Vốn FDI vào Việt Nam tăng kỷ lục, đạt 25,48 tỉ USD; Sabeco, Habeco có nguy cơ phải về SCIC; Xuất khẩu than sang Lào 8 tháng đầu năm tăng 16 lần so với cùng kỳ năm 2016; Có nên đánh thuế đối với tiền lãi tiết kiệm?
Tin kinh tế đọc nhanh 27-09-2017
- Cập nhật : 27/09/2017
Kế toán trưởng Tập đoàn dầu khí Việt Nam bị bắt
Ông Mậu cùng 3 cán bộ khác bị cáo buộc cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 26/9, nguồn tin cho biết Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lê Đình Mậu (45 tuổi), kế toán trưởng kiêm trưởng ban tài chính kế toán và kiểm toán Tập đoàn dầu khí Việt Nam - PVN.
Cơ quan An ninh điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can đối với 3 người khác cùng tội danh với ông Mậu, gồm: Vũ Hồng Chương, nguyên trưởng ban quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 (thuộc PVN); Trần Văn Nguyên, kế toán trưởng ban quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 và Nguyễn Ngọc Quý, nguyên phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Các bị can trên bị khởi tố về hành vi "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên.
Theo cơ quan chức năng, ông Mậu và các bị can có dấu hiệu sai phạm trong việc tạm ứng tiền trước khi ký Hợp đồng EPC của dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Trước đó ngày 15/9/2016, điều tra việc thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại PVC, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) đã khởi tố vụ án hình sự "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Cùng ngày, nhà chức trách khởi tố, khám xét, tạm giam 4 cựu cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp này gồm: ông Vũ Đức Thuận (ủy viên HĐQT kiêm tổng giám đốc), Nguyễn Mạnh Tiến (phó tổng giám đốc), Trương Quốc Dũng (phó tổng giám đốc), Phạm Tiến Đạt (kế toán trưởng).
Tối 16/9/2016, Bộ Công an phát lệnh khởi tố và truy nã quốc tế với ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC.
Ngày 31/7, báo chí đưa tin ông Trịnh Xuân Thanh "đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú"; cơ quan chức năng làm thủ tục tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú theo đúng quy định pháp luật. (VNExpress)
Ông Lê Đình Mậu, sinh năm 1972, công tác tại Ban tài chính kế toán và kiểm toán của PVN từ năm 2003.
Năm 2012, ông Mậu được bổ nhiệm làm Trưởng ban kiểm soát Công ty cổ phần kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam; năm 2014,làm phó trưởng ban tài chính, kế toán và kiểm toán PVN;năm 2016, làm kế toán trưởng kiêm trưởng ban kế toán và kiểm toán của tập đoàn.
Trước việc ông Mậu bị bắt giữ, PVN đã tạm đình chỉ công tác với kế toán trưởng này,bố trí cán bộ thay thế để đảm bảo hoạt động của tập đoàn.
-------------------------------
Gần 30.000 tỷ tiền phí trong 5 năm: Có đủ để sửa đường?
Theo tổng kết của Bộ GTVT, sau 5 năm thu phí đường bộ, tổng số tiền mà các chủ phương tiện đóng góp để “sửa đường” lên tới gần 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này có đủ để dùng?
Đánh giá về 5 năm ra đời Quỹ bảo trì đường bộ, Bộ GTVT nhận định sự ra đời của quỹ đã chia gánh nặng cho ngân sách trong việc bảo trì đường bộ khi chiếm tới 65% số tiền dành cho việc bảo trì đường bộ trên cả nước. Trong đó quỹ trung ương sẽ chia về cho địa phương 35% số tiền phí đã thu.
Từ năm 2013 đến nay, quỹ dự kiến thu được 29.497 tỷ đồng trong đó riêng năm 2017 số tiền ước tính thu được sẽ đạt 7.047 tỷ đồng. Cùng với sự tăng trưởng của phương tiện giao thông, số tiền phí thu được cũng tăng mạnh với mức từ 106% đến 255%.
Tuy nhiên, hàng nghìn tỷ tiền phí đường bộ được nhận định chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Cụ thể, theo đánh giá của Quỹ bảo trì đường bộ, số tiền thu được cũng chỉ đáp ứng được trung bình gần 45% nhu cầu tối thiểu của công tác bảo trì hệ thống đường bộ trong đó năm 2017 với mức phí thu cao nhất cũng chỉ đáp ứng 50,3% nhu cầu tối thiểu.
Theo Bộ GTVT, trước khi thu phí đường bộ, năm 2012 hệ thống đường bộ Việt Nam có tổng chiều dài trên 279.925 km, trong đó quốc lộ 16.758 km, đường tỉnh 25.449 km, đường huyện 51.720 km, đường đô thị 17.025 km, đường chuyên dùng 7.837 km và trên 161.136 km đường xã.
Tình trạng kỹ thuật đường bộ nhiều nơi còn thấp kém, đường hẹp, bán kính đường cong nhỏ, mặt đường chưa bảo đảm cho việc đi lại an toàn, êm thuận; sụt trượt còn xảy ra thường xuyên gây ách tắc giao thông; số lượng cầu yếu, tải trọng thấp, chưa đồng bộ với cấp đường còn nhiều.
Sau khi có tiền quỹ, việc bảo trì đường bộ đã có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, số tiền này được đánh giá là chưa đủ, đặc biệt là khi một số địa phương thấy có quỹ thì cắt giảm ngân sách cho việc bảo trì đường bộ làm cho công tác bảo trì đường bộ tiếp tục khó khăn tại các địa phương.
Bên cạnh đó, việc bãi bỏ thu phí xe máy được nhận định làm giảm gần 2.500 tỷ đồng so với đề án xây dựng ban đầu làm mất tính chủ động và vỡ kế hoạch Quỹ bảo trì đường bộ đã hoạch định trong 5 năm đầu tiên.
Ngoài ra, kinh phí bảo dưỡng thường xuyên mới đạt khoảng 18% vốn của Quỹ trong khi cơ cấu tỷ lệ % dành cho bảo dưỡng hợp lý cần phải tăng lên đạt mức 22% - 25% nên việc bảo dưỡng đường còn chưa đạt mục tiêu đề ra. Tại nhiều địa phương triển khai kế hoạch của Qũy bảo trì đường bộ còn phức tạp và qua nhiều khâu dẫn đến công tác bảo trì đường bộ tại một số địa phương không được kịp thời.(NLĐ)
-----------------------------
Vụ 400 tỷ “biến mất”: Đã bắt được cựu Giám đốc OceanBank chi nhánh Hải Phòng
Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) vừa cho biết đã bắt giữ Trần Thị Kim Chi - cựu Giám đốc Oceanbank Hải Phòng khi vị này đang trốn ở TP.HCM
Bộ Công an vừa phát đi thông báo cho biết vừa bắt, tạm giam 3 bị can bị truy nã trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Ngân hàng Đại Dương - Chi nhánh Hải Phòng
Cụ thể, ngày 23/9/2017, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã phát hiện và bắt giữ 3 bị can khi đang lẩn trốn tại TP.HCM.
3 bị can bao gồm: 1. Trần Thị Kim Chi, sinh ngày 15/8/1974; Giới tính: Nữ; Chỗ ở: Số 14 Lê Văn Thuyết A, phường Kênh Dương, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng; Nghề nghiệp: Giám đốcChi nhánh Oceanbank Hải Phòng.
2. Lê Vương Hoàng, sinh ngày 25/01/1981; Giới tính: Nam; Chỗ ở: số 19 lô 3, KĐT PG An Đồng, xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng; Nghề nghiệp: Kiểm soát viên Chi nhánh Oceanbank Hải Phòng.
3. Nguyễn Thị Minh Huệ, sinh ngày 04/4/1982; Giới tính: Nữ; Chỗ ở: số 1I Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng; Nghề nghiệp: Trưởng phòng kế toán kho quỹ Chi nhánh Oceanbank Hải Phòng.
Bộ Công an cho biết hiện vụ án đang được điều tra làm rõ.
Trước đó, liên quan đến vụ hơn 400 tỷ "biến mất" ở chi nhánh Hải Phòng, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định truy nã với 3 bị can nói trên tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định Điều 139 Bộ luật hình sự.
Các dấu hiệu vi phạm tại Oceanbank chi nhánh Hải Phòng liên quan đến nghiệp vụ huy động tiền gửi tiết kiệm. Cụ thể, thông tin trên thẻ tiết kiệm không khớp với thông tin được hạch toán trong hệ thống corebanking về tên người gửi, số tiền gửi.
Qua xác minh ban đầu, Oceanbank cho hay sự việc gian dối trên bắt đầu phát sinh từ năm 2012.(Bizlive)
----------------------------------
Chung cư Sài Gòn thu phí quản lý tới 70 tỷ/năm
Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng việc không thống nhất trong thu phí quản lý chung cư là nguyên nhân dẫn đến xung đột lợi ích kéo dài giữa người dân và chủ đầu tư.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, có nhiều chung cư phát sinh mâu thuẫn trước khi đưa vào sử dụng. Ảnh: Lê Quân.
Sáng 25/9, UBND TP.HCM họp sơ kết tình hình kinh tế - xã hội và thu chi ngân sách 9 tháng đầu năm. Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết có tới 10% chung cư cao tầng trên địa bàn thành phố xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp giữa chủ đầu tư với ban quản trị và cư dân.
Theo ông Tuấn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân từ phía chủ đầu tư và ban quản trị. Mâu thuẫn của hai bên chủ yếu liên quan đến mức thu phí quản lý chung cư.
“Hiện nay, có chung cư thu phí từ 7-10 tỷ/năm nhưng có những nơi thu phí quản lý lên tới 70 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân dẫn đến xung đột lợi ích nhưng do vướng mắc về quy định nên việc xử lý nhùng nhằng, kéo dài”, ông Tuấn nói.
Giám đốc Sở Xây dựng cũng cho biết tình trạng tranh chấp hiện nay còn xảy ra trước khi công trình chưa khởi công, chưa đưa vào sử dụng. Do đó, thời gian sắp tới, sở sẽ chủ động tổ chức một tổ công tác chuyên về tham mưu, xử lý các mâu thuẫn tại chung cư cao tầng.
Cùng quan điểm này, Chủ tịch UBND quận 7 Lê Hòa Bình cho biết thực tế, các chủ đầu tư sau khi bán nhà xong thì coi như hết trách nhiệm. Do đó, khi có vấn đề phát sinh thì chủ đầu tư không đứng ra giải quyết, dẫn đến mâu thuẫn.
“Tình hình xây dựng nhà cao tầng trong thời gian qua tiếp tục tăng, hiện có 145 công trình nhà cao tầng đang thi công, trong đó có 15 công trình vi phạm. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp luôn ứng dụng nhiều đổi mới, quản lý nhà nước mà không theo kịp thì sẽ đi sau”, ông Tuấn nói.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, trong thời gian vừa qua, thành phố đã cấp hơn 38 nghìn giấy phép xây dựng với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 13 triệu m2 . Thành phố cũng tổ chức kiểm tra hơn 51.000 lượt công trình xây dựng, phát hiện 1.595 trường hợp vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng. Trong đó, xây dựng không phép 830, công trình sai phép là 557.(Zing News)