VAMC tính bán 8 lô đất của Tập đoàn Hoàn Cầu để thu hồi hơn 2.400 tỷ nợ xấu; Tốn thêm 2.000 tỉ dán tem, giá bia sẽ tăng cao; Unilever mua lại Carver Korea với giá 2,7 tỷ USD; Anh có thể phải trả 10 tỷ bảng tiền lương hưu vào 'hóa đơn Brexit'
Tin kinh tế đọc nhanh tối 26-09-2017
- Cập nhật : 26/09/2017
Sắp có mâu thuẫn giữa Trump và Quốc hội Mỹ về việc giảm thuế doanh nghiệp?
Các nhà thương thuyết về thuế của đảng Cộng hòa đang muốn áp thuế doanh nghiệp ở mức 20%, cao hơn con số 15% mà Tổng thống Trump mong muốn.Nguồn ảnh: Dân Trí
Theo Bloomberg, giảm thuế doanh nghiệp là một trong những ưu tiên lập pháp hàng đầu của Tổng thống Trump. Mới cuối tuần rồi, ông Trump cho biết ông hy vọng sẽ giảm thuế doanh nghiệp từ mức 35% hiện tại xuống còn 15%. Kế hoạch thuế mà các lãnh đạo chính phủ và Quốc hội Mỹ xem xét trong tuần này cũng khuyến cáo cắt giảm mức thuế cá nhân cao nhất từ 39,6% xuống 35%.
Trump sẽ đến bang Indiana vào thứ Tư tuần này để phát biểu về vấn đề thuế. Dù nhiều thành viên trong nội các Trump cho biết Tổng thống có thể chấp nhận thỏa hiệp về vấn đề giảm thuế, vẫn có khả năng Trump sẽ phản đối mức thuế doanh nghiệp trên 15%. Trump đã tuyên bố rằng kế hoạch thuế mới sẽ được công bố trong tuần này và gọi đây là “đợt cắt giảm thuế khổng lồ”.
Trong khi đó, Phát ngôn viên Hạ viện Paul Ryan và nhiều lãnh đạo quốc hội khác đã và đang thảo luận về việc áp thuế doanh nghiệp trong ngưỡng 20-24%. Sáu nhân vật quan trọng trong chính quyền Mỹ (Big Six) có liên quan đến vấn đề tài chính, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Gary Cohn, cũng được cho là sẽ cố gắng hạ mức thuế cá nhân cao nhất xuống còn 35%.
Nhà Trắng và các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa đang chuẩn bị thúc đẩy cho luật thuế mới được thông qua trong vài tháng tới, sau khi ông Trump liên tiếp gặp nhiều thất bại về lập pháp. Một trong số các thất bại lớn nhất của Trump là việc hủy bỏ luật bảo hiểm y tế Obamacare.(NCĐT)
-------------------------
Kinh tế miền Trung mạnh ai nấy làm
Do thiếu sự liên kết nên chưa tạo được động lực, không phát huy hết tiềm năng kinh tế của miền Trung
Ngày 25-8, tại TP Đà Nẵng, Ban Điều phối vùng kinh tế duyên hải miền Trung phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức diễn đàn kinh tế miền Trung lần thứ 2 với chủ đề "Con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững" với sự tham gia của hơn 500 đại biểu, gồm các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo doanh nghiệp (DN).
Không gian kinh tế bị chia cắt
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao các kết quả mà vùng duyên hải miền Trung làm được trong 6 năm qua. Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và trực tiếp làm việc với các vùng, địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước, hình thành và phát triển các mô hình hợp tác liên kết vùng hiệu quả, bền vững. Trong đó, tập trung phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng và giữa các vùng, tạo sức lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
"Không thể phát triển kinh tế mà không gian kinh tế bị chia cắt như chúng ta. Động lực của liên kết là gì, không phải tự nhiên 10 tỉnh, thành ngồi lại được với nhau nhiều năm rồi, dĩ nhiên phải có động lực nào đó. Trước hết, nó là lợi ích về kinh tế, xác định thế nào là động lực liên kết, phải chắc các địa phương, các vùng tham gia, tức là tiềm năng, lợi thế so sánh của từng địa phương phải được tôn trọng và phát huy, không chỉ vì bản thân tỉnh đó mà vì lợi ích chung cả vùng, cao hơn là cả nước" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng miền Trung là nơi có nhiều ưu điểm và tiềm năng phát triển kinh tế nhưng kết quả chưa đạt như mong muốn. Tiềm năng của các địa phương giống nhau, triển khai theo hàng ngang, không có tỉnh nào giáp 3 tỉnh, chỉ sát 2 tỉnh nên lợi thế giống nhau.
"Điều này làm cho khả năng xung đột lợi ích lớn hơn. Phải thừa nhận thực tế như vậy, xung đột lợi ích có cơ sở pháp lý, thực tiễn của nó. Vì thế, tiềm năng và lợi thế khó phát huy. Địa phương nào cũng có cảng biển đẹp, nhiều khu kinh tế. Lợi thế vùng này không căn cứ vào thế mạnh từng vùng thì sẽ xung đột rất lớn" - ông Thiên phân tích.
Ông Thiên cũng nhìn nhận miền Trung có đặc khu kinh tế Vân Phong, hơn 40 KCN, đi liền đó là cảng biển, cảng hàng không có nhiều nhưng công nghiệp phát triển không tương xứng. "Nói cảng quốc tế cho oai, cho hãnh diện nhưng khách quốc tế chỉ tập trung một chỗ, còn các nơi khác thì nhen nhóm thôi. Tầm nhìn khu kinh tế cảng biển gắn với hàng không chưa tốt, còn dàn trải và không phát triển. Phải nói rằng các khu kinh tế ở miền Trung đìu hiu nhất. Tỉnh nào cũng hãnh diện mình có nọ có kia nhưng thực ra chả có gì" - ông Thiên nói.
Cần phân công và hợp tác chặt chẽ
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhìn nhận miền Trung có lợi thế quan trọng, trong đó có biển, du lịch nhưng chưa rõ động lực phát triển. "Động lực của đoàn tàu kinh tế miền Trung chắc chắn là kinh tế tư nhân. Miền Trung đang thiếu những DN đầu đàn, nên sắp tới không có cách nào khác là phải tạo môi trường thông thoáng, hỗ trợ cho các DN nhỏ nhưng cũng chăm chút cho DN lớn. Liên kết của miền Trung chính là liên kết của cộng đồng DN. Chính quyền các địa phương và trung ương nên tạo môi trường cho sự liên kết đó" - ông Lộc gợi ý.
Phát biểu kết luận diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo kết nối đã có nhưng chưa thực chất, chưa có chất kết dính trong liên kết vùng ở miền Trung. Kinh tế khu vực này phát triển dưới tiềm năng và mong đợi, GDP bình quân còn thấp, tỉ trọng nông nghiệp lớn nên thu nhập bình quân thấp. Trong xuất khẩu cần hết sức lưu tâm khi vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chỉ đóng góp 2%, trong khi vùng kinh tế trọng điểm hai đầu Bắc - Nam đều trên 30% và 40%.
"Hạn chế của liên kết vùng miền Trung là còn rời rạc và thiếu cơ chế thực hiện các cam kết. Để phát triển bền vững cần phân công và hợp tác chặt chẽ hơn giữa các địa phương trong vùng, trong đó có cảng biển, dịch vụ, khu kinh tế, du lịch biển đảo gắn với lịch sử" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu. (NLĐ)
--------------------------
Sòng bạc ở Canada bị điều tra vì nguồn tiền lớn từ Trung Quốc
Một sòng bạc ở phía nam thành phố Vancouver (Canada), điểm đến ưa thích của giới cờ bạc châu Á, đang bị điều tra về rửa tiền sau khi đón dòng tiền lớn chảy vào ngành công nghiệp cờ bạc và bất động sản tại đây.
Theo Bloomberg, chính quyền tỉnh bang British Columbia hồi cuối tuần trước vừa công bố báo cáo từng được giữ bí mật vào tháng 7.2016, cho hay họ đã điều tra River Rock Casino Resort sau khi khu nghỉ mát kết hợp sòng bạc này nhận 13,5 triệu đô la Canada, tương đương 11 triệu USD, chỉ trong tháng 7.2015. Số tiền lớn trên khiến cơ quan quản lý và thực thi luật cờ bạc của tỉnh bang British Columbia chú ý.
“Tôi tin rằng tỉnh bang chúng ta có thể nỗ lực hơn để chống nạn rửa tiền ở các sòng bạc trong British Columbia. Tôi công bố báo cáo từng được giữ bí mật vào hôm nay”, Tổng chưởng lý mới của bang, ông David Eby, cho biết khi công bố thông tin. Great Canadian Gaming Corp, hãng sở hữu River Rock, cho biết công ty tuân thủ nghiêm ngặt tất cả quy định của nhà nước.
Báo cáo được tiến hành bởi một đơn vị điều tra độc lập, kiểm tra các giao dịch tiền mặt và bản ghi âm trong giai đoạn hai năm, bắt đầu từ tháng 9.2013, tại khu nghỉ mát xa xỉ cách trung tâm thành phố Vancouver 12km về phía nam. Các phòng đánh bài có giới hạn cao có nhân viên phục vụ là người nói tiếng Quảng Đông hoặc tiếng Quan Thoại. Đôi khi, khoản tiền hơn 500.000 đô la Canada được đặt lên bàn cược mà không bị yêu cầu tiết lộ nguồn gốc.
“Căn cứ hợp lý để nghi ngờ hoạt động rửa tiền thông qua việc sử dụng nguồn vốn không được xác định nguồn gốc đã được xác nhận. Tiền mặt không kê nguồn được casino chấp thuận có thể liên quan đến hoạt động tội phạm”, báo cáo viết.
Hầu hết tiền mặt chảy vào sòng bài là từ các khách hàng được nhân viên gọi là “khách VIP cấp cao châu Á”. Nhiều người trong số họ không phải là công dân hoặc là doanh nhân có lợi ích kinh tế ở Vancouver, Trung Quốc. Số tiền được cho là có liên quan đến hoạt động bất hợp pháp sẽ được chuyển đến khách hàng quen nhờ các chương trình diễn ra muộn vào ban đêm, hoặc được chuyển ngay bên ngoài sòng bạc.
Báo cáo được đưa ra giữa lúc ngày càng có nhiều lo ngại rằng thành phố Vancouver, nơi có không ít biệt thự, sòng bạc sang trọng trị giá nhiều triệu đô la, đang trở thành thiên đường cho dòng “tiền nóng”. Giám đốc cơ quan giám sát rửa tiền của Canada, ông Gerald Cossette, cho biết số lượng các giao dịch bị tình nghi có liên quan đến bất động sản Vancouver tăng vọt gần đây. Cơ quan đã và đang làm việc với các nhà môi giới bất động sản địa phương để xác định các giao dịch đáng ngại.
“Ví dụ, bạn làm thế nào giải thích được việc một sinh viên tậu biệt thự trị giá 5 triệu đô la Canada?”, ông Cossette nói. Năm ngoái, ông Eby xác nhận nhiều sinh viên không có thu nhập ở Vancouver tậu đến 57,1 triệu USD giá trị bất động sản để ở. Các bất động sản này tọa lạc tại quận Point Grey. (Thanhnien)
--------------------
Nikkei: Thoái vốn Nhà nước bắt đầu trông giống như 'ảo ảnh'
Các nhà đầu tư đang than vãn về việc Chính phủ Việt Nam tái khởi động kế hoạch bán 12 doanh nghiệp lớn của Nhà nước.
Trước đó vào tháng 9/2016, Chính phủ Việt Nam tuyên bố sẽ bán toàn bộ cổ phần trong những doanh nghiệp này. Một năm sau, họ lại thông báo chỉ sẵn sàng bán một phần trong đó.
Nhiều người nghi ngờ rằng Chính phủ muốn giữ cổ phần của mình trên mức 35% để giữ quyền phủ quyết, trong khi đã bán một số cổ phần với giá cao bất hợp lý.
Gần đây, Chính phủ công bố kế hoạch bán 3,3% vốn Vinamilk, và tiếp tục giữ sở hữu 36%. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đưa ra lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của Nhà nước tại Công ty Cổ Phần Bia Sài Gòn (Sabeco - Mã: SAB) từ 89,6% xuống 35,6%.
Động thái này khác xa so với những hứa hẹn bán toàn bộ cổ phần trước đây.
Chính phủ lên kế hoạch bán 54% cổ phần ở Sabeco, nhưng vẫn nắm giữ 35,6% cổ phần và quyền phủ quyết.
Khát tiền mặt
Việt Nam đối mặt với những áp lực hội nhập kinh tế quốc tế trong việc tư nhân hóa các doanh nghiệp Nhà nước. Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) năm 2007 và đã cam kết thực hiện các thỏa thuận thương mại tự do song phương với nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc. Họ đã cam kết giảm sự kiểm soát của Nhà nước ở các doanh nghiệp để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng.
Tuy nhiên, việc thoái vốn cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước có đang chậm trễ, một phần là vì Chính phủ muốn bán với giá cao.
Trước đây, khi chào bán 9% cổ phần Vinamilk, Chính phủ đã đưa mức giá tối thiểu là 144.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 7,2% so với giá thị trường lúc bấy giờ. Kết quả chỉ có Công ty nước giải khát có trụ sở tại Singapore Fraser and Neave (F&N) là người mua duy nhất, và Chính phủ chỉ có thể bán được 5,4% cổ phần.
Trong kế hoạch bán thêm 3,3%, Chính phủ dự kiến mức giá tối thiểu là 154.000 đồng – cao hơn thị giá 4%.
“Họ rõ ràng muốn bán những con gà đẻ trứng vàng với giá cao nhất có thể”, một chuyên viên ở chi nhánh Công ty môi giới Nhật Bản tại Việt Nam bình luận. Mức giá này không chú ý đến giá trị thị trường hay giá dự kiến của các nhà đầu tư.
Một nhân tố khác đằng sau việc kéo dài thời gian là do lượng cổ tức tiền mặt từ các công ty này giúp lấp đầy vào kho bạc nhà nước.
Chính phủ kiếm được 140.000 tỷ đến 200.000 tỷ đồng cổ tức từ cổ phần trong khoảng 650 công ty. Lượng tiền mặt có thể ít hơn vì một số cổ tức được trả bằng cổ phiếu, nhưng vẫn chiếm phần lớn trong doanh thu của Chính phủ.
Vinamilk chiếm thị phần lớn trong thị trường sữa nội địa và tạo thu nhập cao, mang lại cho Chính phủ khoảng 90 triệu USD cổ tức hàng năm. Trong 5 năm qua, vốn hóa thị trường của công ty đã nhảy vọt 320%.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi Nhà nước không muốn từ bỏ quyền kiểm soát của một công ty vừa phát triển nhanh, vừa tạo ra nhiều tiền như vậy. Dễ dàng nhận ra hơn khi xem xét đến khó khăn tài chính của Chính phủ, do phải hoàn trả các khoản vay phát triển của nước ngoài và tiền thuế thu được giảm đi.
Để tăng thu nhập tiền mặt, Chính phủ đã yêu cầu các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước như VietinBank, BIDV trả cổ tức bằng tiền mặt thay vì bằng cổ phiếu, bắt đầu từ tháng 5 năm ngoái.
Đằng sau bức màn
Theo Nikkei, lợi ích nhóm đang theo túng và làm tăng sự thiếu minh bạch.
Một số nhà điều hành doanh nghiệp nhà nước đã bị bắt vì tội tham nhũng. Điển hình là trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch của Công ty Cổ Phần Cổ Phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC), bị cáo buộc quản lý tài chính gây thiệt hại 150 triệu USD. Đầu tháng 8, ông Thanh đã ra đầu thú.
Năm 2013, hai nhà điều hành cao cấp của Công ty vận tải biển quốc gia Vinalines đã bị kết án tử hình sau khi bị buộc tội biển thủ hàng triệu USD. Những trường hợp này làm nổi bật lợi ích mà các công ty Nhà nước mang lại cho các lãnh đạo cấp cao.
Tony Foster, luật sư người Anh tại Việt Nam cho biết các nhà đầu tư toàn cầu quan tâm đến việc mua lại cổ phần của các công ty nhà nước. Nhưng ông nói rằng nhiều vấn đề đang cản trở những vụ đầu tư, bao gồm sự thiếu minh bạch trong giá chào bán và phương thức đấu giá.
Nếu Việt Nam không thực hiện được lời thoái vốn thì sẽ chịu nhiều hơn các áp lực quốc tế. (Vietnambiz)