Chuyên gia ADB: Việt Nam nên rà soát việc ưu đãi thuế để cơ cấu nguồn thu; Rúp Nga giữ ngôi đồng tiền thể hiện tốt nhất thế giới; 9 tháng, tăng trưởng tín dụng tại TP.HCM đạt 13,5%; Rủi ro tiềm ẩn với cơn sốt đất ở Đồng Nai
Tin kinh tế đọc nhanh 26-09-2017
- Cập nhật : 26/09/2017
OPEC đã không còn điều khiển được giá dầu?
OPEC dường nhưng đang rất vui mừng khi giá dầu tăng lên, nhưng đó liệu có phải là vì thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà họ đã thực thi...Nguồn ảnh: Market Watch
Bài viết thể hiện quan điểm của ông Julian Lee, nhà chiến lược dầu mỏ của Bloomberg First Word. Trước đây, ông từng là nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Toàn cầu.
OPEC đang trải qua những ngày tháng tốt lành, nhưng xem ra tổ chức này sẽ sớm phải đương đầu với một viễn cảnh nhiều khó khăn. Bởi vì sự thực là OPEC đã mất quyền lực điều khiển giá dầu toàn cầu.
Tỷ phú dầu đá phiến người Mỹ Harold Hamm vừa nói với Bloomberg TV hôm thứ Sáu tuần trước rằng các dự báo về tăng trưởng sản lượng dầu của Mỹ đang quá lạc quan và đang bóp méo giá dầu trên toàn cầu. Tin tức đó đã được chào đón hoan hỉ bởi các bộ trưởng dầu mỏ của các nước thành viên OPEC, khi họ nhóm họp ở Vienna để thảo luận về hiệu quả của thỏa thuận cắt giảm sản lượng của khối này.
Đó không phải là tin tức tốt duy nhất đến với OPEC. Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết trong báo cáo ngày 21/9 rằng OPEC đang ở rất gần mức mục tiêu mà họ đặt ra cho dự trữ dầu toàn cầu, ít nhất là ở các thị trường phát triển.
Thêm vào đó, những con số mới nhất từ tổ chức Oil Movements có trụ sở tại Vương quốc Anh cho biết lượng dầu thô được vận chuyển trên các tàu chở dầu đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2015, cùng với tâm lý đang gia tăng rằng thị trường dầu thô đang thắt chặt.
Thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà OPEC đề ra với các thành viên trong và ngoài khối cuối cùng đã cho ra hiệu quả như mong muốn. Mức tuân thủ của các bên tham gia thỏa thuận là rất ấn tượng.
Theo Hamm, các nhà dự báo của chính phủ Mỹ đã sai lầm khi không nhận ra rằng các nhà sản xuất đá phiến của Mỹ cuối cùng đã bắt đầu tập trung vào hiệu suất đầu tư thay vì tăng trưởng bằng mọi giá. Khi giá dầu sụt giảm với sự phục hồi sản lượng của Nigeria và Libya trong quý II/2017, các nhà khai thác dầu đá phiến đã cắt giảm đầu tư, kéo theo sản lượng sụt giảm.
Kết quả là, mặc dù dự báo của Bộ Năng lượng Mỹ vào tháng trước cho rằng sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ đạt 9,82 triệu thùng/ngày vào tháng 12/2017, Liên minh Các nhà Sản xuất Năng lượng Nội địa Mỹ (DEPA) – tổ chức mà Hamm làm chủ tịch – lại dự báo con số này là 9,35 triệu thùng.
Hamm cho rằng một khi thị trường công nhận lỗi dự báo của chính phủ Mỹ, giá dầu thô có thể tăng lên 60 USD/thùng từ khoảng 50 USD/thùng như hiện tại. Đó là tin tốt cho OPEC. Tổ chức này đang nhắm mục tiêu "gần 60 USD/thùng", Bộ trưởng Dầu mỏ Nigeria Emmanuel Ibe Kachikwu nói với Bloomberg TV hôm thứ Sáu.
Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để OPEC có thể ăn mừng.
Sản lượng của Mỹ sẽ sớm hồi phục?
Hamm, CEO của Continental Resources, nhà sản xuất dầu lớn nhất trong vùng lưu vực Bakken, cho biết ông không tin rằng bây giờ là thời điểm thích hợp để bắt đầu phòng vệ giá dầu cho năm tới. Không phải ai cũng đồng ý với Hamm. Theo các nhà phân tích của Citigroup và BNP Paribas, các nhà sản xuất dầu đang đẩy mạnh hoạt động phòng ngừa rủi ro khi giá dầu tương lai WTI 2018 vượt ngưỡng 50 USD/thùng. Việc bảo hiểm rủi ro sẽ giúp đảm bảo doanh thu và hỗ trợ tăng sản lượng đá phiến trong năm tới, ngay cả khi giá dầu giảm trở lại.
Do đó, OPEC vẫn phải đối mặt với cùng một vấn đề như lúc giá dầu bắt đầu suy giảm vào năm 2014. Dường như mức giá mà họ đang theo đuổi sẽ có tác dụng ngược là kích thích tăng trưởng cung dầu của đối thủ. Nhìn từ hướng khác, có một câu hỏi quan trọng hơn: liệu ngành dầu đá phiến của Mỹ có thể thay thế OPEC với tư cách là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến giá dầu?Các quan sát của Hamm về phản ứng nhanh chóng của các nhà sản xuất tại Mỹ đối với giá cả suy yếu trong quý II cho thấy điều này có vẻ đã trở thành hiện thực.
Thử thách sắp tới đối với quyền lực của OPEC sẽ xảy ra nếu giá dầu tiếp tục tăng như đã tăng trong suốt quý III/2017. Nếu các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ đáp lại tín hiệu này bằng cách tăng đầu tư và sản lượng, thì đó sẽ dấu hiệu cho thấy chính họ chứ không phải là OPEC mới là người đóng vai trò quyết định trong cân bằng cung cầu dầu mỏ.
Nhưng có lẽ một nghiên cứu được xuất bản hồi đầu tuần bởi các nhà phân tích tại Wood Mackenzie là điều mà OPEC thực sự muốn nghe. Theo báo cáo này, nếu không có sự đổi mới công nghệ để vượt qua áp lực hồ chứa, sản lượng dầu đá phiến từ lưu vực Permian tại Mỹ có thể chạm đỉnh sớm ngay từ năm 2021. Khi đó, đà bùng nổ sản lượng dầu đá phiến sẽ phai nhạt dần và thế giới sẽ trở lại "bình thường", và nhu cầu gia tăng sẽ một lần nữa đáp ứng bởi các nước OPEC cốt lõi và Nga. Nhưng lịch sử 158 năm của ngành dầu mỏ đã dạy cho chúng ta một điều rằng, đây là một ngành thường xuyên có rất nhiều đột phá về công nghệ (và từ đó kéo theo gia tăng sản lượng). (NCĐT)
--------------------------------
S&P: Rủi ro nợ của Trung Quốc đang tăng lên
Tình trạng tín dụng gia tăng nhanh tại Trung Quốc đã buộc S&P phải đưa ra cảnh báo và hạ bậc tín dụng của nước này.Nguồn ảnh: Bloomberg
Hôm thứ Năm, cơ quan đánh giá tín dụng Standard & Poor's cho biết họ đã hạ một bậc xếp hạng tín dụng của Trung Quốc xuống còn A+, với cảnh báo rằng "một giai đoạn tăng trưởng tín dụng kéo dài đã làm gia tăng nguy cơ kinh tế và tài chính của Trung Quốc".
Động thái này xem ra là một tin không mong muốn đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong khi ông cố gắng xây dựng hình ảnh một Trung Quốc mạnh mẽ và ổn định trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng tới.
Những lo ngại về dư nợ tín dụng tăng cao trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đặc biệt là trong khối doanh nghiệp, không phải là chuyện gì mới mẻ. Nhiều nhà kinh tế, nhà đầu tư, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và thậm chí cả ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã cảnh báo về điều này trong nhiều năm qua. S&P chỉ là cái tên mới nhất xuất hiện trong danh sách này. Cách đây 4 tháng, Moody's đã hạ xếp hạng tín dụng của Trung Quốc (lần đầu kể từ năm 1989), còn Fitch thì làm điều đó từ tận năm 2013.
Mark Williams, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics, nói: "Chuyện này không có gì mới mẻ đối với bất cứ ai chịu khó theo dõi Trung Quốc trong những năm gần đây”.
Chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu kiềm chế lại tình trạng vay vốn tràn lan của các công ty tư nhân trong năm nay, nhưng S&P vẫn cho rằng "tăng trưởng tín dụng trong vòng 2-3 năm tới vẫn sẽ duy trì ở mức làm tăng rủi ro tài chính".
Việc S&P hạ bậc tín dụng của Trung Quốc vào lúc này "đã gây lúng túng cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc, ngay trước thềm Đại hội Đảng vào tháng tới", Williams nói. Hồi tháng 5, Bắc Kinh đã phản ứng giận dữ trước việc bị Moody's hạ bậc, và cho rằng phương pháp đánh giá của cơ quan này là "không thích hợp".
Hôm thứ Sáu, Bộ Tài chính Trung Quốc đã tuyên bố việc S&P hạ bậc tín dụng của nước này là một "quyết định sai lầm", và cho rằng đây là kết quả từ "sự hiểu lầm lâu dài về nền kinh tế Trung Quốc, dựa trên kinh nghiệm của các nước phát triển".
Mặc dù lo ngại về tình hình dư nợ tín dụng gia tăng, S&P cũng cho biết họ không có ý định hạ bậc tín dụng của Trung Quốc thêm một lần nữa trong thời gian tới, với dự đoán rằng Trung Quốc "sẽ duy trì được tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong vòng 3-4 năm tới".(NCĐT)
----------------------
Mỹ cấm dân Triều Tiên, Venezuela nhập cảnh
Chính phủ Mỹ ngày 24-9 thông báo chỉnh sửa lệnh cấm nhập cảnh với dân sáu nước Hồi giáo đầy tranh cãi Tổng thống Donald Trump ban hành hồi tháng 3, thêm Triều Tiên, Venezuela, Chad vào và loại Sudan khỏi danh sách.
Lệnh cấm này sẽ có hiệu lực từ ngày 18-10 tới. Như vậy, tổng cộng có tám nước bị Mỹ đưa vào danh sách gồm ba nước mới Triều Tiên, Venezuela, Chad và năm nước cũ Iran, Libya, Somalia, Syria, Yemen. Những người đã có visa được miễn khỏi lệnh cấm.
Tổng thống Trump vừa duyệt đưa Triều Tiên, Venezuela cấm nhập cảnh vào Mỹ. Ảnh: SCMP
Theo các quan chức Mỹ, một số tiêu chí để Mỹ liệt các nước vào danh sách là dựa vào mức độ hợp tác về an ninh với Mỹ, mức độ đe dọa của nước đó với an ninh Mỹ.
“Hôm nay chúng tôi hành động, thiết lập chuẩn an ninh tối thiểu nhập cảnh vào Mỹ nhằm bảo vệ an toàn và an ninh người dân Mỹ. Chúng tôi không thể tiếp tục các chính sách thất bại trước kia, vốn mang lại hiểm nguy không thể chấp nhận được cho đất nước chúng ta. Bổn phận cao nhất của tôi là đảm bảo an toàn và an ninh cho người dân Mỹ. Và với việc ra sắc lệnh đi lại mới này, tôi đang thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng này” - Tổng thống Trump tuyên bố ngày 24-9.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Một tiêu chí để Mỹ quyết định cấm nhập cảnh là mức độ đe dọa của nước đó với an ninh Mỹ. Ảnh: SCMP
Lệnh cấm dân các nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ gây phản đối lớn và cả thách thức pháp lý tại Mỹ. Ban đầu danh sách cấm này có cả Iraq nhưng sau đó Mỹ quyết định loại Iraq ra vì lo ngại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự can dự quân sự của Mỹ tại nước này. Việc chỉnh sửa, bỏ Sudan và thêm vào ba nước Triều Tiên, Venezuela, Chad là kết quả của quá trình xem xét lại lệnh cấm này vì bị chỉ trích.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ chủ yếu áp dụng với quan chức chính phủ, không cấm tuyệt đối với người dân. Ảnh: SCMP
Nhiều nhà quan sát nhận định lệnh cấm nhập cảnh với dân Triều Tiên và Venezuela thực ra chủ yếu mang tính biểu tượng. Thực tế chỉ có khoảng 110 công dân Triều Tiên có visa vào Mỹ trong năm tài khóa 2016. Trong khi đó lệnh cấm nhập cảnh với Venezuela áp dụng chủ yếu với các quan chức chính phủ, không hẳn với người dân. Như vậy, việc đưa thêm các nước này vào danh sách không thay đổi nhiều bản chất đây vẫn là lệnh cấm Hồi giáo.
Theo dự kiến thì vào ngày 10-10 tới, Tòa án Tối cao sẽ mở phiên tranh luận tính hợp pháp của lệnh cấm này, xem lệnh cấm có phân biệt đối xử với người Hồi giáo, vi phạm Hiến pháp Mỹ như một số tòa án cấp thấp đã phán quyết trước đó.(PLO)
---------------------------------
Đề nghị EU lùi xem xét thẻ vàng với hải sản Việt Nam
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, kim ngạch xuất khẩu hải sản đánh bắt của Việt Nam hằng năm đạt từ 1,9-2,2 tỉ USD
Trước đó, sau đợt đánh giá tại Việt Nam từ ngày 15 đến 19-5, đoàn công tác của Tổng vụ các vấn đề Biển và Thủy sản của Ủy ban châu Âu đã có 5 nhóm khuyến cáo và yêu cầu Việt Nam khắc phục liên quan đến chống khai thác (hải sản đánh bắt từ biển như mực, bạch tuộc, cá ngừ, tôm sắt, cá biển…) bất hợp pháp trước ngày 30-9. Nếu Việt Nam không khắc phục tốt và đầy đủ, có khả năng EU sẽ trừng phạt bằng cách cảnh báo thẻ vàng (yellow card). Trong đó, có nhóm khuyến cáo về pháp lý và thực thi cần phải đưa vào luật và chờ Quốc hội thông qua. Vì vậy, Việt Nam đề nghị EU lùi thời hạn xem xét vấn đề thẻ vàng để có thời gian khắc phục. Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng nhìn nhận vấn đề thực thi các quy định về chống khai thác trái phép không dễ dàng, cần các bên liên quan hành động ngay mới đáp ứng yêu cầu.
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám đưa ra tại hội nghị Doanh nghiệp (DN) hải sản cam kết chống khai thác bất hợp pháp (IUU) do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức chiều 25-9 tại TP HCM.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, kim ngạch xuất khẩu hải sản đánh bắt của Việt Nam hằng năm đạt từ 1,9-2,2 tỉ USD. Trong đó, thị trường EU chiếm khoảng 400 triệu USD. Mỹ (kim ngạch 350 triệu USD/năm) cũng có kế hoạch chuẩn bị hệ thống kiểm soát nhập khẩu hải sản nhằm chặn khai thác bất hợp pháp từ ngày 1-1-2018. Nếu bị thẻ vàng, 100% container hải sản xuất khẩu xuất sang EU sẽ bị giữ lại từ 3-4 tuần để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Nếu lô hàng đạt, DN phải tốn phí đến 700 euro/container, không đạt sẽ bị trả hàng, tổn thất lên đến 10.000 euro. Sau thời gian bị thẻ vàng, nước bị cảnh báo sẽ có 6 tháng để khắc phục thiếu sót, nếu không được đánh giá cải thiện, EU sẽ chuyển sang cảnh báo thẻ đỏ, đồng nghĩa với cấm xuất khẩu các loại hải sản khai thác sang EU.
Trước tình hình trên, các DN hải sản đã đồng cam kết chống khai thác bất hợp pháp. Hiện có hơn 50 DN đăng ký tham gia tự nguyện, đóng phí ban đầu 20 triệu đồng/DN và sau đó là dựa trên doanh thu xuất khẩu hải sản để đóng phí nhằm thực thi các chương trình hành đồng như phổ biến, tập huấn cho ngư dân, thương nhân tại các cảng cá; nâng cấp và thiết lập trung tâm dữ liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc hải sản.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam - thành viên Ban Điều hành chống khai thác hải sản bất hợp pháp thuộc VASEP, thay mặt các DN cam kết chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ tàu cá khai thác hợp pháp, không thu mua hải sản khai thác bất hợp pháp, nói không với hải sản quý hiếm, hải sản đánh bắt có kích cỡ nhỏ hơn quy định. (NLĐ)