Container Cái Mép Hạ tại xã Phước Hòa, huyện Tân Thành do Công ty CP Đóng tàu và Dịch vụ Dầu khí Vũng Tàu làm chủ đầu tư.
Theo đó, tỉnh giao Sở KH&ĐT thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư dự án cấp năm 2010 cho chủ đầu tư…Huyện Tân Thành thông báo việc chấm dứt hoạt động dự án nêu trên và thực hiện rà soát, công bố quy hoạch của khu đất sau khi chấm dứt hoạt động theo quy định.
Dự án Cảng tổng hợp và Container Cái Mép Hạ có diện tích đất sử dụng khoảng 86,6 ha, dự kiến tổng mức đầu tư trên 10.235 tỷ đồng, được tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu thỏa thuận địa điểm và diện tích xây dựng năm 2006.
Năm 2011, tỉnh có quyết định giao đất. Dự án dự kiến đón nhận các tàu có tải trọng lên tới 160.000 DWT. Tiến độ thực hiện dự án theo cam kết đến năm 2015 hoàn thành và khai thác toàn bộ công trình.
Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa hoàn tất các thủ tục đầu tư theo qui định như: lập và trình phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết; lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp giấy phép xây dựng công trình; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Dự án đến nay cũng chưa được triển khai xây dựng, chậm tiến độ thực hiện theo cam kết được quy định trong giấy chứng nhận đầu tư.
Trong cuộc họp của UBND tỉnh tháng 12-2016, các sở, ngành xác định chủ đầu tư không có khả năng huy động vốn để triển khai dự án. Từ thực tế đó, UBND tỉnh đã báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và thống nhất chủ trương chấm dứt hoạt động của dự án.
Cũng liên quan đến dự án trên, ngày 20-6-2017, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu có văn bản gửi các sở, ngành và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn. Theo tỉnh, dự án Cảng tổng hợp và Container Cái Mép Hạ đã được thống nhất thu hồi nhưng phía Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn mong muốn được nhận và triển khai lại dự án.
Cụ thể, tháng 5-2017, Bộ Tư lệnh Hải quân có công văn về việc đầu tư xây dựng Cảng tổng hợp và Container Cái Mép Hạ. Bộ Tư lệnh Hải quân cho rằng dự án trên có vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng và an ninh quốc gia.
Nhằm kết hợp nhiệm vụ quốc phòng và kinh tế, vì lợi ích quốc gia, để khai thác tối ưu nguồn tài nguyên cảng biển, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh cũng như cả nước, tỉnh ủng hộ Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn nghiên cứu, khảo sát, lập phương án đầu tư dự án Cảng tổng hợp và Container Cái Mép Hạ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tỉnh giao các sở, ngành hướng dẫn, hỗ trợ đơn này vị này nghiên cứu, lập phương án đầu tư để báo cáo xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy. Việc lập dự án cần tính toán kỹ nguồn vốn, phân kỳ, đánh giá hiệu quả đầu tư, khai thác cảng, tổ chức quản lý…
Sau đó đề nghị Tổng công ty báo cáo Bộ Quốc phòng, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở triển khai tiếp dự án.(PLO)