Mỹ tăng nhập điều từ Việt Nam vì quá rẻ; Trung Quốc đổ vốn vào nhiệt điện than Việt Nam; Căng thẳng cuộc chiến thép nội - ngoại: 'Chạy' xuất xứ tránh thuế chống bán phá giá
Tin kinh tế đọc nhanh tối 22-06-2018
- Cập nhật : 22/06/2018
Morgan Stanley: Cuộc "tắm máu" chứng khoán Hồng Kông còn lâu mới kết thúc
Đừng bận tâm tới việc mua vào cổ phiếu Hồng Kông.
Đó là quan điểm của các nhà đầu tư chiến lược Morgan Stanley, những người vừa cắt giảm mục tiêu 12 tháng của Hang Seng Index tới 10% xuống mức 27.200 điểm. Dự báo mới cảnh báo sự sụt giảm tới 18% so với đỉnh hồi tháng 1, tạo ra những biến động gần tương tự như thị trường gấu. Hang Seng Index đóng cửa hôm 20/6 ở mức 29.696 điểm.
Lãi suất tăng, đồng nhân dân tệ yếu và những lo ngại trong mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc kéo theo nhiều hệ lụy với tốc độ tăng trưởng ở châu Á cũng như lợi nhuận của các tập đoàn, Morgan Stanley nhấn mạnh.
Các nhà đầu tư chiến lược của Morgan Stanley cũng cắt giảm mục tiêu chiến lược với 6 chỉ số khác trong khu vực. Tuy nhiên, Hồng Kông là nơi đặc biệt dễ bị tổn thương do liên kết với chính sách tiền tệ của Mỹ cũng như sự phụ thuộc vào doanh thu của các công ty Trung Quốc.
"Chúng tôi cho rằng chỉ số Hang Seng có nguy cơ sụt giảm mạnh hơn trong thời gian tới. Các nhà đầu tư nên tập trung vào thời điểm đặc biệt này nhằm giảm mức độ tương tác với những cổ phiếu của Hồng Kông", Chiến lược gia Jonathan Garner viết trong bản ghi chú hôm 20/6.
Chỉ số Hang Seng tăng 0,8% hôm 20/6, đánh dấu phiên tăng điểm đầu tiên trong 5 phiên qua. Nó cũng đánh dấu giai đoạn nghỉ ngơi ngắn kể từ đợt bán tháo trước đó, xóa đi toàn bộ thành quả trong năm 2018. Đồng tệ cũng chấm dứt 2 ngày giảm giá mạnh nhất kể từ năm 2015 sau sự can thiệp của các nhà hoạch định chính sách.(CafeF)
---------------------------
Các thương vụ M&A Trung Quốc chững lại do Mỹ, EU siết chặt quản lý
Mỹ, EU và Nhật Bản đang siết chặt giám sát các thương vụ mua bán sát nhập (M&A) từ Trung Quốc, tránh để nước này nắm trong tay những công ty sở hữu công nghệ tiên tiến có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và cuộc đua công nghệ cao.
Dù đã có những khung hạn chế tầm quốc tế trong việc xuất khẩu vũ khí, nguyên liệu hạt nhân và công nghệ, M&A vẫn là điểm mù của việc chuyển giao các công nghệ nhạy cảm. Nếu Mỹ, EU và Nhật Bản bắt tay trong việc giám sát các thương vụ của Trung Quốc, đây sẽ là hạn chế tầm quốc tế đầu tiên trong lĩnh vực đầu tư xuyên biên giới.
Từ tháng 1 - 3/2018, M&A ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc đạt 25,7 tỷ USD, giảm gần 70% từ mức 85,4 tỷ USD 2 năm trước. Cùng giai đoạn đó, số tiền đổ vào các thương vụ tại Mỹ và EU lần lượt giảm 80% và 90%. Chỉ riêng trong tháng 4, tổng cộng các thương vụ của Trung Quốc tại Mỹ và EU giảm xuống còn 200 triệu USD, dấu hiệu cho thấy các gói thầu M&A của các công ty Trung Quốc đang bị chững lại.
Số lượng các vụ mua lại các công ty công nghệ cao, điển hình cho hiện tượng chảy máu chất xám công nghệ, sụt giảm mạnh mẽ. Từ tháng 4 đến tháng 5, Trung Quốc thực hiện 7 thương vụ M&A thâu tóm các công ty cao của EU và Mỹ, giảm từ con số cao nhất 21 vụ trong giai đoạn tháng 4 - 6 năm 2016.
Tại Mỹ, cơ quan cản trở các thương vụ M&A từ Trung Quốc là Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), chuyên đánh giá các hợp đồng M&A của các công ty nước ngoài trên khía cạnh an ninh quốc gia.
Gần đây, CFIUS đã ngăn chặn việc một chi nhánh tài chính của đại gia thương mại điện tửTrung Quốc Alibaba mua lại công ty cung cấp dịch vụ chuyển tiền quốc tế lớn của Mỹ, MoneyGram. Quyết định của CFIUS được đưa ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại về an ninh. Nhiều người chỉ ra rằng MoneyGram có thể chứa dữ liệu chuyển tiền của các quân nhân do nhiều nhà cung cấp của hãng này nằm gần các căn cứ quân sự.
Chính phủ Trung Quốc đưa ra kế hoạch “Made in China 2015” với tham vọng giúp các doanh nghiệp trong nước đạt được ngôi vị dẫn đầu trên toàn cầu.
Nếu không giám sát các vụ M&A tích cực của Trung Quốc, các ngành công nghệ cao của Mỹ như trí thông minh nhân tạo và robot có thể bị Trung Quốc khai thác vì mục đích quân sự, chuyên gia quan hệ Mỹ - Trung tại đại học Yale, ông Robert Williams cho biết. Chính phủ Mỹ sẽ siết chặt hơn nữa các khoản đầu từ Trung Quốc. Hôm 15/6, Đại diện Thương mại Mỹ, ông Robert Lighthizer cho biết Mỹ sẽ tiến hành hạn chế đầu tư từ Trung Quốc.
EU cũng gia tăng cảnh giác với các động thái của Trung Quốc. Năm 2017, hãng sản xuất thiết bị điện gia dụng Midea của Trung Quốc mua lại nhà sản xuất robot công nghiệp Kuka, vốn dẫn đầu phong trào sáng tạo công nghệ của chính phủ Đức. Thương vụ này làm dấy lên những lo ngại về rò rỉ công nghệ. Tháng 7/2017, chính phủ Đức siết chặt quy định về việc mua lại từ nước ngoài, mở rộng đối tượng thẩm tra của chính phủ lên nhiều lĩnh vực đầu tư, trong đó bao gồm cả chế tạo linh kiện vũ khí. Quy định mới cũng tăng thời gian sàng lọc, trì hoãn các nỗ lực tiếp quản. Anh và Pháp cũng nêu lên ý định hạn chế các vụ mua lại doanh nghiệp trong nước từ nhà đầu tư nước ngoài.
Có nhiều nỗ lực riêng biệt để có một quy định thống nhất về hạn chế M&A trên toàn EU. Tháng 9/2017, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, đề xuất một khung sàng lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài trên các nước thành viên. Các nỗ lực thâu tóm các công ty EU, vốn làm dấy lên lo ngại về khả năng rò rỉ thông tin nhạy cảm bao gồm cơ sở hạ tầng, công nghệ và an ninh, sẽ bị sàng lọc.
Nhưng còn có những nỗ lực mang tầm quốc tế để phối hợp trong việc áp đặt hạn chế. Tại cuộc họp cấp Bộ trưởng hồi tháng 5, quan chức Mỹ, Nhật Bản và EU đã cùng thảo luận để đưa ra giải pháp ngăn chặn các nỗ lực thâu tóm từ Trung Quốc có thể dẫn đến việc rò rỉ công nghệ hoặc tài sản trí tuệ. Hiện nay các cuộc họp cấp cao đang bàn luận đến các vấn đề như thông tin nào nên được chia sẻ giữa các quốc gia. Nếu Mỹ và EU đạt được thỏa thuận, đây sẽ là thỏa thuận quốc tế đầu tiên về vấn đề quản lý các thương vụ mua bán sát nhập.
Nhật Bản cũng đã có những biện pháp chống lại các nỗ lực tiếp quản không mong muốn, dựa trên các sửa đổi Điều luật Ngoại hối và Ngoại thương tháng 10/2017. Nếu một nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trực tiếp tại một công ty Nhật Bản mà không báo cáo với chính phủ, và khoản đầu tư này đe dọa an ninh quốc gia, chính phủ có thể yêu cầu nhà đầu tư bán cổ phần đã mua.
Những nghi ngờ phổ biến về nỗ lực tiếp quản của Trung Quốc bắt nguồn từ bản chất khép kín của thị trường nước này. Trung Quốc đã áp đặt hạn chế lên việc gia nhập thị trường của các công ty nước ngoài và ép họ phải chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp địa phương. Cả Mỹ và EU đều tức giận trước động thái được cho cạnh tranh không lành mạnh này và có thể tiến tới yêu cầu Trung Quốc mở cửa thị trường.(NDH)
------------------------------
Starbucks kinh doanh sa sút, sẽ đóng 150 cửa hàng
Trong 6 quý trở lại đây, doanh thu của Starbucks tại thị trường châu Mỹ, nơi thị trường Mỹ chiếm phần chủ yếu thì có tới 5 quý không đạt kỳ vọng của các chuyên gia ở Phố Wall.
Theo thông tin từ Starbucks, công ty này sẽ đóng 150 cửa hàng hoạt động yếu kém tại Mỹ vào năm tới. Những cửa hàng bị ảnh hưởng thường nằm ở vùng ngoại ô, thị trường đã bão hòa.
Trong buổi họp công bố kết quả kinh doanh quý vào ngày hôm qua, lãnh đạo công ty dự kiến doanh số các cửa hàng đã mở trên một năm (same-store sales) sẽ chỉ tăng trưởng 1% trong quý bắt đầu từ tháng tới, thấp hơn dự đoán trước đó. Cổ phiếu công ty đã giảm 3,5% trong vài giờ giao dịch sau đó.
Trong những năm gần đây, Starbucks đối mặt với mức độ cạnh tranh ngày càng lớn từ các cửa hiệu cà phê cao cấp và những chuỗi cửa hiệu đồ ăn nhanh như McDonald và Dunkin Donuts. Trong 6 quý trở lại đây, doanh thu của Starbucks tại thị trường châu Mỹ (nơi thị trường Mỹ chiếm đa số) thì có tới 5 quý không đạt kỳ vọng của các chuyên gia ở Phố Wall.
Ông Tony Scherrer - Giám đốc nghiên cứu của Smead Capital Management nói: "Đã qua rồi cái thời mà Starbucks dễ dàng khiến cho người ta mê đắm với các sản phẩm của mình".
Tháng trước, Starbucks đã đóng cửa 8.000 cửa hàng vào một buổi chiều ngày 29/5 để đào tạo lại 175.000 nhân viên sau bê bối không đáng có liên quan tới vụ việc 2 vị khách da màu bị bắt giữ tại một cửa hàng ở Philadelphia. Việc này đã làm trì hoãn việc ra mắt chiến dịch xuân hè của Starbucks tới 2 tuần.
Để thúc đẩy tăng trưởng, Starbucks lên kế hoạch sẽ phát triển nhiều loại đồ uống có lợi cho sức khỏe hơn như trà ít đường trước những mối quan tâm ngày càng căng của khách hàng về sức khỏe. Công ty nói rằng trong năm 2018, doanh thu của Frappucino sẽ giảm 3%. Năm ngoái, doanh thu của các loại đồ uống ít đường tăng 4% so với mức 5% năm 2016 và 17% năm 2015.(CafeF)
------------------------
Điện gió Việt Nam chưa hấp dẫn nhà đầu tư
Quy hoạch điện VII Điều chỉnh đặt ra mục tiêu đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức 140 MW (năm 2016) lên khoảng 800 MW vào năm 2020, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỷ trọng khoảng 0,8% vào năm 2020, khoảng 1% vào năm 2025 và khoảng 2,1% vào năm 2030.
Giá điện gió chưa đủ hấp dẫn
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các cơ chế chính sách ưu tiên, khuyến khích các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt hướng tới sử dụng các nguồn năng lượng điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối để thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch trong tương lai.
Vẫn có rất ít dự án điện gió được triển khai tại Việt Nam.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), các cơ chế này giúp tình hình phát triển điện gió tại Việt Nam có nhiều khởi sắc, tuy nhiên vẫn còn chậm. Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 7 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 190 MW được đưa vào sử dụng.
“Trong khi đó, các nước trên thế giới đều đã phát triển và tận dụng thành công những lợi ích từ điện gió đem lại. Gần đây nhất, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang có những bước phát triển mạnh mẽ đối với lĩnh vực này và thu được những kết quả ngoài mong đợi”, ông Thành lấy ví dụ.
Phân tích sâu hơn từ những nguyên nhân khiến điện gió phát triển chậm trễ, ông Thành cho rằng, vẫn còn nhiều rào cản trong phát triển nguồn năng lượng này. Cụ thể là những khó khăn về sử dụng đất, vốn, việc đấu nối giải tỏa công suất, hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ mới và hiệu quả, nguồn dự phòng…
“Hiện giá điện gió chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư. Bộ Công Thương đang nghiên cứu để đưa ra một giá điện gió hài hòa hơn trong thời gian tới nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các nguồn năng lượng tái tạo và phù hợp với công nghệ hiện nay trên thế giới”, ông Thành cho hay.
Nguồn lực chờ chính sách
Theo chuyên gia tư vấn về năng lượng gió của Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) Nguyễn Thế Mịch, Việt Nam hiện có khoảng 60-70 dự án điện gió với tổng công suất đầu tư lên tới khoảng 700 MW, song điều đáng lưu ý là số dự án đang triển khai thực tế còn khá hạn chế. Có dự án mới ở giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, có dự án đã bắt đầu những bước tiếp theo nhưng còn cầm chừng, chờ những chính sách phù hợp…
Chuyên gia Nguyễn Thế Mịch cho rằng, để thực sự phát triển điện gió, mấu chốt là Nhà nước phải đưa ra được chính sách động viên được các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này. Khi có giá phù hợp, khả năng đầu tư vào điện gió sẽ bùng nổ.
Nhận xét về tiến trình phát triển điện gió tại Việt Nam, ông Steve Sawyer, Tổng thư ký Hiệp hội Điện gió Toàn cầu (GWEC) bày tỏ, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện tính hiệu quả, minh bạch trong các quy định của thị trường cũng như quy trình đấu thầu mua sắm. “Nếu GWEC có thể hợp tác với Chính phủ Việt Nam giải quyết một số vấn đề về quy định pháp lý, ngành điện gió Việt Nam sẽ có thể phát triển mạnh mẽ, mang lại những lợi ích to lớn, đồng thời giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế”, ông Steve Sawyer khuyến cáo.
Theo các chuyên gia năng lượng, việc phát triển các nguồn năng lượng mới, nhất là các nguồn năng lượng sạch và có khả năng tái tạo như năng lượng gió phụ thuộc rất nhiều vào những phát triển của công nghệ, cũng như mức giá của các nguồn năng lượng đó. Đây cũng là một trong những trở ngại không nhỏ trong việc phát triển điện gió ở Việt Nam.
Có thể thấy rõ điều này khi thời gian qua, để đầu tư phát triển điện gió, toàn bộ công nghệ Việt Nam vẫn phải mua của nước ngoài với giá thành rất cao so với hai loại năng lượng truyền thống là thủy điện, nhiệt điện. Trong khi đó, tình hình thời tiết tại Việt Nam khá phức tạp, nhiều vùng biển hay xuất hiện bão khiến các thiết bị phát điện gió rất dễ bị hỏng, trục trặc trong quá trình hoạt động.
Các chuyên gia cho rằng, để giảm tính bất trắc và tăng niềm tin của thị trường cũng như nhà đầu tư trong triển khai các dự án điện gió, Việt Nam cần tiếp tục chuẩn hóa hợp đồng mua bán điện cho các dự án điện gió, được các tổ chức tài chính quốc tế chấp thuận; quy trình phê duyệt dự án cần được đơn giản hóa, rõ ràng, minh bạch và có thời hạn cụ thể(VOV)