Thanh long Bình Thuận giá cao kỷ lục; Cảnh báo nguy cơ hải sản Việt Nam bị EU phạt thẻ đỏ; Hơn 9,4 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam từ đầu năm; Nhà đầu tư 'lảng' chung cư sang 'ôm' đất nền, nhà ở
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 26-09-2017
- Cập nhật : 26/09/2017
Chủ tịch Asahi: Giá cổ phiếu Sabeco là quá đắt
Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, Chủ tịch và giám đốc vận hành Asahi, Akiyoshi Koji, cho biết "Định giá của Sabeco quá cao và giá cổ phiếu không giảm xuống."Nguồn ảnh: Deal Street Asia
Theo tập đoàn Asahi, giá hiện tại của CTCP Bia- Rượu- Nước giải khát Sài Gòn (HOSE:SAB) là quá đắt.
Chủ tịch Asahi và Giám đốc điều hành Akiyoshi Koji cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm "Định giá quá cao. Cổ phiếu của Sabeco không hề giảm xuống ", đồng thời từ chối bình luận về mối quan tâm của họ trong việc mua lại cổ phần của SAB.
Nhà sản xuất bia Nhật Bản là một trong số các công ty nước ngoài đăng ký tham gia đấu giá cổ phần Sabeco vào năm ngoái. Việt Nam là một điểm đầu tư hấp dẫn đối với công ty Nhật Bản do dân số trẻ và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng lên.
Cổ phiếu của SAB đã tăng gấp đôi kể từ khi bắt đầu giao dịch trong tháng 12 và hiện đang giao dịch ở mức P/E là 35 lần, so với mức 16 lần của Asahi, 21 lần đối với Carlsberg và 20 lần đối với Heineken. Theo ông Koji, Asahi đã trả giá ở mức PE khoảng 14 lần cho các vụ mua lại tại châu Âu trong năm qua.
Đối với những khoản đầu tư tiềm năng, ông Koji cho biết Asahi tìm kiếm các mục tiêu đáp ứng được bốn tiêu chí chính: lợi nhuận cao, giá trị thương hiệu mạnh mẽ, hiệu quả sản xuất và công nghệ lên men tiên tiến và đội ngũ quản lý giàu năng lực.
Koji cho biết: "Nếu công ty không đủ sức cạnh tranh hoặc không có thương hiệu cao cấp toàn cầu, chúng tôi sẽ không đầu tư vào nó.”
Cạnh tranh khốc liệt
Sabeco công bố doanh thu khoảng 31.000 tỷ đồng (1,4 tỷ USD) vào năm 2016, trong khi Carlsberg có doanh thu gần 63 tỷ kroner (10 tỷ USD) trong cùng kỳ.
Trong tháng 9, chính phủ Việt Nam đã công bố kế hoạch bán 54% cổ phần tại Sabeco. Theo báo cáo của Bloomberg Intelligence vào tháng trước, cuộc đấu thầu mà Anheuser-Busch InBev NV và Heineken NV đã đăng ký tham gia sẽ rất khốc liệt vì doanh số bán bia tiếp tục đi ngang hoặc giảm tại Nhật Bản, Tây Âu và Bắc Mỹ.
Theo Bloomberg Intelligence, nhu cầu mạnh mẽ với Bia Sài Gòn và Bia 333 của Sab đã giúp hãng này chiếm khoảng 40% thị trường bia trị giá 6,5 tỷ USDcủa Việt Nam.(NCĐT)
-----------------------
Sức cạnh tranh của cá tra Việt tại Mỹ giảm
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết tháng 8-2017 xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt hơn 18,4 triệu USD, giảm đến 58,5% so với tháng trước đó và giảm 55% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chính là do từ ngày 2-8, toàn bộ lô hàng cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ chịu sự kiểm tra 100% của Cục Kiểm dịch và an toàn thực phẩm (FSIS). Điều này khiến doanh nghiệp (DN) Việt Nam phát sinh nhiều chi phí, mất thời gian khiến xuất khẩu cá tra vào thị trường này giảm mạnh.
Cụ thể, theo các DN cá tra đã có một số ách tắc và quá tải kho bãi, đặc biệt là tại cảng Los Angeles, Mỹ. Đáng lo ngại là DN Việt phải chịu thêm chi phí phát sinh như chi phí lưu kho, nâng hạ hàng, đóng dấu lên thùng, kiểm nghiệm là 1.500-2.000 USD/container; kiểm dư lượng kháng sinh, hóa chất tại phòng thí nghiệm của USDA với mức 2.000-3.000 USD/container; kiểm dư lượng kháng sinh hóa chất tại phòng thí nghiệm độc lập thứ ba tốn 3.000-5.000 USD/container... Tính chung tổng cộng chương trình kiểm tra hàng đến của USDA làm tăng chi phí khoảng 0,1-0,25 USD/kg sản phẩm, tương đương 3%-7% giá bán, làm ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của sản phẩm cá tra Việt tại thị trường Mỹ.(PLO)
------------------------
Trung Quốc sắp lần đầu vỡ nợ trái phiếu chính phủ địa phương
Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch dự báo Trung Quốc có thể chứng kiến đợt vỡ nợ trái phiếu chính phủ địa phương lần đầu tiên dù chưa chắc chắn về thời điểm.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch dự báo Trung Quốc sắp lần đầu vỡ nợ trái phiếu chính phủ địa phương ẢNH: REUTERS
Theo CNBC, đây là nội dung được Fitch Ratings đưa ra trong thông cáo báo chí công bố hồi cuối tuần trước, giữa nhiều lo ngại về mức nợ cao trong nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Các trái phiếu này do các cơ quan tài trợ tài chính của chính phủ địa phương Trung Quốc (LGFV) phát hành. Đây là các cơ quan mà chính quyền địa phương thành lập để vượt qua các hạn chế về vay mượn.
Hiện có nhiều lo ngại về làn sóng vỡ nợ có thể xảy ra ở Trung Quốc vì nợ chính quyền địa phương lên cao. Điều này có thể ảnh hưởng đến các thị trường tài chính, có khả năng mở rộng thành làn sóng có sức lây lan trên toàn thế giới.
Các LGFV cũng vay mượn từ ngành ngân hàng ảo của Đại lục vì các kênh vay mượn chính thức cạn kiệt do chính sách hạn chế đòn bẩy từ chính phủ. Ngân hàng ảo là một nhóm các dịch vụ tương tự như dịch vụ của ngân hàng truyền thống, song lại nằm ngoài giới hạn của quy định ngân hàng thông thường và phần lớn không được kiểm soát.
Đến nay, chưa LGFV Trung Quốc nào vỡ nợ các trái phiếu được giao dịch công khai, song “đợt vỡ nợ đầu tiên ngày càng có thể xảy ra, có thể sẽ kích hoạt việc tái định giá thị trường”, Fitch cho biết. Cảnh báo của hãng được đưa ra sau khi S&P Global Ratings hạ xếp hạng tín dụng dài hạn của Trung Quốc xuống một bậc, từ AA- xuống A+, hồi tuần trước với lý do mức tăng tín dụng nhanh. Moody's Investors Service thì hạ xếp hạng tín dụng Đại lục hồi tháng 5.
Dù cảnh báo về khả năng vỡ nợ trái phiếu LGFV, Fitch cho hay rủi ro tổng thể có thể bị giới hạn nhờ quyền sở hữu và ảnh hưởng rộng của chính phủ lên toàn hệ thống tài chính. Fitch cho rằng giới chức Đại lục có khả năng ngăn ngừa vỡ nợ hệ thống.
Chính phủ trung ương Trung Quốc đã và đang cố gắng giải phóng LGFV khỏi bảng cân đối tài chính của khu vực công để kiểm soát rủi ro tài chính. Dù vậy, nợ LGFV vẫn tiếp tục tăng, với 4 nghìn tỉ nhân dân tệ, tương đương 605 tỉ USD, giá trị số trái phiếu LGFV được phát hành từ năm 2015 vẫn còn dư. Con số trên tương đương 5,4% GDP Trung Quốc. (Thanhnien)
------------------------------
Phó Tổng giám đốc Techcombank sang làm Tổng giám đốc SeABank
Theo nguồn tin của NDH, từ ngày 25/9/2017, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã chính thức bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới.
Trước đó, vào ngày 5/7/2017, ông Đặng Bảo Khánh – Tổng giám đốc SeABank đã chính thức từ nhiệm. Khi đó, HĐQT cũng bổ nhiệm ông Lê Văn Tần, Phó Tổng giám đốc giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc phụ trách ngân hàng thay thế.
Chiếc ghế nóng Tổng Giám đốc của SeABank được trao lại cho ông Nguyễn Cảnh Vinh, một gương mặt không mấy xa lạ trong ngành tài chính ngân hàng.
Ông Nguyễn Cảnh Vinh sinh năm 1974 tốt nghiệp cử nhân Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Xây Dựng và thạc sỹ tại Đại học Latrobe (Australia).
Ông Vinh có 21 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và trải qua nhiều vị trí quản lý cao cấp, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ.
Trước khi gia nhập SeABank, ông Vinh là Phó TGĐ Techcombank, gắn bó tại Techcombank trên cương vị lãnh đạo trong hơn 6 năm qua. Cụ thể, ông Nguyễn Cảnh Vinh từng giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Giao dịch Hội sở Techcombank, Giám đốc Kinh doanh Vùng.
Từ tháng 01 năm 2011 đến tháng 11 năm 2014, ông là Giám đốc Bán hàng và Kênh phân phối và chuyển sang khối Ngân hàng Bán buôn từ ngày 01 tháng 11 năm 2014 đến ngày 19 tháng 05 năm 2017. Ngày 1/3, Techcombank bổ nhiệm ông vào vị trí Phó Tổng GĐ Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam. Tuy nhiên, chưa đầy ba tháng, ông Vinh đã từ nhiệm khỏi vị trí này.
Trong bức thư giới thiệu Tân Tổng Giám đốc, SeABank cho biết ngân hàng đang trong giai đoạn chuyển đổi mô hình kinh doanh và cơ cấu tổ chức với khát vọng trở thành ngân hàng bán lẻ dẫn đầu và được yêu thích nhất.
Ông Nguyễn Cảnh Vinh là người được lựa chọn đảm nhiệm vị trí trí Tổng Giám đốc để “công tác thực thi được triển khai tốt và xuyên suốt theo đúng định hướng đã đề ra” và đồng hành cùng tất cả CBNV SeABank trên con đường chuyển đổi đầy khát vọng.
Theo HĐQT SeABank, với kinh nghiệm làm việc nhiều năm, sự quyết liệt, dám nghĩ dám làm trong công việc và khả năng thu hút nhân tại, tạo động lực và phát triển năng lực cho nhân viên, ông Cảnh Vinh là sự lựa chọn đúng đắn và phù hợp trong vai trò Tổng Giám đốc trong giai đoạn chuyển đổi mô hình hiện nay và sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai.(NDH)