Ông Trump quyết trị Trung Quốc chuyện ăn cắp chất xám; Người mua căn hộ Mường Thanh có quyền khởi kiện; Hàng dệt may Triều Tiên "made in China" xuất khẩu khắp thế giới; Xuất khẩu cả nước ước đạt hơn 115 tỷ USD, tăng gần 19%
Tin kinh tế đọc nhanh tối 12-08-2017
- Cập nhật : 12/08/2017
Thép Trung Quốc bị EC áp thuế chống phá giá lên tới 28,5%
Ủy ban châu Âu (EC) đã quyết định áp thuế chống bán phá giá mới đối với các loại thép không gỉ nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong tuyên bố, EC nhấn mạnh sau 8 tháng điều tra, cơ quan này nhận thấy mặt hàng trên của Trung Quốc được hưởng lợi từ các chính sách trợ giá không công bằng, do đó EC quyết định áp thuế mới từ mức 17,2% - 28,5%.
EC cho rằng việc áp thuế mới sẽ góp phần khôi phục ngành công nghiệp thép của Liên minh châu Âu (EU), vốn điêu đứng nhiều năm nay do mặt hàng thép Trung Quốc tràn ngập thị trường châu Âu.
Chính sách này sẽ tác động tới ba tập đoàn Shougang, Shagang, Hesteel cùng một số doanh nghiệp xuất khẩu thép khác của Trung Quốc.
Theo quy định, các tập đoàn và những doanh nghiệp liên quan sẽ có 25 ngày để đệ đơn lên tòa án có thẩm quyền đề nghị xem xét lại quyết định trên của EC.
Tuy nhiên, trong phản ứng mới nhất, Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng EC liên tục đưa ra cách tiếp cận "không công bằng và phi lý" trong quá trình điều tra, từ đó dẫn tới việc áp thuế chống bán phá giá ở mức quá cao đối với các mặt hàng của Trung Quốc, làm suy giảm lợi ích của các doanh nghiệp nước này.
Trong những năm gần đây, EU đã áp thuế chống bán phá giá đối với nhiều mặt hàng thép của Trung Quốc, mới đây nhất là đối với các sản phẩm thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ nước này.(Bnews)
----------------------
Các nước châu Âu tiếp tục “khát” khí đốt của Nga
Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Nga, xuất khẩu khí đốt của Nga trong 6 tháng đầu năm nay tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2016, lên 103 tỷ m3, doanh thu từ xuất khẩu khí đốt tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt 17,891 tỷ USD.
Theo Gazprom, từ đầu năm, nhu cầu tiêu thụ khí đốt của Nga tại Tây Âu và Trung Âu tăng mạnh với thống kê cho thấy xuất khẩu khí đốt của Nga sang Đức tăng 16,4%, sang Áo tăng 74,2%, sang Slovakia tăng 27,7%, sang Cộng hòa Séc tăng 27,1%.
Ngoài ra, xuất khẩu khí đốt của Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng 23,4%, sang Hungary tăng 25,9%, sang Hy Lạp tăng 12,2%, sang Macedonia tăng 70,6%.
Đầu tháng Sáu, Phó Giám đốc điều hành Gazprom, Aleksandr Medvedev cho biết trong năm 2017 Gazprom có thể xuất khẩu khoảng 180 tỷ m3 khí đốt sang các nước cách xa Nga, nhờ việc dỡ bỏ hạn chế vận chuyển khí đốt theo đường ống Opal nối với đường ống chạy dưới đáy biển Baltic dẫn trực tiếp khí đốt của Nga sang Tây Âu.
Hiện Gazprom giữ độc quyền sử dụng 50% công suất vận chuyển của tuyến đường ống dẫn khí đốt Opal, tương đương gần 12,8 tỷ m3.
Ngoài ra, Ủy ban châu Âu (EC) cho phép Gazprom tham gia đấu thầu để tiếp cận thêm 40% công suất vận chuyển của Opal, tương đương gần 10,2 tỷ m3.
Đường ống dẫn khí đốt Opal có công suất vận chuyển 36 tỷ m3 khí đốt/năm.
Quyết định trên đã gây ra phản ứng gay gắt tại một loạt nước. Tháng 12 /2016, Chính phủ Ba Lan và công ty PGNiG nộp đơn khiếu kiện lên Tòa án châu Âu, nói rằng quyết định của EC đi ngược lại nguyên tắc đa dạng nguồn cung.
Sau đó, Tòa ra đã phán quyết tạm thời đình chỉ quyết định của EC. Tuy nhiên, tuần trước quyết định này đã bị hủy bỏ, theo đó cho phép đơn vị khai thác Opal đưa ra bán đấu giá sớm hơn công suất còn lại của tuyến đường ống mà chưa được sử dụng.
Theo ông Miller, Gazprom buộc phải đưa vào khai thác tất cả những tuyến vận chuyển có thể do nhu cầu cao của Liên minh châu Âu (EU) đối với khí đốt Nga.
Ông Miller nhấn mạnh việc Gazprom có được công suất bổ sung của đường ống Opal không làm giảm lưu lượng công suất vận chuyển tại Ba Lan. Ngược lại, đường ống dẫn khí đốt Yamal đi qua lãnh thổ Ba Lan trong tuần đầu tiên của tháng Tám đã hoạt động ở mức tối đa.
Hơn nữa, vào đầu tháng Tám, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký gói các biện pháp trừng phạt Nga mới, theo đó hạn chế đối với việc xây dựng các đường dẫn ống khí đốt mới.
Các biện pháp trừng phạt có thể được áp đặt đối với những doanh nghiệp đầu tư hơn 5 triệu USD/năm hoặc một lần 1 triệu USD.
Theo giới chuyên gia năng lượng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể ảnh hưởng tới giá khí đốt tại châu Âu, khi giá “năng lượng xanh” được bán cho các nước EU có thể đắt thêm 30%.(Vietnam+)
------------------------
Loại bỏ ngay các thủ tục làm phát sinh chi phí của doanh nghiệp
Tại Nghị quyết số 75/NQ-CP của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Chính phủ đã thống nhất chủ đề năm 2017 là giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Nghị quyết nêu rõ, với tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ thống nhất chủ đề năm 2017 là giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Theo đó, người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện các biện pháp giảm mức phí và chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
Tại Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp loại bỏ ngay các thủ tục, quy định làm phát sinh chi phí không chính thức của doanh nghiệp; thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức.
Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch hoạt động quản lý nhà nước.
Rà soát, giảm chi phí tuân thủ điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện; bãi bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết, làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp, gây cạnh tranh không bình đẳng.
Chủ động chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, đơn giản hóa và cải tiến quy trình, thủ tục kiểm tra, kiểm dịch, kiểm soát, kiểm nghiệm, thẩm định và các hoạt động có liên quan đến cấp giấy phép và các giấy tờ khác.
Trên cơ sở đó tiếp tục đề xuất giảm mức thu phí gắn với hoạt động chuyên môn nghiệp vụ có liên quan trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền.
Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các đơn vị rà soát, đề xuất các biện pháp đơn giản hóa và cải tiến quy trình chuyên môn nghiệp vụ nhằm giảm mức thu phí gắn với hoạt động chuyên môn nghiệp vụ có liên quan trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh giảm mức thu phí.
Các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế rà soát, cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành với mục tiêu giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30 - 35% hiện nay xuống 15%.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát và loại bỏ ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện kiểm tra nhà nước trước khi thông quan của 12 bộ chuyên ngành, hoàn thành trước tháng 6 năm 2018.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, chỉ đạo giảm phí sử dụng đường bộ thu qua trạm BOT. Bộ Công Thương có giải pháp giảm chi phí logistic đến năm 2018 xuống 25%/GDP, đến năm 2020 xuống 20%/GDP.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ để minh bạch hóa các giao dịch thanh toán của doanh nghiệp.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam rà soát về vấn đề tiền lương phù hợp với năng suất lao động. Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trước mắt chưa nâng mức đóng bảo hiểm y tế để không tạo sức ép, không tăng chi phí đối với doanh nghiệp và người lao động.
Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước tiết giảm ít nhất 10% chi phí sản xuất, kinh doanh. Người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chỉ tiêu tiết giảm chi phí. Các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, chống lợi ích nhóm, tiêu cực và tham nhũng.
Thủ tướng giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức sơ kết việc thực hiện giảm chi phí cho doanh nghiệp; báo cáo kết quả gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 15/10/2017.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan rà soát toàn bộ các loại chi phí chính thức khác ngoài phí, lệ phí theo quy định pháp luật phí, lệ phí và chi phí phát sinh để làm các thủ tục liên quan đến cấp phép đầu tư, cấp giấy phép xây dựng, tiếp cận đất đai... đối với doanh nghiệp cần phải cắt giảm trong các lĩnh vực, đề xuất giải pháp giảm; báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 10/2017.
Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có các cơ quan, đơn vị đang cung cấp các dịch vụ công và thu phí thống nhất mức giảm phí liên quan đến chi phí của doanh nghiệp, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc ban hành theo thẩm quyền; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp điều chỉnh giảm mức phí đối với các khoản phí thuộc thẩm quyền.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương đánh giá kết quả giảm chi phí cho doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết này và tiếp tục rà soát, đề xuất cụ thể việc cắt giảm mức phí và loại phí thuộc phạm vi quy định của pháp luật phí, lệ phí; báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 10/2017.(tapchitaichinh)
------------------------
Thu nội địa đạt 532,5 nghìn tỷ đồng trong 7 tháng
Theo thông báo mới nhất về tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 7/2017 của Bộ Tài chính, số thu nội địa lũy kế đến hết tháng 7/2017 ước đạt 532,5 nghìn tỷ đồng.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành đẩy mạnh kiểm tra, giám sát kê khai thuế của người nộp thuế; tăng cường chống thất thu thuế, thu hồi nợ đọng; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế GTGT và khai thác tăng thêm nguồn thu cho NSNN; tăng cường công tác hỗ trợ, đối thoại với doanh nghiệp để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Nhờ đó, tháng 7/2017, thu nội địa vào ngân sách nhà nước ước đạt 79,3 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 14 nghìn tỷ đồng so với tháng 6, chủ yếu do tháng 7 là thời hạn các doanh nghiệp thực hiện kê khai nộp các khoản thuế và thu ngân sách phát sinh trong quý II/2017 theo chế độ quy định; đồng thời, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh có xu hướng tăng, cho thấy đà tăng trưởng của nền kinh tế đã có ảnh hưởng tích cực đến số thu NSNN.
Lũy kế đến hết tháng 7, thu nội địa ước đạt 532,5 nghìn tỷ đồng, bằng 53,8% dự toán năm, tăng 9,4% so cùng kỳ năm 2016; trong đó: (i) thu tiền bán bớt cổ phần sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạt 16,7% dự toán năm, bằng mức thực hiện cùng kỳ năm 2016; (ii) thu cổ tức, lợi nhuận còn lại của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ đạt 40,7% dự toán năm, giảm 11%; (iii) thu tiền sử dụng đất ước đạt 93,5% dự toán năm, tăng 29,8%; (iv) thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 77,9% dự toán năm, tăng 13,8%; (v) các khoản thu nội địa còn lại đạt 53,7% dự toán năm, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Tiến độ thu ngân sách của các địa phương cơ bản đạt khá so dự toán năm và tăng so với cùng kỳ năm trước. Ước tính cả nước có 43/63 địa phương thu nội địa đạt từ 56% dự toán năm trở lên, trong đó không kể thu tiền sử dụng đất và thu xổ số kiến thiết thì có 12 địa phương đạt trên 62% dự toán năm; 52/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2016.
Trong những tháng còn lại của năm 2017 và thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tuc thực hiện nghiêm các giải pháp về thu và chống thất thu NSNN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra sau thông quan, kiểm tra hoàn thuế GTGT, chống chuyển giá, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế theo đúng Luật quản lý thuế, tích cực thu hồi nợ đọng thuế, tránh tình trạng nợ đọng lớn, kéo dài.(Tapchitaichinh)