Các cổ đông đánh nhau, Uber rơi vào tình trạng hỗn chiến; Tỉ phú Amazon Jeff Bezos mất ngôi giàu nhì thế giới; Dự trữ hàng ngàn tỷ đô, kinh tế Trung Quốc sẽ không thể sụp đổ?; Giá cả thị trường nhà đất đắt đỏ nhất thế giới lại bay cao
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 12-08-2017
- Cập nhật : 12/08/2017
Kinh tế Trung Quốc đạt thành tích ấn tượng kể từ khủng hoảng tài chính
Trong một phát biểu mới đây, nhà kinh tế trưởng Paul Sheard của tập đoàn cung cấp dịch vụ thông tin tài chính S&P Global (Mỹ) nhận định kinh tế Trung Quốc đã đạt được những thành tích ấn tượng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Kể từ quý 4/2008, GDP thực tế tính theo quý của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng trung bình 8,2%/năm, cao hơn nhiều so với các mức tương ứng 1,4% của Mỹ và 0,4% tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).
Trung Quốc đạt được kết quả này không chỉ nhờ việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, mà còn nhờ các chính sách đối phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng.
Theo ông Sheard, Trung Quốc đã thành công trong việc giảm bớt sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhu cầu bên ngoài và dựa nhiều hơn vào nhu cầu nội địa, đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể làm gia tăng các khoản nợ, do đó, chương trình cải cách kinh tế tại Trung Quốc có vai trò rất quan trọng.
Ông Sheard cho rằng Bắc Kinh cần tiếp tục tiến hành cải cách về thể chế và định hướng thị trường, tạo những chương trình ưu đãi để sử dụng vốn hiệu quả, nâng cao quản lý doanh nghiệp, tái cân bằng nền kinh tế với việc giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động đầu tư và hướng nhiều hơn vào tiêu dùng của các hộ gia đình như một động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng sống.
Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, trong nửa đầu năm nay, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 6,9%, trong bối cảnh khu vực dịch vụ và sức tiêu thụ đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế.(Vietnam+)
-----------------------
Đại án Ngân hàng Xây dựng: Vay 4.700 tỉ, thiệt hại 2.500 tỉ đồng
Theo kết luận của Ngân hàng Nhà nước, việc bảo lãnh cho 12 doanh nghiệp vay 4.700 tỉ đồng của BIDV đã gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng (VNCB) hơn 2.500 tỉ đồng.
Kết quả điều tra ban đầu xác định tháng 9-2013, ông Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch hội đồng quản trị VNCB) đã chủ động tìm đến Ngân hàng BIDV gặp ông Đoàn Ánh Sáng (phó tổng giám đốc phụ trách ban khách hàng doanh nghiệp) và ông Trần Lục Lang (phó tổng giám đốc phụ trách quản lý rủi ro) đặt vấn đề giới thiệu khách hàng của VNCB qua BIDV vay vốn theo đề án chuỗi liên kết 4 nhà (chủ đầu tư - nhà thầu - nhà cung cấp vật liệu xây dựng - ngân hàng).
Danh đã dùng tài sản đảm bảo là 6 lô đất tại sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) và 3.070 tỉ đồng của VNCB gửi tại Ngân hàng BIDV để bảo lãnh khoản vay và được BIDV cho vay tổng số tiền 4.700 tỉ đồng.
Trong số đó riêng BIDV chi nhánh Gia Định đã cho 3 công ty vay số tiền 1.170 tỉ đồng.
Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ vay vốn bằng tên của 12 doanh nghiệp do Danh thành lập, rồi thuê tài xế, bảo vệ... đứng tên đại diện pháp luật.
Thuộc cấp của Danh đã lập các hợp đồng mua bán vật liệu xây dựng đầu vào của 12 công ty này với 4 công ty (cũng do Danh lập ra). Sau khi hồ sơ vay vốn được lập xong, mỗi công ty được vay từ 320 - 460 tỉ đồng.
Số tiền 4.700 tỉ đồng được giải ngân vào tài khoản của 12 doanh nghiệp và được Danh rút ra, chuyển vào tài khoản của nhiều cá nhân...
Theo kết luận của Ngân hàng Nhà nước, việc bảo lãnh cho 12 doanh nghiệp vay 4.700 tỉ đồng của BIDV đã gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.500 tỉ đồng.
Trong 25 người bị khởi tố liên quan đại án tại VNCB giai đoạn 2 có 2 người nguyên là lãnh đạo Sacombank, 3 nguyên cán bộ Ngân hàng TPBank, 3 nguyên cán bộ Ngân hàng BIDV chi nhánh Gia Định cùng 17 thành viên các công ty.(Tuoitre)
Danh sách 25 người bị khởi tố
* Trầm Bê, nguyên phó chủ tịch HĐQT, chủ tịch hội đồng tín dụng Sacombank
* Phan Huy Khang, nguyên TGĐ Sacombank
* Đặng Thị Bích Thủy, nguyên PGĐ khối khách hàng doanh nghiệp TPBank
* Đinh Việt Cường, nguyên GĐ khối khách hàng doanh nghiệp TPBank
* Đỗ Việt Bun, nguyên trưởng nhóm khách hàng doanh nghiệp 1 TPBank
* Hoàng Long Hà, nguyên PGĐ BIDV chi nhánh Gia Định
* Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên trưởng phòng khách hàng 1 BIDV chi nhánh Gia Định
* Nguyễn Vũ Bảo, nguyên CB phòng khách hàng BIDV chi nhánh Gia Định
* Vũ Viết Minh Quân, nguyên GĐ Công ty Long Khánh
* Nguyễn Tiến Dũng, nguyên GĐ Công ty Thịnh Phát
* Phạm Hoài Thanh, nguyên GĐ Công ty Thạch Hà
* Nguyễn Ngọc Tuấn, nguyên TGĐ Công ty An Phát
* Hà Văn Bình, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty Đại Phát Việt Nam
* Đỗ Phương Nam, nguyên PGĐ Công ty Đại Phát Việt Nam
* Nguyễn Thế Linh, nguyên TGĐ Công ty Thuận Phát
* Lê Duy Thọ, nguyên GĐ Công ty Kỳ Nam
* Ong Khắc Chung, nguyên GĐ Công ty Khánh Chi
* Trần Quang Huy, nguyên GĐ Công ty Toàn Phát
* Đỗ Minh Thủy, nguyên GĐ Công ty Đức Long
* Nguyễn Quốc Thịnh, nguyên GĐ Công ty Thịnh Quốc
* Nguyễn Ngọc Thái, nguyên GĐ Công ty Quốc Thắng
* Lê Văn Tuấn, nguyên GĐ Công ty Thiên Trang Phạm
* Nguyễn Thị Kim Vân, nguyên GĐ Công ty Hương Việt
* Nguyễn Việt Hà, nguyên TGĐ quỹ Lộc Việt
* Nguyễn Thị Cẩm Vân, nguyên nhân viên quỹ Lộc Việt.
--------------------------------------------
FPT bán 30% vốn FPT Retail cho Dragon Capital và VinaCapital
Việc thoái vốn nằm trong định hướng giảm sở hữu tại FPT Retail xuống dưới 50% của FPT.
Tập đoàn FPT (mã CK: FPT) vừa thông báo đã hoàn tất việc chuyển nhượng 6 triệu cổ phiếu (30% vốn) tại Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) cho các quỹ thuộc Dragon Capital và VinaCapital. Sau thương vụ này, sở hữu của FPT tại FPT Retail giảm từ 85% xuống 55%.
FPT Retail hiện là nhà bán lẻ lớn thứ 2 tại Việt Nam. Tính đến hết tháng 7/2017, công ty đang vận hành 438 cửa hàng trên phạm vi toàn quốc.
Theo Euromonitor và Retail Asia Publishing, với doanh thu 15.717 USD trên mỗi m2, FPT Retail hiện đang là nhà bán lẻ hiệu quả nhất xét về chỉ tiêu doanh thu trên diện tích sàn.
Năm 2017, FPT Retail đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu 27,5% và lợi nhuận trên 40% thông qua đẩy mạnh doanh thu trên mỗi cửa hàng, tiếp tục mở rộng quy mô chuỗi bán lẻ. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của FPT Retail đạt 6.193 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ, với lợi nhuận sau thuế 141 tỷ, tăng 44%.
Ông Andy Ho, Giám đốc VinaCapital đánh giá: “Tiêu dùng là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư của VinaCapital. Nhu cầu về điện thoại và thiết bị di động của người dân Việt Nam rất lớn và đây được xem là công cụ thứ hai của họ để giao tiếp và truy cập internet”.
Trước đó đầu tháng 8, Hội đồng quản trị FPT cũng đã ra nghị quyết về việc thoái vốn FPT Retail với 2 bước cụ thể, bao gồm việc giảm sở hữu từ 85% xuống 55% thông qua việc bán cho nhà đầu tư tổ chức và sau đó sẽ bán tối đa 10% để giảm sở hữu xuống dưới 50%.(Vnexpress)
-------------------------
Tiềm năng xuất khẩu gạo trực tiếp vào Singapore còn khá lớn
Nhằm thúc đẩy xuất khẩu hơn nữa hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường Singapore, trong đó có mặt hàng gạo, Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Singapore tổ chức đoàn xúc tiến thương mại gạo cùng với 8 doanh nghiệp hàng đầu sang Singapore vào đầu tháng Tám này.
Đoàn đã làm việc với các cơ quan chức năng của Singapopre như Bộ Công Thương (MTI), Cục doanh nghiệp quốc tế (IES) và Cục kiểm dịch kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm (AVA) để tìm hiểu về chính sách quản lý, tình hình xuất nhập khẩu, cơ chế trung chuyển đối với mặt hàng gạo tại Singapore.
Chế biến gạo xuất khẩu tại Xí nghiệp Chế biến lương thực cao cấp Tân Túc, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Đặc biệt, đoàn cũng làm việc với các hệ thống siêu thị phân phối bán lẻ lớn nhất Singapore như NTUC Fair Price, Giant, Sheng Siong, Hiệp hội rau quả, để thiết lập quan hệ và cơ chế hợp tác lâu dài, tìm hiểu cơ chế mua hàng cũng như tìm hiểu cách thức làm thế nào để đưa trực tiếp hàng hóa Việt Nam bày bán tại hệ thống siêu thị này thay vì thông qua các thương nhân quốc tế.
Qua các buổi làm việc và khảo sát thực tế tại thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam đã hiểu rõ được chính sách quản lý mặt hàng gạo của Singapore, nhu cầu thị hiếu của thị trường, yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng cũng như cách thức để thâm nhập trực tiếp vào hệ thống siêu thị của Singapore.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có cơ hội được gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với bộ phận mua hàng của các siêu thị và doanh nghiệp phân phối hàng đầu của Singapore để tuyên truyền giới thiệu về sản phẩm gạo của mình, về khả năng cung cấp cũng như khả năng cạnh tranh cả về chất lượng và giá cả.
Ông Lê Xuân Minh, đại diện Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, cho biết đợt xúc tiến tìm hiểu thị trường lần này cho thấy tiềm năng và nhu cầu xuất khẩu các sản phẩm gạo chất lượng cao của Việt Nam, đặc biệt là gạo thơm sang Singapore còn khá lớn.
Trong khi đó, bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lương thực-Thực phẩm Long An, bày tỏ mong muốn có thể ký hợp đồng xuất khẩu trực tiếp với các nhà bán lẻ của Singapore mà không cần phải thông qua các trung gian là thương nhân quốc tế như trước kia nhằm giúp công ty tăng sản lượng xuất khẩu các mặt hàng như gạo, miến, mỳ, phở... từ 15.000 tấn/năm hiện nay lên xấp xỉ 25.000 tấn/năm.
Về phía Singapore, đại diện các cơ quan hữu quan, hệ thống siêu thị cũng như doanh nghiệp phân phối của nước này nhìn chung đều có đánh khá tốt về chất lượng hàng nông sản Việt Nam và cho biết hiện đã có rất nhiều hàng hóa của Việt Nam được bày bán tại hệ thống siêu thị của họ tại Singapore như gạo, thủy sản, rau quả.
Riêng đối với mặt hàng gạo, hiện Việt Nam xuất khẩu sang Singapore chiếm 20% thị phần tại nước này (với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 80 triệu SGD, 80.000-90.000 tấn/năm), là nhà xuất khẩu gạo lớn thứ 3 vào Singapore chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan.
Các loại gạo nhập khẩu chủ yếu của Singapopre hiện nay là gạo trắng, gạo thơm, gạo Thái Hom Mali, gạo lứt hoặc gạo nâu, gạo nếp, gạo đồ và gạo tấm; trong đó Việt Nam hiện xuất khẩu sang Singapore chủ yếu là gạo trắng chiếm khoảng 81%, gạo nếp chiếm 14% và gạo tấm 7%.
Ông Lim Hock Leng, Giám đốc điều hành Hệ thống siêu thị Sheng Siong, cho biết doanh nghiệp này đã nhập khẩu gạo Việt Nam từ năm 2010.
Ngoài ra, trong hệ thống siêu thị của Sheng Siong còn có các sản phẩm khác của Việt Nam như hàng tạp hóa, rau quả.
Ông Lim Hock Leng nhấn mạnh: "Nhìn chung, thị trường Singapore khá ưa chuộng các loại gạo của Việt Nam. Có thể thấy rằng từ năm 2010 đến nay, doanh số bán gạo của Việt Nam tại hệ thống siêu thị Sheng Siong đã có xu hướng tăng lên. Gạo Việt Nam rất cạnh tranh về giá và có chất lượng cao."
Hiện phía Singapore cho biết vẫn có nhu cầu và tiếp tục đa dạng hóa nguồn nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm từ nhiều quốc gia trên thế giới vì nước này hàng năm phải nhập khẩu đến hơn 90% lương thực, thực phẩm để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Do vậy, để có thể xuất khẩu nhiều hơn nữa và đưa trực tiếp mặt hàng gạo của Việt Nam vào hệ thống siêu thị Singapore, vấn đề quan trọng nhất là Việt Nam cần chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và giá cả cạnh tranh.
Ngoài ra, phía Singapore cho biết sẵn sàng hợp tác với Bộ Công Thương, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore tổ chức Hội chợ hay Tuần hàng Việt Nam tại hệ thống các siêu thị vào năm tới để góp phần tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam có chất lượng cao đến người tiêu dùng Singapore(Vietnam+)