Sắt thép, xi măng xuất khẩu ồ ạt, thu về tỷ đô la; Hà Nội: Phê duyệt quy hoạch chi tiết khu nhà ở xã hội hơn 12 ha tại quận Hà Đông; Lợi nhuận của xổ số miền Nam đồng loạt giảm; Muốn sở hữu GMD nhưng Tae Kwang đã thất bại, CJ Logistics tham gia cuộc đua
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 26-09-2017
- Cập nhật : 26/09/2017
Sea chuẩn bị niêm yết ở Mỹ, cạnh tranh với Alibaba và Amazon
Công ty thương mại điện tử và trò chơi trực tuyến Sea (tên cũ là Garena) đã chính thức nộp đơn xin IPO ở Mỹ. Hiện được định giá hơn 3,75 tỷ USD, Sea sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán New York với mã cổ phiếu "SE", và đang muốn tăng vốn thêm 1 tỷ USD.
Có trụ sở tại Singapore, Sea trở nên thành công như ngày hôm nay nhờ dịch vụ phát hành game trực tuyến Garena, chủ yếu tập trung vào các trò chơi trên PC và điện thoại di động. Nhưng trong những năm gần đây, hãng đã mở rộng sang lĩnh vực thương mại điện tử với ứng dụng mua sắm Shopee và ứng dụng thanh toán AirPay.
Tính đến tháng 6/2017, số người dùng hàng tháng (MAU) của Garena là 40,1 triệu người, còn số người dùng hàng ngày (DAU) là 12,9 triệu, với thời gian sử dụng bình quân 2,3 giờ/ngày. Garena là bộ phận duy nhất tạo ra doanh thu cho Sea, vì công ty vẫn đang tập trung vốn đầu tư cho Shopee, còn AirPay mới chỉ xuất hiện ở 3 thị trường.
Doanh thu của Sea đã tăng trưởng từ 160,8 triệu USD trong năm 2014 lên 345,7 triệu USD vào năm 2016, nhưng đồng thời mức lỗ cũng tăng từ 90,9 triệu USD lên 225 triệu USD.
Sea cho biết công ty thua lỗ chủ yếu là vì phải dồn vốn cho Shopee để cạnh tranh với Lazada nhằm giành thị phần thương mại điện tử (TMĐT) tại Đông Nam Á. Quy mô của thị trường này được dự báo sẽ tăng từ 5,5 tỷ USD trong năm 2015 lên 87,8 tỷ USD vào năm 2025, theo một báo cáo từ Google.
Với mức gia tăng 3,8 triệu người dùng Internet mỗi tháng, tiềm năng tăng trưởng của thị trường Đông Nam Á là cơ sở cho đợt IPO kỳ này của Sea. Và với đà tăng trưởng hiện nay của Shopee, xem ra Sea đang đặt cược đúng chỗ.
Số MAU của Shopee đã đạt 5,4 triệu người trong quý 4/2016, trong đó có 2,3 triệu người mua hàng và 1,9 triệu người bán hàng. Sea cho biết mức GMV (tổng giá trị hàng bán ra) của Shopee đã đạt 1,15 tỷ USD trong năm 2016, và từ đó Sea tuyên bố rằng mình là công ty thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á. Số liệu này chưa được xác nhận.
Lazada từng công bố đạt 1,024 tỷ USD GMV vào năm 2015, nhưng công ty mẹ của hãng là Rocket Internet đã ngừng thông báo các con số chi tiết sau khi Lazada nhận khoản đầu tư trị giá 1 tỉ USD từ Alibaba vào tháng 4/2016.
Dù sao thì đà tăng trưởng của Shopee, vốn mới thành lập vào năm 2015, vẫn thật sự ấn tượng. Sea đã bắt đầu việc tính phí người dùng Shopee trong năm nay, thông qua việc tính phí quảng cáo và bán hàng cho như người dùng tại Đài Loan. Ngoài Đài Loan, Shopee còn hoạt động tại 6 thị trường khác (trong đó có Việt Nam), và Sea cho biết họ có thể xem xét thêm các loại hình tính phí khác.
Đợt IPO của Sea cũng là một sự kiện quan trọng đối với cộng đồng công nghệ Đông Nam Á. Đợt IPO gần đây nhất tại Mỹ của cộng đồng này là vào năm 2014, khi công ty dịch vụ thanh toán MOL niêm yết trên sàn Nasdaq, nhưng sau đó giá cổ phiếu của MOL rớt thảm hại, và khiến hãng bị hủy niêm yết vào năm 2016.
Do đó, đợt IPO của SEA đang được giới đầu tư và startup tại Đông Nam Á đặt nhiều kỳ vọng, với mong muốn rằng sự thành công của nó có thể mở đường cho các dòng vốn mới đổ vào khu vực.
Người hưởng lợi chính từ đợt IPO của SEA sẽ là Tencent (Trung Quốc), hiện là cổ đông lớn nhất với 39,7% cổ phần. Ngoài Tencent, Blue Dolphins Venture - một tổ chức được thành lập bởi nhà sáng lập của Sea là Forrest Li - nắm giữ 15% cổ phần. Cá nhân ông Li cũng nắm 20%, còn giám đốc công nghệ Gang Ye nắm 10%.(NCĐT)
------------------------
Điều kiện xuất, nhập khẩu phân bón
Tổ chức, cá nhân được xuất, nhập khẩu phân bón khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định số 108/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Nguồn ảnh: Báo công thương
Theo Nghị định số 108/2017/NĐ-CP, phân bón xuất khẩu phải bảo đảm phù hợp với quy định của nước nhập khẩu, hợp đồng, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với nước, vùng lãnh thổ liên quan.
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phân bón chưa được công nhận lưu hành tại Việt Nam phải có Giấy phép nhập khẩu thuộc 1 trong các trường hợp sau:
1- Phân bón để khảo nghiệm;
2- Phân bón chuyên dùng cho sân thể thao, khu vui chơi giải trí;
3- Phân bón chuyên dùng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để phục vụ cho sản xuất trong phạm vi của doanh nghiệp; sử dụng trong các dự án của nước ngoài tại Việt Nam;
4- Phân bón làm quà tặng; làm hàng mẫu;
5- Phân bón tham gia hội chợ, triển lãm;
6- Phân bón nhập khẩu để sản xuất phân bón xuất khẩu;
7- Phân bón phục vụ nghiên cứu khoa học;
8- Phân bón làm nguyên liệu để sản xuất phân bón.
Trường hợp tổ chức, cá nhân có phân bón đã được công nhận lưu hành tại Việt Nam được nhập khẩu hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nhập khẩu thì không cần giấy phép nhập khẩu, trừ trường hợp quy định ở trên.
Nghị định số 108/2017/NĐ-CP quy định: Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phân bón ngoài các giấy tờ, tài liệu theo quy định về nhập khẩu hàng hóa thì phải nộp cho cơ quan Hải quan Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước chất lượng phân bón nhập khẩu đối với trường hợp quy định; Giấy phép nhập khẩu phân bón (nộp trực tiếp hoặc thông qua Hệ thống Một cửa quốc gia) đối với trường hợp phân bón chưa được công nhận lưu hành tại Việt Nam.
Tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu phân bón phải tuân thủ các quy định về chất lượng phân bón theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; chấp hành sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; chấp hành các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo quy định của pháp luật có liên quan.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu phân bón.(Chinhphu)
------------------------
Khánh Hòa muốn mở rộng Đặc khu Bắc Vân Phong
UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị tăng gần 3 lần diện tích đất của Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong (Đặc khu Bắc Vân Phong) so với đề xuất trước đây
Ngày 25-9, ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, dẫn đầu đoàn công tác khảo sát thực tế khu vực dự kiến thành lập Đặc khu Bắc Vân Phong và làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa về các nội dung liên quan.
Chọn cả huyện Vạn Ninh
Tại buổi làm việc, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết tỉnh đang nghiên cứu xây dựng phương án thành lập Đặc khu Bắc Vân Phong trên cơ sở toàn bộ diện tích của huyện Vạn Ninh với khoảng 111.000 ha, 13 đơn vị hành chính xã và thị trấn, dân số khoảng 132.000 người.
Trước đó, Khánh Hòa đã trình trung ương xem xét diện tích Đặc khu Bắc Vân Phong chỉ khoảng 66.000 ha.
Đoàn công tác của Quốc hội khảo sát thực tế khu vực dự kiến thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong
Theo ông Vinh, Đặc khu Bắc Vân Phong có nhiều lợi thế về địa lý, thuận lợi về giao thông, tỉ lệ lao động qua đào tạo gần 60%... Khánh Hòa định hướng phát triển đặc khu với 4 nhóm ngành nghề đặc thù: cảng biển và dịch vụ logistics; thương mại - dịch vụ tài chính quốc tế; trung tâm dịch vụ - du lịch vui chơi giải trí cao cấp, casino tầm khu vực và quốc tế; phát triển khoa học kỹ thuật công nghệ cao, y tế, giáo dục, dịch vụ sở hữu trí tuệ… Vốn đầu tư cấp thiết phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho đặc khu khoảng 10.980 tỉ đồng. Tỉnh đang thuê đơn vị nước ngoài tư vấn lập quy hoạch tổng thể.
Bên cạnh đó, Khánh Hòa cũng thống nhất phương án tổ chức chính quyền trưởng đặc khu và cơ quan chuyên môn, không có HĐND và phân cấp cho trưởng đặc khu một số thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành, UBND tỉnh. Cơ quan công an, quân sự đặc khu theo quy định riêng.
Không nên cầu toàn
Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, thắc mắc việc mở rộng diện tích Đặc khu Bắc Vân Phong cần chú ý đến nhiều điểm như miễn visa thì quản lý thế nào, trong khi đường sắt, đường bộ xuyên qua đặc khu? Ông Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, đề nghị: "Cần tính đến cơ chế kiểm soát để bảo đảm 128 quyền của trưởng đặc khu theo Hiến pháp nhưng bảo đảm không lạm quyền".
Theo ông Hoàng Đình Phi, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, không phải nhà đầu tư nào cũng được thuê đất 99 năm mà chỉ dành cho những dự án chiến lược vốn trên 300 triệu USD.
Ông Lê Đức Vinh đề nghị đặc khu phải chịu sự giám sát của HĐND cấp tỉnh. Trong mô hình quản lý có nhà đầu tư chiến lược tham gia.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá với vị trí đặc biệt, bây giờ mới làm đặc khu ở Khánh Hòa là chậm. Do đó, cần phối hợp để sớm ra đời đề án đặc khu. "Chúng ta đừng quá cầu toàn, tất nhiên đây là vấn đề hệ trọng từ kinh tế, chính trị đến an ninh quốc phòng. Đối với ta là mới nhưng thế giới đã làm đặc khu từ những năm 1940. Đây là cơ hội và thách thức, quan trọng là làm thế nào để phát triển lợi thế của đặc khu. Tôi ủng hộ phương án mở rộng địa giới đặc khu so với trước đây. Diện tích quá nhỏ thì không đủ cho phát triển trong tương lai, nhất là phát triển các khu đô thị và chức năng" - ông Lưu bày tỏ quan điểm. (NLĐ)
------------------------
Người Việt sẽ sắm xe hơi ồ ạt trong 6 tháng tới?
Thời báo Tài chính Anh cho biết số người tiêu dùng Việt Nam dự định mua ôtô trong sáu tháng tới gia tăng đáng kể và đang bắt kịp với xu hướng mua sắm ôtô của người tiêu dùng tại các nước láng giềng Đông Nam Á.
Chỉ số mua ôtô thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) do FTCR thực hiện, cùng với số liệu trong bốn năm vừa qua cho thấy sự gia tăng vững về số người tiêu dùng Việt Nam có ý định mua ôtô, cao hơn so với các nước ASEAN khác như Philippines, Indonesia, Thái Lan và Malaysia.
Trong bốn năm trở lại đây, tỷ lệ trung bình người tiêu dùng ở thành thị tại các nền kinh tế ASEAN có ý định mua xe ôtô là 1/4.
Tại Việt Nam, tỷ trọng trung bình trong năm 2016 và 2017 là trên 15%, tăng so với mức 11,9% năm 2013 và là mức cao nhất trong số năm nước ASEAN gồm Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.
Khoảng cách về nhu cầu mua ôtô của người tiêu dùng Việt so với các nước láng giềng ASEAN thu hẹp cho thấy đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong bốn năm vừa qua mang lại sự gia tăng đáng kể về lương và chi tiêu theo sở thích của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam.
Các số liệu chính thức cho thấy doanh số bán ôtô ở Việt Nam tăng mạnh từ năm 2013-2016, tuy có phần chững lại từ đầu năm 2017 tới nay.
Theo nhận định của FTCR, lý do cho chiều hướng chững lại này là việc người tiêu dùng Việt trì hoãn quyết định mua ôtô cho tới năm 2018 để chờ Chính phủ cắt giảm thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN khác từ 30% hiện nay xuống 0%. FTCR dự báo doanh số bán ôtô tại Việt Nam sẽ tăng lên từ năm tới.
Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận thực tế rằng mặc dù nhu cầu mua ôtô tăng lên, song xe máy vẫn là phương tiện vận chuyển phổ biến nhất tại Việt Nam.
Trong sáu tháng đầu năm nay, 38% người tiêu dùng Việt Nam cho biết họ dự định mua xe máy trong sáu tháng tới, cao hơn 8,8 điểm phần trăm so với mức trung bình của các nước láng giềng.(TTXVN)