Mỹ đẩy mạnh bán tôm hùm sang Việt Nam; Xuất khẩu cá cảnh 2018 sẽ đạt hơn 20 triệu USD; Ô tô con Trung Quốc tăng nhập vào Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh 13-08-2017
- Cập nhật : 13/08/2017
Facebook đang bí mật tìm cách tái thâm nhập Trung Quốc
Facebook đã tung ra ứng dụng chia sẻ ảnh mang tên Colorful Balloons vào tháng 5/2017 để tiếp cận Trung Quốc, sau khi bị cấm ở nước này kể từ năm 2009.
Facebook đã tung ra ứng dụng chia sẻ ảnh mang tên Colorful Balloons vào tháng 5/2017 để tiếp cận Trung Quốc, sau khi bị cấm ở nước này kể từ năm 2009.Nguồn ảnh: VPN Ranks
Facebook đã tìm ra một cách mới để thâm nhập Trung Quốc: bí mật tung ra một ứng dụng dưới một cái tên khác.
Theo một nguồn tin của New York Times (NYT) cho biết, ứng dụng chia sẻ ảnh mang tên Colorful Balloons (Bong bóng đủ màu) đã được Facebook tung ra vào tháng 5 để giúp công ty tiếp cận Trung Quốc, nơi mà Facebook đã bị cấm hoạt động kể từ năm 2009. Facebook đã cho biết mục tiêu kết nối thế giới sẽ không thể thành hiện thực nếu không có quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng từ chối khẳng định những chi tiết mà NYT đã đưa tin.
Facebook cho biết: "Từ lâu, chúng tôi đã nói rằng chúng tôi quan tâm đến Trung Quốc, và đang dành thời gian để hiểu và học hỏi nhiều hơn về đất nước này theo những cách khác nhau. Điều mà chúng tôi hiện đang chú trọng là giúp các doanh nghiệp và các nhà phát triển Trung Quốc mở rộng sang các thị trường mới bên ngoài Trung Quốc, bằng cách sử dụng nền tảng quảng cáo của chúng tôi."
Facebook từ lâu đã quan tâm đến hơn cộng đồng 700 triệu người sử dụng internet ở Trung Quốc, những người hiện đang sử dụng các mạng xã hội nội địa như WeChat của Tencent Holdings. Nhà sáng lập kiêm CEO của Facebook là Mark Zuckerberg đã có những nỗ lực không ngừng để thuyết phục các nhà chức trách Trung Quốc, bao gồm cả việc học tiếng Quan Thoại và khen ngợi một cuốn sách của Chủ tịch Tập Cận Bình. Anh thậm chí đã đăng một bức hình chạy bộ qua quảng trường Thiên An Môn hồi năm ngoái, gây nhiều chú ý trên các mạng xã hội.
Nhà chức trách Trung Quốc gần đây đã tăng cường kiểm duyệt các mạng xã hội và các dịch vụ tin nhắn, trong đó có việc chặn một phần ứng dụng WhatsApp thuộc sở hữu của Facebook vào tháng trước. Để lách lưới kiểm soát, một số người dùng Trung Quốc đã dùng đến các mạng VPN - mặc dù chính phủ cũng đã từng nhiều lần tìm cách kiểm soát những công cụ này.(NCĐT)
------------------------------
Vì Triều Tiên, chứng khoán thế giới mất 1.000 tỉ USD
Căng thẳng Triều Tiên vài ngày qua đã tác động mạnh đến chứng khoán thế giới. Từ đầu tuần đến giờ chứng khoán thế giới đã bốc hơi 1.000 tỉ USD khi các nhà đầu tư đua nhau bán tháo, tìm tới các kênh an toàn hơn như đồng yen Nhật, đồng franc Thụy Sĩ, vàng, trái phiếu chính phủ.
Cổ phiếu châu Âu giảm liên tục trong ba ngày liên tiếp. Phố Wall ở Mỹ cũng không thoát được xu hướng này. Có thể nói chứng khoán Mỹ đang trải qua tuần tồi tệ nhất kể từ sau đợt giảm khi ông Donald Trump thắng cử tổng thống hồi tháng 11-2016. Chứng khoán Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc, Hong Kong đều giảm mạnh. Trong khi giá cổ phiếu giảm không phanh thì các đồng yen, franc, trái phiếu chính phủ lại tăng giá.
Sàn chứng khoán Frankfurt (Đức) trong ngày giao dịch 7-8. Ảnh: REUTERS
Triều Tiên đang là điểm nóng nhất thế giới với nguy cơ xảy ra xung đột đang rất cao. Sau khi bị Hội đồng Bảo an LHQ ra nghị quyết trừng phạt, Triều Tiên tuyên bố sẽ không từ bỏ hạt nhân, không loại trừ khả năng tấn công Mỹ, ra kế hoạch nã tên lửa đảo Guam của Mỹ. Về phần Mỹ, chỉ trong ba ngày ông Trump đã hai lần đe dọa tấn công vũ lực Triều Tiên.
“Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với tình hình Triều Tiên. Trước đây thị trường không thật sự phản ứng với diễn biến bán đảo Triều Tiên, vì chúng tôi nhận thức đó phần lớn là đe dọa một phía từ Triều Tiên. Nhưng lần này lại khác, sự đe dọa đã tăng lên một mức khác hẳn, thị trường không thể chịu đựng được rủi ro” - Reuters dẫn lời nhà chiến lược chứng khoán Neil Mellor (Mỹ).
Vài tuần trước khi có đợt căng thẳng mới này quanh vấn đề Triều Tiên, nhiều thị trường chứng khoán thế giới khởi sắc mạnh đã làm tăng khả năng bán ra. Căng thẳng Triều Tiên tăng cao là chất xúc tác làm bung làn sóng này.(PLO)
-----------------------
Mỗi tháng chi gần 9.000 tỉ đồng trả lãi nợ vay
Trong bảy tháng đầu năm, chi đầu tư phát triển khoảng 119.000 tỉ đồng, chi 62.290 tỉ đồng trả lãi nợ vay và chi thường xuyên 511.000 tỉ đồng.
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết bảy tháng đầu năm 2017, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 666.000 tỉ đồng (làm tròn), bằng 55% dự toán năm, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng thu nội địa ước đạt 532.500 tỉ đồng, bằng 53,8% dự toán năm, tăng 9,4% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, số thu tiền sử dụng đất tăng mạnh nhất với 30% so với cùng kỳ 2016, đạt 93,5% dự toán năm.
Trong khi đó, các khoản thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh đạt thấp, như thu tiền bán cổ phần sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạt 16,7% dự toán năm, thu cổ tức và lợi nhuận của các tập đoàn và tổng công ty (nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ) đạt 40,7% dự toán năm.
Số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng chỉ đạt 105.500 tỉ đồng, bằng 58,7% so với dự toán.
Cũng thông tin này, số chi trong bảy tháng đạt 695.000 tỉ đồng, bằng 50% dự toán năm và tăng 8,7% so với cùng kỳ 2016, trong đó chi đầu tư phát triển khoảng 119.000 tỉ đồng, chi 62.290 tỉ đồng trả lãi nợ vay và chi thường xuyên 511.000 tỉ đồng.(Tuoitre)
------------------------
OPEC bơm thêm dầu bất chấp thỏa thuận hạ sản lượng
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang chật vật để giữ lời hứa cắt giảm sản lượng.
Theo CNN, giá dầu thô Mỹ hạ 1% hôm 11.8 sau khi báo cáo mới của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy các nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới đang chật vật để tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
OPEC và nhiều nước sản xuất dầu lớn khác, trong đó có Nga, đồng ý hạ sản lượng hồi tháng 11 trong nỗ lực giảm dư cung toàn cầu và kéo giá cả lên cao. Hồi tháng 5, các nước này đồng ý kéo dài thỏa thuận đến cuối tháng 3.2018.
Dù vậy, sức mạnh của thỏa thuận dường như đang biến mất. IEA, cơ quan giám sát xu hướng thị trường năng lượng cho các nước giàu nhất thế giới, cho biết mức độ tuân thủ thỏa thuận của OPEC hạ xuống mức thấp nhất là 75% hồi tháng 7. Tỷ lệ tuân thủ thỏa thuận của các nước không phải thành viên OPEC còn thấp hơn, ở mức 67%.
Trong OPEC, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Iran là hai trong số những nước không tuân thủ thỏa thuận nhiều nhất, trong khi Kuwait và Ả Rập Xê Út làm đúng như những gì đã hứa. Mexico là nước không thuộc OPEC duy nhất tuân thủ đầy đủ thỏa thuận. Tổng cộng, nhóm các nước này sản xuất nhiều hơn mức đã được đồng ý 470.000 thùng/ngày.
Từ năm 1989 đến nay, OPEC từng nhiều lần cắt giảm sản lượng như đợt đàm phán hồi năm ngoái. Trong giai đoạn đó, các nhà sản xuất trong nhóm này vẫn có vài tháng bơm dầu nhiều hơn hạn ngạch. Hiệu quả của đợt cắt giảm sản lượng mới nhất cũng bị cản trở bởi dầu thô Mỹ. IEA cho hay nhu cầu mạnh hơn đang giúp thị trường cân bằng hơn, song vẫn cảnh báo rằng các nhà sản xuất cần phải thêm nỗ lực để thuyết phục giới đầu tư về quyết định hạ sản lượng.(Thanhnien)